main billboard

Các anh em cựu học sinh đã vì tinh thần đồng môn Chu Văn An mà hợp tác với nhau trong nhiều công việc ích nước lợi dân, đã giữ gìn, bảo vệ danh dự của trường.



IRVINE, California (NV) - Ðại Hội Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An Toàn Cầu năm 2015 với chủ đề “Trường Bưởi-Chu Văn An 70 Năm Theo Dòng Lịch Sử” vừa được tổ chức trong hai ngày 29 và 30 Tháng Tám tại Westminster và Irvine, với hơn 700 người tham dự.


chuvanan 70nam 1Hoạt cảnh “Thất Trảm Sớ” tại Ðại Hội Bưởi-Chu Văn An 2015. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hôm Thứ Bảy, 29 Tháng Tám, các thầy cô và cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An đến dự Lễ Tế Vạn Thế Sư Chu Văn An tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, để tưởng niệm vị quan đại thần đời nhà Trần, cũng những người đã khuất, trong đó có nhiều người từng dạy và học dưới mái trường năm xưa.

Chương trình tế lễ thật nghiêm trang với chánh tế Bùi Ðức Uyên, đương kim hội trưởng Bưởi-Chu Văn An, đồng trưởng ban tổ chức đại hội, cùng ban tế trong trang phục truyền thống áo dài khăn đóng, đã dâng hương trước bàn thờ Chu Văn An, với ngọn lửa bất diệt như truyền thống chống ngoại bang và bạo quyền.

Ðại hội chính thức diễn ra ngày 30 Tháng Tám tại khách sạn Hotel Irvine.

Trong khung cảnh trang nhã, từng nhóm bạn sau bao tháng ngày xa cách, đã hội tụ về như cánh chim theo tiếng gọi đàn, từng nhóm chụp ảnh kỷ niệm, tíu tít hàn huyên tâm sự mãi không thôi.

Ðúng 7 giờ, đại hội bắt đầu với MC Vũ Quốc Phong giới thiệu quá trình thành lập và danh xưng trường Bưởi-Chu Văn An qua ba thời kỳ:

1-Từ 1908 đến 1945: Với kế hoạch chiếm đóng lâu dài, người Pháp mở trường đào tạo cán bộ dạy bằng tiếng Pháp cho các cụ đồ Nho, trường Trung Tiểu Học Bảo Hộ ra đời, sau đó nâng cấp đổi thành Trường Trung Học Bảo Hộ. Vì không chấp nhận tên gọi này, và trường được xây dựng trên đất làng Thụy Khuê, Hà Nội, và vùng Bưởi ven Hồ Tây, nên học trò và dân gian gọi là Trường Bưởi, cái tên tượng trưng cho tinh thần chống ngoại bang xâm lăng bắt đầu có từ đó.

2-Từ 1945 đến 1954: Chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Năm 1943, trường phân thành ba nhóm: một nhóm về chủng viện Phúc Nhạc, Ninh Bình. Một nhóm về Hà Ðông, và nhóm còn lại về Thanh Hóa.

3-Từ 1954 đến 1977: Sau cuộc di cư vĩ đại vào miền Nam, học nhờ trường Petrus Ký cho đến 1961 chuyển qua trường sở mới. Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Ðệ Nhất Cộng Hòa, những người làm công tác giáo dục của trường đã xây dựng được một nền móng quan trọng cho quốc gia, dựa trên các yếu tố nhân bản, dân chủ và khai phóng.

Kế đến là màn hoạt cảnh giới thiệu ba thời kỳ phát triển của trường Bưởi-Chu Văn An với thời kỳ đầu, học sinh đến trường với áo dài the đen trong nền nhạc bài “Học Sinh Hành Khúc” sáng tác Hùng Lân.

Thời kỳ hai với học sinh trong âu phục toàn trắng có dây đeo và mũ trắng.

Thời kỳ ba học sinh với đồng phục áo trắng quần xanh đậm cùng cà vạt trong tiếng hát bài “Chu Văn An hành khúc” đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt với tràng pháo tay không dứt. Ðây là một hình ảnh mà các cựu học sinh hiện diện sẽ không bao giờ quên được.


chuvanan 70nam 2Lễ Tế Vạn Thế Sư Chu Văn An tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhân dịp này, ban tổ chức cũng nói về sự liên tục của hội và mời các cựu hội trưởng qua các kỳ đại hội lên sân khấu trình diện thầy cô và đồng môn.

Các vị hội trưởng từ 1980 đến nay gồm các ông Bùi Bỉnh Bân, Trần Quang Ðôn, Nguyễn Ðức Khoát, Phạm Ðình Tuân, Nguyễn Ðức Năng, Nguyễn Văn Hiền B, Bùi Ðức Uyên.

Các trưởng ban gồm tổ chức, cổ động, cố vấn, giám sát, tổng kiểm soát, đặc san, đã chung sức với nhau trong hơn sáu năm nay để tổ chức đại hội, cũng được mời lên sân khấu để được giới thiệu và vinh danh.

Ông Bùi Ðức Uyên nói: “Trường Bưởi-Chu Văn An có một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Chữ Bưởi là vì trường được xây dựng ở làng Kẻ Bưởi, Hà Nội. Vì không chấp nhận gọi tên là Trường Bảo Hộ nên học sinh của trường đều gọi tên thân thương là Trường Bưởi. Do đó Bưởi là tượng trưng cho tinh thần chống ngoại bang của học sinh.”

“Hơn thế nữa, Chu Văn An là một vị thầy có tên trong lịch sử, tượng trưng cho tinh thần chống bạo quyền qua bản tấu nổi tiếng 'Thất Trảm Sớ.' Do đó, hội chúng tôi rất hãnh diện được mang tên là Hội Bưởi-Chu Văn An,” ông Uyên nói tiếp.

Ông cho biết thêm: “Qua đại hội toàn cầu kỳ này, chúng tôi mong rằng, để noi theo tinh thần chống ngoại bang và chống bạo quyền, các hội của chúng ta ở khắp nơi nên đổi tên chính thức và thống nhất là Hội Bưởi-Chu Văn An.”

Lời đề nghị này được toàn thể các giáo sư và cựu học sinh đồng ý qua tràng vỗ tay nhiệt liệt.

Chương trình được tiếp nối với tiết mục “Tiếng Trống Diên Hồng” dồn dập vang dội khí thế, do Ban Trống Thiên Ân biểu diễn, đã làm sống dậy tinh thần hào hùng của học sinh Bưởi-Chu Văn An năm nào.

Kế tiếp, ban tổ chức nêu tên những giáo sư có mặt và mời Giáo Sư Dương Minh Kính, cựu hiệu trưởng, người đã bỏ rất nhiều thì giờ để hướng dẫn, cố vấn, giúp đỡ hội, lên phát biểu.


chuvanan 70nam 3Cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An khắp nơi về tham dự đại hội. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Kính: “Sung sướng nhất trong đời và hãnh diện khi được là thành viên của Bưởi-Chu Văn An. Các anh em cựu học sinh đã vì tinh thần đồng môn Chu Văn An mà hợp tác với nhau trong nhiều công việc ích nước lợi dân, đã giữ gìn, bảo vệ danh dự của trường. Trong tinh thần đó, tôi cầu mong tất cả hãy làm mọi điều tốt lành cho nhau, hãy vì tinh thần Chu Văn An mà hiểu biết và tha thứ cho nhau.”

Lời nhắn nhủ thân tình của vị hiệu trưởng duy nhất còn sống đến hôm nay đã làm mọi người thật xúc động.

Tại đại hội kỳ này, Kỷ Yếu Bưởi-Chu Văn An 2015, dày hơn 400 trang, với 240 hình ảnh màu, cót iểu sử của các giáo sư và cựu học sinh từ Bắc vào Nam, cùng các bài vở giá trị khác, được giới thiệu và phát hành như một món quà kỷ niệm cho mọi người tham dự.

Chương trình văn nghệ được tiếp nối với Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, dưới sự điều khiển của ca trưởng Bùi Quỳnh Giao và dương cầm thủ Bạch Ðằng, trình bày hai nhạc phẩm “Việt Nam, Việt Nam” sáng tác Phạm Duy, và “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” sáng tác Nguyễn Ðức Quang.

Kế tiếp là nhạc phẩm “Khúc Xuân Ca,” sáng tác của CVA Nguyễn Ngọc Phúc, do ban hợp ca Bưởi và Trưng Vương trình bày.

Có lẽ sôi nổi nhất là phần đọc danh sách các nhóm cựu học sinh tốt nghiệp từ năm 1950 đến 1977 và giới thiệu các bạn từ khắp nơi trên thế giới về tham dự như Nhật, Úc, Canada, Pháp, và đông nhất vẫn là các tiểu bang trên nước Mỹ.


chuvanan 70nam 4Trước giờ khai mạc đại hội. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mỗi người cầm một bảng tên nơi mình ở lên đứng chật cả sân khấu trong tiếng vỗ tay hoan hô của mọi người.

Ban tổ chức cũng giới thiệu các đại hội toàn cầu Bưởi-Chu Văn An được liên tục tổ chức qua các thời kỳ: Kỳ 1 năm 2004 tại Nam California; Kỳ 2 năm 2007 tại San Jose, Bắc California; Kỳ 3 năm 2010 tại Virginia; Kỳ 4 năm 2012 tại Houston, Texas; và Kỳ 5 năm 2015 tại Orange County, Nam California, gồm các trưởng ban Nguyễn Ðức Năng, Lê Duy San, Nguyễn Ðức Nam, Nguyễn Bình và Bùi Ðức Uyên.

Giáo Sư Châu Trần, một vị thầy dạy toán và vi tính, được mời lên nhận một bằng tưởng lục vì đã đóng góp rất nhiều công sức và giúp đỡ Hội Bưởi-Chu Văn An trong nhiều năm qua.

MC Nam Lộc thân thương của cộng đồng người Việt hải ngoại tại các chương trình âm nhạc Asia chợt xuất hiện và hát tặng đại hội bài “Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt” do chính ông, một cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An sáng tác. Sau đó có cuộc phỏng vấn các cựu học sinh qua các năm tốt nghiệp 1959,1961 và đợt cuối cùng 1977.

Chương trình được tiếp tục với hai tiết mục “Trấn Thủ Lưu Ðồn” và “Thất Trảm Sớ,” hai màn hoạt cảnh ăn ý nhất của Hội Bưởi-Chu Văn An, để nói lên tinh thần chống ngoại xâm và bạo quyền.

Chương trình văn nghệ thật hấp dẫn tiếp nối với màn múa “Non Nước Nữu Tình” do các thân hữu Gia Long trình diễn, “Mưa SaiGon Mưa Hà Nội” do Ban Tứ Ca Hương Xưa với bốn màu áo trình diễn, rồi ban AVT Bưởi-Chu Văn An.

Ðặc biệt phần văn nghệ đại hội kỳ này do hai ca sĩ Don Hồ và Diễm Liên, hậu duệ Bưởi-Chu Văn An, đảm nhiệm.

Chương trình Ðại Hội Toàn Cầu Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An 2015 được khép lại với phần dạ vũ, trong niềm bâng khuâng tiếc nhớ lẫn hân hoan. Mọi người còn bịn rịn lưu luyến chia tay, hẹn gặp lại đại hội kỳ sau.