“Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung là một quân trường cấp quốc gia, trực thuộc Tổng Cục Quân Huấn trong hệ thống điều hảnh của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trung tâm được thành lập từ năm 1953 và bị đóng cửa năm1975 khi mất Sài Gòn,”
WESTMINSTER, California (NV) -- Trưa Chủ Nhật 28 Tháng Hai, nhóm thân hữu Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung tổ chức buổi gặp mặt thân mật mừng Xuân Bính Thân tại nhà hàng Seafood World, Westminster.
Ông Lương Văn Chương, trưởng ban tổ chức, phát biểu cảm tưởng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ông Vũ Đình Khản, cựu Trung Úy Huấn Luyện Viên, cư dân Santa Ana, nói: “Tôi đã đến gặp gỡ các anh em mấy năm rồi nhưng chỉ có năm nay là tổ chức tại nhà hàng. Những năm trước chỉ làm sơ sài tại tư gia thôi. Cũng mừng vì mỗi năm một ‘xôm tụ’ hơn. Điều làm tôi vui mừng nhất là được đến gặp lại cấp trên cũng như bạn bè đồng ngũ.”
Buổi họp mặt, tuy đơn giản mà đậm đà tình huynh đệ chi binh. Trong một gian phòng đông đảo thân hữu, chợt ông Lê Tấn Hội, 84 tuổi, cư dân Stanton, gặp lại ông Nguyễn Xuân Tùng, 81 tuổi, cư dân Buena Park. Hai người tay bắt, mặt mừng và câu chuyện của họ bắt đầu ngay khi cả hai cùng nhắc lại những quả đu đủ của một thời đã qua.
Ông Nguyễn Xuân Tùng kể: “Trước 1975, tôi là Thiếu Tá Biệt Động Quân nên khi mất nước, tôi bị ‘đi tù’ (học tập cải tạo) tại trại tù K-2, thuộc Tân Lập, Vĩnh Phú, ở ngoài Bắc.”
Lý do mà hai người cùng nhớ ngay đến những quả đu đủ của những ngày tù đày là vì khi bị giam cầm tại trại K-2, ông Tùng được quản giáo giao làm đội trưởng, trông coi chừng 30 người, chuyên việc chia đất để làm vườn, gọi là “trồng trọt thi đua.”
Ông Tùng hồi tưởng: “Có dạo tôi bị bắt làm nhiệm vụ đứng lục sóat đồ đạc, lương thực của những người từ miền Nam ra thăm nuôi thân nhân. Thấy một bà có quả đu đủ, tôi hỏi xin mấy hột sau khi ăn xong. Có hột, tôi bắt đầu trồng thành cây. Rồi khi có quả, tôi đem chia cho những người lâu không có thân nhân ra thăm.”
“Trời ơi, hồi đó, có được miếng đu đủ mà ăn giữa hoàn cảnh đói kém, nó ngon như miếng vàng. Tụi tôi, không ai quên được đâu,” ông Hợp nói.
Ông Tùng thành thật kể: “Mấy năm trời, tụi tôi phải ăn khoai mì triền miên, chỉ có Mùng Một Tết mới có miếng cơm trắng mà ăn nên cái gì cũng quí báu. Mấy quả đu đủ của tụi tôi phải chật vật lắm mới có được, vì phần bị người xấu ăn bẻ trộm từ lúc mới lú ra, phần bị bọn cai tù 'yêu cầu' nên đâu có bao nhiêu.”
“Tôi cũng phải cố gắng lắm để mà chia sẻ cho mọi người để mỗi người có một chút, một ít cho vui với nhau, gọi là lấy thảo,” ông Tùng nói.
Miếng khi đói nên nhớ lâu. Chỉ có miếng đu đủ lúc thiếu thốn mà cũng làm râm ran câu chuyện khi hai người gặp lại nhau sau mấy mươi năm xa cách.
Chuyện lính chiến, nói không thể nào xong, hết chuyện chia ngọt, sẻ bùi đến chuyện chồng vợ nhớ nhau.
Ông Tạ Văn Hiến, cựu huấn luyện viên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, sau mang cấp bậc trung úy tại Phòng Chính Huấn, Cục Chiến Tranh Chính Trị, lên đọc bài thơ “Hai Người Chung Ngắm Một Vầng Trăng” do chính ông sáng tác dưới bút hiệu Nhược Thu.
Thi sĩ Nhược Thu tâm sự: “Bài thơ này tôi làm trong tù cải tạo ở miền Bắc sau khi nhận được gói quà 5 kg do vợ tôi gởi từ trong Nam ra. Trong thơ, vợ tôi là Trần Thị Thơm có câu đại ý rằng: “Đêm đêm sau khi mấy con đã ngủ, em nhìn ánh trăng qua cửa sổ và nghĩ đến anh giờ này chắc cũng đang nhìn trăng thao thức. Mình cùng nhìn chung một vầng trăng mà sao lại cách xa?”
Thi sĩ Nhược Thu cùng phu nhân. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Thơ ông có những câu nhói lòng như:
“… Gói quà năm ký, mở run run
Không khóc mà nghe lệ đẫm tròng
Em chốn quê nhà bao khổ cực
Nuôi chồng nuôi cả mảnh tình chung.”
Thơ ông có những câu thắt ruột cho người vợ trẻ, con thơ như:
“… Thân cò chưa lặn lội bờ sông
Chưa biết cày sâu giữa cánh đồng
Con nhỏ vẫn còn đang tập nói
Tay bồng tay bế biết sao xong...”
Rồi có những câu như lời trối trăn:
“… Nếu lỡ mà anh về chẳng được
Khi đàn con lớn hỏi về cha
Thì em hãy chỉ trời phương Bắc
Bố đã đền yên nợ nước nhà...”
Đây cũng là nỗi niềm của bao nhiêu cựu quân nhân Quân Lực Việt nam Cộng Hòa.
“Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung là một quân trường cấp quốc gia, trực thuộc Tổng Cục Quân Huấn trong hệ thống điều hảnh của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trung tâm được thành lập từ năm 1953 và bị đóng cửa năm1975 khi mất Sài Gòn,” ông Lương Văn Chương, trưởng ban tổ chức, nói.
Trung tâm tọa lạc tại địa phận Quán Tre, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định, với mục đích đào tạo quân nhân cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
“Bởi vậy hồi đó tụi tôi quen miệng gọi là 'trại Quán Tre' hoài,” ông Hội nói. Năm nay ông được 83 tuổi, và đã ra trường từ năm 1954 khi còn là “Trung Tâm Quán Tre.”
Ông Chương nói: “Qua đến đây, anh em, mỗi người một nẻo. May mà tìm lại được nhau nhờ mục 'Sinh Hoạt Cộng Đồng' trên nhật báo Người Việt. Hơn 50% số người hiện diện tại đây là nhờ báo Người Việt đó. Nhân đây tôi muốn gởi lời cám ơn nhật báo này.”