main billboard

“Hai mươi bảy năm mà chỉ bị bắt hai lần. Thà vậy chứ nếu cứ đóng tiền hàng năm thì tốn hơn nhiều. Thuế môn bài mỗi năm $350 chứ ít gì.” Ông phân trần.



SANTA ANA, California (NV) - Bốn mươi ba tuổi đời, nhưng Vincente Gonzales hành nghề bán dạo đã được 27 năm. Ông yêu cái nghề này, cho dầu chính cái nghề này nó làm ông điêu đứng nhiều lần. Vì nó, ông vào tù hai lần. Và vì bán dạo không có giấy phép, ông phải nộp phạt, tổng cộng $2,200.

banrong 1
Vincente Gonzales và chiếc xe bán dạo. (Hình: Đằng Giao/Người Việt)


“Hai mươi bảy năm mà chỉ bị bắt hai lần. Thà vậy chứ nếu cứ đóng tiền hàng năm thì tốn hơn nhiều. Thuế môn bài mỗi năm $350 chứ ít gì.” Ông phân trần.

Bị bắt giam hai lần, hết bốn ngày, nhưng với Vincente, như vậy vẫn còn “may đấy.” “Họ không tịch thu xe. Tôi biết nhiều người bị lấy xe rồi,” ông cười ha hả.

Xe bán dạo của ông có ba bánh, chung quanh treo lủng lẳng mấy túi kẹo, bánh màu sắc lòe loẹt. Kế bên là dãy túi bột mì chiên phồng rồm rộm. Trong thùng cạc tông cắt ngắn đặt trên mặt thùng xe, những túi đồ chơi trẻ con nằm ngổn ngang, món rẻ nhất là 20 xu, món đắt nhất không quá $1.

Túi thì có dăm ba hòn bi, túi thì đựng vài cái nhẫn bằng nhựa đỏ, vàng, túi thì chứa đôi giày diêm dúa cho búp bê Barbie, loại búp bê rất phổ biến của Mỹ do hãng Martel, Inc. sản xuất. Riêng xuất xứ của những đôi giày này thì có vẻ không rõ ràng.

Một trong những thứ bán chạy của Vincente là đồ chơi núm vú, nửa là kẹo, hiệu Ring Pop giá 60 xu.

Ông còn bán kem, đủ loại. Kem đá hiệu Kool Tubes, kem dâu, dừa, hiệu FrozFruit, kem chuối hiệu Bomb Pop: “Bán kem chỉ là cho có mà thôi vì có nhiều xe kem lớn giành bán hết rồi, phần vì có người xấu, đóng môn bài nhưng giả dạng bán kem để bán xì ke ma túy. Những người này thường bán nửa giá vốn để người ta thấy có 'sinh hoạt bình thường.'”

Ông chậm chạp đẩy cái xe xiêu vẹo lên phía trước. Cái xe, thoạt nhìn, không khác những xe bán kem khác ngoài sự già nua, èo uột của nó.

Ông bắt đầu khu vực quen thuộc của mình, từ đường Walnut.

Walnut là con đường nhỏ sau lưng chợ El Toro ở Santa Ana. Con đường khô nứt, cằn cỗi lắm. Khu chung cư trần trụi, sạm nắng, xập xệ đang ngái ngủ bỗng vụt tỉnh khi ông rẽ vào mặc dù ông không rung chuông như đồng nghiệp. Tiếng nhạc “mariachi,” một loại nhạc Mexico phổ biến, vang to vì hai đứa bé tuổi cỡ tám, chín tung cửa lao ra, chạy từ lầu hai xuống, miệng la to: “Elotero! Elotero!”

Vincente dáo dác ngó quanh rồi đưa ngón tay lên miệng ra hiệu cho chúng đừng ồn ào. Sực nhớ, cả hai đứa bé im bặt, lẳng lặng chạy xuống.

Ông nói khẽ: “Người bán rong như tôi thường dùng chuông hoặc còi xe đạp nhưng tôi thì thích 'silencio' (yên lặng) hơn. Mình đã không có giấy phép mà ầm ĩ thì chỉ làm người khác ghét thôi. Không giấy phép, tôi phải để ý cảnh sát và đồng nghiệp có giấy phép nữa.”

“Elotero, tiếng Mexico, là người bán bắp,” ông giải thích. Nhìn kỹ, trên xe ông không có quả bắp nào, ngay cả bắp rang.

banrong 2
Những món đồ ăn vặt giá chỉ vài chục xu. (Hình: Đằng Giao/Người Việt)


Hai đứa bé xuống đến nơi, đặt lên xe một túi ni-lông, nói gọn: “Hai khúc.”

Ông mở túi ra. Bên trong có 12 vỏ lon bia. Nhét vội cả túi xuống thùng xe, ông mở một hộp giấy, lấy ra một chiếc bao tay, ông đeo vào tay phải, dùng tay kia mở nắp gỗ, lấy từ thùng móp một trái bắp luộc, đặt lên thớt rồi nhanh nhẹn cắt trái bắp làm đôi, rồi lại cắt làm bốn.

Hai đứa bé hau háu nhìn từng động tác của ông. Ông vừa thoăn thoắt tay, vừa quan sát hai đứa bé một cách thân tình. Rồi không đợi ông đưa, mỗi đứa chụp một phần tư quả bắp, vừa ngấu nghiến nhai vừa đưa tay đuổi ruồi nhặng.

Ông mở miệng túi ni-lông trong cái thùng các tông nhỏ móc bên sườn xe. Hai đứa nhỏ gặm cùi bắp lần nữa như sợ vẫn còn sót hột, xong cho cùi bắp vào túi ni-lông. Vincente đợi ruồi bay ra hết rồi túm miệng túi lại.

Một phần tư trái bắp, ông nói, giá 25 xu. Nhưng nếu đổi bằng vỏ lon bia thì là sáu cái, vị chi là 30 xu. Một phần thu nhập của Vincente là từ việc “đổi bắp lấy vỏ bia” này.

Bà Gumez dẫn đứa bé gái cỡ sáu tuổi bước đến. Mỉm cười, bà đặt hai đồng quarter (25 xu) lên thùng và nhìn ông Vincente trao hai khúc bắp còn lại cho bé gái. Con bé căng nụ cười lởm chởm thiếu răng và nhận phần quà của mình. Ông ngồi xuống, thân mật nói chuyện với nó.

Bà Gumez nói: “Elote (bắp) của ông ấy ngon thật. Elote Mexico dẻo và thơm chứ không ngọt kiểu đường như của Mỹ. Tôi mua của ông gần ba năm rồi. Khổ nỗi ông không ghé đây đều đặn vì sợ người ta dòm ngó. Khu này, ông độc quyền bán bắp nhưng ông nhát lắm. Sợ người cạnh tranh... mách cảnh sát. Sợ người ta bắt chước bán bắp. Sợ lung tung. Mà sợ cũng phải. Trước đây ông bán trứng cút, năm xu một trứng. Rồi nhiều người bán theo nên ông... đổi qua bắp.”

Rồi bà cười: “Tôi thì thường mua cho ông vì ông rất thích trẻ con. Cháu tôi cũng thích ông lắm. Lâu lâu ông còn cho nó cây kem không lấy tiền nữa.”

banrong 3
Trái bắp nướng đúng truyền thống Mexico chỉ có từ chiếc xe đẩy của Vincente. (Hình: Đằng Giao/Người Việt)


Cây kem ông cho cháu bà Gumez, giá bán cho đồng hương, giá là 80 xu, còn nếu bán cho “gringo” - Mỹ trắng - thì $1. Đây là loại kem thường bán ở các chợ “99 cent only.”

Rời xóm chung cư, ông đẩy xe đi xuyên qua một khu vực chật chội, đầy rác rến khác. Một đứa trẻ vẫy tay ríu rít gọi nhưng ông xua tay nói: “Hết rồi. Xin lỗi nhé.”

Ông hạ giọng giải thích, khu vực này là của những người có môn bài nên ông không muốn lôi thôi với họ. “Không có giấy tờ thì không mua môn bài được,” ông vừa nói vừa lắc đầu chấp nhận.

Thường, Vincente chỉ nhận chừng 30 cây cho có thôi chứ bán kem lôi thôi lắm. Ngoài chuyện bị xe lớn và “người khác” tranh khách, ông sợ bán không hết. Mỗi trưa, ông nhận kem lúc 12:30PM và nếu còn dư, ông phải quay về trả lại trước 7:30 giờ tối chứ không được giữ đến hôm sau. “Tại sao? Tôi mua thiếu của người ta, tôi đâu dám hỏi tại sao bao giờ,” ông nhún vai.

Trên con đường nhỏ cắt ngang McFadden, ông Alfonso, một khách quen, bước ra vồn vã bắt tay Vincente rồi mời vô hông nhà. Ở đây kín đáo hơn. Ông Alfonso mua hai cục kẹo hiệu Pop Ring cho đứa bé đang nép người vào hông. Phần mình, ông đợi Vincente trịnh trọng đặt trái bắp bốc khói lên miếng giấy bạc, xịt bơ lỏng, phủ kín “mayonnaise” khắp nơi rồi rắc “cotija,” một loại “cheese” Mexico màu trắng. Sau cùng, ông xoay đều trái bắp để rắc bột ớt rồi đặt một múi chanh bên cạnh. Trái bắp đầy đủ gia vị giá $1.50 và hai cục kẹo thì 90 xu.

Đây mới là đúng cách ăn “elote” kiểu Mexico. “Đúng ra phải nướng bắp thì mới thực sự là Mexico. “Tôi sẽ nướng bắp khi có tiền mua xe đạp ba bánh hiệu 'Trejo' từ quê nhà. Chắc phải đợi khi tôi hợp thức hóa mọi thứ đã,” ông mơ màng nói.

Alfonso rất bực mình vì Vincente không đi bán đều đặn làm ông không thể đoán để mà đợi mua món khoái khẩu.

Vincente phân trần: “Tôi thì sợ nếu đoán trước được lộ trình và giờ giấc, người ta có thể theo rình tôi được chứ có ai buôn bán mà muốn mất khách đâu.”

Nỗi âu lo lớn nhất của Vincente là bị băng đảng ép “hành nghề” cho họ. “Họ đã hỏi tới thì mấy ai dám từ chối. Mà làm gì trái lương tâm thì tôi không làm được,” ông Vincente dứt khoát lắc đầu.

Theo lời ông Alfonso, hiện thời vùng này chỉ có mỗi mình Vincente bán bắp đúng kiểu Mexico thôi. Ngoài ông ra, muốn ăn bắp thì phải lên Los Angeles. “Tôi trông mong ngày ông Vincente ao ước sẽ mau đến. Vì ngày ấy ông ta sẽ mau giàu,” ông Alonso vỗ vai ông Vincente, thân mật nói.

Công việc hàng ngày của Vincente lu bu lắm. Buổi sáng, ông đạp xe chở vỏ bia đi bán, những vỏ bia ông nhận thay tiền hôm trước. Thường thì ông đem về được $15. “Có được $15, tôi phải cột chặt phía trước và phía sau, cao gần tới mắt tôi.”

Ông cười: “Có bữa té xe, vỏ bia văng lung tung, nhặt lại được phân nửa vì bị xe hơi làm văng xuống cống.”

banrong 4
Bắp cho trẻ nghèo: 25 xu hoặc đổi 6 vỏ lon bia. (Hình: Đằng Giao/Người Việt)


Bị té xe như vậy nguy hiểm vô cùng. Lý do là cách nay 15 năm, ông làm cỏ với người anh họ rối lúc khiêng cây dừa ra xe, ông bị trật xương sống. Từ đó đến nay, ông chỉ có thể đi bộ. “Đi bộ thôi mà có đêm về đau đớn toàn thân tới nỗi muốn đi vệ sinh, tôi phải bò chứ không đi nổi.”

Vincente ở Mỹ không giấy tờ từ hồi tám tuổi. Ông không nhớ gì về quê quán mình cả, trừ những lần được ăn quà cha ông mua của những người bán rong. “Những lúc ấy, tôi vui lắm vì vừa được ăn lại vừa được cha tôi vuốt đầu,” ông hồi tưởng.

Vì những lần bị giam mà Vincente không được ân xá như nhiều người không giấy tờ như ông. Vợ ông, Selena, không xin ân xá vì sợ phải xa chồng. Ông giận vợ lắm nhưng chẳng biết làm thế nào mà khuyên bà được. “Bà ấy nói cùng không giấy tờ thì nếu bị trục xuất, vợ chồng cùng ở một nơi.”

Buôn bán trong cảnh ngộ này, Vincente nơm nớp lo âu. Ông nói: “Nếu bị trả về Mexico, tôi không biết làm gì cả. Cả hai vợ chồng tôi không còn họ hàng nào bên ấy cả.”

Tâm trạng phập phồng này không riêng gì của Vincente. Trong khu đường Raitt và Seventh, cũng ở Santa Ana, cô Salma Mendez, 19 tuổi, cũng làm nghề bán rong và cũng chật vật kiếm tiền. Cô Salma phải ra đường bán rong vì vừa bị sa thải từ một siêu thị hồi Giáng Sinh 2015.

Cô không có xe đẩy như Vincente. Thay vào đó, cô bán nước “limonada” (nước chanh) và “duros,” một loại bột chiên phồng bằng một cái xe chợ mà cô lấy ở siêu thị làm trước đây. “Cho bõ ghét!,” cô nói. Đẩy xe này an toàn hơn vì cảnh sát tưởng cô đang đi chợ về, cô cười lém lỉnh.

Nước chanh, cô bán hai loại. Loại có đá, mỗi bịch 50 xu, không đá chỉ 25 xu. Bánh duros thì tùy khách gọi, từ 50 xu đến $1. Lâu lắm mới có người dám ăn tới... $2.

Cô Salma ở trong xe “van” của ông dượng và mỗi ngày phải ra khỏi xe lúc 6 giờ sáng, đi bán từ

10 giờ 30 cho đến khi nào đi gần hết nổi nữa thì về. Cô nói: “Về trước 9 giờ đêm cũng chưa có xe mà ngủ.”

Rồi cô vui vẻ khoe: “Tôi đi cả ngày mà có nhiều lúc không biết mình đang ở đâu. Kệ, mỗi ngày tôi cũng kiếm được $20.”

Ước mơ của Salma là được thành thợ may và, dĩ nhiên, có giấy tờ hợp lệ.

Nói về gia đình mình, ông Vincente cho hay: “Vợ làm nghề gấp quần áo thuê. Sáng sớm, cô ấy đến tiệm giặt sấy quần áo gần nhà, chờ người ta cho quần áo vào giặt rồi nhận tiền công sấy khô rồi gấp lại gọn ghẽ. Khách khỏi phải chờ.”

Mỗi cối quần áo, bà Selena, vợ ông, được 15 xu. Mỗi ngày bà làm không tới $7.

Vincente tình thật: “Hai vợ chồng tôi, mỗi tháng kiếm được $1,100. Chúng tôi sống được vì vợ tôi buổi chiều đến tối giữ đứa con gái cho người chị họ, được một góc phòng garage có quạt máy.”

Hai vợ chồng chia góc garage này với bốn người khác.

Tàn tật, Vincente không thể làm nghề gì khác. “Mà sự thật, tôi thích nghề này. Vì tôi thích được nhìn trẻ con cười,” ông nói.

Thở dài, ông ngậm ngùi hạ giọng: “Bác sĩ nói vợ chồng tôi không bao giờ có con được. Thôi, Mẹ Maria không cho tôi được nhìn con mình cười, tôi nhìn con người ta cười cũng được. Hai mươi lăm xu, tôi có được nụ cười và vài xu tiền lời. Cuộc đời vẫn vui chán.”

Để có đủ tiền học nghề may, cô Selena dự trù phải mất hơn 5 năm nữa để có đủ tiền mua máy móc, vải vóc và một xe hơi vài trăm đô la để đi lại, nếu chưa bị đuổi về Mexico.

Một xe ba bánh hiệu “Trijo” mà ông Vincente mong muốn giá khoảng $3,000, chưa tính cước phí. Mỗi tháng hai vợ chồng ông để dành được $200. Không biết đến bao giờ giấc mơ của họ mới thành sự thật?