main billboard

“Hôm nay, chúng tôi rất vui khi được tổ chức cả hai lễ vào một ngày; trước là cho lễ tưởng niệm tổ sư sáng lập môn phái lần thứ 57, sau nữa là để đánh dấu năm thứ 18 võ đường chúng tôi được phục vụ cộng đồng người Việt hải tại khu Little Saigon.”


vovinam 11
Võ Sư Phạm Văn Thành thắp nhang trên bàn thờ Cố Sáng Lập Môn Phái. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Hôm 25 Tháng Sáu, Trung Tâm Huấn Luyện Vovinam Võ Việt Nam Nguyễn Bá Học tổ chức lễ tưởng niệm Cố Sáng Lập Môn Phái Nguyễn Lộc lần thứ 57 và kỷ niệm 18 năm thành lập võ đường tại thành phố Westminster.

Võ sư Phạm Văn Thành cho hay: “Hôm nay, chúng tôi rất vui khi được tổ chức cả hai lễ vào một ngày; trước là cho lễ tưởng niệm tổ sư sáng lập môn phái lần thứ 57, sau nữa là để đánh dấu năm thứ 18 võ đường chúng tôi được phục vụ cộng đồng người Việt hải tại khu Little Saigon.”

Ông Thành nói thêm, theo ý nguyện của võ sư Nguyễn Lộc, tổ sư sáng lập Vovinam, bộ môn này đã lấy tôn chỉ rèn luyện những thanh thiếu niên Việt Nam với “bàn tay thép và trái tim từ ái”, và trong suốt 18 năm trời, đã đào tạo được hàng ngàn môn sinh, hiện đang ở khắp năm châu, bốn biển.

Buổi lễ có sự hiện diện của Thị Trưởng Westminster Trí Tạ, phó Thị Trưởng Garden Grove kiêm Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California Phát Bùi, ông David Nguyễn, đại diện TNS Janet Nguyễn, ông Phan Kỳ Nhơn, Chủ Tịch Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai, và anh Billy Lê, đại diện Chánh Lục Sự Orange County Hiếu Nguyễn. Những giới chức này lần lượt trao bằng tưởng lục cho Võ Sư Phạm Văn Thành.

vovinam 12
Thị Trưởng Trí Tạ trao bằng tưởng lục cho Võ Sư Phạm Văn Thành. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trong diễn văn khai mạc, ông Thành nhắc lại những buổi đầu thành lập môn phái của ông Nguyễn Lộc.

Võ Việt Nam được thành lập trên tinh thần chống Pháp để bảo vệ non sông và đã làm đã làm cho nhà cầm quyền Pháp e ngại và ra lệnh cấm không cho võ sư Nguyễn Lộc quảng bá môn võ này. Lệnh cấm là một hàng rào chặn sự mở rộng môn phái nhưng lại có tác dụng thúc đẩy toàn thể môn sinh quyết tâm hơn trong ý hướng bảo vệ sự trường tồn của môn phái.

Võ sư Nguyễn Lộc khai giảng lớp võ công khai đầu tiên vào mùa xuân 1940 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội (École Normal). Lúc này, thể theo yêu cầu của đông đảo môn sinh, môn Võ Việt Nam được viết tắt là Vovinam để chuẩn bị cho việc sẽ truyền bá ra khỏi phạm vi biên giới Việt Nam.

Trong thời gian bị nhà cầm quyền Pháp ngăn cấm, ông Đặng Vũ Kính đã sử dụng quyền bất khả xâm phạm của một nghị viên đã đứng ra che chở, bảo vệ các môn sinh Việt Võ Đạo nhờ vậy mà các lớp võ bí mật vẫn được tổ chức và kéo dài hoạt động.

Trong những năm qua, võ đường Nguyễn Bá Học đã tham gia nhiều công tác thiện nguyện cộng đồng như tổ chức đi biểu diễn tại các viện dưỡng lão, diễn hành Tết hàng năm, phối hợp với các đoàn thể bạn để làm từ thiện.

Vovinam là môn võ do người Việt sáng lập, biết tận dụng sở trường của người Việt, biết khắc phục sở đoản của mình nên rất thích hợp cho người Việt.

“Cũng như Nhu Đạo, Vovinam dĩ nhu thắng cương, nhưng Vovimam, vì là võ để bảo vệ non sông nên cũng có thể tấn công khi cần thiết,” Võ Sư Nguyễn Văn Hòa nói. “Mình nhỏ con nên đòn công của mình là dùng chân và trọng lượng thân thể. Nhưng mình biết diều tiết để giữ sức, để không mệt về lâu, về dài,” Võ Sư Nguyễn Văn Hòa nói.

Em Adaline Võ nói: “Năm nay 11 tuổi, em học ở đây ba năm rồi. Từ ngày học võ, em có tự tin, không những về thể chất mà ở mọi lãnh vực, như nhà trường, hoặc các sinh hoạt xã hội khác. Em còn muốn học võ hoài.”

Em Khôi Nguyễn nói: “Em học võ năm năm rồi. Từ ngày học võ, không ai bắt nạt em để em phải dùng đến võ. Có thể vì thái độ tự tin của em làm người ta nể mình. Các thày dạy rằng nếu tránh được, thì không dùng võ. Võ, dù là tự vệ, chỉ là biện pháp cuối cùng.”

Võ đường Nguyễn Bá Học nhận môn sinh tuổi từ 6 tuổi đến 60 tuổi. “Từ 70 đến 80 tuổi, chúng tôi có lớp dưỡng sinh riêng,” ông Thành cho hay.

Các võ sư của võ đường từng là môn sinh tại đây. Vì thích sinh hoạt của võ đường nên ở lại dạy những môn sinh mới.

Võ Sư Angela Nguyễn nói: “Em đến tập võ ở đây 17 năm rồi, từ hồi mới 11 tuổi. Bây giờ em dạy võ. Em rất thích không khí gia đình ở đây.”

Cao chưa đến 5 ft, cô tin chắc rằng nếu bị hai người đàn ông cầm gậy hoặc dao, cô có khả năng tự vệ dễ dàng.

Chỉ hai tháng nữa, cô lập gia đình. “Nếu có con, em sẽ sẽ cho nó ra đây tập võ luôn,” cô nói.

Võ Sư Nguyễn Tân nói: “Con trai tôi là Albert cũng dạy võ ở đây. Hồi đó, tôi tới tập một mình, nó ngồi chờ. Các thày thấy vậy bèn rủ nó tập luôn. Vậy đó, ở đây nhiều ngươi cùng gia đình đến cùng tập, cùng dạy với nhau.”

Bà Lê Thị Minh, cư dân Westminster, nói: “Tôi dẫn ba đứa con gái sáu, bảy và chín tuổi tới đây từ hôm qua, Thứ Sáu, để coi các thày ở đây ra sao trước khi cho các cháu ghi danh.”

vovinam 13
Phó Thị Trưởng Phát Bùi trao bằng tưởng lục cho Võ Sư Phạm Văn Thành. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Là người sống băng nghề nail, bà Minh biết rằng muốn tồn tại ở đất Mỹ này thì phải biết khai thác sở trường của mình. “Người Việt sống được là nhờ có sự siêng năng và nhờ đôi tay khéo léo. Tôi thấy Vovinam biết tận dụng đặc tính của người mình, không dùng sức mà dùng thế. Hơn nữa, thấy mấy thày ở đây vui vẻ, hiền lành, không lầm lì, ít nói nên tôi sẽ ghi tên cho ba đứa học luôn.”

Ông Phan Quốc Uy, cư dân Westminster, nói: “Hè rồi, tôi muốn ghi tên cho cả vợ chồng tôi và hai đứa con trai học cho vui. Trước là để cả gia đình có việc cùng làm, sau là cho sức khỏe cùng gia tăng. Thấy có nhiều gia đình ở đây theo học nhiều năm, tôi cũng có ý định làm như vậy. Gia đình cùng làm một việc là gia đình có hạnh phúc. Trước nhất là để con tôi học thêm tiếng Việt và bắt chước các anh chị sự ăn nói lễ độ, kính trên, nhường dưới.”

Theo ông Thành, một môn sinh Vovinam, theo tôn chỉ, bình thường rất hiền lành và nhã nhặn, nhưng khi bắt buộc mang danh nghĩa dân tộc và môn phái để chiến đấu thì chỉ có thể hoặc chiến thắng vinh quang hoặc chết vẻ vang chứ không chịu làm nhục quốc thể và tổn thương danh dự môn phái.

Vovinam được chính phủ VNCH công nhận là quốc võ. Sau 1975, Vovinam vẫn là quốc võ.

Nhiều người bản xứ của nhiều nước trên trên thế giới công nhận và luyện tập Vovinam, như Ý, Pháp, Đức, Bỉ, Nga và Bắc Phi.

Để biết thêm chi tiết, liên lạc ông Phạm Văn Thành: (714) 487-8713.