Mục đích chính của những buổi hội ngộ này là để anh chị em trong ngành luật của VNCH trước 1975 có dịp gặp gỡ, trao đổi buồn vui trong cuộc sống.
WESTMINSTER, California (NV) - Chiều tối Thứ Sáu, 26 Tháng Hai, cựu sinh viên Đại Học Luật Khoa Sài Gòn trước năm 1975 sẽ có một cuộc họp mặt Tân Niên tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.
Sinh viên và giáo sư Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
Ông Phạm Văn Hàm, một cựu sinh viên luật niên khóa cuối cùng của chương trình luật ba năm hiện đảm trách hội trưởng Hội Ái Hữu Luật Khoa Sài Gòn, cho biết: “Hàng năm chúng tôi có hai buổi hội ngộ, một vào mùa Thu và một vào dịp Tân Niên. Mục đích chính của những buổi hội ngộ này là để anh chị em trong ngành luật của VNCH trước 1975 có dịp gặp gỡ, trao đổi buồn vui trong cuộc sống. Anh chị em chúng tôi khi ra trường kẻ vào ngành công pháp của chính quyền, kẻ theo ngành cãi kiện trước tòa, kẻ về Bộ Ngoại Giao và có cũng không ít người làm phụ tá pháp lý cho các cơ sở công nghiệp, ngân hàng...đến nay thì ai cũng vào tuổi trên 'thất thập cổ lai hy' rồi, nên ngồi nhà thì nhớ đến nhau, nhớ đến khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát của cố nhạc sĩ Phạm Duy.”
Ông Hàm cho biết thêm, theo điều lệ, của hội thì hội không làm chính trị, không hoạt động chính trị nhưng hội không cấm hội viên hoạt động chính trị với tư cách cá nhân hay ở trong đòan thể khác.
Ông cũng cho biết khi thành lập hội cách đây cũng trên 10 năm thì cựu sinh viên luật đến tham gia đông lắm, nhưng sau vì bôn ba sinh kế, thêm tuổi già, số thành viên cứ ít đi dần.
Cho đến khoảng năm năm trở lại đây, được các thành viên trong hội cử vào làm hội trưởng, ông Hàm đã cùng một số người trong hội tích cực chấn chỉnh lại việc tổ chức, dần dần đưa hội vào hoạt động với sự cho phép của tiểu bang California và được miễn thuế.
Nhưng ông Hàm vui vẻ kể: “Miễn hay không thì với hội cũng không quan trọng lắm vì hội chẳng bao giờ gây quĩ. Chỉ có niên liễm $20/năm của chưa đầy 90 anh chị em thì đã tiêu hết vào việc in ấn và phát hành hai bản tin mỗi tháng cùng là những việc quan hôn tang tế trong hội. Những lần tổ chức như thế này là anh chị em trong Ban Chấp Hành hè nhau ứng ra trước để trang trải mọi chi phí thuê mướn nhà hàng, đăng thông báo cho anh chị em biết...Khi hoàn tất buổi hội ngộ Ban Chấp Hành mới tính đến chuyện thu chi và rất may mắn là ít khi bị lỗ, nhưng cũng chẳng bao giờ lời.”
Xem ra thì vẫn là lời chứ. Đó là cái lời về tinh thần, cái lời được gặp gỡ lại nhau nhắc nhớ lại một thời cùng ngồi trên những giảng đường của Luật Khoa Đại Học đường mà trong thời gian những năm giữa thập niên 1960, giảng đường lớn của đại học cũng không đủ chỗ phải đi mượn cả rạp Thống Nhất và khi quân đội Mỹ rút đi vào năm 1973, còn mượn luôn cả cơ sở bán hàng PX của Mỹ để làm giảng đường vì số sinh viên theo học đến lớp thường xuyên có trên 1,000 người.
Sinh viên luật được tiếng là hay làm chính trị, tham gia biết bao cuộc xuống đường, nào chống Nguyễn Khánh, nào chống độc cử v.v... Đại Học Luật Khoa cũng là nơi Cộng Sản cho người vào lũng đoạn, từng xẩy ra những cuộc thanh toán đẫm máu khi có bầu cử ban đại diện. Nhiều niên khóa, số giờ sinh viên bỏ học, đi làm chính trị đã khoét mất một thời gian học khá nhiều.
Biết bao nhiêu kỷ niệm cho những cựu sinh viên luật khoa Sài Gòn để sau 30 Tháng Tư, 1975, rất nhiều cựu sinh viên phải vào tù cải tạo của Cộng Sản vì bị mang cái tội “đi học cách áp bức người dân của ngụy quyền.”
Về nội dung cuộc họp mặt lần này, ông Phạm Văn Hàm cho biết: “Chủ yếu là để lớp tuổi già chúng tôi có dịp gặp lại nhau, hàn huyên, thăm hỏi nhau, cùng nhau sống lại một thời học hành trong không khí chiến tranh và không khí chính trị sôi nổi vì ai cũng mong VNCH sẽ là một chế độ trọng pháp nhưng vẫn giữ được trật tự xã hội trong ý hướng dân chủ, nhân bản, khai phóng mà các chính phủ VNCH từ đệ I đến đệ II cộng hòa chủ trương. Một buổi dạ vũ cũng được tổ chức để làm sống lại những buổi dạ vũ Tất Niên khi còn đi học.”
Luật khoa là một ngành học có rất sớm trong nền giáo dục Việt Nam, có từ thời Pháp thuộc. Đó là trường Cao Đẳng Pháp Chính Đông Dương (Ecole Superieure D'Administration Indochinoise) tại Hà Nội mà người dân Việt thường gọi nôm na là trường Hậu Bổ vì mục đích của trường, người Pháp lập ra là để đào tạo những công chức hành chánh cao cấp cho nền hành chánh của Pháp ở Đông Dương.
Sau đó trường được đổi tên là trường Cao Đẳng Luật học. Những vị tốt nghiệp đầu tiên của trường này phần lớn trở thành những nhân sĩ trí thức lớn của miền nam như Luật Sư Vũ Văn Hiền, Luật Sư Hoàng Cơ Thụy, Giáo Sư Vũ Văn Mẫu, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, và Giáo Sư Nguyễn Cao Hách...
Khi Việt Nam giành lại được chủ quyền, thành lập nền đệ I Cộng Hòa thì trường Hậu Bổ được chính thức thành Phân Khoa Luật (Faculter de Droit) trực thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Thời gian này, Đại Học Luật Khoa Sài Gòn chuyển dần từ tiếng Pháp sang tiếng Việt với những giáo sư tiến sĩ luật từ Pháp về. Trường cũng được đổi thời gian học từ ba năm theo chương trình luật của Pháp sang bốn năm theo hệ thống Hoa Kỳ khi Giáo Sư Nguyễn Cao Hách về làm khoa trưởng.
Vào năm 1962, số sinh viên theo học năm thứ nhất chỉ khoảng vài trăm, có mặt thường xuyên tại các giảng đường khoảng 100. Nhưng chỉ sau ba năm, số sinh viên đã gia tăng cả ngàn khiến việc “giữ chỗ” tại giảng đường đã tạo nên những mối tình kỳ thú giữa các nam nữ sinh viên luật. Rồi cảnh bán “Cours” in roneo cũng làm giầu cho một số sinh viên có óc thương mại.
Nay những sinh viên luật vào thời gian ấy còn lại bao nhiêu, lớp thì hy sinh trên các chiến trường khi phải bỏ trường theo lệnh động viên từng phần vào năm 1955, tổng động viên vào năm 1968, lớp phải bỏ xác trong các ngục tù cải tạo của Cộng Sản, lớp bị chết, mất tích trong các chuyến vượt biên sau 1975.
Vì vậy, những cựu sinh viên luật còn sống đến ngày nay đã phải trải qua những giông tố thời cuộc, còn được nhìn lại nhau, tay bắt mặt mừng hàn huyên chuyện cũ, quả là một điều kỳ thú mà ai cũng thầm cảm ơn các thành viên Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Luật Khoa Sài Gòn, đã tạo được những cơ hội như thế này.