“Thoạt đầu, không ai nghĩ là có thể làm gì được để giúp họ. Họ bị quốc tế bỏ quên, bị cộng đồng bỏ quên, sống sợ hãi trong sự trốn tránh ngoài vòng luật pháp. Họ gần như tuyệt vọng."
Tiếng Vọng Từ Trái Tim
WESRMINSTER (NV) -“Tiếng Vọng Từ Trái Tim” là tên gọi của chương trình dạ vũ được tổ chức vào tối Chủ Nhật, 20 Tháng Giêng, 2013, tại nhà hàng Moonlight, 15440 Beach Blvd., Suite 118, Westminster, CA 92683 (trong khu chợ Thuận Phát), với sự tham dự của ca sĩ Lâm Thúy Vân, Lưu Việt Hùng, MC Thùy Dương, Trịnh Hội và Luân Vũ cùng ban nhạc The Friends, nhằm gây quỹ giúp đỡ cho các thuyền nhân còn kẹt lại ở tại Thái Lan sau 23 năm.
“Tiếng Vọng Từ Trái Tim,” chương trình dạ vũ gây quỹ giúp đỡ cho các thuyền nhân còn kẹt lại ở tại Thái Lan sau 23 năm. (Hình: Facebook Trịnh Hội)
Ðây là chương trình do Hội Người Việt Tị Nạn Palawan, Philippines, và VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment - Sáng Kiến Thể Hiện Lương Tâm Người Việt Hải Ngoại) phối hợp tổ chức.
Năm chị em người Phi gốc Việt được Luật Sư Trịnh Hội và tổ chức VOICE giúp đỡ sang Mỹ đoàn tụ cùng cha sau 6 năm chờ đợi. (Hình: Facebook Trịnh Hội)
Ngược về quá khứ
Năm 2005, khi những thuyền nhân Việt Nam tại Philippines được chấp nhận qui chế tị nạn và đi định cư tại Mỹ và Canada sau gần 20 năm chờ đợi, với sự giúp đỡ của Luật Sư Trịnh Hội và các đồng sự của anh, người ta cứ ngỡ đó là những người cuối cùng “bị thế giới bỏ quên.”
Thế nhưng khi lời kêu cứu sự giúp đỡ của những thuyền nhân Việt Nam từ Thái Lan gửi đến những “cựu thuyền nhân” Philippines, mọi người mới chợt nhận ra rằng: số phận của hơn 100 con người này còn “khó khăn và bi đát gấp nhiều lần so với thuyền nhân Việt Nam sống tại Philippines trước đó.”
Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, cư dân quận Cam, cũng là thành viên của Hội Người Việt Tị Nạn Palawan, cho biết, “Ðây là nhóm thuyền nhân Việt Nam kẹt lại ở Thái Lan từ thập niên 90 trong giai đoạn bị quốc tế xua đuổi để đóng cửa vĩnh viễn các trại tị nạn. Ða số họ là những người đã trốn trại tị nạn để chống lại chính sách cưỡng bách này và phải chấp nhận cuộc sống lây lất ngoài vòng pháp luật tại Thái Lan trong suốt 23 năm qua.”
“Thoạt đầu, không ai nghĩ là có thể làm gì được để giúp họ. Họ bị quốc tế bỏ quên, bị cộng đồng bỏ quên, sống sợ hãi trong sự trốn tránh ngoài vòng luật pháp. Họ gần như tuyệt vọng. Cho đến khi lời cầu cứu của họ đến với Luật Sư Trịnh Hội và nhóm thuyền nhân tại Philippines.” Luật Sư Lân nói.
Sau khi vận động thành công cho nhóm thuyền nhân Việt Nam tại Philippines, Luật Sư Trịnh Hội và một số thân hữu đã thành lập tổ chức VOICE để vận động cho các công tác cứu trợ tị nạn khác, trong đó có nhóm thuyền nhân Việt Nam còn kẹt lại tại Thái Lan.
Cũng theo lời Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, sau sáu năm vận động, chính phủ Canada đã đồng ý cứu xét cho tất cả số thuyền nhân này được định cư tại Canada với điều kiện là “cộng đồng người Việt tại Canada phải đứng ra chi trả tất cả các chi phí duyệt xét hồ sơ định cư cũng như chi phí định cư để hội nhập vào xã hội Canada.”
Thật may mắn khi cộng đồng người Việt tại Canada đã can đảm đứng ra đảm nhận trách nhiệm này.
Giúp đỡ, tức là trả ơn
Luật Sư Trịnh Hội (hàng ngồi, thứ hai từ trái sang) cùng một số thuyền nhân Việt Nam còn đang bị kẹt tại Thái Lan. (Hình: Luật Sư Nguyễn Quốc Lân cung cấp)
Cuối Tháng Mười vừa qua, năm chị em ruột người Phi gốc Việt, trong đó em lớn nhất được 14 tuổi, nhỏ nhất được 6 tuổi, từ Philippines đã được bay sang Orange County để đoàn tụ cùng với ba mình, ông Nguyễn Ngọc Anh, một cựu thuyền nhân tại Philippines trước đây, sau 6 năm chờ đợi và làm việc liên tục với sự giúp đỡ của Luật Sư Trịnh Hội và VOICE.
Ðó là một trong những hoạt động dấn thân liên tục của những người cũng từng trải qua thảm cảnh vượt biên và thấu hiểu hơn ai hết khát vọng được trở thành công dân chính thức của một đất nước tự do cháy bỏng đến nhường nào.
Như một lời tâm tình, Luật Sư Trịnh Hội viết, “Ðã có một thời chúng ta phải nhẫn nhịn, chịu cực khổ và mang ơn những người đi trước đã có lòng hảo tâm giúp tiền bạc, công sức để chúng ta có được ngày hôm nay.”
“Tôi mong là nhìn lại quãng đường đã qua, chúng ta sẽ nhận thức được rằng đã đến lúc chúng ta phải ra tay cứu giúp những thuyền nhân đã và đang bị kẹt lại trong hoàn cảnh ngặt nghèo như chúng ta đã từng phải trải qua ở Philippines.”
Bởi, đó “như một cách trả ơn cho những gì chúng ta đã nhận.” Luật Sư Trịnh Hội kêu gọi.
Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, người chuyên giúp đỡ về mặt pháp lý cho những tổ chức thiện nguyện này cho biết hiện có 105 thuyền nhân còn kẹt ở Thái Lan. Chi phí đơn xin định cư gồm lệ phí nộp đơn $550/người, tiền đóng visa $490/người, vé máy bay khoảng $1,200/người và tiền khám sức khỏe là $93/người. Chi phí cho mỗi thuyền nhân có thể lên đến $2,330/người hay khoảng $250,000 cho tất cả số người được cứu xét đi định cư.
“Thêm vào đó, cộng đồng người Việt tại Canada còn phải đảm nhận thêm trách nhiệm giúp đỡ các thuyền nhân này hội nhập vào xã hội Canada mà không gây thêm tổn phí cho chính phủ trong vòng một năm kể từ ngày họ đến Canada. Ðây là những trách nhiệm và chi phí rất to lớn mà cộng đồng Việt Nam tại Canada đã đảm nhận với chính phủ Canada để số thuyền nhân này có cơ hội được rời khỏi đất nước Thái Lan và định cư tại Canada trong vòng 18 tháng tới.” Luật sư nói tiếp.
Ngoài cộng đồng người Việt tại Canada mạnh dạn đứng ra nhận lãnh trách nhiệm này, cộng đồng người Việt tại Houston, Oregon,... và nhiều nơi khác trên đất nước Hoa Kỳ cũng tổ chức những buổi vận động quyên góp để giúp đỡ họ, “những thuyền nhân cuối cùng của chuyến tàu chót từ sau 1975.”
23 năm, gần một phần tư thế kỷ những thuyền nhân Việt Nam tại Thái Lan phải sống trong cảnh không tổ quốc, không thân phận.
Hãy tiếp một bàn tay cùng Hội Người Việt Tị Nạn Palawan, Philippines, và VOICE để biến ước mơ tự do của những phận người bi đát này thành hiện thực.
Chi phí $40 cho mỗi vé tham dự chương trình dạ vũ được tổ chức vào tối Chủ Nhật, 20 Tháng Giêng, 2013, tại nhà hàng Moonlight, 15440 Beach Blvd., Suite 118,Westminster, CA 92683 (trong khu chợ Thuận Phát) nhằm gây quỹ giúp đỡ cho các thuyền nhân còn kẹt lại ở tại Thái Lan sau 23 năm.
Vé có thể được mua tại Tú Quỳnh, Bích Thu Vân, Bolsa Ticket hay Văn Phòng Luật Sư Nguyễn Quốc Lân trên đường Bolsa trong Khu Ngân Hàng Cathay Bank.
Ngoài mục đích bán vé, Hội Người Việt Tị Nạn Palawan, Philippines và VOICE rất mong mỏi được các ân nhân tiếp tay hỗ trợ cho dự án này. Mọi chi phiếu xin đề 'VOICE' và gởi về địa chỉ 245 E. Pepper Drive, Long Beach, CA 90807. Mọi thắc mắc hay đóng góp khác xin liên lạc với LS Trịnh Hội ở địa chỉ email: