main billboard

Tại buổi tưởng niệm nhà văn Nguyễn Đức Lập, hàng trăm người đã bùi ngùi tiếc thương nhà văn quá cố.


GARDEN GROVE, California (NV) - “Di nguyện của em tôi là thiêu và rải tro, không làm tang lễ, không nhận hoa hay phúng điếu, ra đi im lặng, nhẹ nhàng. Lúc 5 giờ sáng Thứ Sáu, 4 Tháng Ba, tro cốt của em tôi được chị cả rải trên những đoạn đường từ nhà ra tới biển khơi.”

Nhà thơ Trạch Gầm (bút hiệu của ông Nguyễn Đức Trạch), anh ruột nhà văn Nguyễn Đức Lập, chia sẻ trong buổi tưởng niệm em mình tại Thư Viện Việt Nam ở Garden Grove vào chiều Thứ Bảy vừa qua.

nguyenduclap tuongniem 1
Ông Hoàng Đình Khuê nói lời vĩnh biệt với nhà văn Nguyễn Đức Lập. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

“Voi già chọn nơi gửi xác”

Nhà văn Nguyễn Đức Lập đã mệnh chung lúc 1 giờ 55 trưa ngày 29 Tháng Hai, 2016, tại bệnh viện Clear Lake Weber ở thành phố Houston, Texas, hưởng thọ 71 tuổi.

“Em tôi mới dọn qua Texas khoảng hơn một năm nay. Trước đây em tôi sống tại miền Nam California này, nhưng rồi anh em hướng đạo rủ qua bên đó sống nên em tôi đi. Em tôi đi xa như vậy thì gia đình có đặt câu hỏi, nhưng em tôi trả lời rằng: ‘Voi già chọn nơi gửi xác.’ Với câu trả lời như thế, chúng tôi không có ý kiến gì khác. Và lời nói đó đúng với thực tại của em tôi,” nhà thơ Trạch Gầm cho biết.

Theo nhà thơ Trạch Gầm, hồi còn sống ở miền Nam California, nhà văn Nguyễn Đức Lập đã cùng với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (đã mất), nhà báo Du Miên, Giáo Sư Trần Lam Giang, Bác sĩ Võ Trọng Di thành lập Thư Viện Việt Nam vào năm 1999. “Chính vì lẽ đó mà anh chị em trong Thư Viện Việt Nam muốn làm một buổi tưởng niệm em tôi tại đây,” nhà thơ nói.

Nhà thơ Trạch Gầm cho hay: “Em tôi không lập gia đình, là Trưởng Hướng Đạo sinh hoạt trong hội đoàn Hướng Đạo Việt Nam nên phần lớn sống với anh em. Lập mất vì bệnh tim. Từ lúc mới sinh em tôi thường khóc, thở không nổi nên ốm yếu, gia đình nuôi nấng rất khó nhưng không tìm được nguyên do.”

“Khi em tôi học năm thứ hai ở trường Luật, được một người quen là bác sĩ chuyên khoa về tim ở Pháp chẩn bệnh, thì phát hiện trong tim của em tôi có một lỗ thủng. Hồ sơ bệnh lý chuyển vào bệnh viện Cộng Hòa để được miễn trừ quân dịch vĩnh viễn nên em tôi tiếp tục con đường học vấn. Lập học giỏi nhất trong số các anh em trong nhà, và có trí nhớ rất siêu phàm,” nhà thơ nói tiếp.

Trong suốt thời gian sống tại California, nhà văn Nguyễn Đức Lập viết rất khỏe và đã xuất bản hàng chục tác phẩm. Trong số đó, hai tập truyện dài xuất bản cùng năm 1987 là “Kiếm Đạo 1, Bảo Kiếm Tặng Anh Hùng,” và “Kiếm Đạo 2, Thần Thư Trao Hào Kiệt” là bộ truyện kiếm hiệp ly kỳ, hào hùng, từng được đăng nhiều kỳ trên báo, làm say mê độc giả vào cuối thập niên 1980.

Các tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nguyễn Đức Lập gồm: Thơ - Những Đêm Không Ngủ, 1986. Truyện Ngắn - Cuộc Chiến Tàn Chưa, 1987; Cặp Mắt Quay Lại, 1992; Khung Rào Hẹp, 1992; Lớp Trước, Lớp Sau, 1994. Truyện Dài - Kiếm Đạo 1, Bảo Kiếm Tặng Anh Hùng, 1987; Kiếm Đạo 2, Thần Thư Trao Hào Kiệt, 1987; Ngắn Cổ Khó Kêu, 1989; Nhứt Biết Nhì Quen, 1990; Phong Vũ Tiêu Tiêu, Lôi Vũ Động, 1991; Giàn Đậu Mưa Rung, 1992; Trần Ai Khoai Củ, 1994; Mảnh Vụn Một Đời, 1999; Đi Trước Về Sau, 2009.

Ngoài viết truyện, làm thơ, ông còn viết hàng trăm bài trên các báo Tin Việt, Làng Văn (Canada), Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, Nhân Văn, Văn Học, Đường Sống, Hoa Sen, Sức Sống, Thời Báo, Trẻ (Dallas).

“Em tôi mất, gia sản để lại là những bộ sách chưa kịp hoàn thành theo nguyện ước. Lúc còn nằm ở bệnh viện, khi tỉnh đôi chút thì chị cả có hỏi quyển sách ‘Hương Giáo Đề Thơ’ em có ý định ra vào Tháng Tư, 2016, thì gia đình tiếp tục thực hiện ý nguyện đó cho em, thì Lập bằng lòng. Chúng tôi cũng nhờ anh em hướng đạo đóng thùng hết các đồ vật của Lập để gửi về bên này, gia đình sẽ tập hợp xuất bản sách giúp em,” nhà thơ Trạch Gầm cho biết.

Nhà văn Nguyễn Đức Lập, tự là Chánh Phương, sáng tác dưới các bút hiệu Nguyễn Đức Lập, Chánh Phương, Hương Giáo, Ngô Phụng Anh, tên rừng Hướng Đạo là Sóc Vui Vẻ.

Ông sinh ngày 21 Tháng Chín, 1945, tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Con của nhà thơ-nhà báo Hồng Tiêu - Nguyễn Đức Huy (1902-1985) và nhà văn Bà Tùng Long - Lê Thị Bạch Vân (1915-2006), tác giả nổi tiếng tại miền Nam trước 1975. Ông có chín anh chị em.

Ông là cựu học sinh trung học Pétrus Ký, cựu sinh viên luật khoa Đại Học Đường Sài Gòn, nguyên luật sư Tòa Thượng Thẩm, Sài Gòn.

Sau 30 Tháng Tư, 1975, ông về làm rẫy ở ấp Phước Lập, xã Phú Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Đến Tháng Tám, 1980, vượt biên và ở trại tị nạn Palawan, sau đó đến trại chuyển tiếp Bataan, Philippines. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1983.

nguyenduclap tuongniem 2
Đại diện các tổ chức, hội đoàn, các văn, thi hữu và các Trưởng Hướng Đạo đến tưởng niệm nhà văn. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Một nhà văn “dị biệt”

Tại buổi tưởng niệm nhà văn Nguyễn Đức Lập, hàng trăm người đã bùi ngùi tiếc thương nhà văn quá cố. Trên bàn thờ, bên cạnh di ảnh là các cuốn sách do nhà văn sáng tác. Đặc biệt trên lư hương còn đốt thêm hai điếu thuốc, kèm theo gói thuốc Marlboro, một loại thuốc mà nhà văn thường dùng. Từng đoàn người xếp hàng, trên tay cầm một cành hoa hồng đặt lên bàn thờ tưởng niệm.

Linh Mục Nguyễn Trọng Hiếu tâm sự: “Tôi vượt biên năm 1989, qua đây năm 1990 và quen với anh Lập. Rồi tôi biết anh Lập bị bệnh tim, tôi mới hỏi anh, anh có xin tiền trợ cấp của chính phủ không, và thật bất ngờ khi anh bảo rằng: ‘Không, mình còn tay còn chân thì vẫn có thể tự lập cuộc sống của mình.’ Nghe qua có vẻ không thực tế và hơi dị biệt, bởi vì biết bao người có nhà cửa rồi mà vẫn xin tiền trợ cấp, còn ông nhà văn nghèo xác xơ này lại không muốn đồng tiền trợ cấp nào. Rất dị biệt, tôi quý anh ở điểm đó.”

Bác Sĩ Võ Trọng Di chia sẻ: “Anh Lập là người rất hiền lành, chân phương, nhưng cũng dị biệt vì ra đi mà cũng ‘chọn ngày’ nữa. Ngày 29 Tháng Hai, cứ như bảo với chúng tôi là đến những bốn năm mới nhớ tới anh một lần, anh không làm phiền đến ai cả, ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, không muốn mọi người vì anh mà vướng bận. Và có lẽ vì vậy mà anh không muốn tổ chức tang lễ.”

Nghị Viên Bùi Thế Phát nói: “Tôi bắt đầu đến sinh hoạt tại Thư Viện Việt Nam từ năm 2001, 2002 qua một số các dự án như phát hành tập sách ‘Chuyện Cổ Tích Việt Nam,’ từ đó tôi được có đôi lần làm việc cùng anh Lập. Anh là một người bình dị nhưng hết sức cương trực. Anh có lập trường không thể xoay chuyển, một khi anh đã thấy đúng thì không ai có thể thay đổi được lập trường cũng như việc làm của anh. Văn của anh có nét khảng khái, phong trần của người lính, và tâm hồn một người hướng đạo.”

Giáo Sư Trần Lam Giang cho biết: “Nguyễn Đức Lập là người hiền chứ không lành. Trước năm 1975, Lập cùng bạn đồng nghiệp thành lập Đoàn Luật Sư Công Chính để ngăn chặn những luật sư không công chính, dùng luật pháp để bảo vệ thiểu số chống lại đa số, và số người bị oan ức khá nhiều. Đoàn Luật Sư Công Chính của Lập nhận cãi cho người cô thế mà không lấy tiền, điều này dĩ nhiên mất nồi cơm của những người không công chính. Vì vậy phải có đụng độ, và Lập đã đụng độ kể cả bằng sức lực. Như vậy thì không lành đâu!”

Ông Hoàng Đình Khuê góp lời: “Tôi và nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là học trò của ba mẹ Lập, nên Lập coi chúng tôi như người thân trong gia đình. Tôi thân với Lập đã 62 năm. Khi được hung tin này, tôi bàng hoàng và có những câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu mỗi khi tôi tiễn đưa một người thân ra đi: Tại sao những người lương thiện, tử tế lại ra đi trước những người gian ác?”

“Lập có một cuộc sống giản dị, hiền lành nhưng rất cộc tính. Tôi phục con người của Lập vì có lập trường cứng rắn, có tinh thần chống Cộng triệt để theo cách suy nghĩ và quan điểm độc lập của riêng mình. Tôi thích tính ba gai, cố hữu của Trạch bao nhiêu thì thương cái tính hiền lành, thư sinh của Lập bấy nhiêu. Lập là một huynh trưởng hướng đạo, có lẽ vì vậy mà con người của Lập đã ảnh hưởng bởi cuộc sống hướng đạo nên em lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ cho người, phục vụ cho đời,” ông Khuê nói tiếp.

Nhà báo Đỗ Thái Nhiên tâm tình: “Anh Lập có vẻ bề ngoài dung dị, hiền lành, ít nói nhưng hơi cộc. Tuy nhiên anh chỉ nổi cộc khi đứng giữa hai vấn đề thiện và ác. Anh lúc nào cũng tỏ thái độ gay gắt, tuyệt đối không có vấn đề trung lập giữa thiện và ác. Anh cho rằng Cộng Sản là tập thể cực ác, đó là ác; còn những người chống lại Cộng Sản độc tài, đó là thiện. Do đó, xin miễn nói những lời nhẹ nhàng, dịu giọng đối với Cộng Sản, đó là thái độ dứt khoát của anh.”

Luật Sư Lê Trọng Uyên nhận xét: “Nguyễn Đức Lập có cách viết rất đặc biệt. Khi anh nói một câu chuyện về miền Nam thì dùng khẩu ngữ của miền Nam. Tuy vậy, khi nói về miền Bắc thì anh dùng những thổ âm, thổ ngữ địa phương của miền Bắc, mà chỉ những người trong vùng đó hoặc am hiểu về ngôn từ nhiều thì mới biết được. Đó là vốn quý văn hóa mà ít người có được, bởi vì đó chính là hồn quê của mỗi địa phương.”

“Anh không lập gia đình, nhưng anh sống trong tình yêu thương của anh em hướng đạo. Anh đã sống một cuộc đời rất dung dị. Anh đã bỏ nửa cuộc đời mình ra chỉ để viết. Anh đã viết những điều mà rất nhiều người không viết được. Tuy nhiên, anh nói rằng anh không phải nhà văn, anh chỉ viết lại những chuyện đã xảy ra mà thôi. Và dù ở Mỹ hơn 30 năm nhưng anh không biết chạy xe. Bởi vì anh nói, nếu chạy xe thì cái chân đi nhiều, mà đi nhiều thì sẽ không tập trung viết được...” luật sư chia sẻ.