“Mỗi chúng ta nên nhớ rằng từ ngày mình bỏ nước ra đi, mình mang nặng trên hai vai nghĩa tình của những người còn lại ở quê nhà, những người đồng ngũ của chúng ta năm xưa, những thương phế binh."
GARDEN GROVE (NV) - Ðã thành truyền thống từ 24 năm qua, trưa Chủ Nhật, 13 Tháng Giêng, gần 400 cựu thầy cô giáo và học sinh trường Quốc Học-Ðồng Khánh cùng tựu về nhà hàng Seafood Palace, Garden Grove, để dự buổi họp mặt Tân Niên. Nhân dịp này, hội cũng tổ chức quyên góp tiền để giúp đỡ cho nạn nhân của trận bão Sandy thảm khốc hồi cuối năm 2012.
Hội Ái Hữu Quốc Học-Ðồng Khánh họp mặt trường xưa bạn cũ và quyên góp giúp đỡ nạn nhân bão Sandy. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Bác Sĩ Võ Ðình Hữu, chủ tịch Hội Ái Hữu Quốc Học-Ðồng Khánh Nam California suốt 15 năm qua, cho biết, “Truyền thống họp mặt hằng năm để nhớ về trường xưa bạn cũ của trường Quốc Học-Ðồng Khánh đã được duy trì từ 24 năm qua. Mỗi năm chúng tôi tổ chức ngày họp mặt này vừa là dịp để gặp lại thầy cô giáo và bạn bè xưa cũ. Ðồng thời cũng là để kiếm một số tiền làm quỹ xã hội nhằm giúp những thầy cô còn lại Việt Nam cũng như những công việc từ thiện khác.”
Theo Bác Sĩ Hữu, điều đặc biệt của lần họp mặt Tân Niên năm nay, không chỉ ở chỗ hội tổ chức vào buổi trưa “để các vị cao niên có điều kiện đi cho dễ” mà thành phần tham dự không chỉ giới hạn trong cựu học sinh Quốc Học-Ðồng Khánh, mà mở rộng ra cho tất cả cựu học sinh sinh viên các trường ở Huế. “Chính vì thế mà có rất đông người có mặt trong ngày hôm nay.”
Bên cạnh mục đích gặp gỡ hàn huyên, “một số tiền lời năm nay chúng tôi dành giúp cho nạn nhân bão Sandy, như một chút chia sẻ của những người Huế chúng tôi đến với những người Mỹ đã cưu mang chúng ta.” Ông Hữu nói thêm.
Là một trong những sáng lập viên của hội, ông Trần Dật tâm sự, “Những dịp họp mặt như thế này rất vui, vừa gặp lại bạn bè cũ, vừa nhắc nhau nhớ lại công ơn thầy cô mình đã học. Ngoài chuyện gặp nhau vì niềm vui nhớ lại ngày tháng đi học, đây còn dịp chúng tôi tham gia đóng góp cho những hoạt động từ thiện. Như năm nay là quyên tiền giúp đỡ nạn nhân khốn khổ của bão Sandy. Tôi tình nguyện đóng $1,000.”
Ðiều ông Trần Dật muốn lưu tâm là, “Mỗi chúng ta nên nhớ rằng từ ngày mình bỏ nước ra đi, mình mang nặng trên hai vai nghĩa tình của những người còn lại ở quê nhà, những người đồng ngũ của chúng ta năm xưa, những thương phế binh. Một vai là tình nghĩa của đất nước này, người đã cưu mang chúng ta. Bây giờ họ bị nạn, mình phải làm điều gì đó để trả lại nợ tình nghĩa này cho tâm hồn mình thoải mái. Ðó là điều tôi mong muốn.”
“Không ai đòi chúng ta món nợ này, nhưng mình không thể ngoảnh mặt với nỗi đau của một đất nước đã nuôi dưỡng mình, con cái của mình mấy mươi năm qua.” Ông Dật nhấn mạnh. (N.L.)