"Nhưng chuyện mất vài trái bưởi, vài trái mãng cầu không là chuyện lớn, mà điều quan trọng là mình cảm thấy bất an về tình hình an ninh."
WESTMINSTER, Calif. (NV) - “Không phải là chuyện trái na trái bưởi bị mất trộm, mà quan trọng là mình cảm thấy bất an, không an toàn khi có người dám đột nhập vào nhà mình. Ngay cả lúc trong nhà có người mà họ cũng dám leo vào sân để hái trái thì chứng tỏ những kẻ này không biết sợ là gì, quá lộng hành rồi.”
Đó là nhận xét của một số người là nạn nhân của những hành vi ăn cắp vặt xảy ra càng lúc càng nhiều quanh khu vực Little Saigon, nhất là trong mùa cuối năm, hay khi mùa cây trái nở rộ.
Xe đạp điện, cây ăn trái, cây kiểng là mục tiêu của nạn ăn cắp vặt. Trong hình: Bà Nguyễn Thị Giác bên những món đồ bà bị mất trộm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Từ chiếc xe đạp điện bị khiêng đi trước chợ ABC...
Trưa ngày 28 Tết, anh Lê Tấn Dũng đến tòa soạn Người Việt để kể về một câu chuyện bị mất cắp mà anh cho rằng “quá là tức cười, không biết nghĩ sao luôn.”
Theo lời anh Dũng, “Khoảng 3 giờ chiều hôm Thứ Tư, 3 Tháng Hai, má tôi, đã 78 tuổi, đi chiếc xe đạp điện đến chợ ABC, khóa lại cẩn thận, để ngay trước bức tường của chợ, rồi vào trong mua đồ. Khoảng chừng đâu 15 phút sau trở ra thì chiếc xe biến mất.”
Anh Dũng cùng người nhà liên lạc với chợ ABC xin xem lại camera an ninh trước chợ thì nhìn thấy những hình ảnh “không biết nghĩ sao luôn.”
Anh Lê Tấn Dũng và bức hình chụp người đàn ông lạ khiêng chiếc xe của mẹ anh đi (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Hình chụp lại từ camera 12 của chợ ABC cho thấy lúc 2 giờ 48 phút 23 giây có một chiếc xe đạp dựng sát cánh cửa kiếng của chợ, và ngay trên lề đường có một chiếc xe hơi kiểu SUV đang đậu. Anh Dũng cho rằng “đó là chiếc một chiếc Lexus.”
Hình chụp lúc 2 giờ 49 phút 5 giây cho thấy một người đàn ông mặc áo khoác đậm màu, đội nón “bê-rê”, đeo kính đen, đang khiêng bổng chiếc xe đạp lên và đi hướng về nơi chiếc xe hơi đang đậu. Cốp của chiếc xe hơi đang được mở toang.
Hình chụp từ camera lúc 2 giờ 49 phút 8 giây cho thấy người đàn ông khiêng chiếc xe đạp điện bỏ vào trong cốp xe hơi.
“Vậy là sao? Người lái chiếc xe sang trọng như vầy mà đi ăn cắp chiếc xe đạp trị giá khoảng $300 của bà già một cách tự nhiên như thế, giữa ban ngày?” Anh Dũng vừa cười vừa tỏ vẻ không thể tin được “dù đó là sự thật” xảy ra ngay tại Little Saigon trong những ngày người người tấp nập mua sắm Tết.
Hình ảnh chụp lại từ camera của chợ ABC cho thấy một người đàn ông đang mang chiếc xe đạp điện bỏ vào cốp xe hơi (Hình: Lê Tấn Dũng cung cấp)
Người đàn ông ở Mỹ đã hai mươi mấy năm nói thêm, “Tôi không thể nào hiểu được những chuyện như thế này lại xảy ra ở đây, càng lúc càng nghe nhiều.”
“Mới tuần trước, tôi đi Costco Garden Grove thì nghe lao xao có người móc bóp bị người ta phát giác. Rồi nhà má tôi trồng mai phía trước cũng bị tụi nó ăn cắp mang đi,” anh cho biết.
Theo lời giới thiệu của anh Dũng, phóng viên Người Việt đến nhà bà Nguyễn Thị Giác, má của anh Dũng, trên đường Purdy thuộc thành phố Westminster, để tìm hiểu thêm câu chuyện.
Tại đây, bà Giác chỉ vào một chiếc xe đạp điện Razor EcoSmart Electric Scooter để trước sân nhà, nói, “Chiếc bị mất y chang như vầy. Tôi không biết chạy xe hơi. Con tôi mua cho hai chiếc này, để chạy một chiếc, một chiếc 'sạc điện', chứ không thôi quên 'sạc' thì không có xe đi tới đi lui.”
Bà Giác kể, “Hôm đó tôi khóa xe lại ở chỗ dành để xe đạp, nhưng thấy sợi dây khóa nhỏ quá, sợ tụi nó cắt khóa, ăn cắp xe, nên mang xe đến để ngay gần cửa chợ ABC, nghĩ có đông người qua lại, có bảo vệ đứng đó, tụi xấu không dám thò kiềm hay kéo cắt dây khóa, ai dè nó khiêng luôn cái xe. Mà nhìn thấy ông ta làm rất tự nhiên, ai nhìn vô chắc cũng nghĩ xe của ổng. Mà nhìn trong hình thì thấy ổng đi chiếc xe hơi mới, xe xịn, ăn mặc cũng sang trọng chứ có phải lam lũ gì đâu.”
“Tôi muốn đưa hình đó lên báo để cảnh cáo ông ta và cảnh báo mọi người, chứng tỏ ông ta chuyên nghiệp lắm. Chắc có lẽ ông ta để ý sẵn rồi. Mà sao lại đi ăn cắp xe của bà già?” Bà Giác lắc đầu.
Việc mất cắp này dĩ nhiên được gia đình bà Giác báo cảnh sát Westminster.
Đến chuyện chậu mai chậu đào bị “biến mất”
Bà Giác cho biết thêm, “Cách đây vài tuần, nhà tôi bị lấy mất hai chậu mai Việt Nam và hai cây lan đang ra hoa rất đẹp.”
Chỉ vào cây quýt đang có những trái nhỏ vàng ươm, bà nói, “Cách đây một tháng, cây quýt này cũng bị tụi nó lặt hết những trái lớn.”
Những chậu mai Việt là mục tiêu của nạn trộm cắp vặt trong mùa Tết. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Theo bà Giác, gần Tết năm ngoái, một chậu lan đang nở hoa của bà cũng bị ăn cắp mất. “Tụi nó lấy toàn chậu đang nở bông đẹp không à!”
“Khi đó, tôi ghét quá kêu lái vô bán hết, chín chậu mai Nhật, hai chậu mai Việt bán được $1,100. Năm nay tôi chán không thèm chăm sóc nên cây chút chút vậy thôi,” bà Giác nói.
Cũng ở thành phố Westminster, gần chợ ABC, một chậu đào hồng đang nở rộ phải ít nhất hai người khiêng của nhà bà Xuân Trần trên đường Neece cũng “không cánh mà bay.”
“Cách đây khoảng hai tuần, khi sáng sớm ra tưới cây như thường lệ, tôi thấy chậu đào bị ai rinh mất tiêu, chỉ còn rớt lại vài cánh hoa trên sân. Chậu đó phải ít nhất hai người khiêng mới nổi,” bà Xuân cho biết.
Cũng theo lời bà Xuân, năm trước, cây đào được trồng trước sân của hàng xóm nhà bà đang nở hoa tưng bừng thì “sáng ra chỉ còn lại... cái gốc.”
“Tụi nó mang cưa tới cưa luôn nguyên cây mang đi,” bà ngao ngán.
Ai đi chợ Tết trong những ngày này đều biết, một nhánh đào nhỏ được bán không dưới $20, một chậu đào đẹp phải có giá từ $100-$200 trở lên. Cả hoa lan cũng được yêu thích trong mùa Xuân này.
Cả bưởi, thanh long, mãng cầu... cũng bị hái cắp
Trong khi cây quýt nhà bà Giác bị kẻ gian vào “lặt hết trái lớn,” cây thanh long nhà bà Xuân là nạn nhân của những kẻ không thích trồng chỉ muốn ăn cắp thành quả người khác, thì mãng cầu nhà bà Kim Lê ở Garden Grove cũng nằm trong tầm ngắm của những kẻ trộm.
Nhà bà Kim trong khu mobile home South Grove nơi góc đường Westminster và Euclid có cây mãng cầu Úc “rất sai trái.”
Bà Kim kể, “Cách đây một tháng, tụi nó vào bẻ hết những trái lớn. Tôi nhìn mà đau lòng vì thấy nhiều trái đã hứa hẹn hái tặng bạn bè chưng Tết. Một tuần sau, tụi nó trở lại cắt sạch sẽ những trái còn sót lại trên cành, không chừa trái lớn trái bé gì hết.”
Đi làm về, nhìn cây mãng cầu chỉ còn lá, rớt lại trên sân vài trái bé tí, bà Kim chỉ biết “thở dài, nhặt lên để trên chiếc bàn ngoài sân cạnh đó.”
“Vậy mà một tuần sau, tụi nó quay lại hốt luôn những trái đó!” Bà Kim kể lại mà ánh mắt còn tròn xoe không giấu nổi sự thất vọng.
Bà Kim cho biết, “Mãng cầu lúc này ngoài chợ bán phải $12-$15 một pound. Mùa này có mãng cầu tụi nó ăn cắp mãng cầu. Mùa thanh long thì tụi nó ăn cắp thanh long. Trái nào vừa chín tới là nó hái. Hàng xóm tôi cũng bị như vậy.”
Theo bà Kim thì khi chuyện xảy ra, “cũng lên báo với người quản lý của mobile home, rồi họ cũng chỉ điền giấy tờ này nọ nhưng mà có thấy gì khác đâu.”
Bờ tường nhà anh Hùng Dương đã phải làm hàng rào cao thêm để kẻ trộm khó nhảy vào hái trái cây (Hình: Hùng Dương cung cấp)
Trường hợp nhà anh Hùng Dương ở đường Purdy thuộc Midway City cũng “đau thương” không kém.
Anh Hùng cho biết năm trước nhà anh cũng đã bị “ai đó” vào hái mãng cầu, nhưng “lúc đó tôi chỉ nghĩ là người thân.”
Để an toàn, anh Hùng gắn camera quan sát trong nhà ngoài sân.
“Cách đây chừng một tháng, khi ra sân sau hái mãng cầu, phát giác ra trái đã bị hái hết nên tôi mới vào mở camera coi thì thấy một người đàn ông Việt Nam nhảy từ bức tường sau nhà vào trong sân để hái rồi nhảy ra, lúc đó khoảng 9 giờ sáng.” anh Hùng kể.
Quan trọng hơn, theo anh Hùng, “lúc ấy có người ở trong nhà.”
Lần đó, anh Hùng không nghĩ đến chuyện báo cảnh sát.
“Nhưng vài ngày sau, trong lúc lái xe đi ăn sáng, tôi nhìn thấy hai người đàn ông đi xe đạp, trèo lên tường nhảy vào nhà người ta hái bưởi. Ban đầu tôi không để ý lắm,” một trong những nạn nhân của việc hái trộm nhớ lại.
Theo lời anh Hùng, sau khi ăn sáng trở về, anh nhìn thấy “hai người đàn ông khi nãy vừa đạp xe vừa đẩy một chiếc shopping cart, trong đó có đầy trái cây đi ngang nhà tôi.”
“Nhớ lại vụ bị hái trộm mãng cầu nhà mình, nên tôi lái xe chầm chậm theo chúng từ con đường Purdy cho đến gần trường trung học Warner thì gọi báo cảnh sát Orange County, vì Midway City không có cảnh sát riêng.”
Anh Hùng cho rằng, “Họ biết tôi theo dõi họ, nhưng họ không tỏ vẻ gì là sợ sệt hết mà còn có những cử chỉ như chửi mình hay hăm dọa mình nữa.”
“Khi cảnh sát đến, thì một tên đã bỏ đi. Cảnh sát cho biết tên kia là một người homeless mà cảnh sát biết mặt đã lâu năm. Rồi thôi.” Anh Hùng nói.
Chưa hết.
“Ngày hôm sau, tụi nó trở lại nhảy vào nhà tôi hái bưởi. Tôi mang những hình ảnh thu được từ camera lên báo cảnh sát thì họ nói sẽ cho người đi tuần ở khu vực đó nhiều hơn,” anh Hùng kể.
Bà Kim cho biết cũng từng chứng kiến “hai người đi xe đạp, để cạnh bên là một chiếc shopping cart rồi trèo lên hái bưởi ở một ngôi nhà trên đường Bushard gần góc Westminster.”
Anh Nhơn Lý, một cư dân sống tại Garden Grove, tỏ vẻ rất khó chịu khi nghe những câu chuyện tương tự như thế này.
“Tôi biết có những người homeless đi xe đạp hái trộm ở nhà người ta rồi mang ra để vô rổ ngồi bán trước chỗ nhà hàng Hương Giang, Đa Kao trên đường Brookhurst. Tôi theo dõi tụi nó, mỗi ngày tôi đều chụp hình rổ đồ của họ, có khi chỉ một hai trái bưởi, khi vài trái mãng cầu, có những hôm mãng cầu nhỏ xíu tụi nó cũng hái, có hôm thì một chậu bông...” anh Nhơn nói một cách bực bội.
Một chậu cây trơ trọi được bày bán sáng sớm trước dãy tiệm Đa Kao, Hương Giang (Hình: Nhơn Lý cung cấp)
Anh tiếp, “Có hôm tức quá tôi hỏi 'Mấy trái này ông lấy ở đâu ra?' thì ông ta trả lời 'Hái ở nhà tôi'. Tôi nghe xong chửi thề nói 'Ông homeless thì nhà đâu mà có cây ăn trái!” thế là ổng im, bỏ đi.”
Anh Hùng cho rằng, “Tôi biết có rất nhiều người bị giống như tôi. Nhưng chuyện mất vài trái bưởi, vài trái mãng cầu không là chuyện lớn, mà điều quan trọng là mình cảm thấy bất an về tình hình an ninh. Tôi có nói với cảnh sát nhà tôi có trẻ con, có phụ nữ, lỡ khi chúng đột nhập vào nhà để làm điều nguy hiểm hơn thì sao, thì cảnh sát khuyên nên làm hàng rào cao hơn để chúng khỏi nhảy vào.”
Bà Kim thì ngao ngán, “Tôi thấy xã hội càng lúc càng tệ. Nghĩ mà buồn. Cách đây 10 năm, chiếc xe đạp của con tôi để ngoài đường cũng không mất, vậy mà bây giờ chúng vào tận nhà trộm những thứ như vậy thì không còn gì để nói.”
Anh Nhơn Lý nói một cách phẫn nộ, “Cần phải làm một cái gì đó để ngăn chặn chuyện này chứ! Còn người mua là tụi nó sẽ còn ăn cắp! Mà bây giờ không phải chỉ có những người Việt Nam ăn cắp bán kiểu này mà tôi thấy có cả người Mễ, Mỹ nữa.”
Không biết nỗi bất an “nho nhỏ” này của người dân có là mối bận tâm của những người có trách nhiệm của thành phố không?