main billboard

Phải chăng cách nhìn nhận vụ kiện dưới nhiều góc độ khác nhau chính là từ sự khác biệt văn hóa?


Khoảng nửa năm trước, nữ y tá gốc Việt Nina Phạm là biểu tượng của sự mạnh mẽ chống chọi lại căn bệnh chết người Ebola. Hình ảnh cô có mặt trên tất cả các phương tiện truyền thông, người ta hồi hộp theo dõi diễn biến tình trạng sức khỏe và cầu nguyện cho cô, hay tràn ngập vui mừng khi thấy cô hồi phục. Cô là niềm hãnh diện của người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ.

nina pham 5Nina Pham. Photo Courtesy:abcnews

Dân Việt Dallas - Chưa đầy sáu tháng sau, truyền thông Hoa Kỳ lại “nghiêng ngã” trước tin Nina Phạm khởi kiện nhà thương nơi cô làm việc và cũng là nơi cô nhiễm Ebola. Hàng trăm bài báo, hàng trăm lời bình luận, ủng hộ rất nhiều, và nghi ngờ mục đích kiện của cô cũng không ít.

Một số độc giả báo Calitoday không ngần ngại chia sẻ ý kiến phản đối.

Chi Thuc Phan viết, “… Tôi hiểu được nỗi đau tin thần và thể xác của cô trong thời gian qua, nhưng ngoài tiền ra còn một thứ người ta gọi đó là tình người. …”

Một độc giả khác cũng chia sẻ “Đọc xong quá thất vọng về Cô Nina này, không còn lời nào để nói.”

Công Lý còn nặng nề hơn, “Không biết Nina Phạm thắng hay thua kiện, nhưng trước mắt là Nina Phạm sẽ bị tất cả mọi người trên thế giới chê bai và khinh rẻ. …”

Hay Du Tan thẳng thắn, “Tôi khuyên cô “đừng nghe theo lời luật sư và rút hồ sơ kiện lại.”

Trong khi nhiều người Việt không đồng tình với việc Nina Phạm khởi kiện, nhưng cô lại nhận được sự ủng hộ của Hội Điều Dưỡng Hoa Kỳ (National Nurse United) và từ những đồng nghiệp khác trên khắp cả nước.
Theo hồ sơ vụ kiện tiết lộ trên truyền thông, bốn cáo buộc Nina Phạm chống lại Hệ thống Nhà thương Texas gây ngạc nhiên và chú ý nhiều nhất.

Vào ngày 14 tháng 10, nhà thương công bố tình trạng sức khỏe của Nina “tốt”, đây là điều không đúng sự thực. Đồng thời lúc đó, các nhân viên y tế ở nhà thương đã tổ chức một buổi thảo luận “cuối đời” với Nina mặc dù họ biết rằng cô rất bận, không thể tự mình đưa ra quyết định.

Nhà thương đã công bố một đoạn phim về Nina Phạm trước khi cô được chuyển đi điều trị sâu hơn. Cô hoàn toàn không cho phép đoạn phim được ghi hình hay công bố. Người ta gắn camera vào bên dưới mũ của bác sĩ, sau đó đoạn phim được chỉnh sửa cho phù hợp với mục đích và động cơ của họ, mà “ Chưa bao giờ được bàn thảo và được sự cho phép của Nina.”

Trên đường đến phòng cấp cứu với những triệu chứng Ebola, Nina đã gọi cho nhà thương và yêu cầu giữ kín sự riêng tư của cô. Cô không muốn bất cứ ai biết mình có thể đã nhiễm Ebola. Vậy mà trong một thông cáo gởi ra cho nhân viên, họ nói Nina cho phép công bố thông tin về cô.

Mặc dù được chỉ định chăm sóc bệnh nhân Ebola Thomas Eric Duncan, nhưng Nina hoàn toàn chưa được huấn luyện hay hướng dẫn về Ebola. Khi được hỏi làm cách nào để bảo vệ mình khỏi lây bệnh, người quản lý đã lên trên mạng, Google thông tin rồi in ra đưa cho cô. Nina đã rất thận trọng nhưng vùng cổ và tóc của cô đã không được che chắn, và nhà thương đã không cung cấp cho cô quần áo bảo hộ dùng một lần.

Trong cuộc trò chuyện với Cali Today, cô Trần Quỳnh Châu, nữ y tá lâu năm làm việc ở Dallas cho biết, một trong những cáo buộc Nina Phạm đưa ra rất xác đáng, và chắc chắn cô sẽ thắng kiện, đó là việc nhà thương công bố thông tin cá nhân của cô ấy khi chưa được phép. “Vì bí mật riêng tư rất quan trọng, nếu bệnh nhân không muốn tiết lộ thông tin mà bệnh viện làm sai thì ai cũng có thể kiện,” cô nói.

Theo cô Châu, có thể người Việt mình không coi trọng vấn đề này, nhưng đối với người bản xứ thì đây là vấn đề lớn. Vì vậy đồng nghiệp làm chung với cô đa phần đều ủng hộ Nina.

Rất nhiều người Việt chúng ta có suy nghĩ, bị như vậy là do cái rủi nghề nghiệp, và đã được cứu sống đó là may mắn lớn nhất đời, tại sao lại đi kiện?  Có người cho rằng có lẽ Nina Phạm sinh đẻ bên này nên cách suy nghĩ của cô “Mỹ hóa,” không có tình người. Cũng có người nghĩ, Nina bị luật sư lợi dụng, bởi vì hơn ai hết luật sư “ngửi mùi tiền” ngay từ lúc đầu.

Phải chăng cách nhìn nhận vụ kiện dưới nhiều góc độ khác nhau chính là từ sự khác biệt văn hóa?

Thắng, thua không bàn tới, nhưng rõ ràng vụ kiện này đã báo động các hệ thống bệnh viện cẩn thận hơn trong việc đối xử với các nhân viên y tế, nhất là liên quan đến quyền riêng tư cá nhân. Và đây cũng là một bài học cho CDC (Cơ quan Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa kỳ), nơi ban đầu khá lúng túng trong việc xử lý Ebola. Cái được của Nina Phạm là cô sẽ giúp hệ thống y tế hoàn thiện hơn (theo tôi là điều lớn hơn cả), nhưng có thể cô sẽ mất rất nhiều tình thương, niềm hãnh diện và sự đồng cảm từ cộng đồng người Việt lâu nay vẫn dành cho cô.