Hai cuộc hội luận quan trọng cho công cuộc tranh đấu của cộng đồng
WESTMINSTER - Liên tục trong hai tuần, một vào chiều Thứ Bảy, 19 Tháng Giêng này, và một vào chiều Chủ Nhật tuần tới, sẽ có hai buổi hội luận về những vấn đề liên quan mật thiết đến công cuộc tranh đấu của người Việt Nam trước thực tế xâm lăng của Trung Cộng.
Biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng biển đảo Việt Nam của tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Cuộc hội thảo đầu trong chủ đề “Sinh Lộ Việt Nam, Nước và Biển” do nhóm “Chống Tầu diệt Việt Cộng” sẽ diễn ra lúc 12:30 chiều ngày 19 Tháng Giêng tại Hội Trường Văn Lang trên đường Moran, Westminster.
Trong cuộc hội thảo này, ba nhân sĩ trí thức trong cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ lần lượt trình bày những khía cạnh khác nhau về nguồn sinh lộ của dân tộc Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Vũ Hữu San, cựu hạm trưởng Hải Quân QLVNCH sẽ thuyết trình về “Văn Hóa Nước của Việt Nam.” Tiếp theo là Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết trình bày “Nước là nguồn sống và môi sinh,” và sau cùng, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ tổng kết cuộc hội thảo và có những nhận định về tình hình Biển Ðông trong bối cảnh hiện tại.
Cựu Hạm Trưởng Vũ Hữu San, một nhà nghiên cứu về biển và hải đảo của Việt Nam, là tác giả của nhiều bộ sách về chuyên đề này và cũng là tác giả nhiều bài viết phân tích, liệt kê biển đảo của Việt Nam hiện đang bị Trung Cộng xâm chiếm bất kể pháp lý quốc tế là Luật Biển 1983 mà Liên Hiệp Quốc đã soạn thảo và công bố.
Những công trình của ông Vũ Hữu San thường được trình bày vào mỗi dịp các cựu Hải Quân QLVNCH kỷ niệm hàng năm cuộc hải chiến giữ biển can trường của người lính Hải Quân VNCH. Những nghiên cứu, luận lý trên chứng tích của ông về biển đảo Việt Nam là những tìm tòi, nghiên cứu khoa học, khó mà phản biện.
Lần này, nhà nghiên cứu Vũ Hữu San có một đề tài mới nhưng không xa với những chuyên đề mà ông từng trình bày trước dư luận. Ông nói đến “nền văn hóa nước” của dân tộc Việt Nam, mà một nửa dân tộc đã sinh tồn qua câu chuyện cổ sử “năm mươi con lên rừng, năm mươi con xuống biển” để mở ra đất nước Việt Nam.
Trong khi ấy, trải nhiều thế kỷ sau, Trung Hoa chỉ quẩn quanh trong lục địa bao la với những dân tộc khác nhau cát cứ từng vùng để dân tộc Hán mỗi khi chinh phục được nước nào xung quanh đều gọi là chư hầu. Trong lịch sử Trung Hoa hầu như không có những cuộc chiến hay xâm lấn ngoài biển, ngoài một vài bọn hải tặc quanh các bờ biển của Hải Nam hay Ðài Loan cướp bóc dân lành. Cũng qua lịch sử của Việt Nam và Trung Hoa, mỗi khi quân phương Bắc dù triều đại nào mà dùng hải quân đến xâm lăng nước Việt thì đều bị đánh tan tành không còn manh giáp. Những trận hải chiến trên sông Bạch Ðằng thời Ngô Quyền, thời nhà Trần... đã nói lên điều đó. Hẳn nhiên dân tộc Việt Nam phải có một “nền văn hóa nước” rất cao.
Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, một trí thức tranh đấu dấn thân không chỉ trên những tác phẩm ông viết ra mà cả trên những hoạt động trong sinh hoạt cộng đồng. Vai trò thành viên sáng lập “Nhóm Chống Tầu Diệt Việt Cộng” của ông đã chứng minh điều đó. Tác phẩm về chất độc da cam của ông đã khiến sự “ăn vạ” của chính quyền Hà Nội với Hoa Kỳ phải thất bại. Những tác phẩm về môi sinh Việt Nam ông liên tục viết ra sau đó đã thức tỉnh nhiều người, khiến nhiều người phải hoảng hốt trước nguy cơ tiềm ẩn sự diệt vong chỉ vì sự thiếu hiểu biết hay vô trách nhiệm của nhà cầm quyền Hà Nội.
Vụ Trung Cộng khai thác mỏ bauxit ở cao nguyên trung phần Việt Nam đã bị Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết vạch trần những nguy hại cho môi sinh mà hậu quả trực tiếp là người dân Việt. Ông không chỉ viết ra theo lý luận hay theo lòng yêu nước nhiệt thành mà ông viết ra, kê khai những nguyên nhân, hậu quả, những so sánh thiệt hơn trên phương diện kinh tế khiến người đọc không chỉ được làm giàu thêm kiến thức mà còn nung nóng được lòng yêu nước, nhận chân được sự bán nước của nhà cầm quyền Hà Nội.
Ðồng bào Nam California biểu tình hỗ trợ cuộc tranh đấu của giáo dân Công Giáo trong nước. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Cuộc hội luận thứ hai trong tuần kế tiếp do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích phụ trách cùng Ủy Ban Lãnh Ðạo Lâm Thời VNCH tại đài truyền hình VHN trên đường Brookhurst trong thành phố Fountain Valley vào lúc 12 giờ trưa ngày Chủ Nhật, 27 Tháng Giêng. Buổi hội thảo này sẽ được đài VHN-TV trực tiếp truyền đi khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và Úc Châu cũng như qua hệ thống Paltalk Toàn Cầu của Diễn Ðàn VNCH.
Chủ đề trong cuộc hội luận này là “Hiệp Ðịnh Paris 40 năm sau và đường hướng đấu tranh sắp tới của Việt Nam Cộng Hòa.”
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà hoạt động văn hóa tích cực trong những sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại, là diễn giả chính. Ông từng là thành viên sáng lập của tổ chức “Nghị Hội Toàn Quốc” hàng năm giữa các nhân sĩ trí thức và các nhà tranh đấu Việt Nam và các học giả Hoa Kỳ, Pháp, Canada thảo luận về nhiều vấn đề của Việt Nam và của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản. Nay với vị trí chủ tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Lâm Thời Việt Nam Cộng Hòa, ông và ủy ban đang nỗ lực vận động tái họp Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam, căn cứ vào điều 7b Ðịnh Ước Quốc Tế ngày 2 Tháng Ba năm 1973 của Hiệp Ðịnh Paris 1973.
Tuy hai cuộc hội thảo do hai tổ chức riêng tiến hành, vẫn có một nối kết khăng khít giữa hai sự kiện. Nếu như tham dự cuộc hội thảo thứ nhất chúng ta nhận định được đúng đắn tình hình đất nước, hiểm nguy của dân tộc thì trong cuộc hội luận thứ hai chúng ta sẽ có được sự phối hợp chung để định ra được đường lối đấu tranh cụ thể cho công cuộc tranh đấu chung của toàn dân trong và ngoài nước. (N.H.)