“Sau 40 năm, người chiến sĩ trong QLVNCH chưa bao giờ giải ngũ, và chính họ cũng đang hoạt động sát cánh với đồng hương khắp nơi trên thế giới để nói lên chính nghĩa của mình, và cũng nói lên ý nghĩa của buổi nhạc hội '40 Năm Ðấu Tranh Cho Quê Hương,'”
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) - Trưa Chủ Nhật, 6 Tháng Mười Hai, ban Tù Ca Xuân Ðiềm và đài phát thanh Ðáp Lời Sông Núi tổ chức nhạc hội “40 Năm Ðấu Tranh Cho Quê Hương,” với chủ đề “Tạ Ơn Người Lính, Nhớ Ơn Người Tù” tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley.
“Sau 40 năm, người chiến sĩ trong QLVNCH chưa bao giờ giải ngũ, và chính họ cũng đang hoạt động sát cánh với đồng hương khắp nơi trên thế giới để nói lên chính nghĩa của mình, và cũng nói lên ý nghĩa của buổi nhạc hội '40 Năm Ðấu Tranh Cho Quê Hương,'” nhạc sĩ Xuân Ðiềm cho biết.
Vũ đoàn Việt Cầm trong bài “Anh Không Chết Ðâu Anh” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. (Hình: Quang Nguyễn/Người Việt)
Ông nói thêm, “Nói đến những cựu tù nhân, mặc dù sau một thời gian dài họ bị tù đày, khổ sở, nhưng khi sang đây, cuộc đời của họ đã vươn lên, con cái đã được thành công, và họ vẫn tích cực đóng góp trong việc đấu tranh cho đất nước Việt Nam sớm được tự do, dân chủ và dân quyền. Vì thế, nhân mùa tạ ơn, chúng tôi mới có chủ đề là, 'Nhớ Ơn Người Lính, Tạ Ơn Người Tù.'”
Cũng theo nhạc sĩ, cách đây 22 năm, tiếng nói của người Việt được phát thanh đầu tiên trên đất nước Hoa Kỳ ở tại Organe County là đài phát thanh Little Saigon và có một số anh em cựu tù họp lại thành lập một ban văn nghệ có tên là “Anh Vẫn Sống,” một thời gian sau, nhạc sĩ Xuân Ðiềm cũng tham gia vào chương trình này.
“Nhưng sau đó có một số anh em vì công việc nên không còn tiếp tục, và tôi vẫn duy trì tranh đấu qua những bài nhạc tù ca, và ban Tù Ca Xuân Ðiềm cũng được hình thành từ khởi điểm này. Cho đến nay, theo tình hình biến chuyển qua sự thay đổi về chính trị và xã hội ở trong nước, cho nên chúng tôi có những sáng tác mới để phù hợp cho việc tranh đấu hiện tại. Ðến hôm nay, ban tù ca của chúng tôi đã được 22 năm rồi,” nhạc sĩ Xuân Ðiềm cho biết thêm.
Ðiều hợp chương trình là các MC Minh Phượng, Uyển Diễm, Ngọc Ðăng và Vũ Hùng.
Mở đầu chương trình là liên khúc “Tôi Phải Ði” của nhạc sĩ Xuân Ðiềm, và “Ðáp Lời Sông Núi” của nhạc sĩ Trúc Hồ, do toàn ban Tù Ca Xuân Ðiềm trình diễn. Rất nhiều lá cờ vàng VNCH bay phất phới trên tay của những thành viên ca diễn theo điệu nhạc, và lời kêu gọi của những ca từ đã nói lên ý nghĩa của buổi nhạc hội là, đất nước lâm nguy, tôi phải đi dưới cờ vàng, đáp lời sông núi.
Kế tiếp, nhạc sĩ Xuân Ðiềm và ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành Trung Ương Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, đứng lên phát biểu.
Nhạc sĩ Xuân Ðiềm chia sẻ, “Chiều nay có một không khí tưng bừng của một buổi chiều cuối năm tràn đầy yêu thương mà quý vị đã dành cho chúng tôi, nhân mùa tạ ơn. Ban Tù Ca Xuân Ðiềm được vinh dự đón tiếp quý vị trong một chương trình nhạc hội hứa hẹn, hấp dẫn, và đài phát thanh Ðáp Lời Sông Núi sẽ đưa tiếng nói này về nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.”
Sau đó, ông có lời cám ơn tất cả mọi người đã góp công sức để yểm trợ cho chương trình hội nhạc này được thành công tốt đẹp.
Liên khúc “Tôi Phải Ði” của nhạc sĩ Xuân Ðiềm và “Ðáp Lời Sông Núi” của nhạc sĩ Trúc Hồ, do ban Tù Ca Xuân Ðiềm trình diễn. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Tiếp theo, ông Trần Quốc Bảo nói, “Chúng tôi xin được thay mặt cho Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc và đài phát thanh Ðáp Lời Sông Núi trân trọng cảm tạ nhạc sĩ Xuân Ðiềm và các anh chị em trong ban tù ca đã bỏ công sức trong sáu năm qua để yểm trợ cho đài phát thanh của chúng tôi, và đặc biệt hơn nữa, hôm nay, quý vị có mặt ở đây do lời mời của ban Tù Ca Xuân Ðiềm để gây quỹ yểm trợ cho đài phát thanh này.”
Ông nói tiếp, “Mục tiêu của đài là quảng bá tinh thần của người Việt Nam. Tại sao phải quảng bá tinh thần? Vì Cộng Sản Việt Nam không sợ súng đạn, không sợ nhà tù, mà chúng chỉ sợ tinh thần.”
Sau đó, ông kể qua về những chi phí và những chi tiết sự hoạt động của đài phát thanh này trong nhiều năm qua.
Rồi ông Bảo nói tiếp, “Ðài còn một chức năng quan trọng không kém đó là chuyển tải, trình bày và giải thích trách nhiệm của người công dân đối với quốc gia, dân tộc. Có hiểu được trách nhiệm thì người dân mới ý thức và thực sự tham gia vào công cuộc đấu tranh.”
Theo MC Minh Phượng, hàng trăm sáng tác đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, lịch sử và tù ca đã thực hiện, tất cả gồm 16 DC và 5 DVD âm nhạc của ban Tù Ca Xuân Ðiềm đã được quảng bá rộng rãi ở hải ngoại cũng như ở nội địa. Thực hiện được việc này, cũng nhờ sự yểm trợ của các mạnh thường quân cũng như đồng hương đã hết lòng đóng góp cho việc đấu tranh vì lý tưởng cho dân tộc Việt Nam.
“Và cũng chính nhờ đó mà các bạn trẻ hiểu được Việt Nam của chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu gian khó, trong đó có các anh chiến sĩ QLVNCH cũng như những nhà đấu tranh hết lòng với quê hương, tổ quốc. Song song đó là sự yểm trợ loan tải những công sức đấu tranh tinh thần này từ đài phát thanh Ðáp Lời Sông Núi, bắt đầu phát thanh đi khắp nơi từ ngày 16 Tháng Năm, 2011,” MC Minh Phượng nói.
Chương trình văn nghệ được tiếp nối với liên khúc ca nhạc cảnh “Tưởng Niệm Chiến Sĩ Tự Do,” nhạc và lời của nhạc sĩ Xuân Ðiềm và “Anh Ðã Ngủ Yên Trên Quê Hương Tôi,” nhạc và lời của nhạc sĩ Trần Duy Ðức, do ban Tù Ca Xuân Ðiềm trình diễn. Hai nhạc phẩm này nhằm vinh danh các chiến sĩ Việt Mỹ đã sát cánh bên nhau chiến đấu để bảo vệ tự do, cũng như tri ân các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc và gục ngã trong các lao tù Cộng Sản. Mọi người cùng đứng lên dành một phút để tưởng niệm anh linh các chiến sĩ đã đền nợ nước và lý tưởng tự do, theo lời yêu cầu của ban tổ chức.
Trong chương trình, có nhiều tác phẩm nói về người mẹ, như những bài “Bà Mẹ Hai Con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông, “Bà Mẹ Sài Gòn” thơ Song Thuận, nhạc Xuân Ðiềm, và ca nhạc cảnh “Mẹ Của Tôi,” đã nói lên sự mất mát của dân tộc hiện thời, qua lời của nữ MC Uyển Diễm, “Mẹ của tôi là nước Việt Nam, mẹ của tôi là Ải Nam Quan, là thác Bản Giốc, là Trường Sa, Hoàng Sa... Là những phần thịt da đã bị bọn Cộng Sản bán nước đã cắt dâng cho quan thầy. Ôi, còn nỗi nhục nào lớn hơn nỗi nhục này, còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau này, hỡi Mẹ Việt Nam ơi!”
“Nhạc cảnh 'Ðợi Chờ; là một trang hùng ca thật bi thương của những cựu tù nhân, dẫu 40 năm trôi qua, nhưng những vết thương ấy đã hằn sâu trên từng da thịt và trong lòng bao nhiêu người trai trẻ, đến giờ này, tóc đã bạc phơ, mắt đã mờ, họ vẫn nhớ mãi không bao giờ quên được,” MC Uyển Diễm nói.
Chương trình cũng có những bài nhạc, thơ nói về sự oai hùng của chiến sĩ trong QLVNCH và những người Việt tha hương yêu nước, như “Anh Không Chết Ðâu Anh” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh do vũ đoàn Việt Cầm trình diễn. Ðặc biệt có sự đóng góp của ban vũ Hoa Tiên đến từ San Jose, California.
Liên khúc cuối cùng, gồm hai bài nhạc “Cả Nước Ðấu Tranh” của cố nhạc sĩ Anh Bằng, và “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của cố nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang, do toàn ban Tù Ca Xuân Ðiềm trình diễn, được khán giả vỗ tay ngưỡng mộ.