Đa số những người đi xin tị nạn ở Úc bằng đường biển đều là những người dân nghèo, họ phải vay mượn khắp nơi, thậm chí cầm cố bìa đất (sổ đỏ) cho ngân hàng để có chi phí cho cuộc vượt biển. Số tiền chi phí cho một lượt đi trung bình từ 7.000 – 22.000 USD tùy từng trường hợp.
Một chiếc tàu chở thuyền nhân các nước tìm đường đến Úc xin tị nạn, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Chính phủ Úc dùng rất nhiều biện pháp mạnh và cứng rắn để ngăn chặn làn sóng di cư của thuyền nhân, nhưng vẫn có một số người Việt vẫn tiếp tục đi tàu tìm đến nước Úc xin tị nạn. Những người Việt Nam bị chính phủ Úc trả về, hoặc phải tự nguyện hồi hương, nói gì về chuyến đi đầy gian nan và cuộc sống hiện tại của họ sau khi trở về? Nhiều người tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã bất chấp tất cả tìm đường đến Úc để mong tìm được qui chế tị nạn rồi ở lại làm việc, được định cư tại đất nước tự do. Tuy nhiên, số người được may mắn công nhận là người tỵ nạn rất hiếm, trong khi số người bị trục xuất hoặc sau một thời giam phãi tự xin trở về quê hương lại rất nhiều.
Chi phi cho một chuyến đi rất đắt đỏ
Đa số những người đi xin tị nạn ở Úc bằng đường biển đều là những người dân nghèo, họ phải vay mượn khắp nơi, thậm chí cầm cố bìa đất (sổ đỏ) cho ngân hàng để có chi phí cho cuộc vượt biển. Số tiền chi phí cho một lượt đi trung bình từ 7.000 – 22.000 USD tùy từng trường hợp.
Người ta sẽ không nói gì cả, người ta nói đi bằng tàu, thì tôi nghĩ rằng tàu sẽ là tàu du lịch, là tàu lớn, nhưng không ngờ cái thuyền quá nhỏ, thực sự nguy hiểm. Những cái mình dự đoán đi trên biển cả tuần thì chắc chắn là cái nguy hiểm, cái tính mạng chấp nhận đổi, nhưng không ngờ là nó lại còn nguy hiểm hơn.
-Anh Đoàn
Anh Đoàn quê ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, anh rời khỏi Việt Nam để đến Úc bằng đường biển vào khoảng tháng 6, năm 2012, anh chia sẻ:
“Lúc đó mình đi khoảng 7.000 – 8.000 USD, nhưng cũng có những trường hợp cũng cao lắm, khoảng 20.000 – 22.000 USD.”
Anh Trần Đình Khuê quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – Việt Nam, một thuyền nhân bị chính phủ Úc trục xuất sau khi Thủ tướng Australia Tony Abbott lên cầm quyền, nói về số chi phí phải bỏ ra:
“Tầm 11.000 USD, tức là khoảng 250 triệu VND.”
Không được cảnh báo về những nguy hiểm
Khi quyết định đi xin tị nạn tại Úc bằng đường biển, những thuyền nhân này không hề có chút hiểu biết gì về chính sách nhập cư của nước Úc, họ cũng không được những người dẫn đi cảnh báo về những nguy hiểm có thể gặp phải trên đường đi, hoặc họ có thể bị chính phủ Úc trục xuất về nước bất cứ lúc nào. Anh Đoàn nhớ lại:
“Người ta sẽ không nói gì cả, người ta nói đi bằng tàu, thì tôi nghĩ rằng tàu sẽ là tàu du lịch, là tàu lớn, nhưng không ngờ cái thuyền quá nhỏ, thực sự nguy hiểm. Những cái mình dự đoán đi trên biển cả tuần thì chắc chắn là cái nguy hiểm, cái tính mạng chấp nhận đổi, nhưng không ngờ là nó lại còn nguy hiểm hơn là đến khi đi, công tác chuẩn bị của họ nó kém, đặc biệt là vấn đề thuyền là rất nguy hiểm. Mình không ngờ nguy hiểm như vậy.”
Các thuyền nhân Việt Nam tại trại Yongah Hill, Úc hôm 5/9/2013. Hình do thuyền nhân trại Yongah Hill cung cấp.
Anh Trần Đình Khuê chia sẻ về những gì người dẫn anh ấy đi vượt biển và về tầm trạng của anh khi thuyền cập bến đến nước Úc:
“Họ chủ yếu nói: Khi sang được bến bãi thì họ sẽ cho mình mượn số điện thoại để điện về nhà, riêng mình sang bên đó mới biết mạng sống của mình nhỏ nhen quá. Cảm thấy ân hận rồi đó!”
Ông Thảo, quê ở Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An – Việt Nam, ông có con trai đi Úc để xin tị nạn bằng đường biển mà nay đã bị trục xuất về Việt Nam, khi được hỏi về việc, gia đình ông có biết trước những khó khăn có thể gặp phải khi đi xin tị nạn tại Úc bằng đường biển hay không? Ông buồn bã trả lời:
“Không, ở đây không biết như thế nào cả, đứa em (con) không biết như thế nào cả.”
Nợ nần chồng chất sau chuyến đi
Mặc dù được tổ chức di dân Quốc tế IOM hỗ trợ với số tiền khoảng 3.000 USD để những thuyền nhân được tái hòa nhập cuộc sống khi về nước, nhưng số tiền này thật ít ỏi so với số tiền từ 7.000 - 22.000 USD cho 1 chuyến đi vượt biển. Nhưng cuối cùng họ lại bị trục xuất về nước, họ trở về quê với những gánh nặng nợ nần.
Khi về thì tổ chức IOM (Tổ chức Di dân Quốc Tế) họ hỗ trợ sáu mươi mấy triệu. Nhưng làm sao mà đủ được, đó là anh em tự giúp nhau, thành ra chỉ mang nợ anh em, bạn bè thôi.
-Anh Trần Đình Khuê
Anh Trần Đình Khuê giải bày:
“Khi về thì tổ chức IOM (Tổ chức Di dân Quốc Tế) họ hỗ trợ sáu mươi mấy triệu. Nhưng làm sao mà đủ được, đó là anh em tự giúp nhau, thành ra chỉ mang nợ anh em, bạn bè thôi.”
Ông Thảo cũng xác nhận thêm:
“Số tiền người ta trợ cấp khi mình về nước, khoảng hơn 50 triệu VND gì đấy.”
Số tiền cho một chuyến đi là quá lớn đối với những người nghèo, bởi họ đã phải vay mượn, cầm cố bìa đỏ cho ngân hàng để vay mượn tiền cho chuyến đi. Trong khi đó, những loại công việc lao động phổ thông lại chẳng kiếm được là bao, số tiền lãi suất khi vay lại càng ngày càng nhiều nên họ phải bươn chải khắp nơi để kiếm tiền trả nợ.
Anh Đoàn chia sẻ thêm về số tiền mà anh và gia đình phải gánh vác sau khi bị trục xuất về Việt Nam, anh chia sẻ:
“Số tiền đó cũng chẳng phải là nhỏ, có thể là phải làm, nếu không cả đời thì cũng cũng phải mất một phần ba hoặc nửa đời người thì mới có được số tiền như vậy.
Với cái mức lương bèo bọt thì chắc chắn số tiền đó nó cực lớn với bản thân tôi, thời điểm đó quá mất mát cho tôi và cũng như gia đình.”
Những thuyền nhân này trở về nước, họ không nhận được sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương mặc dù họ bị trả về nước từ những năm 2013. Anh Trần Đình Khuê bị trục xuất về nước vào tháng 9 năm 2013, anh khẳng định chắc chắn:
“Hiện tại chưa thấy hỗ trợ gì hết.”
Lời cảnh tỉnh
Với muôn vàn khó khăn khi tìm đường sang Úc theo đường biển, và lại bị trục xuất trở về nước với gánh nặng nợ nần, những thuyền nhân này muốn cảnh tỉnh những người đang có ý định đi xin tị nạn ở Úc bằng đường biển. Họ không muốn nhìn thấy cảnh những người khác bị rơi vào tình trạng như họ hiện nay.
Anh Trần Đình Khuê chia sẻ về việc làm của mình nếu gặp phải ai đó đang có ý định đi xin tị nạn ở Úc:
“Nếu có người nào đi mà em biết được em sẽ khuyên họ không nên đi nữa, vì mạng sống của ta khi tạo hóa dựng nên con người thì mình cũng nên quý trọng.”
Anh Đoàn bổ sung ý cho anh Khuê về những khó khăn khi thuyền nhân của Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn khi đi từ hải phận quốc tế đến hải phận của Úc, cảnh sát biển của Úc sẽ chặn các thuyền nhân này lại và gửi trả về nước nếu cần thiết, anh nói thêm:
“Cái chính sách bây giờ là chính phủ Úc làm nghiêm ngặt, là họ không cho mình tiếp nhận được vào hải phận của Úc, mà người ta sẽ kéo mình lại điểm xuất phát, điều đó có nghĩa là cơ hội của mình sẽ không còn, sự mong muốn của mình đến với Úc thì nó không còn đi được bằng đường biển.”
Ngày 22/7/2015 vừa qua, Úc tạm giữ 1 tàu chở hàng chục người Việt Nam đang vượt biển để đến Úc xin tị nạn. Tin sau đó cho biết số này đã bị trục xuất về lại nơi họ xuất phát là tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Số phận của những người mới bị trả về chắc hẳn sẽ giống với những người chúng tôi phỏng vấn ở trên: Trở về nước với gánh nặng nợ nần trên đôi vai.