" ... hôm nay Hội có một trụ sở hẳn hoi. Hôm nay cũng là ngày ra mắt Tổ đầu tiên. Ðây cũng là nơi để tập dợt, tập tuồng và dạy những người có lòng đam mê bộ môn cổ nhạc.”
GARDEN GROVE, California (NV) - Tuần qua, Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Nam Phương làm Lễ cúng Tổ, ra mắt hội tại thành phố Garden Grove.
Hội trưởng là nghệ sĩ Tuấn Châu và cũng là trưởng ban tổ chức lễ cúng Tổ. Hội ra đời khoảng hơn 4 năm trước đây, lấy tên là Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Việt Nam, do nghệ sĩ Tuyết Nga làm hội trưởng và đã có giấy phép hoạt động.
Các thành viên trong Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Nam Phương. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Theo nghệ sĩ Tuyết Nga, cô bàn giao chức hội trưởng lại cho nghệ sĩ Tuấn Châu, và nay cô chỉ đảm trách vị trí tổng thư ký.
Nơi tổ chức có một bàn thờ Tổ Cải Lương rất trang trọng, đầy đủ hoa quả và thức ăn. Trên tường có treo ảnh của rất nhiều nghệ sĩ cải lương vang bóng từ ngày xưa cho đến hôm nay, như Thanh Nga, Ngọc Giàu, Dũng Thanh Lâm, Hữu Phước, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Phượng Liên...
Những người đến tham dự lễ cúng Tổ gồm các nghệ sĩ danh tiếng tại trong nước cũng như hải ngoại, như Văn Chung, Ngọc Ðán, Linh Tâm, Hương Huyền, Thanh Thanh Tâm... và các nghệ sĩ khác như Cẩm Thu, Phillip Nam, Tuyết Nga, Lê Tường, Hoàng Phúc, Hoàng Nam... và một số đồng hương mến mộ ngành cải lương.
Nghệ sĩ Tuyết Nga (trái) và nghệ sĩ Tuấn Châu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Nghệ sĩ Văn Chung chia sẻ: “Hôm nay là ngày ra mắt của Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam, do nghệ sĩ Tuấn Châu làm hội trưởng, Văn Chung tôi và nghệ sĩ Ngọc Ðán được hội mời về đứng vai cố vấn. Cũng vì muốn duy trì nền cổ nhạc Việt Nam tại hải ngoại nên mới có Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam.”
Nghệ sĩ lão thành Văn Chung năm nay đã 88 tuổi, được hội mời đảm trách chức vụ cố vấn. Tại Little Saigon, giới nghệ sĩ Cải Lương gọi ông theo cách thân thương là Chú Bảy Văn Chung. Ðặc biệt hơn nữa, Chú Bảy còn có biệt tài là có giọng cười “dê” rất dài và bất hủ.
Chú Bảy chia sẻ: “Tôi không hiểu tại sao tôi yêu mến cái nghề này. Tôi đã đeo theo nghề này từ 15 tuổi, năm nay tôi được 88 tuổi, tất nhiên là đã sống trong nghề hết 73 năm. Thành ra Văn Chung tôi hiểu biết cái nền cổ nhạc cải lương này đã có bắt đầu từ năm 1916, chỉ còn 2 năm nữa là đúng 100 năm.”
Nghệ sĩ lão thành Văn Chung. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Cũng theo Chú Bảy Văn Chung, cái nôi của nền cổ nhạc Việt Nam nằm tại phương Nam, và nếu sau này nền cổ nhạc này mai một thì ông “rất buồn,” nên ông có lời kêu gọi tất cả các văn nghệ sĩ cũng như quý khán giả đến với Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam để thăm viếng nơi thờ Tổ và cùng với những người bạn nghệ sĩ bảo vệ bộ môn nghệ thuật Cải Lương không bị mất đi trên xứ người.
Ðến giờ Lễ Tổ, nghệ sĩ Tuấn Châu, Văn Chung, Hương Huyền, Ngọc Ðán, Tuyết Nga cũng niệm hương trước bàn thờ Tổ. Rồi sau đó, tất cả mọi người lần lượt đến thắp hương và khấn vái.
Hội trưởng Tuấn Châu chia sẻ: “Thật sự hơn bốn năm nay, Tuấn Châu đã theo chương trình Cổ Nhạc Phương Nam, và hôm nay Hội có một trụ sở hẳn hoi. Hôm nay cũng là ngày ra mắt Tổ đầu tiên. Ðây cũng là nơi để tập dợt, tập tuồng và dạy những người có lòng đam mê bộ môn cổ nhạc.”
Nghệ sĩ Tuấn Châu, hội trưởng, rót rượu cúng Tổ ngành. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Theo RFA, thời kỳ trước 1975, hằng năm, hễ đến ngày 11 Tháng Tám Âm Lịch thì tại nhà Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu ở đường Cô Bắc, anh chị em đào kép các gánh tụ tập về tổ chức cúng Tổ chung một bữa, để ngày hôm sau 12 Tháng Tám, ai nấy đều trở về gánh mình lo cúng Tổ riêng tại đoàn.
Trong những năm mà cải lương còn hưng thịnh thì ngày cúng Tổ tại nhà Hội rất linh đình, nhưng những năm từ sau Tết Mậu Thân, cải lương quá kiệt quệ thì lễ cúng Tổ cũng sơ sài, khiếm khuyết, nhưng dầu sơ sài hay linh đình gì, nghi thức cúng lễ vẫn gồm có mấy việc: Tắm Tổ và thay quần áo, chít khăn mới.
Ngày xưa, thập niên 1920, những gánh hát Thầy Năm Tú, gánh Thầy Thận (Sa Ðéc Amis), gánh Ðồng Nữ Ban... đều không thấy có khánh thờ Tổ, cũng không cúng kiếng chi cả. Mãi cho đến khi đoàn Tập Ích Ban của một người Triều Châu ở Thốt Nốt lập nên, người ta mới thấy có việc thờ Tổ, do bởi gánh Tập Ích Ban tổ chức sân khấu giống hệt như hát Tiều, để rồi từ đó các gánh khác thành lập sau mới bắt chước thờ Tổ.
Cho đến mấy lúc sau này, hầu hết các khánh thờ Tổ, cốt Tổ đều được đặt đóng tại Thốt Nốt, bởi người ta nghĩ rằng gốc gác Tổ phát sinh ở đó. Nghệ sĩ tiền phong Bảy Nhiêu là người ở Thốt Nốt. Năm 20 tuổi bắt đầu gia nhập gánh hát Tập Ích Ban này.