Bấy giờ người phi công 31 tuổi đang thực hiện sứ mệnh bay xuống gần mục tiêu vừa bị giội bom, chụp hình để lượng định kết quả, thì bị bắn rớt vào năm 1965.
Bức Tường Đá Đen tại Thủ đô Washington, DC ghi danh hơn 55 ngàn quân nhân Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. (Hình: PAUL J. RICHARDS/AFP/Getty Images)
SAN DIEGO, California (AP) – Cựu chiến binh Frederick Crosby, người mất tích cách đây 50 năm trong cuộc chiến Việt Nam, hôm Chủ Nhật được an táng tại Nghĩa Trang Quốc Gia Fort Rosecrans, nơi quê nhà ông ở San Diego, Nam California, với đầy đủ lễ nghi quân cách, có cả máy bay của Hải Quân bay lượn trên đầu.
Nửa thế kỷ trước, bà Deborah Crosby đang học lớp một, được gọi về để chứng kiến lúc các sĩ quan quân đội đến nhà báo tin với mẹ bà rằng ông Frederick bị bắn hạ ở Bắc Việt trong lúc đang bay một chiếc máy bay của hải quân Hoa Kỳ. Ông được xem như đã chết mặc dù chưa tìm được xác.
Bấy giờ người phi công 31 tuổi đang thực hiện sứ mệnh bay xuống gần mục tiêu vừa bị giội bom, chụp hình để lượng định kết quả, thì bị bắn rớt vào năm 1965.
Nhiều thập niên trôi qua, mẹ và bà nội bà Deborah đều qua đời, trước khi nhóm điều tra tìm được giải đáp của vụ mất tích của ông Frederick trong lần thứ ba trở lại hiện trường ở Nam Ngan, Thanh Hóa, nơi họ tiếp xúc được ông Phạm Văn Trương, cư dân lâu năm ở địa phương.
Ông Trương nhớ lại, lúc ấy ông đang nung vôi để sửa nhà thì nghe có nhiều tiếng súng, ông liền chạy ra bờ đê gần đó để xem chuyện gì. Ông thấy hai chiếc phi cơ bay về hướng nhà ông, một chiếc bốc cháy, lộn vòng rồi lao xuống ao cá phía trước nhà, còn chiếc kia tiếp tục bay ra hướng biển.
Sau đó toán bộ đội đến nơi tháo lấy cơ phận máy bay, kể cả động cơ rồi đi luôn.
Dựa theo thông tin mới, vào năm 2015, các nhà điều tra quân đội Mỹ quyết định đến lùng kiếm dưới đáy ao và họ tìm thấy nhiều xương người, những mảnh sắc phục của phi công, hộp quẹt bằng nhôm và một nhẫn cưới.
Hôm Thứ Sáu, bà Deborah đến phi trường San Diego để đón nhận hài cốt cha bà, trở về trong quan tài phủ cờ Mỹ, trên một chuyến bay của hãng Delta Airlines.
Bà Deborah nói, ba người anh bà muốn giữ lưu niệm mấy mảnh quân phục, hộp quẹt và nhẫn cưới của ông Frederick, về phần mình, bà chỉ muốn giữ lá cờ phủ quan tài của cha.
Bà tâm sự: “Mẹ tôi sẽ rất mãn nguyện vì cha tôi được tiếp nhận với tất cả những lễ nghi quân cách và được công nhận là một người hùng.”
“Tôi cũng quá vui vì việc này đáp ứng ước nguyện của bà nội tôi là làm sao mang được cha tôi về,” bà nói thêm. (TP)