Vào tháng Sáu năm 2014 khi mà tôi trở lại thăm trại tị nạn Galang đó, thì nơi mà thuyền nhân sống và sinh hoạt trong những cái ba rắc gần như nó mục nát thể thảm. ... Hiện tại nó đã xuống cấp rất trầm trọng.
Nghĩa trang Thuyền Nhân tại Khu F ở đảo Bidong đã được trùng tu. Courtesy VKTNVN
Từ năm 2005, tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân do một cựu thuyền nhân ở Malaysia, ông Trần Đông, khởi xướng và vận động nhiều chuyến đi qua Malaysia và Indonesia trong mục đích hương khói, cầu siêu, cầu hồn tại các nghĩa trang thuyền nhân bỏ mình trên đường vượt biển đến các đảo ở hai quốc gia này.
“Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam được thành lập để có những công tác phục vụ, trùng tu những ngôi mộ và nghĩa trang của những thuyền nhân tử nạn trên đường vượt biển. Công việc này đã kéo dài rất nhiều năm, từ các trại tị nạn trong đất liền của Malaysia hay trại tị nạn Galang hồi tháng Tư năm 2014 cũng như ở những đảo Kuku, Letung rất xa xôi mà ngày xưa thuyền nhân Việt Nam đã đến và không may bỏ mạng trong suốt thời gian đó. Tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân hầu như đã đi rất nhiều nơi để trùng tu và bảo tồn những ngôi mộ rất nhiều năm bị lãng quên vì thời gian và điều kiện không cho phép.
Vào năm 2005 Văn Khố Thuyền Nhân và cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại đã có tổ chức buổi đi cầu nguyện và viếng thăm trại tị nạn thì họ có dựng lên một cái bia để mà tưởng nhớ những thuyền nhân bỏ mình trên biển.
Bia đó đã bị đập phá cuối năm 2005, tuy nhiên sau thời điểm năm 2005 thì nhà cầm quyền Indonesia quyết định thành lập di tích thuyền nhân ở tại Galang, biến trại tị nạn Galang thành một viện bảo tàng. Cũng chính vì lý do đó mà những di sản của thuyền nhân họ không được quyền đập phá, không được quyền xâm hại kể từ lúc đó.
Vừa rồi là lời anh Nguyễn Hiếu, một cựu thuyền nhân Galang, hiện cư ngụ tại tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ, cũng là một thành viên trong Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam.
Dấu tích cuối cùng ở Đông Nam Á
Mười năm sau, chính xác là từ sau tháng Sáu 2014, anh Nguyễn Hiếu đã cùng một số cựu thuyền nhân Việt từng ở chung trại tị nạn Galang, đứng ra thành lập Dự Án Bảo Tồn Di Tích Thuyền Nhân tại Galang của Indonesia ra đời với sự giúp đỡ của Văn Khố Thuyền Nhân. Đây là dấu tích gọi là ba rắc tị nạn cuối cùng còn sót lại ở Đông Nam Á:
Vào tháng Sáu năm 2014 khi mà tôi trở lại thăm trại tị nạn Galang đó, thì nơi mà thuyền nhân sống và sinh hoạt trong những cái ba rắc gần như nó mục nát thể thảm. Trong vòng một vài năm nữa, nếu không những tác động đến thì nó sẽ sụp. Hiện tại nó đã xuống cấp rất trầm trọng.
-Nguyễn Hiếu
“Tôi là cựu thuyền nhân ở trại tị nạn Galang ở Indonesia hồi thập niên ’90, rời trại tị nân năm 1993. Trước đây bên Văn Khố Thuyền Nhân có tổ chức trùng tu nghĩa trang, xây lại những cổng nhà thờ hay là cổng chùa tại trại tị nạn Galan.
Nhưng vào tháng Sáu năm 2014 khi mà tôi trở lại thăm trại tị nạn Galang đó, thì nơi mà thuyền nhân sống và sinh hoạt trong những cái ba rắc gần như nó mục nát thể thảm. Trong vòng một vài năm nữa, nếu không những tác động đến thì nó sẽ sụp. Hiện tại nó đã xuống cấp rất trầm trọng.”
Đó là lý do khiến anh Nguyễn Hiếu, trong tư cách đại diện Dự Án Bảo Tồn Trại Tị Nạn Galang, quyết định phải làm một điều gì đó để giữ lại di tích mà chính quyền địa phương Galang coi như một khu bảo tàng thuyền nhân Việt:
“Nhà cầm quyền Indonesia cũng như với những người có trách nhiệm ở tại Galang thì họ đồng ý sẽ trùng tu nhưng vơi điều kiện là bên người Việt của mình, những cựu thuyền nhân, phải hỗ trợ cho họ vấn đề tài chánh. Đó là lý do tại sao họ gởi bản chi tiết để trùng tu và bảo tồn di sản này. Giống như cái bia tại nghĩa trang thì vẫn còn, và những di tích như nhà thờ, chùa, cổng chùa hoặc là cái ba rắc là còn tồn tại và họ đang cố gắng bảo tồn để thành một di sản của thuyền nhân.
Hiện nay chúng tôi đang làm việc dưới tên của Văn Khố Thuyền Nhân, bên chú Trần Đông là ở bên Úc Châu, còn chúng tôi ở bên Bắc Mỹ. Chú Đông bên Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam đồng ý để cho chúng tôi sinh hoạt vận điộng gây quĩ để bảo tồn di sản thuyền nhân. Tất cả mọi việc đều làm với Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam.”
Về hiện trạng gọi là mục nát thê thảm của những ba rắc tức những khu nhà dựng tạm cho thuyền nhân Việt đến Galang có nơi trú ẩn, anh Nguyễn Hiếu mô tả:
Di Tích Thuyền Nhân tại Galang của Indonesia. Courtesy VKTNVN.
“Cái ba rắc ở Galang hiện nay mà so với tất cả các trại tị nạn Đông Nam Á thì đây là nơi duy nhấ và cuối cùng. Còn hầu như khắp nơi đã bị tàn phá hết rồi. Chỉ cái ba rắc cuối cùng này của trại Galang là còn tồn tại. Nếu mà không chung tay bảo tồn cái di sản này thì một vài năm nữa chúng ta không còn cơ hội nữa.
Ngày xưa, vào thập niên ’90, lúc đó thuyền nhân bên Malasia họ đuổi qua, thành ra Indonesia rất đông người. Hơn 21.000 người sống và sinh hoạt ở đó.
Trong mỗi ba rắc có 20 phòng, ở trên 10 phòng và ở dưới 10 phòng, mỗi phòng có tới 5 người ở. Trước đây, cuối thập niên ’80 thì thuyền nhân đến Galang rất ít, do đó mà ở trên chỉ có 5 người và ở dưới là chỗ nấu ăn. Sau này, vào thập niên 90 thì số lượng người tăng lên đột biến, dó đó mà trên 5 người dưới 5 người sống chen chúc trong đó.
Chúng ta biết thời tiết ở Indonesia rất nóng mà chen chúc nhau với số lượng 5 người trong một phòng nhỏ như vậy, rồi vừa phải nấu ăn vừa phải sống trong đó, phải nói có rất nhiều kỷ niệm mà thuyền nhân không bao giờ quên được.
Giờ cái ba rắc này những hàng gỗ ở dưới đã mục nát hết trơn rồi. Khi tôi đến thăm lại thì nó đã mục nát gần như là xô mạnh cũng có thể ngã đỗ. Do đó mà sau kgi trở lại Hoa Kỳ thì tôi mời đặt vấn đề với bên Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam và chú Trần Đông cũng như nhà cầm quyền Nam Dương, xin được sự đồng ý để trùng tu cái di tích ba rắc này.”
Cần sự giúp đỡ
Từ tháng Sáu 2014, sau khi Dự Án Bảo Tồn Di Tích Thuyền Nhân Việt Nam được khai sinh, nhóm của anh Nguyễn Hiếu đã thực hiện ba buổi gây quĩ.
Nối kết với rất cả các anh em cựu thuyền nhân Galang trong 3 kỳ hội chợ một tại Nashville, Tennessee, một tại Garden Grove Nam California và một tại Portland Oregon, Dự Án Bảo Tồn Di Tích Thuyền Nhân Galang đã gây quĩ được trên 11.000 đô la:
“Theo như bản chiết tính của nhà cầm quyền Indonesia gởi đến anh em của ủy ban vận động thì họ yêu cầu là 40.000 ngàn USD. Chúng ta đã đi được một phần tư đường rồi, tôi nghĩ rằng không chỉ cựu thuyền nhân ở Galang mà tất cả các cựu thuyền nhân các trại tị nạn Đông Nam Á, hãy nghĩ đến việc bảo tồn di sản này. Tại vì trên các trại tị nạn Đông Nam Á thì hôm nay chỉ còn duy nhất trại tị nạn Galang là nơi hợp pháp để bảo tồn viện bảo tàng về thuyền nhân.
Sau bao nhiêu năm tị nạn ở xứ người, hôm nay tất cả chúng ta hầu như đã trưởng thành, cuộc sống đã ổn định. Và khi nào mà chúng ta có dịp dẫn con em của chúng ta trở lại, về tham trại tị nạn ở Indonesia, chúng tôi nghĩ rằng ít nhất những ba rắc này sẽ là một bài học rất đáng giá để chúng ta có thể dạy cho con em chúng ta biết thế nào là giá trị của sự tự do, cái giá trị cuộc sống mà con em chúng ta đang thụ hưởng ngày hôm nay ở tại các xứ tự do.”
Hiện giờ chỉ còn lại khu mộ ở trại Battan ở Philippines chưa đủ tiền để trùng tu. Đó là một trại chuyển tiếp mà nơi đó khoảng bốn trăm ngàn lượt người dừng chân tại Bataan khoảng 6 tháng để học sinh ngữ học nghề trước khi đi định cư.
-Trần Đông
Sau 40 năm rời bỏ quê hương bằng con đường vượt biển, bảo tồn và gìn giữ di sản thuyền nhân trên đảo Galang của Indonesia, anh Nguyễn Hiếu nhấn mạnh, còn là trách nhiệm của người vượt biên trước lịch sử và trước hiện tình đất nước:
“Nếu đã là thuyền nhân rồi thì tôi chắc rằng chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn di sản này tại vì chúng ta thừa hiểu là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lúc nào cũng muốn che đậy và bôi xóa những tội ác mà họ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam.
Ngày hôm nay nhà cầm quyền Indonesia đã đồng ý và cho phép tiến hành để mà bảo tồn di sản này thì đã đến lúc chúng ta phải chung tay làm một cái gì đó cho viện bảo tàng thuyền nhân được lưu dấu lại tới đời sau.
Đó là lý do tại sao tụi em quyết tâm đeo đuổi. Đã là một thuyển nhân tị nạn cộng sản thì chúng ta cần phải làm cho công tác trùng tu này được sớm hoàn thành. Những chi tiết, chiết tính và chi phí để mà trùng tu những cái ba rắc này đã được nhà cầm quyền Indo lên list rất cản thận. Họ đưa ra những vật liệu cần mua như thế nào, gỗ, kể cả đinh và xi măng họ đều chiết tính rất cẩn thận.
Ngoài vấn đề lên tiếng báo động tới tất cả các cựu thuyền nhân biết là di sản thuyền nhân đang cần được trùng tu, nhóm anh em vận động cũng đang truyền tải thông tin trên các hệ thống truyền thông như truyền hình, truyền thanh và radio để kêu gọi bà con.”
Trong những ngày tới, các thành viên của Dự Án Bảo Tồn Di Tích Thuyền Nhân Việt Nam ở Galang sẽ tổ chức thêm những buổi gây quĩ ở miền Nam California hay thực hiện những chương trình vận động bán áo thun để kiếm têm tiền cho dự án:
“Chỉ gọi một tên khiêm tốn là nhóm vận động bảo tồn di sản thuyền nhân và tất cả đều là làm việc dưới Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam.”
Từ Melbourne, Australia, người sáng lập kiêm giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, ông Trần Đông, góp tiếng:
“Trại Galang là một di tích tị nạn đẹp nhất trong vùng Đông Nam Á, thứ nhì là trại Bataan của Philippines.
Trại Galang nếu đi từ ngoài vô thì mình thấy các ba rắc đều không còn hoặc nếu có thì chỉ còn một dãy ba rắc hai tầng và tám phòng tuy nhiên bên trong thì mối mọt ăn hư hết. Ba rắc này nằm gần văn phòng của ban quản trị trại và sát đường đi, nếu được trùng tu lại thì đó là điều rất ý nghĩa vì trại Galang mỗi tháng có khoảng cả chục ngàn người từ Jakarta hoặc từ Singapore hoặc từ nhiều nơi khác đến thăm. Cho nên để cho người ta thấy được cái ba rắc của người tị nạn hồi xưa ra làm sao thì tôi cho đó là một ý tưởng tuyệt vời và cũng tất có ý nghĩa.”
Với truyền thống con người sống về mổ về mã không ai sống về cả bát cơm , năm nay Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam và Dự Án Bảo Tồn Di Tích Thuyền Nhân Việt Nam ở Galang sẽ cùng tiến hành việc trùng tu những ngôi mộ thuyền nhân ở Philippines , đất nước đã đón tiếp và cưu mang không biết bao nhiêu lượt thuyền nhân đi tìm tự do trên những chiếc tàu nhỏ bé mà nhiều người vĩnh viễn không bao giờ tới bến. Vẫn lời ông Trần Đông:
“Trong khoảng thời gian tháng Tám này chúng tôi có tổ chức một chuyến đi về thăm viếng các trại tị nạn và đồng thời cũng là đoàn cầu nguyện nhân kỷ niệm 40 năm định cư tại hải ngoại của mình. Mười năm qua chúng tôi đã nỗ lực tìm kiếm mộ thuyền nhân ở các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, từ Thái Lan cho tới Malaysia rồi Indonesia hoặc là Philippines, đã tìm kiếm và trùng tu gần 2000 mộ thuyền nhân trong vùng.
Hiện giờ chỉ còn lại khu mộ ở trại Battan ở Philippines chưa đủ tiền để trùng tu. Đó là một trại chuyển tiếp mà nơi đó khoảng bốn trăm ngàn lượt người dừng chân tại Bataan khoảng 6 tháng để học sinh ngữ học nghề trước khi đi định cư.
Dựa theo danh sách ở trại người ta cho là số người mai táng trong khu nghĩa trang đó gần 300 người, điều kiện mộ thì rất thê lương, coi như khoảng chừng vài chục mộ làm bằng xi măng thôi, còn lại toàn bộ là bằng đá. Mộ nào có cục đá lớn ở phía trên thì người ta biết đó là đầu mộ. Chúng tôi chỉ muốn là mộ nào có tên tuổi thì mình ghi lại tên tuổi trên những tấm bia đã có sẵn, còn nếu chưa có bia mà chỉ là cục đá thôi thì mình khác cho họ tấm bia, nếu không có tên thì mình khắc chữ VBP tức Vietnamese Boat People để đánh dấu đây là mộ thuyền nhân. Thứ nữa là một tấm bia nghĩa trang và một nhà nguyện để bà con ra đó có chỗ trú nắng hay trú mưa. Chúng tôi cũng sẽ mời năm bảy vị sư và hai ba vị linh mục đi để thực hiện nghị thức cầu siêu chẩn tế. Về phần Công giáo thì cầu nguyện cho các linh hồn thuyền nhân quá vảng.”
Từ giờ đến tháng Tám năm nay, niềm hy vọng mãnh liệt của Dự Án Bảo Tồn Di Tích Thuyền Nhân ở Galang cũng như của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam là có đủ tài chánh để hoàn thành việc trùng tu ba rắc người tị nạn từng ở, sửa sang mộ phần hoang phế của thuyền nhân nằm lại trên các đảo, một công việc canh cánh bên lòng 40 năm qua mà vẫn chưa thể hoàn tất.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.