“Theo thông lệ, năm nay là năm thứ 15, 'Ngày Vĩnh Long Hội Ngộ' được tổ chức để chúng ta có dịp hội ngộ, hàn huyên, chúc Tết lẫn nhau và biểu dương tinh thần đoàn kết của con dân Vĩnh Long, vùng đất 'Địa Linh Nhân Kiệt,'”
GARDEN GROVE, California (NV) - Hội Vĩnh Long vừa tổ chức “Ngày Vĩnh Long Hội Ngộ” lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy, 7 Tháng Ba, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, Garden Grove.
Đoàn lân biểu diễn đến gần quan khách nhận tiền lì xì. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
“Theo thông lệ, năm nay là năm thứ 15, 'Ngày Vĩnh Long Hội Ngộ' được tổ chức để chúng ta có dịp hội ngộ, hàn huyên, chúc Tết lẫn nhau và biểu dương tinh thần đoàn kết của con dân Vĩnh Long, vùng đất 'Địa Linh Nhân Kiệt,'” ông Phạm Văn Long, hội trưởng, tuyên bố trong phần diễn văn khai mạc.
Ông hãnh diện cho biết Vĩnh Long là nơi sản xuất nhiều nhân tài cho đất nước, trong đó có những người hiện diện trong ngày hội ngộ hôm nay. Ông cám ơn nước Mỹ và cho biết ông qua Mỹ từ năm 1966.
Cựu Thượng Nghị Sĩ VNCH Lê Châu Lộc và cựu Dân Biểu VNCH Bùi Văn Nhân được mời phát biểu về những đặc điểm của Vĩnh Long.
“Chúng tôi viết báo đã 20 năm về Vĩnh Long. Nếu nói hết về Vĩnh Long thì e không đủ thời giờ, nên chúng tôi đề nghị cựu Thượng Nghị Sĩ Lê Châu Lộc tóm tắt những nét chính, tiêu biểu của Vĩnh Long, vì dù sao ông cũng lớn hơn tôi,” vị cựu dân biểu, xuất thân từ Vĩnh Long, nói.
“Về địa linh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm từng nói với tôi rằng tỉnh nhà là nơi có nhiều tên đặt theo sách thánh hiền. Tỉnh tên là Vĩnh Long, con sông là Long Hồ, bên kia là làng Long Châu, bên này là làng Long Đức, vô xa xa là Long Thành, xuống tuốt dưới Gò Mỹ là Long Mỹ,” cựu Thượng Nghị Sĩ Lê Châu Lộc kể.
“Còn điều nữa, tôi còn nhớ tổng thống nói Vĩnh Long là nơi duy nhất có văn hiến, có Văn Miếu,” ông Lộc nói thêm.
Về con người, Vĩnh Long không thiếu những nhân tài, những nhân vật nổi tiếng.
“Vĩnh Long mình có năm ông thủ tướng. Ông Trần Văn Hữu là vị thủ tướng đầu tiên, thứ hai là ông Nguyễn Văn Lộc, thứ ba là ông Trần Văn Hương, sau lên làm tổng thống VNCH. Về phía bên kia, tức Việt Nam Cộng Sản, cũng có hai ông thủ tướng, ông Phạm Hùng từ Bắc vào, nhà ở Đất Méo gần ngã tư Long Hồ, và sau là ông Võ Văn Kiệt,” ông Nhân nói.
Trước đó, sau phần nghi lễ, đoàn lân do Võ Sư Trần Văn Minh hướng dẫn, gồm các võ sinh trẻ thuộc lớp Võ Bình Định tại Viện Việt Học biểu diễn, được mọi người tán thưởng vỗ tay, xếp hàng để lì xì cho lân. Sau đó các em múa những bài quyền cá nhân trong khi vị võ sư đánh trống hỗ trợ tinh thần.
Xen kẽ là chương trình văn nghệ do MC Lan Ngọc điều khiển, cùng sự đóng góp của nhiều ca sĩ duyên dáng qua các bài hát về ngày Xuân, như “Gái Xuân,” “Câu Chuyện Đầu Năm,” hay “Áo Mới Cà Mau.”
Ban bán vé số cũng làm việc hăng say, được sự ủng hộ của nhiều người tham dự vì những giải thưởng giá trị, nhất là những giải “tiền tươi” được ban tổ chức cho vào chương trình ngày hội ngộ.
Hợp ca “Ly Rượu Mừng.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Ông Đào Hữu Ngạn, cựu hội trưởng, cùng gia đình, con cháu ủng hộ ba bàn. Chính ông là người trúng số đầu tiên, không giấu được nỗi vui mừng. Sau đó đến hai người con cũng trúng, khiến MC nóng ruột nói với ban bán vé số “phải trộn đều các vé trong giỏ trước khi rút ra, để khách bên cánh trái có cơ hội trúng với!”
Mọi người cười vui vẻ, yêu cầu “cho xổ số luôn một loạt rồi hãy tiếp tục chương trình văn nghệ.”
Ông Ngạn cho biết, “Xưa tôi là trưởng ty giáo dục ở Vĩnh Long. Tôi có được năm người con trai, đa số tham gia quân đội Hoa Kỳ, và có hai người con gái. Hồi ở Việt Nam, các cháu hận Cộng Sản không cho đi học nên khi được qua Mỹ, đứa nào cũng nhớ, lo học và được thành tài.”
Ông giới thiệu người con trai tên Deric Quang Đào, qua Mỹ mới 13 tuổi, nay 45 tuổi và hiện là trung úy Hải Quân Mỹ trừ bị.
“Cháu năm nào cũng tham dự Ngày Vĩnh Long. Đi để biết thêm về quá khứ của các bác lớn tuổi và những điều đặc biệt của Vĩnh Long,” người quân nhân gốc Việt vui vẻ nói.
Ông Lê Châu Trí, phó chủ tịch và là trưởng ban tổ chức, cho biết đa số thành viên ban chấp hành là cựu học sinh trung học Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long.
“Nét đặc biệt của hội chúng tôi là làm việc dựa trên nguyên tắc 'Kính Trên, Nhường Dưới' chứ không phải dựa trên chức vụ được bầu,” ông Lưu Vĩnh Khương, 73 tuổi, cựu chủ tịch hai nhiệm kỳ, chia sẻ.
Ông đơn cử một thí dụ, như trường hợp ông Lâm Quang Ca, 81 tuổi, một trong những “trưởng lão” trong hội, là cố vấn.
“Hồi còn nhỏ, tôi đi chơi hoang đàng nhiều nơi nên biết được Vĩnh Long có nhiều nét đẹp. Tôi nhớ mãi những lần cả lớp bạn tới nhà, rủ tôi đi đá banh. Cha mẹ tôi khó lắm đâu cho đi. Rồi năm 1948 tôi lên Sài Gòn học. Nhớ Vĩnh Long quá,” vị trưởng lão nói.
“Sở dĩ hội Vĩnh Long mạnh, là nhờ hội có được những người yêu mến Vĩnh Long,” ông Ca nói thêm.