main billboard

“Trận hải chiến Hoàng Sa đã đi vào lịch sử, nhưng nỗi đau bị quân thù cướp đất, cướp biển do tổ tiên để lại sẽ chẳng bao giờ có thể nguôi ngoai được, cho đến khi chúng ta giành lại được vùng lãnh hải yêu quý đó."


WESTMINSTER, California (NV) - Ngưỡng mộ 74 chiến sĩ VNCH hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, đông đảo đại diện các hội đoàn, đoàn thể, quân binh chủng VNCH, và đồng hương đã đến tham dự Lễ Tưởng Niệm 42 Năm Hoàng Sa, do Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long trang trọng tổ chức vào tối Thứ Ba, 19 Tháng Giêng, tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.

cuulong tusi hs 1
Rước linh vị 74 tử sĩ Hoàng Sa vào bản thờ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trước khi khai mạc, ông Vũ Đình Thọ, thành viên ban tổ chức, chia sẻ với mọi người, “Trước hết, chúng tôi xin được hân hoan chào đón quý vị đã đến với Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long hôm nay, nhân ngày giỗ thứ 42 của 74 tử sĩ Hải Quân VNCH đã vị quốc vong thân trong trận hải chiến đẫm máu lịch sử để chống lại sự xâm lăng của quân Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19 Tháng Giêng, 1974.”

“Trận hải chiến Hoàng Sa đã đi vào lịch sử, nhưng nỗi đau bị quân thù cướp đất, cướp biển do tổ tiên để lại sẽ chẳng bao giờ có thể nguôi ngoai được, cho đến khi chúng ta giành lại được vùng lãnh hải yêu quý đó. Những hy sinh lớn lao mà các tử sĩ Hải Quân đã làm chắc chắn sẽ là những tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ đất tổ,” ông nói thêm.

Ông Thọ nói tiếp, “Nhìn sự hy sinh của các anh mà đau lòng cho vận nước, đồng bào của chúng ta tại quê nhà vẫn đang phải quằn quại dưới ách thống trị của tập đoàn tay sai bán nước Cộng Sản Việt Nam, một kẻ nội thù của dân tộc rất tàn ác đối với đồng bào của mình, nhưng lại thật hèn nhát và khiếp nhược trước giặc Tàu phương Bắc. Nguyện cầu hồn thiêng sông núi, các linh hồn tử sĩ hộ trì cho con dân Việt Nam biết thương yêu nhau, cùng đoàn kết, can đảm và hy sinh mọi sự để cương quyết đấu tranh giành lại quyền làm chủ đất nước từ tay bạo quyền Cộng Sản Việt Nam. Và xin mọi người hãy kiên trì trong công cuộc chống lại ngoại xâm.”

Cuối cùng ông chia sẻ cùng các anh linh trong nước mắt, “Nhân ngày giỗ thứ 42 hôm nay, xin các anh nhận nơi đây nén hương lòng tưởng nhớ sâu xa nhất của tất cả chúng tôi. Các anh sẽ sống mãi trong lòng mọi người, trong lòng dân tộc và đại dương yêu quý Việt Nam.”

Kế đến là lễ rước linh vị 74 anh hùng tử sĩ trang trọng đi giữa hai hàng quân, tiến vào vị trí hành lễ.

Sau nghi thức khai mạc, ông Nguyễn Văn Cửu, điều hợp chương trình, nói, “Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta hãy cùng tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, những anh hùng dân tộc đã dày công dựng nước và giữ nước, chúng ta cũng tưởng nhớ đến các đồng bào, các quân dân cán chính, các chiến sĩ QLVNCH, và các đồng minh đã hy sinh vì lý tưởng tự do.”

Ông nói tiếp, “Đặc biệt trong ngày hôm nay, chúng ta cùng tưởng niệm đến anh linh các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã anh dũng, oai hùng tử chiến chống lại giặc phương Bắc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Những ai đã chết vì sông núi, sẽ sống muôn đời với núi sông.”

cuulong tusi hs 2
Lễ tế cổ truyền tưởng niệm các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Tiếp theo là lời phát biểu của ông Trương Văn Song, hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long.

“Tôi có một nguyện vọng rằng, ngày nào chúng ta còn sống thì ngày đó nếu chúng ta không làm được việc gì cho tổ quốc để chúng ta có thể lấy lại Hoàng Sa, thì ít nhất chúng ta phải đến đây để tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa, vì họ đã để lại thân thể của mình trong biển cả của Việt Nam,” ông Song nói.

Tiếp theo, niên trưởng Nguyễn Văn Hoa, chủ tọa buổi tưởng niệm, đọc bài diễn từ.

Ông nói, “Dù đã 42 năm qua, chúng ta vẫn không quên được hậu quả của trận chiến Hoàng Sa, vì cái hậu quả còn kéo dài đến ngày hôm nay. Đó là ngày 19 Thánh Giêng, 1974, Trung Cộng đã đưa 13 chiến hạm và nhiều tàu thuyền đến để cướp đảo của chúng ta. Bộ tư lệnh Hải Quân VNCH đã phái bốn chiến hạm Trần Khánh Dư (HQ 4), Trần Bình Trọng (HQ 5), Lý Thường Kiệt (HQ 16) và Nhật Tảo (HQ 10). Với sự khiêu khích của Trung Cộng vào lúc đó, mặc dù lực lượng của chúng ta rất chênh lệch với đối phương, nhưng chúng ta vẫn tham chiến để cho chúng nó biết phần đất này là phần đất của ta, chúng ta phải đánh để cho chúng hiểu rằng, chúng ta không bao giờ hèn và sẵn sàng quyết thủ để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta.”

Theo ông Hoa, ngay khi có lệnh, HQ 10 đã khai hỏa đúng vào đài chỉ huy khu trục hạm của Trung Quốc, nhưng HQ 10 cũng bị trọng thương, và hạm trưởng Ngụy Văn Thà đã hy sinh theo chiến hạm. Theo sử liệu, Trung Quốc chiếm đảo này nhưng thiệt hại gắp bội về nhân mạng và vật chất.

“Sau này, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam còn liên tiếp bắt bớ, bỏ tù những công dân Việt Nam trong việc đấu tranh về chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa. Đảng Cộng Sản Việt Nam đúng là thừa sai của đảng Cộng Sản Trung Quốc, người dân khó có thể tiếp tục dung dưỡng một chính quyền bán nước, cắt đất , cắt biển để dâng cống cho Trung Cộng,” ông Hoa nói tiếp.

Ông nói thêm, “Tham vọng Trung Cộng còn biểu lộ trắng trợn bằng cách vẽ lại bản đồ đường lưỡi bò chín đoạn ở tại biển Đông. Do tình thế cấp bách này, vào ngày 25 Tháng Mười Một, 2011, Thủ Tướng Cộng Sản Nguyễn Tấn Dũng buộc phải trả lời trước Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam nguyên văn như sau, 'Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, trong sự quản lý hiện tại của chánh quyền VNCH.' Đây cũng là lần đầu tiên, danh xưng Việt Nam Cộng Hòa chúng ta nghe được từ chính nhà cầm quyền Hà Nội phát biểu để chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 là của Việt Nam trước năm 1954.”

cuulong tusi hs 3
Nghi thức khai mạc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng theo vị chủ tọa, tình cảm người Việt Nam ai cũng đều ngưỡng mộ và vô cùng thương tiếc những chiến sĩ đã hy sinh, chân thành tỏ lò biết ơn và ưu ái với họ và những gia đình tử sĩ, đồng thời cũng không quên vinh danh các chiến sĩ Địa Phương Quân, chuyên viên khí tượng đã góp phần giữ gìn bản đảo.

Rồi ông nói tiếp, “Hôm nay, sự kiện chúng ta tham dự ngày giỗ 74 tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa còn mang một ý nghĩa quan trọng là để nhắc nhở vấn đề bảo vệ tổ quốc Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng. Trước hiện tình đất nước của chúng ta, mọi người đều cảm thấy rõ: Ngày nào Việt Cộng còn cai trị, thì ngày đó nguy cơ mất nước càng gần. Ngày nào Cộng Sản Việt Nam còn cầm quyền, thì ngày đó kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc gia còn bị đe dọa trầm trọng. Ngày nào còn chế độ độc tài Cộng Sản, thì ngày đó còn tham nhũng, bè phái, bất công, người dân còn lầm than đói khổ, vì đó là hậu quả tất nhiên của các chế độ độc tài, đảng trị. Chúng ta hãy khẳng định, luôn luôn giữ tinh thần Hoàng Sa để yểm trợ và tiếp tay với những người dân yêu nước ở trong nước là, chống Tàu, đuổi Cộng giành lại những phần đất đã mất.”

Sau đó, chương trình nghi lễ được tiếp tục với các nghi thức đặt vòng hoa tưởng niệm và truy điệu các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa, tiến nến và xướng danh các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa, tế lễ cổ truyền các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa, dâng hương, và tiễn linh vị.

Tiếp theo là lời phát biểu của quan khách đến tham dự.

Sau cùng là phần văn nghệ đấu tranh với sự đóng góp của Ban Tù Ca Xuân Điềm và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ.