main billboard

Human Rights Watch Giám Sát Nhân Quyền hôm thứ Năm loan tin trong số 41 người thuộc 19 quốc gia trên thế giới, có 5 bloggers Việt Nam.


5 bloggers 1Ảnh của năm bloggers Việt Nam thắng giải nhân quyền Hellman Hammett năm 2012 được Human Rights Watch đăng lên trang bìa. (Courtesy Human Rights Watch)

Năm bloggers Việt Nam thắng giải  nhân quyền Hellman Hammett năm nay và được Human Rights Watch chính thức nêu tên gồm nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn,  blogger Huỳnh Thục Vy, blogger Nguyễn Hữu Vinh, blogger Phạm Minh Hoàng, blogger Uyên Vũ.

Dám nói lên sự thật và đứng lên chống lại sự sai trái

Trong thông cáo báo chí công bố hôm thứ Năm, ông Brad Adams, giám đốc phần vụ Châu Á thuộc Human Rights Watch,cho rằng  vinh danh năm nhân vật nam nữ can đảm, đang gặp khó khăn và đang bị đe dọa vì đã thể hiện quyền căn bản của mình, có nghĩa là đề cao những tiếng nói mà nhà cầm quyền Việt Nam không cho phép đóng góp liên quan đến các vấn đề xã hội và chính trị ở trong đất nước của chính họ.

Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do  từ Washington DC, ông John Sifton, giám đốc chuyên trách vận động Châu Á của Human Right Watch, bày tỏ:

Rất nhiều bloggers ở Việt Nam đã viết đã nói lên những vấn đề mà nhà cầm quyền không thích nghe và chỉ muốn họ im miệng vì cho rằng những điều ấy có ý chống phá chính phủ, thí dụ tệ trạng tham nhũng, chế độ công an trị, nguồn gốc của dân chủ, sự sai trái của thể chế độc đảng….Đây là những người luôn phải sống trong đe dọa và áp lực,  không thể vượt qua những rào cản những ngăn cấm để có thể thực hiện quyền căn bản đích thực của một con người.

5 bloggers 2Từ trên xuống : nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, blogger Huỳnh Thục Vy, blogger Nguyễn Hữu Vinh, blogger Phạm Minh Hoàng, blogger Uyên Vũ (trên xuống, trái qua phải)

Tuy nhiên, thay vì sợ hãi hoặc lùi bước, họ đã can đảm đã vượt thắng nỗi sợ hãi để cất cao tiếng nói của mình. Họ xứng đáng được lựa chọn, được công nhận và được trao tặng phần thưởng quí báu. Đó là tất cả ý nghĩa của giải thưởng nhân quyền Hellman Hammett.

Phát biểu cảm tưởng khi biết mình được tặng giải nhân quyền Hellman Hammett,  blogger Nguyễn Hữu Vinh, một giáo dân thường lên tiếng cổ vũ tự do tôn giáo với những bài viết trên mạng ký tên Giaon Baotixita Nguyễn Hữu Vinh, nói rằng cảm giác đầu tiên của ông là sự vui mừng không riêng bản thân mà còn cho tất cả những người cùng được giải năm nay vì những tiếng nói nhỏ nhoi đó ở Việt Nam không chỉ lan xa mà còn được cộng đồng quốc tế chú ý, ghi nhận và khích lệ:

    Rất nhiều bloggers ở Việt Nam đã viết đã nói lên những vấn đề mà nhà cầm quyền không thích nghe và chỉ muốn họ im miệng vì cho rằng những điều ấy có ý chống phá chính phủ, thí dụ tệ trạng tham nhũng, chế độ công an trị, nguồn gốc của dân chủ, sự sai trái của thể chế độc đảng   ( ông John Sifton)

Đấy là một động viên rất lớn cho mọi người, tôi cảm thấy vui với những người đấu tranh cho nhân quyền cho giá trị của sự thật. Họ cũng là những người đã chịu nhiều vất vả, sợ hãi. Tôi chúc mừng và cảm thấy đó là niềm vui chung của anh em.

Được hỏi ông có định xin chiếu khán xuất ngoại để nhận lãnh giải thưởng nhân quyền Hellman Hammett không, ông Nguyễn Hữu Vinh trả lời:

Có lẽ đi thì bây giờ cũng khó vì đợt trước tôi đưa mẹ tôi đi chữa bệnh thì không được cấp xuất cảnh và không biết bây giờ như thế nào tôi cũng chưa rõ bởi vì ở Việt Nam nếu cấm xuất cảnh thì khi nào ra sân bay mới biết. Nhưng mà về bản thân tôi thì tôi cũng không có ý định đi ra nước ngoài để nhận giải do tôi không có điều kiện để muốn đi đâu thì đi, cho nên có lẽ là không đi được trong dịp này. Xin cảm ơn tất cả các độc giả, những người đã ủng hộ tôi, đã cầu nguyện cho tôi cũng như đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua. Cảm ơn gia đình vợ con đã vì tôi mà chấp nhận nhiều khó khăn liên lụy.

Trong số năm người được giải Hellman Hammett năm nay thì đứng tuổi nhất có lẽ là nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn,  được biết qua những bài xã luận cổ vũ đa nguyên đa đảng trên mạng, những câu chuyện phơi bày sự bất công và sức ép từ chế độ hiện hành đối với người dân. Ông cũng là người thường lên tiếng về nhân quyền, dân chủ .

    Thay vì sợ hãi hoặc lùi bước, họ đã can đảm đã vượt thắng nỗi sợ hãi để cất cao tiếng nói của mình. Họ xứng đáng được lựa chọn, được công nhận và được trao tặng phần thưởng quí báu. Đó là tất cả ý nghĩa của giải thưởng nhân quyền Hellman Hammett. (ông John Sifton)

Vì những hoạt động này nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn phải trả giá bằng mười năm tù bốn năm quản chế khi bị bắt  hồi tháng Mười năm 1992.

Con gái ông, blogger Huỳnh Thục Vy, một cây viết sắc bén về tự do dân chủ trên mạng, cho hay từ tháng Chín điều hợp viên giải nhân quyền Hellman Hammett của Giám Sát Nhân Quyền Human Rights Wath, ông Lawrence Moss, là người trực tiếp báo tin cho cha con cô:

Gia đình tôi rất vui mừng,  đặc biệt khi hai cha con cùng nhận được hai giải cá nhân độc lập với nhau. Đó là sự cổ vũ tinh thần rất lớn đối với những khó khăn mà gia đình tôi đang phải chịu đựng.

Hôm 16 vừa qua, anh Huỳnh Trọng Hiếu, cũng là một blogger, bị chận tại phi trường Tân Sơn Nhất và bị tịch thu hộ chiếu  khi làm thủ tục xuất cảnh sang Hoa Kỳ nhận giải thưởng thay cho thân phụ là ông Huỳnh Ngọc Tuấn và chị gái Huỳnh Thục Vy đã bị câu lưu không cho xuất cảnh:

Cái việc đó thì gia đình đã lường trước nhưng mà phải đi. Thứ nhất là đi qua nhận giải thưởng đó và nhận số hiện kim trực tiếp từ tay người đại diện của Human Rights Watch, thứ hai là em và bố em muốn Hiếu qua để gặp gỡ  thân hữu của gia đình bên cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Cũng lường trước được là có lẽ người ta sẽ chặn và nếu người ta chặn thì cũng là một dịp để mình tiếp tục lên tiếng về chuyện công dân Việt Nam  không có quyền tự do đi lại.

Đối với ông John Sifton, giám đốc chuyên trách vận động Châu Á trong Human Right Watch, có nhiều khả năng cả năm bloggers Nguyễn Hữu Vinh,  Uyên Vũ, Phạm Minh Hoàng, Huỳnh Ngọc Tuấn và Huỳnh Thục Vy đều không có mặt tại Hoa Kỳ trong ngày trao giải Hellman Hammett năm nay:

Nhưng dù  đến được hay không đến được thì giải thưởng dành cho họ vẫn còn đó và vẫn thuộc về họ. Sự  kiện các blogger bị ngăn cản không cho đi nhận giải nhân quyền Hellman Hammett mới là điểm quan trọng vì nó một lần nữa phản ảnh chính sách cứng rắn và và lối cư xử hà khắc của chính quyền Việt Nam  đối với những người bất đồng chính kiến dám nói thẳng nói thật về chế độ họ đang sống, trong lúc những người lãnh đạo đất nước lại không dám đối diện với những sự  thật đó.

Năm 2011, giải thưởng nhân quyền Hellman Hammett của Human Rights Watch được trao cho tám người trong nước đang bị giam giữ hoặc bị quản chế với tội danh lợi dụng dân chủ tuyên truyền chống phá nhà nước .

Đó là tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Trần Luật, cựu tù nhân Nguyễn Bắc Truyển, luật gia Phan Thanh Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cựu đảng viên Vi Đức Hồi, nhà tranh đấu dân oan Hồ Thị Bích Khương,  nhà báo tự do kiêm blogger Tạ Phong Tần.

Năm 1994, Human Rights Watch trao giải Hellman Hammett cho ông Nguyễn Chí Thiện, tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục, từng bị nhiều năm dài tù tội khi còn ở Việt Nam vì tội làm thơ chống chế độ và phê bình chủ nghĩa cộng sản.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, còn được xưng tụng là ngục sĩ, qua đời tại Hoa Kỳ tháng ngày 2 tháng Mười  năm 2012.