"Cuộc triển lãm này trình bày những điểm nổi bật của sự phát triển và biến đổi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Orange County. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng không có một câu chuyện nào có thể nói hết những kinh nghiệm của chúng ta,"
Sự đa dạng của người Mỹ gốc Việt ở Orange County
SANTA ANA, California (NV) - Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu (VAOHP) do Đại Học UCI và OC Parks phối hợp tổ chức cuộc triển lãm chủ đề "Vietnamese Focus," trên tầng lầu ba, tòa án Orange County cũ, 211 W. Santa Ana Blvd., Santa Ana, CA 92701. Mục đích để nói lên sự đa dạng của người Mỹ gốc Việt ở Orange County sau 40 năm, và sẽ mở cửa cho công chúng xem miễn phí, theo lịch trình từ Tháng Tám đến hết Tháng Hai, 2016.
Từ trái, Tiến Sĩ Linda Trinh Võ, họa sĩ Trinh Mai và cô Trâm Lê tại phòng triển lãm. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
"Cuộc triển lãm này trình bày những điểm nổi bật của sự phát triển và biến đổi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Orange County. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng không có một câu chuyện nào có thể nói hết những kinh nghiệm của chúng ta," Tiến Sĩ Linda Trinh Võ, giáo sư môn học về Người Mỹ Gốc Á tại UCI, và giám đốc dự án Lịch Sử Truyền Khẩu, nói với nhật báo Người Việt.
Cô Trâm Lê, phụ tá giám đốc dự án, chia sẻ: "Nhiều gia đình Việt Nam phải phá hủy hình ảnh và tài liệu để sống còn trong thời chiến và di cư sang Mỹ, vì vậy chúng tôi rất may mắn khi có thể thu thập được hiện vật vô giá để chia sẻ trong cuộc triển lãm lần này."
Về mục đích, cô nói thêm: "Cuộc triển lãm trước hết, sẽ cho mọi người thấy được sự đa dạng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Không phải người nào cũng vượt biên năm 75, không phải ai cũng có học thức và nhất là không phải ai cũng là bác sĩ, là kỹ sư; Thực tế, chúng ta làm đủ mọi ngành nghề."
Sự thành lập Little Saigon. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
"Kế đến, chúng ta không phải ai cũng đợi để được cứu, nhưng chúng ta có chọn lựa và tự giúp mình trước. Thí dụ, chỉ sau hai ngày vượt biển đến trại tị nạn Hồng Kông, chúng ta đã tự làm bản tin 'Chân Trời Mới' để thông tin cho mọi người cùng cảnh ngộ," cô kể.
"Sau cùng, chúng tôi muốn thay đổi cách dạy về lịch sử người tị nạn trong cộng đồng người Việt Hải Ngoại, cũng như trong học đường Mỹ, rằng không phải tất cả người Việt được người Mỹ cứu, mà còn phần lớn là chúng ta đã tự cứu lấy mình, và tự cho mình những chọn lựa để đi hay để ở lại," cô Trâm giải thích.
Tiến Sĩ Linda Trinh Võ cho biết thêm: "Cuộc triển lãm thành hình, sau khi dự án lịch sử truyền khẩu xuất bản cuốn sách 'Người Việt Ở Orange County,' và mất khoảng tám tháng để hoàn tất, sẵn sàng triển lãm."
Họa Sĩ Trinh Mai, một nghệ sĩ thiết kế và làm việc trong dự án, cho biết một chi tiết thích thú.
"Để thực hiện biểu tượng, tôi đã cắt những trang giấy vàng ghi các ngành nghề và cơ sở thương mại do người Việt làm chủ từ cuốn niên giám điện thoại Người Việt, để trang trí hai chữ OC," cô nói và chỉ vào những mẩu giấy ấy.
Chiếc quần Jeans và túi xách IOM. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Cô Trinh Mai cũng cho biết cô học hỏi được nhiều về gia phả và các câu chuyện của chính gia đình cô.
"Cuộc triển lãm này cho tôi cơ hội để có một cái nhìn sâu hơn vào lịch sử các gia đình khác và khám phá sự tương đồng trong khả năng thu thập và của những câu chuyện cá nhân và tập thể can đảm của người Việt," cô nói.
"Gia đình tôi rất đông người. Bà ngoại tôi sinh ra trong gia đình 12 anh chị em. Mẹ tôi là một trong mười người con. Đây là những gì tôi làm để tìm hiểu nguồn gốc của mình," cô nói thêm và chỉ vào hàng chục tách uống trà, trưng trong một tủ kính.
Theo cô, các tách trà được bày thành hàng trên mặt phẳng, phủ bằng trà, vì uống trà là lúc khởi đầu mỗi người kể chuyện của mình. Mỗi tách có một túi nhỏ, chứa tấm hình của người thân và hạt từng loại, cô lấy từ tủ nhà bếp của bà Ngoại, thêm một ít muối để bảo quản. Mỗi loại hạt tượng trưng cho cá tính khác nhau của từng người.
Trong khi đó, cô Trâm Lê giới thiệu một tủ kính, chứa các hiện vật do gia đình một sinh viên lớp học của cô, tặng cho dự án.
"Chiếc quần Jeans kia là của người cha mặc từ ngày ông vượt biên, sang đến đảo và qua tới Mỹ. Ông giữ lại được cả các giấy phóng thích ra trại, giấy căn cước cho hai đứa con trai và vợ, do ông bảo lãnh sang Mỹ," cô nói.
Cô Trinh Mai bên các tách trà khởi đầu câu chuyện từng người trong gia đình. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Tiến Sĩ Linda Trinh Võ cùng một tâm trạng với đồng nghiệp, chỉ vào tủ kính và kể: "Đây là chiếc va li và chiếc áo dài của bà mẹ và tấm mền nỉ của lính màu ô liu, lãnh ở Camp Pendleton. Hình bà mẹ bên cậu con trai. Thật là quý, nhưng cũng được tặng cho dự án làm vật triển lãm."
Phòng triển lãm được trang trí công phu. Trên tường là những chân dung của những người Việt tiêu biểu với câu nói về mình. Chủ đề "Vietnamese Focus" được đặt chính giữa. Người chú ý sẽ đọc được chữ "I Am OC" nổi bật với màu mực khác từ chủ đề này.
Tiếp đến, bên trong là các hình ảnh ghi lại hành trình tị nạn, hình ảnh các người mất tích treo từ trần nhà; các giai đoạn phát triển của cộng đồng người Việt, từ văn hóa, giải trí, tín ngưỡng; đến sự dấn thân của giới trẻ vào chính trường của dòng chính và sự thành lập Little Saigon.
Đa số các hiện vật hay kỷ niệm do người tị nạn mang theo được, bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc, được ban tổ chức khéo léo trình bày, mang tính giáo dục và thích hợp cho mọi người đến xem.
Chiếc va li, chiếc mền lính và chiếc áo dài kỷ niệm. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Ngày giờ mở cửa
Ban tổ chức cho biết phòng triển lãm mở từ 8 giờ 30 sáng đến 4 giờ 30 chiều, Thứ Hai đến Thứ Sáu. Riêng các ngày Thứ Bảy, 22 Tháng Tám; 19 Tháng Chín; 17 Tháng Mười; 19 Tháng Mười Hai; và 23 Tháng Giêng, 2016, từ 10 giờ sáng đến ba giờ chiều.
Riêng Thứ Bảy, 29 Tháng Tám, phòng triển lãm sẽ mở cửa từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Lúc 1 giờ trưa, ban tổ chức, gồm Tiến Sĩ Linda Trinh Võ và cô Trâm Lê, sẽ làm lễ chính thức khai mạc dưới sự chủ tọa của ông Andrew Đỗ, giám sát viên Orange County, Địa Hạt I.
Cuộc triển lãm được các cơ sở thương mại hay giáo dục, như Wells Fargo, Edison International, Đại Học UCI và Thư Khố Đông Nam Á, OC Parks, cùng nhiều mạnh thường quân khác bảo trợ.
Mọi chi tiết, xin vào http://sites.uci.edu/vaohp/programs/events-vietnamesefocus/ hay liên lạc ban tổ chức qua email: