main billboard

Cụ Phan đã theo lệnh vua nhiều lần gặp gỡ với Pháp để điều đình nhưng phía Pháp vì có binh lực áp đảo nên những cuộc điều đình không đi đến kết quả và thường tan vỡ.


150nam phanthanhgian 1
Quan khách và ban tổ chức cùng cắt băng khai mạc buổi kỷ niệm 150 năm Phan Thanh Gian tuẫn tiết. (Hình: Uyên Nguyễn/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Nhân 150 năm nhà yêu nước Phan Thanh Giản tuẫn tiết, Viện Việt Học phối hợp cùng hậu duệ dòng họ Phan Thanh và nhiều nhân sĩ trí thức các nơi đã đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm tại Viện Việt Học trên đường Brookhurst, Westminster vào sáng hôm Chủ Nhật 9 Tháng Bảy.

Khán giả đồng hương đến tham dự, đông chật trong và ngoài phòng hội của Viện.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngân đại diện ban tổ chức đã lên ngỏ lời khai mạc buổi kỷ niệm, cám ơn sự tham dự đông đảo của mọi người quan tâm đến lịch sử Việt Nam, mong qua cuộc sinh hoạt này mọi người cùng nhìn lại lịch sử và hiểu rõ hơn.

Cô Kim Ngân cũng cám ơn đến các vị hậu duệ của dòng họ Phan cùng là những nhân sĩ trí thức đến từ Pháp và Úc Châu để cùng nhau tổ chức được buổi lễ kỷ niệm có nhiều ý nghĩa này.

Cô Phan Khanh, cháu 6 đời của cụ Phan Thanh Giản, với dáng dấp tự tin, trình bày bài thuyết trình dài hơn 30 phút, gồm 9 phần, mỗi phần đề cập đến một khía cạnh liên quan đến nhà yêu nước Phan Thanh Giản đã tuẫn tiết vì không giữ được thành trước cuộc xâm lăng của quân Pháp.

Bài thuyết trình đề cập đến những mốc trong lịch sử vào thời cụ Phan Thanh Giản là một vị quan lớn trong triều Tự Đức, nhà Nguyễn, đang phải đương đầu với cuộc xâm lăng của quân Pháp với những vũ khí vượt trội quân lính triều đình. Cụ Phan đã theo lệnh vua nhiều lần gặp gỡ với Pháp để điều đình nhưng phía Pháp vì có binh lực áp đảo nên những cuộc điều đình không đi đến kết quả và thường tan vỡ.

Bài thuyết trình của cô Phan Khanh cũng phân tích đến hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Tất cả mọi phạm vi trong cuộc sống, nhất là phải đối đầu với một cuộc chiến tranh không cân sức, đều còn trong tình trạng thấp kém. Chẳng hạn như khi quân Pháp chiếm được Đà Nẵng rồi kéo quân vào Nam mở cuộc đánh chiếm ba tỉnh miền Đông. Quân Pháp chỉ đi có một tuần trong khi đó quân của triều đình phải mất một tháng mới tới, thì quân Pháp đã đánh chiếm được nhiều nơi tại ba tỉnh này rồi.

Cô Phan Khanh cũng nêu ra nhiều tài liệu chứng minh cho thế bất khả của cụ Phan, như chính vua Tự Đức đã ban lệnh xác nhận để quân Pháp được vào Đà Nẵng. Bằng những tài liệu này, cùng với nhiều tài liệu khác sưu tầm được, cô Phan Khanh dù không trực tiếp bênh vực cho thế bất khả kháng của cụ Phan Thanh Giản, nhưng cũng giúp người nghe hiểu rằng cụ Phan đã phải ở vào cái thế “gặp thời thế thế thời phải thế” để trong niềm uất ức phẫn nộ vì lòng yêu nước mà không làm gì hơn được nên đã chọn cái chết theo thành bị mất. Trong phần 5 của bài thuyết trình cô có ý nhắc tới những luận điểm của những nhà nghiên cứu sử cộng sản Việt Nam đã đánh giá sai lầm về cụ Phan Thanh Giản cũng như nhiều chi tiết, sự việc khác trong lịch sử, chỉ vì cái nhìn theo quan điểm Mác Xít của họ.

Bài thuyết trình của cô Phan Khanh thu hút người tham dự, nên cho dù khá dài nhưng trong phòng hội vẫn không có một tiếng động.

150nam phanthanhgian 2
Đồng hương đến tham dự không có chỗ ngồi nên tản ra ngòai hành lang xem triển lãm những chi tiết lịch sử về cụ Phan Thanh Giản, một nhà yêu nnước đã tuẫn tiết vì không ngăn được quân Pháp xâm lược. (Hình: Uyên Nguyễn/Người Việt)

Tiếp lời cô Phan Khanh là ông Phan Thanh Thu, cháu 5 đời của cụ Phan Thanh Giản. Ông Phan Thanh Thu nêu ra những tài liệu cụ thể chứng minh cho cái thế “bất khả” của cụ Phan trong nỗ lực chống thực dân Pháp. Những tài liệu và hình ảnh ông đưa ra để khán giả có được những so sánh ngay giữa vũ khí của binh lính Pháp và quân triều đình. Trong khi quân Pháp được vận chuyển bằng tàu thủy có máy chạy nhanh chóng thì quân ta chỉ có ngựa. Trong khi vũ khí của quân Pháp, bắn được hàng loạt, sức sát thương tới hơn 300 mét thì quân triều đình chỉ có loại súng hỏa mai và các khẩu đại bác có nòng bằng gỗ và đạn thì không cùng kích cỡ với nòng súng…

Tất cả những chi tiết được ông Phan Thanh Thu nêu ra đều được triển lãm trong phòng hội bằng ảnh chụp lớn. Phòng triển lãm cũng trưng bầy luôn bài thuyết trình của cô Phan Khanh mà cô nói với Người Việt rằng cô phải bỏ ra một năm trời để tra cứu viết thành bài thuyết trình hôm nay.

Sau phần thuyết trình chính, một số quan khách thân hữu cũng lên trình bầy một vài suy nghĩ của mình về cụ Phan Thanh Giản trong lịch sử chống Pháp của dân tộc. Người việt quốc gia, được học lịch sử chân chính từ nhỏ nên đều có lòng tôn kính ngưỡng mộ tinh thần và khí tiết của một nhà yêu nước. Nhưng người cộng sản, vốn bị buộc phải có cái nhìn lịch sử theo sử quan Mác Xít nên đã phủ nhận uy tín của cụ Phan Thanh Giản.

Giáo Sư Nguyễn Trung Quân trong dịp này đã nhắc đến tổ chức Phan Thanh Giản Foundation được các cựu học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ thành lập để nêu cao khí tiết của một nhà yêu nước, là biểu tượng tinh thần của người miền Nam, muốn đưa ngọn lửa đó đến các thế hệ con em mai sau.

Một điểm đặc biệt trong buổi kỷ niệm này là ban tổ chức đã để những người trẻ tham gia vào phần hành điều hành chương trình và lễ nghi trên sân khấu.