main billboard

Hai anh em Vũ dự trù sẽ gửi được $100,000 về cho Oxfarm America tới Ngày Tị Nạn Thế Giới (World Refugee Day), vốn là ngày 20 Tháng Sáu tới đây.


chinh khoa vu 1
Chính Vũ (trái) và Khoa Vũ . (Hình: Ayotree)

Ayotree mang kiến thức đến chốn hoang sơ

WESTMINSTER (NV) – Cách đây hơn một tuần, khi công ty cung cấp công nghệ giáo dục Ayotree phát hành miễn phí trò chơi ‘Moses Người Chiến Sĩ Tự Do’ (Moses the Freedom Fighter) trên Android và iOS, đồng thời công bố sẽ lấy toàn bộ tiền quảng cáo thu được trên trò chơi này tặng cho người tỵ nạn Syria, báo chí đã nhắc nhiều đến cái tên Khoa Vũ, một trong hai sáng lập viên của Ayotree.

Tiền thu được từ trò chơi “Moses Người Chiến Sĩ Tự Do” do công ty Ayotree thực hiện, vốn do hai anh em Khoa và Chính Vũ sáng lập, sẽ được gửi tới tổ chức Oxfarm America’s Syria and refugee fund ở Massachusetts.

Ayotree nay sẽ tặng tất cả số tiền quảng cáo có được cũng như tiền hiến tặng qua app này tới Oxfarm America. Tới nay, số tiền Oxfarm America nhận được là hơn $1,100, theo cơ quan này.

Một bản thông cáo của Oxfarm America cho hay họ vui mừng khi được Ayotree chọn để tài trợ. Hai anh em Vũ dự trù sẽ gửi được $100,000 về cho Oxfarm America tới Ngày Tị Nạn Thế Giới (World Refugee Day), vốn là ngày 20 Tháng Sáu tới đây.

Năm nay 34 tuổi, Khoa là thế hệ thứ hai của người Việt tị nạn, và là “con dân” của Little Saigon, vì anh sinh ra và lớn lên ở quận Cam.

Buổi chiều hôm ấy, khi cùng mẹ là bà Trần Thị Kính đến thăm báo Người Việt, Khoa tâm sự rằng anh mang tâm trạng người trở về chốn xuất thân.

Khoa cho biết mình học trung học đệ nhất cấp ở McGavin Intermediate School, vào La Quinta High School khi lên trung học, và khoe “biết hết những tiệm phở quanh đây…” như những “người Bolsa thứ thiệt”.

Lớn lên nữa, Khoa vào đại học UC Berkeley, chọn ngành làm phim, rồi sau khi ra trường, theo Chính Vũ, ông anh ruột lớn hơn mình mười tuổi, “chuyên làm trong ngành công nghệ thông tin”, đi đến các nước Đông Nam Á để “vừa theo đuổi lý tưởng, vừa tạo dựng sự nghiệp.”

* Từ Ayotree

Lý tưởng và sự nghiệp ấy, sau mười năm lăn lóc ở những nơi đèo heo hút gió của Việt Nam, Cambodia, đã tích tụ thành Ayotree, công ty cung cấp công nghệ giáo dục, mà theo Khoa, hiện phục vụ hàng ngàn những trường dạy sinh ngữ lớn nhỏ trên khắp Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Vẫn theo Khoa, công ty này mang đến cho hai anh em họ Vũ lợi nhuận “hơn $1.5 triệu một năm.”

Ayotree (www.ayotree.com) là một hệ thống quản lý trường học trực tuyến, phục vụ những người muốn mở trường, nhất là trường dạy sinh ngữ.

“Phần mềm của Ayotree giúp trường học quản lý những việc quan trọng, như mở lớp học trực tuyến, soạn bài, theo dõi tiến trình của thày cô, cho học sinh ghi danh, thu tiền học phí… Nói chung là giúp những ngôi trường, nhất là những ngôi trường tí hon tiết kiệm thời gian và tiền bạc.” Khoa giải thích.

chinh khoa vu 2
Khoa Vũ trong lần đến thăm tòa soạn nhật báo Người Việt. (Hình: Hà Giang/Người Việt).

Nói về những ngày đầu tiên đến Cambodia lập nghiệp, vì “Cambodia là nơi dễ vào”, Khoa hồi tưởng.

“Đến đó chúng tôi mới thấy là trí thông minh không phải chỉ có ở nơi giàu, mà đất nước nào cũng có người thông minh. Nhưng ở một nơi chưa phát triển, thì chỉ cần mang đến đó một ít công nghệ, cũng giúp người ta học hỏi được nhiều.”

Mắt Khoa sáng lên khi nói về những người hiếu học anh đã gặp ở các đất nước đang phát triển.

“Càng nghèo thì người ta càng ham học. Ở Mỹ, chúng ta xem mọi thứ là đương nhiên, nhưng ở nơi hoang sơ, chưa ai được sờ vào internet, thì người khao khát được biết nó. Chẳng bao lâu chúng tôi thấy ngay cách giúp họ hay nhất là giáo dục. Muốn giảng dạy thì phải có trường học. Nhưng có được một ngôi trường không phải dễ. Vì thế chúng tôi muốn tạo điều kiện để bất cứ ai cũng có thể mở, và cai quản được ngôi trường của mình. Với hệ thống Ayotree, dù với chỉ một vài thày cô, người dùng vẫn có thể mở được một lớp học trực tuyến. Hệ thống quản lý của Ayotree giúp cả những ngôi trường lớn có đầy đủ phòng ốc, nhưng mở được lớp học trực tuyến là điểm mạnh nhất của Ayotree, vì nó giúp người muốn dạy mở được những trường ở vùng xa xôi, phục vụ giới nghèo.”

Nhìn lại quãng đường đã đi, Khoa tâm sự là từ mười năm qua, anh “chưa bao giờ nhìn lại.”

“Với tôi, điều quan trọng là phải rời nhà, ra khỏi quỹ đạo an toàn của mình. Dù đến Mexico, Việt Nam, hay sang Cambodia, đi đến đâu tâm trí mình cũng mở mang.”

“Thật đấy!” Khoa nói một cách chân thành. “Đời sống không phải chỉ có Snapchat hay chụp hình khoe những bữa ăn. Tôi muốn nói với bất cứ ai có vấn đề với con cái trưởng thành là khuyên họ hãy bỏ Snapchat qua một bên, đến Việt Nam hay bất cứ một nước nghèo nàn nào, để xem người dân ở đó người ta sống ra sao rồi sẽ tìm thấy điều mình cần làm.”

Trong khi Khoa nói chuyện, bà Trần Thị Kính, qua Mỹ năm 1980, nhìn con bằng đôi mắt biểu đồng tình lẫn yêu thương.

“Người ta hay hỏi tôi có vừa lòng với những điều hai anh em Khoa làm không. Với tôi thì quan điểm bắt con phải làm bác sĩ này kia giờ không còn hợp thời nữa. Làm gì cũng được miễn là nuôi sống được bản thân và phục vụ một mục đích nào đó.” Bà Kính nói.

Ngoài lý tưởng mang kiến thức đến những nơi thôn dã, Ayotree dường như cũng là phương tiện để hai anh em Khoa gắn liền hơn với quê mẹ.

Điều này giải thích tại sao Công ty Ayotree hiện có ba địa điểm. Ngoài văn phòng chính chuyên lo phát triển thương mại ở Pasadena, California, Ayotree có các nhóm chuyên viên công nghệ làm việc ở Sài Gòn và ở Cambodia.

“Với kỹ thuật thời nay, chúng tôi làm việc với nhau hàng ngày qua Skype, và mỗi khi có thêm người dùng Ayotree để mở trường, ai cũng đều thêm hứng khởi.” Khoa chia sẻ.

Ngoài hệ thống cung cấp công nghệ giáo dục, Ayotree còn có dịch vụ tư vấn thông tin công nghệ, và đang phát triển qua những lãnh vực khác như thiết kế trò chơi, chẳng hạn như trò chơi Moses the Freedom Fighter, vừa được phát hành.

* Đến Moses the Freedom Fighter

Moses the Freedom Fighter (www.freemoses.org) là một trò chơi bẩy cấp, qua đó người sử dụng có cơ hội thách thức khả năng ứng biến của mình, trong vai Mosses, người đã vượt qua mọi trở ngại để đưa dân mình thoát ách nô lệ của Ai Cập, đến đất tự do.

chinh khoa vu moses
Giao diện của trò chơi Moses the Freedom Fighter. (Hình: Freemoses.org).

Được hỏi tại sao lại chọn Moses, một nhân vật trong kinh thánh mà chưa hẳn ai cũng biết, Khoa giải thích “Từ bộ phim kinh điển ‘The Ten Commandments,’ cho đến những tác phẩm mới của Hollywood như ‘Exodus: Gods and Kings,’ ‘Noah’ là những câu chuyện lâu đời không bao giờ mất đi sức hấp dẫn, như câu chuyện của những người tị nạn trước đây, như tất cả chúng ta.”

“Việc phát hành ‘Moses the Freedom Fighter’ là tuyên bố của chúng tôi, dùng ngôn ngữ của máy tính làm tiếng nói, chống lại phân biệt chủng tộc, nô lệ, áp bức, và ủng hộ tự do cho mọi người.” Hai anh em nhà họ Vũ từng bày tỏ tâm tư trong thông cáo báo chí khi phát hành trò chơi Moses the Freedom Fighter.

“Mẹ tôi giờ đây kể lại chuyện cũ, hay nói về cảm giác hạnh phúc sau khi thoát khỏi Việt Nam, rời trại tị nạn và được vào Mỹ, nhưng thật ra hồi đó chúng tôi khổ lắm. Mười lăm người ở chen chúc trong một gian nhà hai phòng ngủ, hai phòng tắm.” Khoa thổ lộ.

“Mà hồi nhỏ tôi không hề biết là mình nghèo cho đến khi đi học, được cha mẹ cho vào đội bơi. Ra khỏi khu Little Saigon, thấy bạn bè có phòng ngủ riêng, tôi mới thấy là nhà mình kỳ quá.
Trời! Bảy người cùng ở chung một phòng. Mình nghèo thật!” Khoa cho biết đã nhận ra điều ấy lúc mình chín tuổi.

Nhưng nghèo, với Khoa không phải là một điều xấu.

“Gia đình nghèo, nhưng đó là nguồn gốc của tôi. Nói thẳng ra đó (cái nghèo) là chốn xuất thân của nhiều người tị nạn chúng ta. Từ cái nghèo đó mà tôi biết biết ơn cuộc đời. Gia đình tôi nghèo thế, nhưng tôi vẫn có thể bình đẳng cạnh tranh với mọi người ở đây.” Khoa lập luận.

Với tâm tư này, Ayotree, Moses the Freedom Fighter, và có lẽ nhiều dự án sau này nữa của Khoa và người anh ruột sẽ mãi là những ước muốn trả ơn đời, mang thương yêu và kiến thức đến khắp nơi.