Nụ cười, nước mắt, và những khát khao giới trẻ nhắn gửi phụ huynh
LOS ANGELES (NV) - Ðêm hội văn hóa Việt vào tối Thứ Hai vừa qua ở UCLA để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử 33 năm của chương trình này. Dù khán giả bị cuốn hút vào những tràng khóc cười, khi ra về, họ vẫn không quên được những lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa của các sinh viên gốc Việt tại đây.
Nhân vật Daniel (giữa) được gia đình và bạn bè động viên khi mẹ anh “từ con,” dù anh luôn yêu thương và làm bà vui lòng. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Với hai nhân vật chính, Thúy và Daniel, chủ đề của buổi văn nghệ tập trung vào mối quan hệ giữa giới trẻ ngày nay và gia đình. Thúy, một cô gái có cha mẹ sống bằng nghề bán rau ngoài chợ, tìm đường ra nước ngoài qua dịch vụ môi giới “chồng ngoại.” Daniel, một bác sĩ trẻ độc thân, vì muốn làm vừa lòng phụ huynh, quen Thúy qua Internet, và cưới cô một cách nhanh chóng.
Sự kiện nối tiếp sự kiện, những chuyện không ngờ xảy ra khiến mọi người nhận ra được nhiều bài học quý giá.
Dù buổi trình diễn bắt đầu vào 7 giờ tối, khán giả đã đến từ một, hai tiếng đồng hồ trước đó để xếp hàng dài chờ được vào tòa nhà Royce cổ kính như một tòa lâu đài, và được coi là biểu tượng của đại học UCLA.
Không một ai phải bỏ tiền mua vé. Ðại học UCLA từ lâu đã tài trợ cho các đêm văn hóa của Hội Sinh Viên Việt Nam (VSU). Trong lúc hơn 1,500 khán giả lần lượt vào chỗ ngồi, các “diễn viên” sinh viên hồi hộp sau tấm màn sân khấu đếm từng phút chờ giờ diễn bắt đầu.
VSU chọn hình thức kịch nói làm chủ đề cho đêm văn nghệ, kèm thêm các tiết mục ca hát, múa truyền thống và hiện đại, có cả biểu diễn Việt Võ Ðạo. Khác với hình thức ca vũ kịch tổng hợp, hình thức mà VSU chọn đòi hỏi một kịch bản lớn, xuyên suốt, dẫn theo các tiết mục ca múa một cách tự nhiên, và phải đủ tình tiết cho ba giờ đồng hồ của chương trình.
VSU không những có được một kịch bản đủ các yêu cầu trên, mà còn cuốn hút khán giả từng giây phút trong suốt ba giờ đồng hồ đó.
Mối hôn nhân giữa Thúy và Daniel không hề êm đẹp như cả hai tính toán, theo cách riêng của mỗi người. Thúy đến Mỹ, không một người thân, không được chồng giúp đỡ, cô loay hoay thích nghi với cuộc sống mới và với cả gia đình bên chồng. Ðáng buồn nhất, chồng cô không hề ngó ngàng đến cô. Daniel không bận rộn với công việc thì cũng ra ngoài vui chơi với bạn bè, luôn tránh né việc gần gũi vợ.
Cuối cùng, Thúy nhờ người em chồng, Justin, theo dõi hành tung của chồng và phát hiện anh có quan hệ tình ái với những người đàn ông khác. Tức giận, Thúy báo cho gia đình Daniel biết anh là người đồng tính. Cha mẹ anh, những người luôn gìn giữ văn hóa Việt truyền thống, tuyên bố “từ con,” dù Daniel trước đây luôn làm bất kỳ mọi thứ để ông bà vừa lòng và yêu thương.
Màn múa truyền thống của các nữ sinh viên gốc Việt tại UCLA. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Hôn nhân, gia đình, ước vọng, mọi thứ tan cho cả Thúy và Daniel. Nhờ bạn bè, Daniel dần dần vượt qua được nỗi đau bị cha mẹ và những người anh thương yêu hết mực ruồng bỏ. Anh tìm Thúy để nói chuyện về những điều mà hai vợ chồng chưa bao giờ bàn đến. Thúy thú nhận chưa bao giờ yêu chồng, và cô quyết định về lại Việt Nam, dù biết cha mẹ sẽ giận. Cha và em trai của Daniel chào đón anh quay về gia đình. Riêng mẹ anh, tuy thương con, bà không vượt qua được rào cản định kiến.
Ðoạn kết của câu chuyện không có hậu như chuyện cổ tích, thể hiện một sự bế tắc rất thật xảy ra giữa nhiều thanh niên gốc Việt với ông bà cha mẹ. Kịch bản do chính thành viên của VSU viết, qua cái nhìn của người trẻ, kịch bản lần này phản ảnh sự cố gắng không ngừng của các sinh viên để đáp ứng kỳ vọng của gia đình, nhưng lại chưa nhận được một sự thông cảm, yêu thương, không đòi hỏi từ phía phụ huynh mà họ khao khát.
Có thể nghe thấy được nhiều tiếng nấc phát ra từ các góc khán phòng ở giai đoạn đầy kịch tính của vở kịch, khi từng nhân vật khổ sở với nỗi niềm riêng. Không rõ khán giả khóc vì thương cho người bác sĩ trẻ Daniel bị gia đình ruồng bỏ, hay thương cho người mẹ đau đớn vì “mất thằng con trai rồi,” hay khóc cho ước mơ của Thúy bị tan vỡ.
Một trong những màn trình diễn đặc sắc của các thành viên Hội Sinh Viên Việt Nam UCLA. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Các nhân vật phụ đóng góp phần lớn giúp chương trình sống động. Ngoài ra, nhờ họ, khán giả được cười thoải mái với những phát biểu hài hước của người bạn Wesley, hay sự phá phách ngô nghê của người em trai Justin, và cả cô người yêu đanh đá của anh. Các “diễn viên” diễn xuất và tạo sự lôi cuốn cho chương trình một cách xuất sắc, mà theo họ là vì “nội dung của vở kịch thật sự lay động chúng em.”
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến tính chuyên nghiệp rất cao của nhóm múa cổ truyền và múa hiện đại. Các màn trình diễn nhịp nhàng, tự nhiên, rất đồng đều thể hiện công sức của các sinh viên trong những buổi tập dượt nhiều giờ đồng hồ, dù các họ rất bận rộn với việc học.
Âm thanh và ánh sáng gần như hoàn hảo của tòa nhà Royce đưa khán giả vào một đêm văn hóa đầy ý nghĩa của các sinh viên gốc Việt trường UCLA. Bạn bè và người thân của họ đến từ khắp nơi, ngay tại miền Nam California, hoặc cách vài tiếng lái xe, chắc hẳn đã thỏa lòng khi tấm màn sân khấu khép lại.
Những sinh viên gốc Việt tại UCLA, bên cạnh thành tích học tập xuất sắc và các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam, còn thật tài giỏi và duyên dáng khi đứng trên sân khấu.
Ðêm văn hóa này là một minh chứng.
Ðêm văn hóa Việt lần thứ 33 của VSU không chỉ giới thiệu nét văn hóa Việt đến các sắc dân khác, mà còn đưa ra nhiều suy nghĩ cho chính khán giả người Việt từ khắp nơi đến xem chương trình.