Một khí thế hừng hực lửa lan tỏa khắp khán phòng của hí viện Saigon Performing Arts Center khi những ca từ “Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi. Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng…” vang lên.
Nhạc cảnh “Trách Ai Vô Tình.” (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Những tràng vỗ tay không ngớt vang lên khi kết thúc vũ khúc mở đầu đêm văn nghệ “Hương Việt 2” (Scent of Vietnam 2) do Vũ Đoàn Việt Cầm tổ chức để gây quỹ nuôi dưỡng bộ môn múa dân tộc Việt Nam vào tối Thứ Bảy, 27 Tháng Tám, tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley.
Vũ sư Vũ Đình Luân, phụ trách vũ đoàn, rất ý nhị khi chọn bài “Lưu Thủy Kim Tiền” của nhã nhạc cung đình Huế làm vũ khúc mở đầu chương trình, bởi đây là một vũ điệu của cung đình Huế dùng để tế lễ và đón chào quý khán giả.
Các nữ vũ công tươi vui, cầm đèn lồng múa theo âm nhạc hòa tấu nhạc cụ dân tộc với tất cả sự hân hoan như muốn gửi gắm cả tâm tư, tình cảm con người Việt Nam tới khán giả. Ngôn ngữ âm nhạc dân tộc qua các nhạc cụ như sáo trúc, nhị, nguyệt, tranh… như khẳng định một điều, Vũ Đoàn Việt Cầm góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Người xem lại thích thú và ngạc nhiên hơn khi các vũ công của Việt Cầm trong trang phục cổ truyền áo tầm vông (còn gọi là áo cổ vòng), mặc xà rông, nhuần nhuyễn với điệu múa Lâm Thôn rộn ràng, là điệu múa dân gian cổ truyền của người Khmer qua vũ khúc “Sóc Sờ Bai Sóc Trăng” của nhạc sĩ Thanh Sơn.
Một vũ điệu đặc biệt nữa của người Khmer mà khán giả ít khi được thấy, đó là “Múa Gáo Khmer” đã được các vũ công “nhí” của vũ đoàn trình diễn một cách thuần thục. Vốn là một dân tộc có truyền thống văn nghệ, người Khmer đã sáng tạo ra nhiều loại hình ca vũ độc đáo. Với chiếc gáo dừa bình dị, cùng với tiết tấu nhạc nhịp nhàng, các “chàng trai, cô gái Khmer” cùng nhau vui múa để xua đi nỗi mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả.
Bài nhạc dân ca Khmer này có điệu múa khá đơn giản, trên tay người múa cầm một chiếc gáo dừa nhỏ xinh, họ quây thành vòng tròn, rồi tản ra thành hàng ngang, hàng dọc, kết hợp tay chân nhịp nhàng, lúc mạnh mẽ, lúc uyển chuyển… Đây là điệu múa giúp con người khỏe khoắn, nhanh nhẹn và thư giãn. Người xem cũng bị lôi cuốn vào các động tác múa, thả hồn theo tiếng nhạc du dương và cảm thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng, thư thái.
Việt Cầm tiếp tục dẫn khán giả xuôi về vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, qua khỏi Sóc Trăng nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống để về Bạc Liêu và Cà Mau, để cùng khắc khoải với những điệu nhạc buồn nơi vùng đất tận cùng của đất nước Việt Nam.
Màn nhạc cảnh “Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là một điệu múa nói về thân phận khiêm nhường của những người nhạc công mà vũ sư Vũ Đình Luân muốn gửi đến người xem. Cùng yêu nghệ thuật, nhưng chỗ đứng của người nhạc công không rực rỡ như những đào kép chính. Họ luôn luôn nằm ở phần tối của sân khấu. Nhưng họ vẫn nhiệt tình đóng góp niềm đam mê theo từng tiếng đàn nổi trôi. Thân phận thì khiêm nhường, nhưng sự đóng góp của họ cho sân khấu, cho nghệ thuật thì không nhỏ.
Vũ điệu kế tiếp là “Lý Con Sáo Bạc Liêu,” một tác phẩm của nhạc sĩ Phan Ni Tấn, qua tiếng hát truyền cảm của ca sĩ Phi Nhung. Từ xưa, con sáo đã rất thân thuộc với đồng quê Việt Nam, và chính vì vậy mà không biết từ khi nào, hình ảnh con sáo trong các bài “Lý Con Sáo” đều dựa theo câu ca dao “Ai đem con sáo sang sông/Để cho con sáo sổ lồng bay xa.”
Có rất nhiều người nghĩ rằng nội dung của bài hát nói lên sự phản kháng của người dân bị chế độ độc tài đàn áp, áp bức nên muốn sổ lồng bay xa. Nhưng có người nghĩ rằng đây là tâm sự của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa cũng bị chèn ép. Tựu trung, những bài “Lý Con Sáo” là một thể điệu tạo nên những niềm u uất của người dân thời đó: “Rồi thì sáo cũng sang sông, bỏ trong dĩ vãng tấm lòng mồ côi/Bạc Liêu cùng với qua ngồi, nhớ thương em bậu khóc mùi một phen a à ơi ơi à à a ơi/Trời mưa lâm râm ướt dầm bông sói bậu đi lấy chồng sao chẳng nói ơ ớ ơ qua hay…”
Càng về cuối chương trình, “Hương Việt 2” lại càng hớp hồn khán giả với những nhạc cảnh bi ai, đau thương. Đặc biệt, tiết mục “Trách Ai Vô Tình” sáng tác của nhạc sĩ Nhật Ngân qua sự trình diễn của Thủy Trinh trong vai cô đào cũ, Vũ Hoàng Minh trong vai bầu show thiếu gia, và Tiên Đăng trong vai cô đào trẻ. Trong đó, vũ công Thủy Trinh đóng vai trò then chốt khi cô vừa phải diễn, vừa phải hát – một nét mới trong chương trình này – và cô đã làm tròn vai một cách xuất sắc.
Với nhạc cảnh này, vũ sư Vũ Đình Luân đã tạo dựng hình ảnh một thiếu gia yêu thích nghệ thuật nên bỏ tiền lập đoàn hát. Anh chàng này một tay lăng xê bao nhiêu cô đào trẻ. Đây là một khoảnh khắc mà nhiều người đã từng trải qua hay đã từng chứng kiến thì đều thấy sự khắc nghiệt của những ai trót mê nghệ thuật. Khoảnh khắc của cô đào trẻ bỡ ngỡ bước vào gánh hát, và cô đào cũ ngậm ngùi ra đi, cùng những y phục đẹp mắt đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả.
Nhạc phẩm “Một Người Đi” của nhạc sĩ Mai Châu lại giòn giã vang lên những tràng pháo tay không ngớt khi hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa được tái hiện trên sân khấu qua diễn xuất của vũ công Trần Mỹ Dung và Vũ Hoàng Minh. Cả hai vũ công với vũ điệu lả lướt và điêu luyện trong chiếc áo dài thướt tha, cùng bộ quân phục đã diễn tả tình yêu đôi trẻ với những lời hát sâu tận đáy lòng: “Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm/Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim/Mình cầm tay nhau, chưa nói hết một câu/Thôi đừng buồn anh nhé, tiếng còi đã ngân dài…”
Hừng hực khí thế trong nhạc cảnh “Đáp Lời Sông Núi.” (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Một khí thế hừng hực lửa lan tỏa khắp khán phòng của hí viện Saigon Performing Arts Center khi những ca từ “Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi. Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng…” vang lên. Màn vũ của nhạc phẩm “Đáp Lời Sông Núi” do nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác, vũ sư Vũ Đình Luân dàn dựng nên điệu múa và các vũ công đã mang đến đêm diễn một tiết mục đẹp mắt, ý nghĩa. Lời bài hát và màn vũ như thúc giục lòng dân hãy can đảm cùng đứng lên phá tan xiềng xích của bạo quyền…
Tiết mục “Cô Đôi Thượng Ngàn” kết thúc đêm diễn đã làm khán giả tiếc ngẩn ngơ vì “Tôi không nghĩ 20 tiết mục lại trôi nhanh như vậy. Ngồi đây đã hơn ba giờ đồng hồ mà tôi tưởng như mới đây thôi. Hay quá, tiết mục nào cũng hấp dẫn và lôi cuốn, diễn giỏi, ca hay, trang phục bắt mắt. Thích quá! Tôi sẽ chờ xem tiếp Hương Việt sắp tới của Vũ Đoàn Việt Cầm,” bà Hương Loan Trần, cư dân Westminster, nói trong tiếc rẻ.
“Cô Đôi Thượng Ngàn” là một tiết mục chầu văn, vũ sư Vũ Đình Luân đã dàn dựng theo kiểu nhiều vị về cùng một lúc để múa hát. Các vũ công đóng vai người hầu đồng rất uyển chuyển qua những bước nhảy của những người đã từng “nhập xác” mà nhân gian còn gọi là “lên đồng.” Và độc đáo hơn nữa là sau khi hoàn tất tiết mục, các “thanh đồng” đã mang lễ vật xuống phát lộc cho khán giả.
Bà Thu Nguyễn, cư dân Garden Grove, sau khi nhận “lộc” vui vẻ nói: “Qua cách các cháu mang lộc cho khán giả thì tôi thấy được các cháu được giáo dục rất tốt. Tôi tưởng tượng các cháu sẽ quăng lộc cho khán giả như thường thấy những người hầu đồng quăng lễ vật cho người tham dự như trên YouTube. Nhưng không, các cháu đưa từng người, ai trong hàng ghế không có thì các cháu đưa tận tay. Quý lắm, nhân văn lắm! Khó mà tìm được một nơi dạy cho các cháu trình diễn nghệ thuật cổ truyền đúng nghĩa văn hóa như vậy.”
Ông Quý Hoàng, cư dân Chino Hills, cho hay: “Đây là lần đầu tôi đến xem vì được người bạn cho vé. Thật không bõ công mất gần 40 phút đến Little Saigon để xem chương trình này. Có đến đây mới thấy được tấm lòng của vũ sư Vũ Đình Luân dành cho bộ môn vũ dân tộc. Vũ Đoàn Việt Cầm đúng là đã bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam một cách đáng trân trọng.”