Món ăn Huế nhờ đâu mà được mọi người ưa chuộng, có lẽ do món Huế, nhẹ nhàng, nhiều hương vị và màu sắc, mỗi món ăn một ít, thay đổi nên không thấy ngán.
Trước khi rời đất nước đến định cư tại Mỹ, không một người đàn bà Huế nào có thể nghĩ rằng qua đến đất người xứ lạ này, việc nấu nướng hay làm các món ăn Huế có thể nuôi sống bản thân họ và gia đình. Nhưng sự thật, từ hàng chục năm nay việc làm các “món ăn chơi” của đất Thần Kinh như nem chả Huế, tré, các món ăn từ các loại bột như bánh bột lọc, bánh quai vạc, bánh bèo, bánh nậm, bánh ít-bánh ram, bánh ướt tôm chấy, bánh ướt thịt nướng, v.v. đã là những món được mọi người yêu thích, sẵn sàng đến tận nhà người sản xuất “to go” mang về trong các buổi tiệc tùng, họp mặt gia đình những ngày sinh nhật, lễ Tết và mang đi biếu xén cho bạn bè hay người thân. Khi khách được mời tham dự các buổi tiệc gia đình, họ cũng tìm đặt một món Huế để mang tới như là đóng góp để chung vui.
Gói chả thẻ (hay chả lọn).
Tùy theo khẩu vị, có người ở Nam Cali đặt món bánh bột lọc từ Sacramento, San José... nhưng cũng rất nhiều người đi chơi Little Saigon khi về, không quên mang theo nem chả Huế sản xuất ở Bolsa để làm quà cho con cái, gia đình. Nhiều người đã đặt các món nem chả đông lạnh để gửi biếu bạn bè ở các tiểu bang khác bằng cách gửi “priority” để món quà có thể đến trong vài ngày, trực tiếp liên lạc với nhà hàng hay nơi sản xuất, mà không cần phải nhờ người khác giúp đỡ. Cứ nhìn quang cảnh khách mua xếp hàng ở quán Hương Giang trên đường Brookhurst, khu Bolsa những ngày cuối tuần, vào dịp Giáng Sinh, lễ Tạ Ơn, ngày Cha, ngày Mẹ hay Tết Nguyên Ðán mới thấy “sức mạnh” của món ăn Huế, và thực sự những món “to go” xứ Huế này đã mang lại thành đạt, giàu có cho nhiều gia đình người Huế ở nhiều tiểu bang trên đất Mỹ.
Nhưng để “thành danh,” nổi tiếng có nhiều khách hàng như ngày nay, không phải là chuyện dễ dàng, nhiều gia đình đã bước qua những giai đoạn cam go, khó khăn, cực nhọc, thức khuya dậy sớm để sản xuất và tạo sự tin cậy dần dà của khách hàng, mang lại thương hiệu đặc biệt cho mọi nhà.
Cô giáo Nguyễn Bích Nga, xuất thân là cô giáo Toán-Lý-Hóa, tốt nghiệp trường sư phạm, chưa bao giờ biết đến chuyện buôn bán, có thể thích món ăn Huế nhưng không quen làm. Tháng Ba năm 1975 cô cũng như bao nhiêu người vợ quân cán chính tại Huế, đã sớm chịu cảnh nuôi chồng trong trại tù cộng sản. Cuộc ly biệt, gian khổ trong bảy năm rưỡi, săn sóc cha mẹ, nuôi chồng, dạy con, quả là quãng thời gian cay đắng.
Khay bánh “ít trần” bắt mắt đang chờ khách mang đi.
Năm 1993, gia đình cô, theo danh sách H.019 đến định cư tại vùng Little Saigon. Trong thời gian chồng vào làm hãng, thì cô Nga còn bận bịu với đàn con cắp sách đến trường, nghĩ ra một việc làm tại nhà. Ðó là những ngày cô nghĩ đến việc làm món Huế “to go,” bắt đầu bằng món bánh “quai vạc” từ bột sắn, rồi các loại bánh bèo, bánh nậm... những món ăn Huế được nhiều người yêu thích đã đến tận nhà cô mua đem về. Khi bắt đầu chưa có khách, cô giáo Nga đã bắt đầu bằng việc sản xuất “cò con”, đứng bếp mỗi ngày từ 4 giờ sáng đến 12 giờ đêm, chủ yếu là cung cấp cho bạn bè, bà con. Từ đó tiếng tăm lan dần, càng ngày càng đông khách, thay vì giao hàng tại nhà, gia đình mở một cửa tiệm để tiện giao hàng, sau đó mở thêm tiệm ăn Huế để phục vụ khách ăn tại chỗ, mấy năm sau lại có thêm tiệm ăn thứ hai, cũng chỉ là món Huế.
Ngày nay cơ sở Hương Giang với hơn hai chục nhân công, mỗi nhóm người phụ trách một món “sở trường” để đủ hàng cung cấp cho khách hàng đến “to go”. Tuy vậy người chủ tiệm Hương Giang không bao giờ quên mình là một người tù trại Bình Ðiền khắc nghiệt ngày trước ở Huế, đã hết lòng cống hiến những số tiền lớn cho sinh hoạt hàng năm của “Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Bình Ðiền”.
Khâu làm “bánh nậm”.
Một gia đình “H.O.” khác là anh Bùi Kế, sĩ quan cảnh sát, tù tập trung sau Tháng Tư năm 1975 sáu năm rưỡi, sang Mỹ trong danh sách H.20. Thừa kế tay nghề của bà mẹ đã có mở quán ăn ở quê nhà, sang đến quận Cam, vợ chồng anh bắt đầu nghĩ đến việc làm món Huế cung cấp cho khách ăn, dần dà mở tiệm, nhưng khâu chính vẫn là “Huế to go” cho khách đặt hàng mang về hay gửi đi các tiểu bang xa.
Anh Huỳnh Nam đến quận Cam theo diện di dân từ năm 1990. Trong khi anh Nam đi bỏ báo thì vợ ở nhà bắt đầu làm món Huế. Bắt đầu không thuê mướn người, hai vợ chồng phải thức khuya dậy sớm, vất vả, nhưng nghề làm món Huế to go, có một số khách quen, gia đình vẫn có được một cuộc sống thong thả.
Ngoài những tiệm ăn Huế có bán hàng “to go” ở những vùng đông người Việt trên đất Mỹ như Westminster, San Jose, Houston, Sacramento... số người Huế làm món Huế tại nhà theo yêu cầu của khách đến “to go” không phải ít, khó mà kể hết tên, mỗi người một vẻ, ai cũng có một số khách quen của mình. Sacramento có bánh bột lọc bà Hoa, bà Năm... San Jose có bột lọc bà Chánh, chả giò-bánh nậm chay chị Mai, bánh nậm-bột lọc chị Nga, chả cô Hương, nem chả bà Non... Westminster có nem-chả bà Hồng, bánh bột lọc ông Nhơn, nem bà Ðức, nem-chả cô Hương, quai vạc Y Bình, bột lọc gói bà Ðào, tré bà Loan, bánh lọc bà Út, bánh ít đen bà Phước... Người Huế làm nghề món Huế “to go” tại tiệm hay ở nhà riêng trên đất Mỹ không tậu được vài cái nhà, cái cho thuê, cái ở thì cũng thong dong, thoải mái tiền bạc.
Ðĩa “bánh quai vạc,” hay còn gọi là “bánh lọc trần”.
Món ăn Huế nhờ đâu mà được mọi người ưa chuộng, có lẽ do món Huế, nhẹ nhàng, nhiều hương vị và màu sắc, mỗi món ăn một ít, thay đổi nên không thấy ngán. Bà con xứ Huế “ăn nên làm ra” nhờ món ăn Huế có lẽ cũng nên biết ơn các tay đầu bếp tận tụy của cung đình nhà Nguyễn ngày xưa, và nhớ ơn luôn cả cái nghèo muôn đời của xứ Huế, củ sắn, mớ gạo, lon nếp, cũng biến chế thành những món ăn kiểu cách mà ngon miệng.