“Cùng với tình trạng thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động khi đối tác nước ngoài hủy hợp đồng do quan ngại thủy sản miền Trung nhiễm độc.”
Một phụ nữ thu gom nghêu chết vì bị nhiễm độc chất thải của nhà máy luyện gang thép Formosa trên bờ biển huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Cả người dân trong nước và các nhà nhập cảng hải sản của Việt Nam tại ngoại quốc đều tẩy chay hải sản Việt Nam xuất xứ từ miền Trung vì lo sợ chúng bị nhiễm độc.
“Cùng với tình trạng thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động khi đối tác nước ngoài hủy hợp đồng do quan ngại thủy sản miền Trung nhiễm độc.” Báo điện tử VnExpress hôm Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016 dẫn một kiến nghị của Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam (VASEP) đưa tin.
VASEP vừa đại diện cho 270 doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản “kiến nghị” lên chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn về thiệt hại sau thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Tổ chức này kêu là “sự cố ô nhiễm đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ đến đời sống, việc làm cũng như sức khỏe của người lao động. Ngư dân lo lắng và không dám đi đánh bắt.”
“Khách hàng quốc tế quan ngại nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu và sản phẩm. Vì vậy, nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền Trung. Các doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất lớn,” VASEP viết trong bản kiến nghị được VnExpress dẫn lại.
Tổ chức VASEP dẫn trường hợp một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là công ty Trang (Mã CK: TFC) “cũng bất ngờ ghi nhận thua lỗ 14.5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi lớn. Một trong những lý do được ban lãnh đạo công ty đưa ra là sự kiện cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam đã ảnh hưởng đến uy tín ngành thủy sản, nhiều đối tác nước ngoài đơn phương hủy hợp đồng.”
Một dẫn chứng khác về hệ quả của vụ Formosa dầu độc biển miền Trung đã ảnh hưởng thế nào đối với các xí nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, VASEP nói: “Công ty Nam Hà Tĩnh (Shatico) ở Kỳ Anh thu mua được 228 tấn sau 8 tháng, trong khi cùng kỳ 2015 được 580 tấn (giảm đến 60%). Công ty xuất khẩu chỉ được 160 tấn, kim ngạch 1.4 triệu USD trong khi cùng kỳ là 2.4 triệu USD.”
Trước thực trạng uy tín ngành thủy sản lao dốc trên trường quốc tế, VASEP “kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành khẩn trương đẩy mạnh công tác truyền thông để khách hàng nước ngoài không bị quan ngại và vẫn tin vào hình ảnh thủy sản của Việt Nam đảm bảo chất lượng.”
Đồng thời, hiệp hội này “mong chính phủ có sự can thiệp đối với Tập Đoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người dân ở 4 tỉnh miền Trung; đưa ra những chính sách hỗ trợ, giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường gây ra.”
Không chỉ gặp khó trên thị trường quốc tế, về thị trường nội địa, người dân trên cả nước cũng có tâm lý hoang mang, lo lắng nên không mua sản phẩm thủy sản miền Trung cho nên “Các doanh nghiệp và ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm.”
Theo báo cáo của VASEP, đến giữa tháng 8, 2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại, khiến các nhà máy chế biến bị thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì và giữ chân công nhân.
Tổ chức nói trên cho rằng nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn.
“Dự kiến các tháng cuối năm, nhiều công ty chế biến thủy sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và các khoản chi trả cho các đối tác. Nhiều công ty báo thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.”
Cùng một ngày với cuộc họp báo hôm 22 tháng 8, 2016, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường CSVN cùng một số quan chức đã biểu diễn tắm ở biển Đông Hà, Quảng Trị, để chứng minh rằng nước biển miền Trung đã “an toàn” để tắm và “nuôi trồng thủy sản.” Nhưng đại diện của Bộ Y Tế xuất hiện trong cuộc họp báo này không trả lời được câu hỏi khi nào thì cá và các loại hải sản đánh bắt ở khu vực có thể ăn được. (TN)