Vì thế, Viện Việt Học tổ chức đêm nhạc, để cùng mọi người bước vào thế giới của mẹ qua lời kể của những người con Việt Nam.
WESTMINSTER, California (NV) - Mẹ là chủ đề của đêm nhạc thính phòng được tổ chức vào lúc 7 giờ 30 tối Thứ Bảy, 9 Tháng Năm, tại Viện Việt Học, Westminster.
Trong thính phòng ấm cúng, người tham dự đa số là những bà mẹ, hoặc những người con đưa mẹ đến nghe nhạc.
Nhóm Mây Ngàn với “Giọt Mưa Trên Lá.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Chủ đề của chương trình cho thấy vai trò của người mẹ Việt Nam, những người mẹ đã trải qua bao cuộc bể dâu, thăng trầm theo vận nước để tiếp tay dựng nước và giữ nước để sống còn mà nuôi chồng, nuôi con và mãi mãi sản sinh, nuôi dưỡng thế hệ Việt Nam nhân hậu tiếp nối.
Vì thế, Viện Việt Học tổ chức đêm nhạc, để cùng mọi người bước vào thế giới của mẹ qua lời kể của những người con Việt Nam.
MC Lâm Dung điều khiển chương trình, bắt đầu khai mạc.
Ðêm khuya tịch liêu, mẹ nhìn con thơ chìm trong giấc ngủ bình yên, lòng mẹ ngổn ngang bao nỗi niềm thương con, nhớ chồng, xót xa vận nước. Không biết đổ lỗi cho ai, nhưng người đàn bà Việt Nam, người mẹ Việt Nam, đang gởi trọn tâm tình riêng của mình cho con qua lời ru ngọt ngào đầy tình thương.
Nhạc phẩm “Ru Con,” sáng tác Phạm Duy, được mở đầu với phần trình diễn của Hoài Hạnh trong trang phục áo dài nâu và khăn mỏ quạ truyền thống của phụ nữ miền Bắc xưa, qua phần phụ họa của nhóm thân hữu Âu Cơ với Băng Tâm đàn tranh, Cody Trần đàn bầu, Lê Hoài Âu Cơ gõ nhịp phách, và Lê Quân guitar.
“Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười/Thương con mẹ những tơi bời ruột gan/Giông tố lầm than, con ơi, nơi kia giông tố lầm than/Gây nên bao cảnh điêu tàn thảm thương.”
Kế tiếp, “Mẹ Tôi,” sáng tác Trần Tiến, được ca sĩ Tháng Sáu trình bày. Nhạc sĩ Trần Tiến nhớ mẹ da diết và gởi lời tâm sự như biển sóng thét gào một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa.
Hoài Hạnh hát bài “Ru Con” với nhóm thân hữu Âu Cơ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
“Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.”
Và Ngọc Quỳnh tiếp nối với nhạc phẩm “Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười,” thơ Trần Trung Ðạo, Võ Tá Hân phổ nhạc.
“Nghe tiếng mẹ ơi bỗng lặng người/Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi/Ví mà con đổi thời gian được/Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.”
Lời người trai đi chinh chiến muôn phương, một ngày chợt nhớ về mẹ mà nghe lòng buồn man mác.
Cũng nhớ về mẹ, với tâm trạng của vị tướng năm xưa, khi vào chốn lao tù miền Bắc, hàng đêm ông nhớ về mẹ, không chỉ nhớ hình bóng mẹ hiền không thôi mà còn nhớ tới lời dặn dò của mẹ.
“Mẹ ơi, mẹ biết không! Còn cháy mãi trong con những lời mẹ cầm tay nói/Nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối/Và yêu thương, và tự do sẽ còn mãi nhé con.”
Ðó là lời bài hát “Nhớ Mẹ,” sáng tác Lê Minh Ðảo, lời nhạc buồn da diết nhưng đầy hào khí được trình bày qua nhóm tam ca Trần Thạch, Kỳ Hương, Hoàng Tuấn.
Như An với nhạc phẩm “Lòng Mẹ” tiếp tục chương trình. Có lẽ người Việt Nam ai cũng nghe qua ít nhất một lần trong đời sáng tác này của nhạc sĩ Y Vân. Không bút mực nào tả hết được lòng mẹ thương con, hy sinh tất cả vì con, lời nhạc như một lời ru êm đềm chảy qua bao nhiêu dòng đời với biết bao tấm lòng người mẹ.
“Nhật Ký Của Mẹ,” sáng tác Nguyễn Văn Chung, ghi lại sự trông ngóng từng giờ, từng ngày một hài nhi đang lớn dần trong mẹ, cho đến khi con theo cha tập đi bước đầu tiên, rồi theo mẹ cắp sách đến trường. Theo thời gian, tình yêu trong con lớn dần, mẹ cầu mong con được mãi hạnh phúc, bình an, và mẹ nhìn thấy con vẫn nhỏ bé như một thiên thần ngày nào. Lời bài hát thật xúc động được trình bày qua tiếng hát Trần Kim Yến.
Nhóm tam ca Viện Việt Học với bài “Nhớ Mẹ,” một sáng tác của cựu Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Nguyên Phong tiếp tục chương trình với “Bông Hồng Cài Áo,” lời Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ, và “Gánh Hàng Rong,” sáng tác Lê Quốc Dũng, qua tiếng hát Vân An.
Nhóm Mây Ngàn tiếp nối với hai nhạc phẩm “Giọt Mưa Trên Lá” và “Lời Ru, Bú Mớm, Nâng Niu” sáng tác Phạm Duy.
Kế tiếp là “Bà Mẹ Phù Sa,” sáng tác Phạm Duy, do Nhóm Thân Hữu Âu Cơ trình bày .
Andy Lê hát về mẹ với nhạc phẩm “Mùa Xuân Của Mẹ,” sáng tác Trịnh Lâm Ngân. Ở thời nào cũng vậy, may mắn thay là những đứa con được sống bên mẹ. Riêng trong thời loạn ly, những người ở đầu tuyến là những người hy sinh, dẹp tình riêng để giữ gìn từng bờ ao, ruộng vườn cho muôn dân. Lời người chinh nhân xa nhà để lo giữ yên bờ cõi, ngày Xuân vẫn nhớ về mẹ hiền và chỉ có bên mẹ hiền mới là Xuân thôi.
Tiếp nối là bài “Em Bé Việt Nam và Viên Sỏi,” thơ Trần Trung Ðạo, nhạc Phan Văn Hưng, Diệu Trang trình bày qua phần đệm dương cầm của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát.
Trần Thạch với tiếng guitar trình diễn bài “Tình Mẹ,” sáng tác Nguyễn Nhất Huy, và “Mẹ Tôi” sang tác Nhị Hà, qua tiếng hát Duy Tân.
Ban Hợp Ca Viện Việt Học và thân hữu kết thúc đêm nhạc chủ đề mẹ với “Bà Mẹ Quê,” sáng tác Phạm Duy.
Mẹ là một đề tài muôn thuở trong văn học, thi ca, âm nhạc. Mẹ với những đức tính chịu thương chịu khó, mẹ cần mẫn hy sinh cho gia đình. Bà mẹ Việt Nam có một vị trí cao quý nhất, có một chỗ đứng sâu đậm nhất, bao la nhất trong lòng chúng ta, trong lòng dân tộc và đó là gia tài của mẹ Việt Nam.