Trong số 816,000 người ghi danh hiến tủy, chỉ có 4% là người gốc Việt.
Em Trish Trần và anh Conrado Calanoc trong lần gặp gỡ đầu tiên. (Hình chụp từ màn hình TV NBC Bay Area)
ROSEVILLE, California (NV) – Em Trish Trần, học sinh lớp 9, sống ở Roseville, một thị trấn nhỏ ở phía Bắc Sacramento, California, vừa được gặp một cựu chiến binh Mỹ, người gốc Philippines, mà em không quen biết, nhưng lại là ân nhân cứu mạng em, hôm 1 Tháng Bảy tại San Jose. Đó là anh Conrado Calanoc, hiện đang sống ở miền Nam California, và là người hiến tủy giúp em vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, có tên là Aplastic Anemia.
Câu chuyện xảy ra thật bấy ngờ và kết thúc như một cuốn phim có hậu.
Tháng Năm, 2015, đi học về, em kêu mệt với mẹ.
“Tôi không nghĩ gì cả. Cháu kêu mệt thì tôi nói cháu nằm nghỉ một lát, rồi ra ăn uống một miếng gì đó là khỏe ngay thôi,” bà Nga Trần, mẹ của em, kể. “Không dè cháu càng ngày càng thấy mệt mỏi hơn. Lúc đó tôi để ý thấy chân cháu có những vết đỏ.”
Đi khám, bác sĩ chưa thể định bệnh ngay được. Ông chỉ mong rằng đây là chứng sốt xuất huyết vì nhẹ nhất cho em.
Khi có kết quả thử máu sơ lược, bác sĩ cho hay, lượng hồng huyết cầu của Trish quá thấp.
Rồi những cuộc thử máu kế tiếp cho thấy Trish bị một chứng rối loạn máu rất hiếm gặp, có tên là Aplastic Anemia.
Thông thường, những người bị bệnh này chỉ sống được vài tháng.
Trish cùng cha mẹ, ông Dzũng Trần và bà Nga Trần. (Hình: Dzũng Trần cung cấp)
Bệnh này khiến cơ thể Trish không sản xuất đủ máu, làm em thấy mệt mỏi, không thể chống đỡ khi bị nhiễm độc và máu không thể đông được.
“Nghĩa là dù bị nội thương nhẹ, khi bị chảy máu bên trong, cháu sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng ngay,” bà Nga giải thích.
Vì cơ thể em không tự cung cấp đủ máu, Trish cần vô máu và tiểu cầu (platelet) hàng tuần.
“Có khi một tuần hai lần,” ông Dzũng Trần, cha em, hồi tưởng.
Trish phải ra vô bệnh viện quá thường xuyên đến nỗi bệnh viện gởi một y tá riêng, chuyên vô máu tại nhà cho em. Nhưng chuyện vô máu chỉ là biện pháp tạm thời thôi.
Phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh này là cấy tủy của người hợp máu.
Ông Dzũng nói: “Là cha mẹ, chúng tôi thử máu trước tiên, nhưng cao lắm chỉ là có 50% hợp với cháu thôi. Thường thường, dù là anh chị em ruột cũng chỉ có 30% hợp.”
Nhớ lại thời gian kinh khủng đó, ông Dzũng tiếp: “Lúc đó, chúng tôi chỉ trông mong vào những người gốc Việt hiến tủy, mà số người tình nguyện làm việc này quá ít ỏi, dù là để cứu sống một mạng người.”
Trish là học sinh xuất sắc, từng được bằng khen của Tổng Thống Barack Obama.
Ông Dzũng cho biết, thời gian ấy, cả hai vợ chồng ông hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp, nhưng cũng đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất rồi.
Trish cười tươi bên người cứu mạng mình. (Hình: Dzũng TRần cung cấp)
Bà Nga kể: “Vô máu như vậy đâu có yên thân. Có bữa gặp máu không hợp, cháu bị lở miệng, hoặc ngứa ngáy toàn thân, rồi bị sạn thận nữa.”
Sạn thận làm Trish rất đau đớn, nhưng bác sĩ không thể giải phẫu để lấy ra vì máu em sẽ chảy hoài, không cầm được.
“Cháu mới 12 tuổi. Lúc ấy, tôi chỉ còn biết trông mong vào niềm tin tôn giáo. Là Phật tử, tôi cầu xin với Đức Quán Thế Âm Bồ Tát,” ông Dzũng kể. “Rồi gần như ngay sau đó, cục sạn của cháu, không hiểu vì lý do gì, vỡ vụn ra và cháu bớt đau ngay.”
Ông nói với giọng vui mừng: “Thật may mắn, hội Asian American Donor Program (AADP) tìm được người hợp tủy với cháu. Hợp tới 97% lận.”
Thường thì những người cùng một dân tộc dễ hợp tủy với nhau hơn. Nhưng trong trường hợp này, người hợp tủy với Trish lại là một thanh niên gốc Philippines, 23 tuổi.
Người thanh niên tốt bụng này tên Conrado Calanoc.
Ngày 6 Tháng Tư, 2016, Trish vào bệnh viện của đại học UC San Francisco để làm giải phẫu cấy tủy.
Lúc đó, anh Conrado là lính Hải Quân Mỹ, đóng ở Seattle, Washington. Khi bệnh viện liên lạc, anh đang ở California nghỉ mát.
“Tất cả, tôi chỉ hiến tủy có ba lần là xong. Mỗi lần chưa đến một tiếng và không hề đau đớn gì cả,” anh Conrado nói. “Trong vài tuần sau đó, tôi thấy hơi khó chịu ở gần hông một chút xíu, và mọi sinh hoạt của tôi không hề bị gián đoạn gì cả.”
Theo qui định bảo mật, ít nhất là 365 ngày sau khi cấy tủy thì người hiến và người nhận mới được gặp nhau, một phần để bác sĩ biết chắc không có biến chứng gì.
Hôm 1 Tháng Bảy, 400 ngày sau khi cấy tủy xong, Trish và Conrado gặp nhau lần đầu.
“Cảm xúc của tôi lúc ấy rất là ‘siêu thực,’” anh Conrado nói. “Trish khóc. Tôi cố cầm lòng nhưng không nhớ có được không.”
Anh tâm tình: “Đó là một cảm giác mà tôi không bao giờ quên được. Tôi rất vui vì nhờ một đóng góp nhỏ bé của mình mà cứu được một người.”
Anh thành thật nói: “Người ta gọi tôi là anh hùng vì đã cứu sống Trish. Nhưng thật sự, Trish và cha mẹ cô mới chính là anh hùng vì cả ba đã vượt qua bao nhiêu thử thách để có được hôm nay. Phần tôi, tôi chỉ hiến tủy mà thôi.”
Anh thêm: “Nếu sau này, Trish cứu sống được người khác nữa thì đây là một chuyện rất đẹp.”
Ông Dzũng nói: “Chúng tôi chưa bao giờ đầu hàng, nhưng ý nghĩ tuyệt vọng, có lúc đã đến với chúng tôi. Nhờ trời, nhờ Phật dun dủi cho AADP tìm được Conrado để giúp con tôi.”
Bà Nga nói: “Tôi mong rằng Trish sẽ sống một cuộc đời rất xứng đáng để đền đáp lại phép lạ này.”
Về phần Trish, em sẽ cố gắng tiếp tục lấy toàn điểm A như từ trước đến giờ.
“Em sẽ học ngành bác sĩ nhi khoa và đi đến các nước nghèo để giúp trẻ em ở đó. Em cũng sẽ học thêm ngành nghiên cứu ung thư nữa,” Trish nói.
AADP, có trang web là www.aadp.org, là một tổ chức bất vụ lợi, chuyên tìm người hiến tủy cho người cần tủy.
AADP từng giúp nhiều người gốc Á Châu mắc bệnh hiểm nghèo thoát chết.
“Nhiều năm làm việc với bệnh nhân, lúc nào chúng tôi cũng hồi hộp khi chứng kiến cảnh người hiến tủy gặp người nhận tủy,” ông Jonathan Leong, sáng lập viên AADP, nói.
Chuyện của Trish là trường hợp hy hữu.
Trong số 816,000 người ghi danh hiến tủy, chỉ có 4% là người gốc Việt.
“Vì thế, chúng tôi cần mở rộng và tăng cường con số này để những người gốc Việt bị ung thư máu có cơ hội sống sót,” bà Carol Gillespie, giám đốc AADP, nói.
Mọi chi tiết về AADP, liên lạc Sally Douglas Arce qua điện thoại 510-525-9552 hay email