main billboard

Ban đầu, văn hóa Việt Nam hoàn toàn khác lạ đối với ông, vừa huyền bí, vừa lôi cuốn, “nhưng sau khi biết nhiều rồi, tôi cẩn thận với ý nghĩa của từng bức ảnh của mình. Tôi chụp hình với trách nhiệm thực sự,” ông chia sẻ.


kevin german hai 1
Nhiếp ảnh gia Kevin “Hải” German. (Hình: Kevin “Hải” German cung cấp)

PARIS, Pháp (NV) – “Màu Đã Phôi Pha” là tựa đề một cuốn sách nhiếp ảnh hoàn toàn về con người và đất nước Việt Nam của nhiếp ảnh gia Kevin German, sắp phát hành nay mai.

Đây là công trình nhọc nhằn, gian lao suốt 10 năm trời của ông.

“Trong vài năm đầu, tôi chụp rất nhiều hình ảnh tại Việt Nam, nhưng chỉ như một du khách thôi. Nhưng sau khi nắm bắt được tinh thần của đất nước này và con người ở đấy, tôi vứt bỏ những hình ảnh ‘amateur’ đó đi và chắt lọc lại những gì tinh túy nhất cho cuốn sách này,” ông Kevin nói.

Như đã có “tiền duyên” với Việt Nam, khi học tiếng Việt ở đại học cộng đồng Sacramento, ông Kevin chọn tên “Hải” cho mình.

“Tôi thích tên này lắm vì nó nghĩa là biển cả; và tôi nghĩ biển cả khi hiền hòa, khi dậy sóng, cũng như cuộc đời,” ông Hải giải thích.

Về việc tại sao ông chọn Việt Nam làm đề tài chính cho cuốn sách này, ông nói: “Trước đây, tôi có cô bạn gái người Việt Nam. Khi được gặp cha cô ấy, tôi bị lôi cuốn ngay. Biết tên Việt của tôi là Hải, ông tự xưng mình là ‘Ông Già’ theo truyện “Old Man and the Sea” của tiểu thuyết gia Ernest Hemingway.”

Ông Hải rất mến “Ông Già” vì cho rằng “Ông Già” là một nghệ sĩ, triết gia và thi sĩ.

“Ông Già” đã làm ông Hải có cái nhìn khác hơn về Việt Nam.

“Tôi luôn cảm thấy căn phòng ấm áp hẳn lên khi ‘Ông Già’ nói về thời gian sau khi Việt Nam đánh đuổi được Pháp và trước khi quân đội Mỹ đến. Rồi những câu chuyện đầy hoài niệm của người Việt xa xứ. Tôi thấy gần gũi với những hoài niệm này. Rồi những nghị lực kiên cường của những người vượt biển làm tôi gắn bó với Việt Nam,” ông Hải kể.

Gắn bó đến nỗi năm 2006, ông bỏ công việc đang làm là phóng viên cho báo Sacramento Bee, bán hầu như toàn bộ tài sản để về Việt Nam để đuổi bắt những hoài niệm ấy.

Đến Việt Nam, ông bị choáng ngợp và ngỡ ngàng ngay vì tình trạng đường xá tắc nghẽn đủ loại xe cộ, thán khí nồng nặc, mịt mù.

“Nhưng tôi nhảy lên chiếc xe Honda và hòa nhập vào dòng xe,” ông nói. “Tôi vừa thích thú, vừa sợ hãi. Đây là lần đầu tôi lái Honda.”

Ông nói: “Nhìn Việt Nam qua cửa kính xe hơi thì không thể biết Việt Nam.”

Ông học thêm tiếng Việt để tìm hiểu hơn nữa về Việt Nam.

“Rời Sài Gòn, về những nơi xa xôi, hẻo lánh, tôi thực sự biết thêm về tâm tư và tình cảm người Việt. Vốn liếng tiếng Việt ít ỏi của tôi vừa đủ để biến những ánh nhìn trống rỗng, vô nghĩa thành những nụ cười niềm nở và thân thiện. Họ cho tôi thấy sự tốt bụng của họ. Họ chấp nhận tôi. Nhờ thế, tôi có cơ hội chụp được những tấm hình thú vị, sâu sắc, có ý nghĩa hơn nhiều,” ông Hải kể.

Ban đầu, văn hóa Việt Nam hoàn toàn khác lạ đối với ông, vừa huyền bí, vừa lôi cuốn, “nhưng sau khi biết nhiều rồi, tôi cẩn thận với ý nghĩa của từng bức ảnh của mình. Tôi chụp hình với trách nhiệm thực sự,” ông chia sẻ.

Ông kể, có một kỷ niệm làm ông không thể quên.

kevin german hai 2
Một hình trong tập ảnh “Màu Đã Phôi Pha.” (Hình: Kevin “Hải” German cung cấp)

“Hôm ấy, trời nóng như thiêu đốt, khói xe ngộp thở, đường xá nghẹt người, tôi đang lái xe, trong người bực bội gì đó. Bỗng có ai khều vai tôi. Tôi quay phắt lại, sẵn sàng gây chuyện vì tưởng có người muốn lấy đồ của tôi hay muốn đẩy tôi sang một bên. Nhưng đó chỉ là một phụ nữ thấy tôi không có gì che khói, muốn đưa cho tôi cái khẩu trang. Lúc ấy, tôi như con sư tử và cô ấy như con chuột trong truyện cổ tích, nhổ cái gai trong chân sư tử làm tôi nhẹ nhõm. Lập tức, tôi xấu hổ vì sự giận dữ của mình và hết sức cảm động vì nghĩa cử đơn giản của một người xa lạ,” ông Hải kể.

Một kỷ niệm khác ông không thể quên là ở gần Nha Trang, khi ông gặp một người chuyên đi khuyên phụ nữ đừng phá thai bằng cách đưa họ về nhà ông ấy cho đến khi sanh nở. Người này còn thành lập một nghĩa trang cho hài nhi bị giết trước khi sanh.

“Ông ấy chôn hơn 10,000 hài nhi. Tôi chứng kiến cảnh họ đưa những lọ sành đựng trong hộp các-tông sữa. Họ tưới cồn lên những lọ sành này rồi đốt hết trước khi chôn,” ông kể tiếp.

Nhìn chung, “Màu Đã Phôi Pha” là đúc kết của 10 năm lăn lộn tại Việt Nam để tìm cái hoài cảm của người Việt trên đất Mỹ, hoài cảm đã làm ông Kevin “Hải” German phải say mê điên đảo đi tìm cho bằng được.

Những hình ảnh trong “Màu Đã Phôi Pha” được sắp xếp theo một thứ tự có chủ đích để khơi dậy cho người xem những hoài cảm ông tìm thấy trong ký ức người Việt xa xứ còn lãng đãng trong con người đang sống tại Việt Nam, trên những con đường, những gốc cây, nhánh lúa.

“Mỗi khi nhìn qua ống kính, tôi có bổn phận phải trung thành với tâm tư của những người Việt ở Mỹ, tôi muốn hình của tôi phải nói được rằng Việt Nam không chỉ là một quê hương của chiến tranh hay một địa điểm du lịch. Tôi muốn thay đổi định kiến ấy của người ta,” ông bày tỏ.

Những hoài niệm của người Việt trên đất Mỹ đang mai một đi từng ngày vì họ càng ngày càng lớn tuổi.

“Tôi muốn thực hiện cuốn sách này để thế hệ Việt tương lai còn cảm nhận được những di sản tinh thần ấy của cha ông mình,” ông nói. “Tôi cũng muốn những người chưa đến Việt Nam như mẹ tôi có cái nhìn đúng đắn về Việt Nam.”

Tựa tiếng Anh cuốn sách này là “Color Me Gone.”

Ông nói: “Tôi lấy từ một đoạn ngắn của tác giả Michael Herr, khi ông thấy ở phi trường tại Việt Nam câu ‘Color Me Gone’ do người lính Mỹ nào đó viết băng xịt sơn. Chữ ‘color’ nghĩa là ‘call,’ là gọi. Người lính, bằng ngôn từ văn vẻ, muốn nói coi như anh không còn nữa.”

Để giúp ông Kevin German hoàn thành việc ấn loát “Màu Đã Phôi Pha,” độc giả có thể vào Kickstarter tại: www.ColorMeGoneBook.com và bấm vào “Back This Project.”

Mọi chi tiết, xin liên lạc ông Kevin “Hải” German qua địa chỉ email This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..