main billboard

“Theo luật của tiểu bang California, nếu con chó cắn người, gọi là 'strict liability' đương nhiên coi như chủ chó có lỗi."


WESTMINSTER, Calif. (NV) – Càng ngày, chuyện nuôi một con chó ở Mỹ càng trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết, bởi lẽ chó không chỉ là chó, mà nó gần như được xem là một thành viên của gia đình. Trong năm 2015, số tiền người Mỹ chi ra cho việc nuôi thú cưng nói chung, trong đó nhiều nhất là chó, lên tới 60.5 tỉ đô la (con số này ở năm 2012 là 52 tỉ), cao hơn 25% so với 5 năm trước.

Chính vì chó được đối xử một cách đặc biệt như thế bởi các đặc tính của nó, cho nên luật pháp cũng có những điều rất riêng dành cho chó, hay nói đúng hơn là dành cho chủ chó.

Nhân chuyện một người bị chó cắn, chủ chó bị thưa kiện, cùng các thông tin mà luật sư cung cấp liên quan đến việc nuôi chó, thiết nghĩ sẽ là điều để những ai đang nuôi hoặc dự định nuôi chó có thêm những suy nghĩ về thú cưng của mình.

nuoicho 1
Chó được đối xử một cách đặc biệt bởi các đặc tính của nó, nên luật pháp cũng có những điều rất riêng dành cho chủ chó. (Hình mình họa: Tuyền Phan/Người Việt)

* Từ một vụ chó cắn

“Vào khoảng 10 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 8 Tháng Chín, 2013, bà Tuyết Nguyễn đến thăm người hàng xóm tên Mai Hồng. Cả hai đều cùng ở khu mobile home 14081 trên đường Magnolia. Khi đó cửa trước nhà bà Hồng mở nên con chó nhỏ của nhà bà Mai chạy ra cắn và làm xước chỗ gần đầu gối chân trái của bà Tuyết. Bà Mai nhanh chóng ôm con chó bỏ vào nhà, rồi sau đó có xứt dầu vào chỗ vết thương nhỏ đó cho bà Tuyết.

Bà Tuyết hỏi con chó có được chích ngừa chưa, bà Hồng khẳng định có. Khi bà Tuyết yêu cầu cho coi giấy chích ngừa thì bà Hồng nói sẽ đưa sau. Thế là bà Tuyết đi về.

Hôm sau, Thứ Hai, bà Tuyết đi bác sĩ gia đình nói về vết thương bị chó cắn. Bác sĩ đề nghị bà cần phải tìm hiểu coi liệu con chó có được chích ngừa bệnh dại không. Thế là bà Tuyết lại sang hỏi bà Hồng nhưng bà Hồng không đưa. Cuối cùng, sang ngày Thứ Ba, bà Tuyết quyết định báo cảnh sát nhờ hỗ trợ.” Đó là ghi nhận của cảnh sát viên J. Nguyễn thuộc Sở Cảnh Sát Westminster theo lời khai của bà Tuyết Nguyễn.

Cũng trong bản báo cáo liên quan đến chuyện “chó cắn” này thì trưa Thứ Tư, 11 Tháng Chín, cảnh sát viên J. Nguyễn đến gặp bà Mai Hồng. Bà Mai xác nhận là bà Tuyết có ghé thăm bà và bị con chó nhảy lên người. Nhưng bà không tin rằng con chó cắn bà Tuyết. Bà cũng cho biết con chó thuộc về con gái bà, là cô Kimberly Trần. Khi đó cô Kimberly không có ở nhà.

Chiều cùng ngày, cô Kimberly đến bàn tiếp tân của Sở Cảnh Sát Westminster nói chuyện với cảnh sát J. Nguyễn và đưa giấy chứng nhận đã chích ngừa bệnh dại cho con chó. Theo ông J. Nguyễn, giấy chứng nhận cho biết con chó đó được chích ngừa ngày 9 Tháng 11, 2011 và lịch chích lần tới là 8 Tháng 11, 2014.

Cảnh sát đã đưa bà Tuyết xem giấy chích ngừa này và bà Tuyết cho biết không cần thêm sự hỗ trợ từ phía cảnh sát nữa.

Bản báo cáo của cảnh sát J. Nguyễn cũng cho biết các cuộc nói chuyện đều được thu âm theo luật và ông cũng có chụp hình con chó và vết thương bị chó cắn của bà Tuyết.

* Đến đơn kiện của luật sư

Câu chuyện xảy ra từ Tháng Chín, 2013, mọi chuyện tưởng như chìm vào quên lãng, thì hai năm sau, Tháng Chín, 2015, cô Kimberly Trần, chủ nhân con chó, người mà hai tháng sau khi chuyện chó cắn xảy ra, đã dọn nhà đi khỏi khu mobile home này, nhận được đơn thưa từ văn phòng luật sư về tội để chó cắn bà Tuyết Nguyễn.

“Má tôi nói con chó không có cắn người ta. Tôi gọi cho văn phòng luật sư ghi trên hồ sơ để nói vậy, nhưng họ bảo tôi có bảo hiểm nhà không, nếu không có thì chuẩn bị ra tòa. Mobile home tôi ở hồi đó cũ kỹ rồi, đâu có ai bán bảo hiểm. Sau đó chỗ văn phòng luật sư lại gọi đến nói nếu đồng ý bồi thường $10,000 thì không phải ra tòa. Tôi nói tôi không có tiền. Sau đó họ lại gọi nói tôi bồi thường $5,000 cũng được, nhưng với tôi $100 tôi cũng không có vì tôi đang thất nghiệp,” cô Kimberly kể.

Trong khi đó, bà Tuyết Nguyễn, người bị chó cắn, nay ngoài 70 tuổi, người đứng đơn thưa, cũng không nhớ chuyện chó cắn này, cho đến khi được nhắc lại.

Bà Tuyết, vẫn còn ở trong mobile home trên đường Magnolia, kể: “Ngày hôm sau khi bị chó cắn, vết thương sưng lên nên tôi đi bác sĩ. Bác sĩ kêu tôi phải hỏi xem con chó có chích ngừa dại không, chứ bác sĩ không có chích thuốc gì cho tôi được mà chỉ chờ đợi để xem trong 7-10 ngày có biểu hiện của bệnh dại hay không thôi. Tôi đến nhà hỏi hoài bà Mai không đưa, mà lại còn nói với hàng xóm là tôi đến làm tiền bả, nên tôi giận lắm. Đến ngày Thứ Ba thì con tôi nói phải báo cảnh sát và nhờ luật sư giúp luôn, nên tôi mới đi gặp luật sư.”

“Lúc đó, luật sư đề nghị tôi đi khám bệnh, làm các xét nghiệm như thế nào thì tôi làm theo như vậy. Nhưng rồi sau đó thấy vết thương cũng lành, tôi không bị gì thì mọi chuyện tôi cũng không còn nhớ nữa, mấy năm rồi. Chỉ có thỉnh thoảng chỗ luật sư có gọi hỏi biết nhà đó dọn đi đâu không thì tôi nói không biết,” bà Tuyết cho biết.

nuoicho 2
Chó không chỉ là chó, mà nó gần như được xem là một thành viên của gia đình (Hình minh họa: Facebook Trúc Linh Ngô)

* Chó cắn người, chủ chó lãnh hậu quả

Câu chuyện “chó cắn” trên, ai đúng ai sai hay xử phạt như thế nào là phán xét của tòa trong thời gian tới. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện của phóng viên Người Việt với Luật Sư Đỗ Hiếu Liêm, thuộc văn phòng Luật Sư Liem H Do & Associates, cho thấy thực tế nhiều người nuôi chó nhưng thực sự chưa hiểu hết về luật dành cho chó hay chủ chó ở California.

Luật Sư Liêm cho biết: “Theo luật của tiểu bang California, nếu con chó cắn người, gọi là 'strict liability' đương nhiên coi như chủ chó có lỗi. Trong khi với tai nạn đụng xe, mình cần phải chứng minh đối phương bất cẩn, quẹo ẩu, quá tốc độ... dẫn đến tai nạn, thì với trường hợp chó cắn, nạn nhân không cần chứng minh chủ chó bất cẩn để chó chạy ra ngoài cắn mình. Cứ chó cắn người thì chủ chó phải có trách nhiệm.”

Đặc biệt, theo ông, “Do vấn đề 'strict liability' nên có nhiều trường hợp mình vô nhà người ta không có giấy phép, chó người ta cắn mình, thì chủ chó vẫn phải chịu trách nhiệm, chứ không thể nói khác. Dĩ nhiên lỗi sẽ nặng hơn trong trường hợp con chó rời khỏi nhà của chủ chó.”

“Mặc dù trong mấy chục năm qua ở quận Cam không hề có trường hợp chó dại nào nhưng trên nguyên tắc chó phải được chủng ngừa, chó phải có dây buộc để không chạy lung tung khi ra ngoài để có thể cắn người ta,” ông nói thêm.

Liên quan đến thiệt hại từ việc bị chó cắn, theo Luật Sư Liêm là “khó nói lắm!” bởi “Ảnh hưởng từ chuyện chó cắn có thể là ảnh hưởng về thương tích và ảnh hưởng về tinh thần.”

Ông phân tích, “Có những trường hợp đứa nhỏ bị chó cắn có thể bị ảnh hưởng tinh thần suốt đời cho đến lớn, tức sau khi bị chó cắn rồi thì sau này lớn lên, cứ thấy chó là sợ. Điều đó là có thật.”

Về thương tích, theo ông, có hai thương tích thường xảy ra. “Thứ nhất khi chó cắn thì phải có vết thương, nếu vết thương không bị làm độc thì cũng vài ngày vài tuần mới lành. Nhưng có những trường hợp, nhất là chó lớn cắn, như Pit Bull hay German Shepherd khi được lệnh cắn là nó cắn không nhả, thì người ta thường phải vùng mới thoát ra, và như vậy họ có thể bị thương tích khác ngoài vết cắn, như đau lưng đau tay đau chân. Đó là những trường hợp dân sự.

Ngoài ra có những trường hợp hình sự là vì con chó được huấn luyện để tấn công người khác, thì chủ chó không chỉ bị truy tố về dân sự mà còn về hình sự nữa.”

Luật Sư Liêm cho rằng, “Khi chó cắn người ta, nếu hai bên không giải quyết êm thấm, dẫn đến đi kiện thì thường bảo hiểm nhà của chủ chó chịu trách nhiệm. Nếu chó mình cắn người ta, và luật sư của nạn nhân gọi đến mình thì mình chỉ cần thông báo cho hãng bảo hiểm của mình để cho biết rằng con chó cắn người ta, giờ bị kiện thì thường hãng bảo hiểm nhà sẽ lo những vụ này.”

Ông nhấn mạnh, “Luật sư của nạn nhân có quyền trong vòng 2 năm kể từ khi chuyện chó cắn xảy ra để kiện chủ chó. Khi nhận được đơn kiện, bị đơn có 30 ngày để trả lời đơn kiện. Đừng bao giờ cho rằng mình không có lỗi rồi liệng đơn vô sọt rác. Không được làm như vậy. Khi nhận được đơn kiện bị đơn có bổn phận phải gọi liền cho bảo hiểm nhà (home insurance) báo họ biết ngày mình được trao đơn kiện, yêu cầu họ bảo vệ mình. Khi đó bảo hiểm sẽ mướn luật sư để bảo vệ mình.”

“Nếu chủ chó bỏ qua, không trả lời thư tòa, mà bên thưa vẫn đi tới thì có thể người chủ chó bị Default judgment (bản án mặc định). Khi bị Default judgment thì bản án mặc định này sẽ link vô nhà, lúc đó chủ chó mới cho báo hiểm biết thì bảo hiểm có thể từ chối vì chủ nhà đã không cho bảo hiểm biết ngay từ khi bị kiện, họ có quyền không trả tiền án đó.”

“Trong trường hợp nếu chủ chó là người thuê nhà, mà chủ nhà biết con chó từng tấn công người ta thì lần tới khi xảy ra chuyện con chó đó cắn người thì chủ nhà sẽ phải chịu trách nhiệm, bảo hiểm nhà của chủ nhà phải chịu trách nhiệm.”

Luật Sư Đỗ Hiếu Liêm tốt nghiệp ngành luật năm 1983 tại University of Hawaii. Năm 1987 ông lấy bằng hành nghề ở California và từ năm 1988, Luật sư Đỗ Hiếu Liêm hành nghề tại Orange County cho đến hiện nay.

“Vấn đề quan trọng là khi có chuyện xảy ra mình đừng coi thường, cho là mình không có lỗi là được. Ở Mỹ cần biết luật và tuân thủ luật,” Luật Sư Liêm nói.