main billboard


"Chúng tôi muốn phục vụ bệnh nhân, nhất là trong các cộng đồng gốc Á châu, vì thiếu kiến thức nên không có phương tiện khi phải đối phó với những thủ tục phức tạp về y tế, hay khi có nhu cầu chăm sóc về sức khỏe,"


WESTMINSTER, California (NV) - Một khi gia đình có người cao niên mắc bệnh nan y, như bệnh ung thư hay trường hợp người già bệnh tật trong tuổi xế chiều, việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh có thể làm xáo trộn cuộc sống của mọi người trong gia đình. Hội Chăm Sóc Toàn Diện (Supportive Care Services Foundation), hay gọi tắt là hội SCS, một hội bất vụ lợi, cung cấp nhiều dịch vụ cho những đối tượng này, tại địa chỉ 13800 Arizona St., Suite 100, Westminster, CA 92683.

scs 1
Cô Khánh Ly Nguyễn, giám đốc, và Tiến Sĩ Michael Deboratz, tổng giám đốc Hội Chăm Sóc Toàn Diện (SCS Foundation) tại trụ sở ở Westminster, CA. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Tuy mới thành lập nhưng hội SCS muốn phục vụ người bệnh nan y và gia đình qua những dịch vụ rất đặc biệt.

"Chúng tôi muốn phục vụ bệnh nhân, nhất là trong các cộng đồng gốc Á châu, vì thiếu kiến thức nên không có phương tiện khi phải đối phó với những thủ tục phức tạp về y tế, hay khi có nhu cầu chăm sóc về sức khỏe," Tiến Sĩ Michael Deboratz, tổng giám đốc SCS, nói với nhật báo Người Việt.

Ngoài việc thiếu kiến thức về y tế, không biết khi có bệnh phải chọn bác sĩ nào để điều trị, theo ông, bệnh nhân người Việt còn có cách xử trí khác và luôn tránh đề cập đến cái chết hay việc chuẩn bị về hậu sự.

"Chúng tôi muốn hỗ trợ về tinh thần theo phong cách Việt Nam cho các gia đình có người bệnh và cả chính bệnh nhân, bằng phương thức giáo dục. Phải biết rằng kiến thức về các chọn lựa sẵn có là quan trọng. Kế đến là phải chọ một người để khi cần, quyết định phải làm gì;  Săn sóc cuối đời (Hospice) là duy trì sự sống và phẩm chất của đời sống," ông nhấn mạnh.

"Chúng tôi sẽ hướng dẫn mọi người trong cộng đồng Việt Nam thảo luận nghiêm túc về chăm lo hậu sự và những gì cần để kéo dài cuộc sống," ông nói thêm.

scs 2
Tiến Sĩ Michael Deboratz, tác giả cuốn sách Dying 101. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

"Mục đích sau cùng của chúng tôi là làm sao bệnh nhân có thể phục hồi sức khỏe để có thể trở về nhà. Riêng những người có Medicare, nếu còn sống, còn có thể được ở nhà," ông nói.

Ông cho biết với trên 30 năm kinh nghiệm trong ngành cán sự xã hội, ông được tiếp xúc nhiều bệnh nhân lúc cuối đời và giúp rất nhiều người bệnh về tâm lý. Ông cho biết ông viết cuốn sách "Dying 101" về cách sống, dành cho những người mắc bệnh nan y.

Cùng làm công việc này cho những bệnh nhân có bệnh nan y, cô Khánh Ly Nguyễn, giám đốc chương trình dành riêng cho người Việt.

"Chúng tôi thông dịch sang tiếng Việt một số các tài liệu tham khảo, như Giáo Dục Dành Cho Người Tiêu Thụ, các văn kiện pháp lý, trình bày trong các cuộc hội thảo bằng tiếng Anh và tiếng Việt, mời diễn giả người bản xứ cũng như người Việt," cô Khánh Ly nói.

"Chúng tôi cung cấp thông tin cần thiết cho người bệnh và thân nhân. Quan trọng nhất là giúp mọi người biết mình có những chon lựa gì sau khi được xuất viện từ các bệnh viện cộng đồng, như chương trình 'Sức Khỏe Tại Gia,' 'Chăm Sóc Tại Gia,' 'Chăm Sóc Cuối Đời,' và 'Hỗ Trợ Chăm Sóc,' " cô khẳng định.

scs 3
Các tài liệu bằng tiếng Việt để giúp bệnh nhân và gia đình tìm hiểu các nguồn trợ giúp. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Về việc chuẩn bị hậu sự, cô giải thích: "Chỉ Thị Cuối Đời (Advance Directive) là một thủ tục gồm nhiều bước, dặn dò người ở lại (gồm người thân và bác sĩ) về những gì bệnh nhân muốn, khi không còn sáng suốt, để quyết định thi hành một phương cách gì đó. Thí dụ như bệnh nhân không muốn làm hô hấp nhân tạo (CPR) hay dùng máy trợ thở, không muốn giải phẫu, v.v..."

Ngoài việc tổ chức hướng dẫn các đề tài về quyền lợi của giới tiêu thụ cho bệnh nhân nan y và gia đình, cô Khánh Ly còn cho biết mỗi ngày cô thăm viếng, hỏi han bốn người bệnh tại nhà của họ.

"Tôi chia sẻ những gì mà các bác có quyền chọn lựa khi bị bệnh nan y. Đa số các bác đều lo ngại là có tốn tiền không, các bác có phải trả tiền cho những dịch vụ ấy không. Nhưng sau đó, các bác cởi mở hơn nhờ có người nói chuyện và lắng nghe các bác nói. Bệnh tình các bác dần dần thuyên giảm. Một tuần không thăm các bác, thấy cũng nhơ nhớ," cô Khánh Ly tâm sự.

Mọi dịch vụ và chi tiết, xin gọi Hội Chăm Sóc Toàn Diện SCS tại số điện thoại tiếng Việt miễn phí (800) 536-0369, hay (714) 439-9999.