Khi bão xong thì ở đây hoàn toàn tê liệt. Lý do là không có điện, không có an ninh, nhất là thực phẩm, điều kiện sống bình thường đều không có.
Khu chung cư Versailles Arms I, nơi lưu trú của 11 gia đình người Việt đầu tiên năm 1975.
Photo by HoaAi/RFA
Vào tháng 8 năm 2005, cơn bão Katrina đã quét qua thành phố New Orleans, bang Louisiana và biến nơi đây trở thành 1 thành phố chết. Dân chúng địa phương, trong đó có cộng đồng người Việt, đã bỏ thành phố đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, không bao lâu sau những người Việt lại lần lượt trở về gầy dựng lại từ con số 0 và đang ổn định cuộc sống. Sự hồi phục của cộng đồng người Việt ở New Orleans được cộng đồng địa phương cho là một “Phép lạ”. Vậy "Phép lạ" nào đã giúp cho cộng đồng người Việt ở đây sau cơn bão lịch sử này?
Thành phố New Orleans, nơi dòng sông Mississippi chảy qua, vẫn còn nhiều vết tích do cơn bão lịch sử Katrina để lại dù thời gian đã tròn một thập niên, những con đường bị lún sụp, các ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều khu chung cư hoang phế…Khu chung cư Versailles Arms I nằm trong số hiện vẫn còn bỏ trống, không được sửa sang, bao bọc bởi hàng rào chắn khiến nhiều người Việt bùi ngùi xúc động mỗi khi có dịp đi ngang qua.
Khu chung cư bị bỏ hoang này là nơi lưu trú của 11 gia đình người Việt đầu tiên đặt chân đến thành phố New Orleans, hồi tháng 7 năm 1975. Những người Việt một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết đã chọn nơi đây làm quê hương thứ 2 của mình trong hành trình cuộc đời lưu vong xa xứ.
Khi bão xong thì ở đây hoàn toàn tê liệt. Lý do là không có điện, không có an ninh, nhất là thực phẩm, điều kiện sống bình thường đều không có.
- Ông Trần Hữu Phúc
Tiểu bang Lousiana là vựa hải sản cũng như vựa lúa của Hoa Kỳ và thành phố New Orleans, một thành phố thịnh vượng đông đúc dân cư, có lịch sử lâu đời về cảng biển, ngư nghiệp, công thương nghiệp và du lịch thu hút không chỉ 11 gia đình người Việt mà tiếng lành đồn xa ngày càng có nhiều người Việt khác tìm đến sinh sống.
Khởi đầu từ công việc “cạy sò” vào năm 1975 và xuyên suốt 30 năm cộng đồng người Việt ở New Orleans với gần 10 ngàn người gầy dựng nên cơ nghiệp ổn định qua các ngành nghề đánh bắt tôm cá, kinh doanh nhà hàng, tiệm nails, cây xăng…Các tập đoàn lớn như NASA, Lockheed Martin hay công ty chế biến cà phê Folgers đều có sự góp mặt của nhân viên gốc Việt.
Thế nhưng cơn bão cấp 5 Katrina tấn công hồi tháng 8 năm 2005 biến thành phố New Orleans thành biển nước. Mọi thứ bị phá hủy sau 1 tháng ngập lụt, hàng trăm ngàn người phải di tản ra khõi thành phố trong thời gian dài. 1 cư dân ở khu vực West Bank, mạn Tây thành phố New Orleans nhớ lại thời điểm kinh hoàng đó:
“Cơn bão Katrina xảy đến Lousiana và New Orleans nói riêng thật khủng khiếp. Thời gian đó tôi đang ở VN. Tôi không thể liên lạc được với người con gái cùng 2 đứa con nhỏ và gia đình mà trong phần tin tức thế giới ở VN hồi đó tôi theo dõi được thì người ta mô tả là cơn hồng thủy thứ 2 xảy ra ở New Orleans. Khoảng sau 2 tuần, tôi mới liên lạc được với cháu thì mình cảm thấy gần như đó là một “Phép lạ” dành cho những người còn lại.”.
Trở về
Mặc dù New Orleans trở thành vùng đất chết như mô tả nhưng người Việt là một trong những nhóm người đầu tiên trở lại. Ngôi làng VN ở Versailles, mạn Đông thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã xuất hiện bóng dáng người về chỉ vài ngày sau khi nước rút. Ông Trần Hữu Phúc, Phó Chủ tịch Cộng đồng người Việt làng Versailles cho biết:
Nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam ở làng Việt Nam Versailles, mạn đông thành phố New Orleans. Photo by HoaAi/RFA
“Khi bão xong thì ở đây hoàn toàn tê liệt. Lý do là không có điện, không có an ninh, nhất là thực phẩm, điều kiện sống bình thường đều không có. Tuy nhiên, sau đó thì 1-2 gia đình về, từ từ thì 5-10 gia đình. Một số người về lủi thủi coi nhà, sửa nhà. Một thời gian sau thì một số ít người nữa mới về lai rai, nghe tin có cộng đồng ở đây thì họ về hơi đông hơn. Đa số là về sửa nhà, khoảng 2-3 giờ chiều vắng thì họ đi. Họ phải đi chổ khác ăn, ngủ rồi ban ngày họ trở lại”.
Cộng đồng nguời Việt ở thành phố New Orleans có 3 khu cộng đoàn ở mạn Tây và làng VN-Versailles với khoảng hơn 5 ngàn người Việt ở mạn Đông với nét đặc trưng tín đồ Thiên Chúa giáo chiếm tỉ lệ hơn 90 phần trăm. Giáo hội Công Giáo ở New Orleans đóng vai trò quan trọng trong mọi thông tin liên lạc để giúp gầy dựng lại cộng đồng. Khuôn viên Giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam là nơi dựng lều tạm cho khoảng gần 300 giáo dân nương náu trong lúc cùng nhau sửa lại nhà cửa hồi tháng 10 năm 2005. Các cơ quan chính phủ cũng như tổ chức từ thiện đến giúp cho thực phẩm, nước uống, quần áo…Chỉ sau 1 tháng, làng VN Versailles đã có điện, nước và bắt đầu hồi sinh.
Bà Theresa Nguyễn, chủ nhân vựa hải sản Theresa Seafood Inc., chia sẻ rằng với niềm tin Ơn trên nâng đỡ và cộng đồng bảo bọc nên bà quyết định trở về lại New Orleans. Bà Theresa Nguyễn kể về những ngày bắt đầu lại từ 2 bàn tay trắng:
“Khi tôi về đây thì nó bình địa không còn một cái gì, rất là chán nản. Tôi mua 50 cái bảng đi cắm các con đường thông báo mở lại (business). Trước khi đi cắm bảng, tôi liên lạc với nhiều cơ quan. Coast Guard hàng ngày mang cho tôi 500 gallon nước. Cha Michael Nam cho tôi mượn cái máy đèn để chạy băng chuyền. Những ngư dân đến bán tôm đã giúp tôi lên tôm. Và tôi nhờ hãng cho tôi mượn chiếc xe 18 bánh, hàng ngày chở đá xuống để cho tôi làm kiếm sống qua ngày. Tôi làm từ từ rồi sửa sang lại. Rất là khó khăn và rất là cực trong bước đầu. Tiền bạc không có, ngư dân cho tôi thiếu. Tôi đi bán, lấy tiền rồi mới trả lại cho họ sau”.
Bà Theresa Nguyễn là hình ảnh của hàng ngàn người Việt đã trở lại New Orleans sau khi cơn bão Katrina quét qua. Chỉ trong vòng 10 năm, các hoạt động thương mại của người Việt ở đây dần hồi phục và phát triển.
Dân chúng ở đây rất hài hòa. Họ đi làm về, tận hưởng đồ ăn rau tươi, cá tươi. Cuộc sống của người Việt mình thích êm đềm nên họ thích về đây.
- Ông Trần Hữu Phúc
Một thập niên thoắt đã trôi qua, 4 cộng đoàn người Việt với khoảng gần 6000 người thuộc 1200 gia đình sống quần cư ở New Orleans. Những dãy phố bề thế, các ngôi nhà khang trang trồng cây ăn quả và rau hữu cơ ở sân vườn. Từ một dây mướp, hạt bầu, hột giống khổ qua… được gieo xuống trong những giờ phút giải khuây đơm bông kết trái dư dật không những cho bữa ăn hàng ngày của gia đình mà còn san sẻ cho hàng xóm và còn bày bán ở chợ chồm hổm mỗi sáng sớm thứ Bảy như là một dịp thăm hỏi nhau, cùng ôn lại cái thú chợ quê trong ký ức cũng như còn cung cấp nguồn rau tươi cho các vùng lân cận ở bang Mississippi và Alabama.
Ông Trần Hữu Phúc giải thích nguyên nhân chính yếu thành phố New Orleans vẫn là vùng đất lành chim đậu cho nhiều người Việt vì:
“Họ thích sống cảnh giống VN mình. Dân chúng ở đây rất hài hòa. Họ đi làm về, tận hưởng đồ ăn rau tươi, cá tươi. Cuộc sống của người Việt mình thích êm đềm nên họ thích về đây”.
Cùng với sự hồi sinh của thành phố New Orleans, cộng đồng địa phương đánh giá sự trỗi dậy của cộng đồng người Việt như có phép nhiệm mầu. Từ những người Việt đầu tiên được cư dân địa phương đặt cho những cái tên mỹ miều của các ngôi sao điện ảnh lừng danh như Marilyn Monroe hay Clint Eastwood vì họ không nói được tên của mình cho đến cựu Dân biểu Liên bang Cao Quang Ánh làm rạng danh cho cộng đồng người Việt không chỉ ở New Orleans mà cả toàn nước Mỹ.