main billboard



Theo ban tổ chức cho biết có tới 12 tổ chức hội đoàn đã tham gia vào đại nhạc hội năm nay.


WESTMINSTER, California (NV) - Chiều Chủ Nhật, 25 Tháng Mười, trước hàng trăm đồng hương người Việt ở Nam California, đại nhạc hội Hùng Sử Việt với chủ đề “Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Ðông, Ðời Ðời Bất Khuất Nối Dòng Sử Xanh” đã tưng bừng diễn ra tại hội trường Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, trong trường trung học Warner Middle School, Westminster.

Ðây là nhạc hội thứ 12 trong 15 năm hoạt động của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt.

hungsuviet 1
Vũ đoàn Việt Cầm phụ diễn trong tiết mục “Người Mẹ Sài Gòn.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Với một chủ đề thật phong phú trong lần nhạc hội này, câu lạc bộ đã được sự cộng tác mật thiết của các tổ chức trong cộng đồng người Việt ở Nam California. Theo ban tổ chức cho biết có tới 12 tổ chức hội đoàn đã tham gia vào đại nhạc hội năm nay. Ðó là các hội Cựu Nữ Sinh Gia Long, Gia Ðình Việt Ngữ Tự Lực, cựu học sinh Liên Trường Pleiku, Hùng Sử Việt San Diego, Ban Văn Nghệ Hùng Sử Việt Nam California, Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, các Cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt, cựu nữ sinh Trưng Vương, Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, Ban Tù Ca Xuân Ðiềm và vũ đoàn Việt Cầm.

Giáo Sư Song Thuận, sáng lập viên câu lạc bộ, trong dịp này đã nhắc lại mục đích của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt.

Ông nói: “Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt là nơi đoàn kết trong cộng đồng người Việt hải ngoại, cùng nhau ôn lại lịch sử oai hùng của cha ông cho tuổi trẻ Việt Nam nối dõi được tinh thần bất khuất của dân tộc. Với những chủ đề trong các lần đại nhạc hội trước, tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại đã được nhắc nhở đến những trang sử oai hùng của dân tộc, từng đánh vào hang ổ của quân xâm lăng Bắc phương. Ðó là thời Lý Thường Kiệt và sau đó là Quang Trung với mộng đòi lại hai tỉnh Quảng Ðông và Quảng Tây. Nay trước mưu toan xâm lấn của Trung Cộng, người Việt Nam không có gì phải sợ và dân tộc ta lại có dịp thể hiện lòng yêu nước, quyết giữ vững bờ cõi...”

Tiếp đó, ông mời các thành viên trong ban tổ chức lần đại nhạc hội này lên sân khấu trình diện bà con đồng hương. Ðó là đại diện của các hội đoàn tổ chức góp phần vào việc tổ chức.

Trước hết là ông Huỳnh Phổ, đại diện Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, rồi lần lượt là Ðinh Thái Sơn, Bích Huyền, Nguyễn Văn Khoa, Phương Lê, Quỳnh Hoa, Thy Linh, Ngọc Vân, Minh Trí, Bửu Trâm, Ðỗ Trọng Thái, Oanh Ðinh, Trina, Dạ Lan và các MC.

Ðại diện cho ban tổ chức, ông Ðinh Thái Sơn, một thành viên câu lạc bộ, đọc một bài diễn văn chào mừng.

Ông nói: “Chúng ta đều biết, Sài Gòn xưa đẹp lắm thường được gọi là Hòn Ngọc Viễn Ðông, người dân Sài Gòn có đời sống no ấm và tự do. Nhưng sau khi bọn CSVN chiếm được Sài Gòn và miền Nam Việt Nam thì thành phố này mất tên và người dân Việt đã bị sống dưới một chế độ tàn ác, khắc nghiệt và gian xảo... khiến cả triệu người phải bỏ quê hương đi tìm tự do dù có phải chết trên đường đi tìm tự do đó. Nay CSVN còn âm thầm bán nước cho Tàu Cộng và đang đẩy dân tộc vào con đường diệt vong. Cộng đồng người Việt tị nạn luôn nhắc nhở con em phải giữ gìn quê hương, chống lại giặc Tầu đang xâm lăng đất và biển của ta. Nội dung của chương trình Hùng Sử Việt hôm may được diễn tả qua ba ý chính sau, thứ nhất là dân tộc Việt Nam bất khuất đã bao lần đánh bại giặc Tàu xâm lăng, thứ hai diễn tả niềm đau thương của người dân Việt sau khi bị CSBV xâm chiếm, thứ ba là nỗi nhớ thương của những người tị nạn Việt tới Sài Gòn xa xưa và quê hương, và sau cùng là nói lên ước mơ, hẹn nhau một ngày về khi quê hương không còn Cộng Sản.”

hungsuviet 2
Cựu nữ sinh Gia Long trong liên vũ khúc “Sài Gòn Ðẹp Lắm” và “Ghé Bến Sài Gòn.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt cũng còn hỗ trợ cho công việc gìn giữ tiếng Việt trong các thế hệ người Việt ở hải ngoại nên trong dịp này ban tổ chức cũng đã giới thiệu một số em trong số hơn 50 em ở khắp nơi được ban giám khảo lựa chọn vào trao “Giải Học Sinh Sinh Viên Việt Nam Gương Mẫu.” Theo ban giám khảo cho biết thì đây là những học sinh sinh viên xuất sắc trong học vấn, vừa nói và viết tiếng Việt lưu loát, vừa tích cực tham gia trong các sinh hoạt cộng đồng ở địa phương.

Sau phần nghi thức trên, đại nhạc hội đi vào chương trình văn nghệ. “Trăm Con Lạc Việt” là bản hùng ca được toàn ban tổ chức tham gia trình diễn. Hơn ba chục nghệ sĩ tài tử thuộc nhiều thế hệ người Việt tị nạn tại Nam California đã làm cho sân khấu sôi động, hứa hẹn một chương trình văn nghệ đa dạng, phong phú.

Quả vậy, với 15 tiết mục từ song ca hợp ca, vũ, nhạc cảnh đã cuốn hút người tham dự và không ngớt nổ ra những tràng vỗ tay náo nhiệt ngợi khen.

Vũ khúc “Ghé Bến Sài Gòn” và “Sài Gòn Ðẹp Lắm” được các cựu nữ sinh Gia Long trình bày rất uyển chuyển theo những nhịp điệu rộn ràng Cha Cha Cha của hai nhạc sĩ “thời Sài Gòn” là Văn Phụng và Y Vân.

“Ðánh Tống Bình Ngô,” một vở kịch thơ của nhà thơ Song Thuận, được các nghệ sĩ tài tử Dạ Lan, Nguyễn Xuân Nghĩa, Võ Hoàng, Trần Quốc Sỹ, Ngọc Nôi, Dương Linh và Phi Loan cùng vũ đoàn Việt Cầm thể hiện thật xuất sắc nét hùng sử trong những trang sử đẹp của dân tộc.

Tiết mục “Lời Kinh Ðêm,” dựa trên nhạc và lời của cố nghệ sĩ Việt Dzũng, các nghệ sĩ tài tử Bích Huyền, Thái Ðỗ, Ngọc Vân, Quỳnh Hoa, Trina, Phương Lê, Mai Lan, Nguyệt Hằng, Hồng Tước đã trình bày xuất sắc cảnh người đi tìm tự do gây nhiều xúc động cho người xem.

Vũ đoàn Việt Cầm với những nữ vũ công trẻ trung xinh đẹp luôn luôn là những hình ảnh bắt mắt qua những điệu vũ thật nhịp nhàng uyển chuyển thơ mộng. Lần này phụ diễn trong “Người Mẹ Sài Gòn” đã diễn tả được hết tinh túy mẹ Việt Nam trong thời đảo điên của lịch sử. Việt Cầm còn thêm “Vỗ Cái Trống Cơm” linh hoạt và duyên dáng trong bài hát cổ truyền.

Cựu nữ sinh Trưng Vương với “Mơ Trong Nỗi Nhớ” hát lên những nhớ thương về một Sài Gòn đẹp lắm, thơ mộng lắm đã mất. Những con đường như Duy Tân “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” (lời nhạc Phạm Duy), như Trần Quý Cáp rợp bóng me xanh che mưa cho lối em về sau buổi học... để mơ về một ngày trở lại.

Mười lăm tiết mục trôi qua nhanh chóng để mọi người thưởng thức bỗng ngẩn ngơ giật mình với dàn đồng ca gồm tất cả các hội đoàn trong đại nhạc hội, cất lên lời nhắc nhở trước khi mọi người ra về rằng “Hãy Ngẩng Mặt Mà Ði.”

Trên đường về nhiều người cứ nghĩ Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt dù không có một khoản trợ cấp nào mà vẫn nối kết được dòng sinh hoạt của cộng đồng người Việt khắp nơi qua các chi nhánh ở Virginia, Chicago, San Jose, San Diego, và Little Saigon, để mang đến cho lớp trẻ niềm hãnh diện của dân tộc.

“Xin gửi đến một bông hồng tươi thắm cho toàn thể anh chị em trong Ðại Nhạc Hội Hùng Sử Việt kỳ thứ 12 này,” như lời một vị cao niên, bác Nguyễn Tiến ở Garden Grove, vui vẻ phát biểu với nhật báo Người Việt.