“với người Á Đông, tỉ lệ trung bình là trong 15,000 người mới tìm ra được một người hợp tủy với bệnh nhân đang cần. Mà hiện giờ đang có khoảng 20 bệnh nhân gốc Việt trên toàn nước Mỹ bị ung thư máu đang chờ được thay tủy nhưng chưa có ai hợp.”
Các bệnh nhân, gia đình và thiện nguyện viên gốc Việt của Hội Hiến Tủy Á Châu trong ngày kỳ niệm 25 năm thành lập (Hình: Hoàng Anh Nguyễn cung cấp)
LONG BEACH, California (NV) – Những phép màu đã thực sự xuất hiện và bao niềm hy vọng vẫn được tiếp tục nhen lên là những gì mà Hội Hiến Tủy Á Châu (Asians for Miracle Marrow Matches-A3M) đã và đang làm từ khi thành lập vào năm 1991 đến nay.
Dạ tiệc kỷ niệm 25 thành lập A3M tại khách sạn Hyatt Regency Long Beach vào tối Thứ Bảy trung tuần Tháng Mười đón nhận không biết bao nhiêu là nụ cười rạng rỡ lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của người hiến tủy và nhận tủy, cũng như có cả những gương mặt chứa đầy niềm hy vọng về một ngày không xa bản thân người đang mang bệnh cũng sẽ có được điều kỳ diệu ấy.
A3M là một tổ chức thiện nguyện, phụ trách phổ biến và tuyển chọn những người tình nguyện ghi danh vào chương trình hiến tủy toàn quốc (Be The Match). Hội được một gia đình người Nhật thành lập từ năm 1991 và hoạt động trong các cộng đồng thiểu số người Việt, Nhật, Hoa, Triều Tiên, Thái, Lào, Cambodia, Ấn Ðộ và các sắc tộc quần đảo Thái Bình Dương.
Những nụ cười hạnh phúc
Nhìn cô bé có khuôn mặt tròn trĩnh, nụ cười tươi tắn, đứng bên mẹ, bên bà ngoại và chị gái, tôi cảm thấy ngờ ngợ…
Đến khi nghe bà Hoàng Anh Nguyễn, người giữ vai trò hỗ trợ bệnh nhân gốc Việt của A3M, nhắc lại, tôi mới “ồ” lên một cách ngỡ ngàng. Ra đây là bé Tiffany Lâm.
Năm 2012, tròn một năm sau khi được thay tủy, bé Tiffany, khi đó 6 tuổi, đã có một cuộc hội ngộ vô cùng xúc động với bà Cheryl Cabrera, một phụ nữ Philippines, người đã hiến tủy để cứu em thoát khỏi căn bệnh ung thư máu mà em bị khi mới được 18 tháng tuổi.
Nụ cười của bé Tiffany Lâm (đầu tiên) cùng gia đình mẹ, bà ngoại, dì và chị gái. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Khi đó, tại nhà hàng Palace Seafood, Westminster, bé Tiffany với khuôn mặt bầu bĩnh, líu lo giới thiệu, “Con tên là Tiffany, 6 tuổi, con đang học ở nhà, đến Tháng Giêng con sẽ vào trường học.”
Giờ đây, tại buổi kỷ niệm 25 năm thành lập A3M, bé Tiffany, nay đã 10 tuổi, vẫn nét mặt xinh tươi, mũm mĩm, cho biết, “Con cảm thấy khỏe, con đi học ở trường rất vui. Con muốn một lần nữa gửi lời cám ơn đến người đã cho con tủy để con có được một cuộc sống khỏe mạnh như bây giờ.”
Cũng tại dạ tiệc này, những người tham dự đã im lặng lắng nghe em Kaili Nguyễn, 11 tuổi, hiện sống ở Cypress, kể lại câu chuyện em đã thoát khỏi căn bệnh ung thư máu như thế nào, trong niềm vui lẫn sự xúc động sâu lắng.
Khi Kaili chưa đầy 4 tuổi, em bỗng trở nên biếng ăn, biếng chơi, trông nhợt nhạt và thường xuyên đau yếu. Sau khi làm một loạt các xét nghiệm, bác sĩ cho gia đình biết Kaili bị hội chứng “Myelodysplastic Syndrome” (MDS), một dạng ung thư máu.
Hóa trị và thay tủy là những phương pháp điều trị mà bác sĩ đề nghị áp dụng cho Kaili.
Kaili may mắn hơn nhiều người cùng cảnh ngộ, vì chỉ sau vài tháng tìm kiếm với sự giúp đỡ của bà Hoàng Anh và A3M, đã có người hợp tủy sẵn sàng hiến tặng cho em. Đó là một phụ nữ gốc Việt ở tận Houston.
Tuy nhiên, ba tháng sau khi thay tủy, những tưởng mọi chuyện trở nên tốt đẹp, thì Kaili lại trở bệnh. Các bác sĩ phải tiếp tủy cho em lần thứ hai, cũng là tủy của người đã cho Kaili lần trước.
Hạnh phúc thoát khỏi bệnh ung thư máu của bé Kaili Nguyễn (trái) để tiếp tục sống cùng ba mẹ và anh trai. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Từ đó đến nay, sáu năm đã trôi qua, Kaili hiện là cô bé nhanh nhạy, tự tin, với ước mơ sẽ trở thành một nhà nghiên cứu môi trường hoặc là một bác sĩ chuyên điều trị bệnh cho trẻ em trong tương lai.
Nhìn nụ cười rạng ngời hạnh phúc của gia đình Tiffany Lâm hay Kaili Nguyễn khi chụp hình cùng nhau, bất cứ ai từng trải qua sự khủng hoảng, lo lắng khi hay tin người thân mình mắc bệnh ung thư máu, mới càng hiểu rõ hơn bao giờ hết giá trị của nụ cười đó thiêng liêng đến mức nào.
…Và ánh mắt chờ mong
Cũng có mặt trong tiệc kỷ niệm 25 năm thành lập A3M là bé Esmund Nguyễn, 4 tuổi, cư dân San Gabriel, bị căn bệnh hoại huyết ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đang cần có người hợp tủy hiến tặng để thay thế.
Tháng Ba, 2013, lần đầu tiên tôi nhìn thấy Esmund là khi em mới được 5 tháng tuổi, nằm ngủ ngoan trong chiếc nôi được đặt bên trong ngân hàng Bank of America, góc Brookhurst và Westminster, trong khi các thiện nguyện viên của A3M ngồi dưới trời nắng Xuân, chờ đợi người có lòng từ tâm ghé lại cho mẫu thử xem có thể hợp tủy với bé không.
Nhớ ngày đó, anh Vincent Nguyễn, cha của Esmund, mặc trên người chiếc áo có in hình Esmund, kể, “Ngày Esmund được sanh ra, vị bác sĩ đỡ sanh nói với mọi người rằng đó là một phép nhiệm màu. Bởi vì những đứa bé được chẩn đoán mang bệnh hoại huyết từ trong bụng mẹ thì sẽ sống không quá ba tiếng sau khi được sanh ra.”
Khi mẹ Esmund có bầu em được sáu tháng, bác sĩ cho biết em bé “chắc chắn 100% bị bệnh hoại huyết.”
Dù được giải thích rằng: “Một em bé bị bệnh hoại huyết sẽ không thể cầm máu được khi em bị đứt tay, nếu không có người cho tủy thì cứ mỗi ba tuần em phải vào bệnh viện để truyền máu cho đến suốt đời, cũng do thiếu máu như vậy nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Bên cạnh đó, với bé bị bệnh từ trong bụng mẹ thì sẽ không thể sống quá ba tiếng đồng hồ sau khi chào đời” nhưng cả hai vợ chồng anh Vincent vẫn quyết định giữ em bé lại cho đến ngày sinh bé ra.
Hai tuần sau khi sanh, bé Esmund vẫn được cho là bình thường.
Bé Esmund Nguyễn, 4 tuổi, chụp hình cùng cha, anh trai và bà Hoàng Anh Nguyễn tại dạ tiệc kỷ niệm 25 năm thành lập A3M (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Tuy nhiên, niềm vui của đôi vợ chồng này không còn trọn vẹn khi đến tuần thứ năm bác sĩ bảo “Esmund cần phải truyền máu.”
“Từ đó đến nay, cứ mỗi ba tuần phải đến bệnh viện để vô máu. Bệnh nó ngày càng nặng,” cha của Esmund cho biết.
Esmund nay đã 4 tuổi, nhưng người hợp tủy với em vẫn còn “bặt vô âm tín.”
Hãy cùng A3M mang lại hy vọng và tạo nên sự nhiệm màu cho người ung thư máu
Ông Thạch Nguyễn, từng là người giữ vai trò hỗ trợ bệnh nhân gốc Việt của A3M, cho biết, “Hiện tại có 280,000 người gốc Việt trên toàn nước Mỹ ghi tên vào danh sách những người tham gia hiến tủy. Tuy nhiên, danh sách này thường xuyên có sự thay đổi, vì bệnh viện sẽ tự động loại bỏ tên của những người đã qua tuổi 61.”
Mặc dù cô Susan Choi, giám đốc điều hành A3M, cho rằng “số người ghi danh hiến tủy càng lúc càng nhiều, không còn quá khó khăn trong việc kêu gọi như lúc đầu mới thành lập” nhưng theo ông Thạch thì “với người Á Đông, tỉ lệ trung bình là trong 15,000 người mới tìm ra được một người hợp tủy với bệnh nhân đang cần. Mà hiện giờ đang có khoảng 20 bệnh nhân gốc Việt trên toàn nước Mỹ bị ung thư máu đang chờ được thay tủy nhưng chưa có ai hợp.”
Như vậy, phải có thêm 300,000 người nữa ghi danh hiến tủy trong độ tuổi từ 18 đến 44 thì cơ hội được sống lâu hơn với những người thân yêu của các bệnh nhân này mới có thể thành sự thật.
Trong số người đang chờ đợi đó, có bé Esmund Nguyễn 4 tuổi, Steven Trần 9 tuổi, Arayan Đinh 11 tuổi, Kaitlyn 12 tuổi… những em đang chờ mong một cuộc sống khỏe mạnh để có thể thực hiện nhiều ước mơ như bao bạn bè đồng trang lứa khác.
Theo lời bà Hoàng Anh, người góp phần cùng A3M trong việc đi tìm kiếm người cho tủy giúp các bệnh nhân gốc Việt, thì “việc đi kiếm ra một người giúp được bệnh nhân ung thư máu khó khăn lắm. Nhiều khi mình phải nài nỉ người ta, còn người bệnh đôi lúc thấy gần như mất hết hy vọng vì không kiếm ra được người cho.”
“Chính vì biết khó, nhưng tôi cùng với các thiện nguyện viên cứ cố gắng, cố gắng hết sức làm sao để cho mọi người hiểu được là cho tủy không đau đớn gì cả mà lại cứu được một mạng người,” bà Hoàng Anh nói
Bà Hoàng Anh giải thích thêm, “Phương pháp lấy tủy hiện nay đã thay đổi rất nhiều, không còn phải dùng kim chọc vào tủy sống như trước kia vừa tốn tiền vừa đau đớn. Phương pháp mới bây giờ là lấy tủy từ tế bào gốc trong máu, cho nên cách thức thực hiện giống như đi hiến máu mà thôi, đơn giản hơn và cũng ít tốn kém hơn.”
Mọi chi tiết về chương trình hiến tủy, xin liên lạc cô Hoàng Anh Nguyễn (714) 553-0520 hoặc qua email: