Nhiều người cố gắng duy trì truyền thống ở nơi xa xứ nhưng cũng có người phải ngậm ngùi trong cảnh lạnh lẽo nơi xứ người.
Người Việt Hải Ngoại tại Little Saigon đón Xuân với Chợ Hoa, Chợ Tết ở khu Phước Lộc thọ, California. nguoiviet blog
Ngày Tết là dịp gia đình quây quần, bè bạn tụ họp. Người người nô nức đi mua sắm đào, mai, quất và trang trí nhà cửa. Thế nhưng với nhiều người phụ nữ lấy chồng là người ngoại quốc, Tết của họ không được rộn ràng như vậy. Nhiều người cố gắng duy trì truyền thống ở nơi xa xứ nhưng cũng có người phải ngậm ngùi trong cảnh lạnh lẽo nơi xứ người.
Chị Holly Sackett, ngoài 40 tuổi, từ Sài Gòn sang đất Mỹ vào năm mới 13. Tết trong trí nhớ của chị là những món tiền lì xì của người lớn, là cành mai vàng rực, là những rộn ràng, những hồi hộp chờ đốt pháo xuân. Chị kể:
Holly Sackett: Ngày đó mẹ gói bánh ít, bánh tét, hoa mai rồi đón giao thừa, pháo đốt, lì xì, được may quần áo mới, làm mấy món mứt, mứt chè, mứt gừng, mứt dừa. Mấy ngày Tết cũng nhớ là nhà mình sơn nhà lại, rồi sơn tường. Rồi có mai nữa. Xứ này thì chỉ có mai giả.
Tết ở chùa
Chị Holly cùng chồng là anh David Sackett đang sống ở vùng Rochester, New York, với hai đứa con 15 và 17 tuổi. Chị cho biết chị muốn cố gắng gìn giữ truyền thống Việt Nam trên đất Mỹ. Thế nên dù ở Rochester có ít người Việt so với những nơi như Washington D.C. hay California, chị dạy con nói tiếng Việt từ khi còn nhỏ và đặc biệt là cho con biết thế nào là hương vị Tết Việt. Chị Holly tâm sự:
Holly Sackett: Vùng chị ở ít người Việt lắm, muốn đi chùa cũng mất 45 phút. Chị cũng chịu khó đi để con cháu còn biết ngày Tết. Con chị đứa 17 tuổi, đứa 15 tuổi cũng thích đi xem múa lân ở chùa. Hồi nhỏ chúng thích mặc áo dài, lớn hơn thì hai đứa biết mắc cỡ, không chịu mặc áo dài nữa.
Chị Holly cho biết chị may mắn vì có ông xã người Mỹ rất hiểu văn hoá của Việt Nam. Họ gặp gỡ nhau khi đang ở trường đại học. Mối tình kéo dài bốn năm biến thành cuộc hôn nhân 20 năm nay. Anh David Sackett rất thích thú chia sẻ hương vị ngày Tết cùng gia đình. Đến dịp Tết, cả nhà đi chùa là anh xung phong làm nhiệm vụ chụp ảnh cho ba mẹ con. Chị tâm sự:
Vùng chị ở ít người Việt lắm, muốn đi chùa cũng mất 45 phút. Chị cũng chịu khó đi để con cháu còn biết ngày Tết. Con chị đứa 17 tuổi, đứa 15 tuổi cũng thích đi xem múa lân ở chùa. Hồi nhỏ chúng thích mặc áo dài, lớn hơn thì hai đứa biết mắc cỡ, không chịu mặc áo dài nữa
chị Holly Sackett
Holly Sackett: Anh rất tôn trọng, đó là phong tục của mình, thì mỗi người có một văn hóa riêng. Anh cũng đi lên chùa, để anh chụp hình cho vợ con. Ở nhà chị nấu, anh chỉ có biết ăn. Anh thích ăn bánh tét chiên giòn, thịt heo kho tàu với trứng.
Hai đứa con của chị cũng vì thế mà hào hứng với hương vị ngày Tết hơn. Chị kể:
Holly Sackett: Nó mong mấy ngày tế để được lì xì, nó có tiền nó đi mua quà, mua những đò mà nó cần. Tết nó cũng được gặp những anh chị em bà con của nó. Tụ tập với nhau.
Chị Holly cho biết ở Rochester, New York, lạnh lẽo, Tết cũng không có được hương vị như ở Việt Nam. Chị nói:
Holly Sackett: Ở đây buồn lắm, chỉ có chùa tổ chức Tết thôi, hoặc là cộng đồng có tổ chức, ngày đó có văn nghệ, múa của mấy đứa em,, cháu thế hệ sau này. Mình đi lâu rồi Tết thì chị thích mùi hương mùi đồ ăn để mình cúng tiến, hoặc là bánh tét, rồi gia đình tự tập nhau.
Tết Online
Cũng giống như chị Holly, chị An Bình sinh sống tại khu vực ít người Việt ở nước Đức. Nơi chị ở là thành phố Leverkusen, không giống như thành phố Hamburg hay Berlin, nơi người Việt tập trung đông đủ. Thế nhưng, mỗi khi Tết về, nhóm bạn bè nơi chị sinh sống cũng mở tiệc cùng nhau để đón Tết. Chị Bình cho biết:
An Bình: Những năm trước khi chị ăn Tết đa phần rơi vào những ngày không được nghỉ nhiều nên chỉ sắp xếp những ngày cuối tuần để họp mặt với nhau, cũng tổ chức như một bữa tiệc họp mặt đón mừng năm mới thôi, chứ không có chính thức gọi là một cái Tết.
Tết bây giờ nó cũng không có cảm giác quá buồn, quá tủi giống như ngày xưa cảm thấy rất là trống. Vẫn được hưởng một chút xíu không khí tết trên màn hình máy vi tính
Chị An Bình
Chị An Bình nói, ngày lễ ở Đức gần nhất với Tết của Việt Nam là lễ Giáng sinh. Khi đó, mọi người cũng đi mua quà, trang trí nhà cửa, đi thăm họ hàng. Chị cho biết may mắn là giờ đây Internet phổ cập mọi nơi, nên dù ở xa, chị vẫn cảm nhận được cái Tết ở quê nhà. Chị cho hay:
An Bình: Ba mẹ ở xa nói chung là cũng nhớ, nhưng mà so với ngày xưa thì bây giờ mạng xã hội có, điều kiện ai cũng có laptop để online nói chuyện trên Skype, hoặc là Yahoo, tuy là ở xa nhưng ngày ngày có thể thấy mặt nhau, trò chuyện mỗi ngày. Cho dù khoảng cách có xa thì nó cũng gần hơn so khoảng 10 năm về trước, thời gian mình ở Nhật. Thời gian đó suốt mấy năm liền có nhớ gia đình thì cũng chỉ có thư thôi không thể nhìn được mặt, không thể nghe được tiếng nói ba mẹ như bây giờ. Cho nên, Tết bây giờ nó cũng không có cảm giác quá buồn, quá tủi giống như ngày xưa cảm thấy rất là trống. Vẫn được hưởng một chút xíu không khí tết trên màn hình máy vi tính.
Chị cũng cho biết vì hiện tại đã có một gia đình nhỏ của riêng mình, nên cái Tết trên xứ người của chị cũng bớt lẻ loi. Chị kể:
An Bình: Ngày xưa mình đón tết một mình, mình sẽ giành thời gian mình suy nghĩ, mình cảm thấy cái không khí gia đình, mình thèm hơn. Còn bây giờ mình có 1 cái gia đình nữa nên là mình cũng có người bên cạnh mình, mình cũng có 1 gia đình mình ở xa, mình cũng có một gia đình nhỏ để mà chung vui tết với mình nên cảm giác lẻ loi trong ngày Tết không còn nữa.
Chị An Bình nói, sau 5 năm sinh sống ở Đức, chị cũng muốn gia đình về Việt Nam ăn Tết để biết hương vị Tết một lần. Đặc biệt là, năm nay con gái chị vừa tròn hai tuổi. Chị muốn con gái biết thế nào là Tết Việt Nam. Vì thế, cả nhà chị đang ở Sài Gòn, cùng rộn ràng đón những ngày Tết trên quê hương. Chị Bình nói, anh chồng người Đức của chị tỏ ra rất thích thú với ngày Tết. Anh hỏi chị nhiều câu về truyền thống đón năm mới, có những câu chị phải suy nghĩ mãi mới giải thích được.
Ở bên này buồn chết đi, nhớ nhà, nhớ con, vậy thôi chứ biết làm thế nào bây giờ, nhiều lúc muốn về lắm, nhưng em sang đây mới được chưa được một năm. Mà em có tiền đâu, em có đi làm đâu. Ở đây một mình buồn ơi là buồn, nhớ con, nhớ bố mẹ
Minh Tuyết
Và những ngậm ngùi
Không giống như chị Holly, An Bình, những phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc gặp hoàn cảnh khó khăn hơn. Các cô gái này phần lớn là phụ nữ trẻ, trình độ giáo dục không cao và sang Hàn Quốc lấy chồng với hy vọng đổi đời. Chồng của họ thường là những người có trình độ thấp, thường làm công việc tay chân và thường cao tuổi hơn vợ Việt Nam rất nhiều, có người hơn vợ tới 20-30 tuổi.
Chị Minh Tuyết, ở thành phố Daegu, cho biết dù rất muốn về Việt Nam ăn Tết nhưng chồng chị không cho phép và chị cũng không có tiền để mua vé máy bay. Thế nên, chị đành ôm nỗi nhớ con, nhớ nhà trong lòng. Chị Tuyết kể:
Minh Tuyết: Ở bên này buồn chết đi, nhớ nhà, nhớ con, vậy thôi chứ biết làm thế nào bây giờ, nhiều lúc muốn về lắm, nhưng em sang đây mới được chưa được một năm. Mà em có tiền đâu, em có đi làm đâu. Ở đây một mình buồn ơi là buồn, nhớ con, nhớ bố mẹ. Buồn lắm.
Chị Tuyết kể một người bạn của chị, vừa mới sinh con được hai tuần, hôm nào cũng khóc vì nhớ nhà. Người bạn này đã 7-8 năm rồi không được ăn Tết ở quê nhà, nếu cộng cả thời gian chị đi làm ở Nhật. Tuyết nói:
Minh Tuyết: Mấy năm nó sang Nhật đi lao động, nó mong được về nhà ăn tết. Nó đi Nhật được hai năm thì bà gọi về Việt Nam rồi sang Hàn Quốc lấy chồng. Mấy năm nay nó không được về Việt Nam nó buồn nó cũng khóc. Nó sinh em bé rồi, mới được 2 tuần. Buồn mà! Ở trong nhà buồn lắm, em suốt ngày xuống chơi với nó, nấu ăn với nhau.
Tuyết cho biết những cô dâu Việt ở Hàn như chị chỉ biết cố gắng học tiếng để chờ đến ngày được đi làm, sau đó mới có tiền gửi về Việt Nam cho gia đình. Tết của họ cũng chẳng khác ngày thường là bao, có chăng là buồn hơn vì cái lạnh lẽo của mùa đông xứ Hàn.