main billboard

Gặp gỡ nhau sau 50 năm ra trường phục vụ đất nước và dân tộc, chúng tôi nhắc đến những ngày cũ để cùng nhau xác định rằng, cũng như ngày cũ, nay đất nước đang còn bị Cộng Sản thống trị, nhưng rồi ra chúng sẽ phải tan rã như những xáo trộn chính trị ngày nào.”


SANTA ANA, California (NV) - Thay vì “nửa thế kỷ,” ban tổ chức ngày gặp gỡ sau 50 năm ra trường của các cựu sinh viên sĩ quan khóa 18 Thủ Ðức lại gọi là “một nửa trăm năm hội ngộ.” Sở dĩ có cách nói đó “không phải vì muốn lập dị khác người mà chỉ vì muốn nhắc nhở đến thời gian “ba năm xáo trộn” vào lúc các thanh niên đến tuổi gia nhập quân đội theo lệnh động viên của chính quyền VNCH. Ðó là khóa 18 Thủ Ðức.

sq thuduc chaocoMột buổi lễ kỷ niệm của cựu sinh viên sĩ quan Thủ Ðức. (Hình: Người Việt)

Buổi hội ngộ kỷ niệm 50 năm ra trường sẽ được tổ chức vào lúc 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều Chủ Nhật, 11 Tháng Giêng, 2015, tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana.

Theo cựu SVSQ Nguyễn Hữu Hạnh, trong ban tổ chức gồm ba người chính là các cựu SVSQ Nguyễn Ngọc Kỳ, Bùi Trọng Nghĩa và Nguyễn Nhật Minh cho biết, “khóa 18 Thủ Ðức nhập trường ngày 8 Tháng Sáu, 1964 và ra trường ngày 18 Tháng Ba, 1965. Khóa có tên là Khóa Phan Văn Trị. Ngày mãn khóa, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu có đến dự lễ và chủ tọa. Nhớ lại thời gian đó là thời gian xáo trộn chính trị nhất sau khi các tướng lãnh đảo chánh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm để sau đó nhiều tướng lãnh đã thay phiên nhau nắm quyền, lật đổ nhau cho mãi đến Tháng Sáu, 1965, Hội Ðồng Quân Nhân mới ổn định được tình hình, tổ chức được nền Ðệ Nhị Cộng Hòa.”

“Lúc đó cũng là lúc khóa 18 vừa ra trường được ít tháng. Khóa 18 có những điều mà anh em chúng tôi ghi nhớ. Ðó khi nhập trường cũng là thời gian mà Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam để cùng chúng ta ngăn chặn làn sóng đỏ CSBV lợi dụng tình hình chính trị bất ổn định ở miền Nam mà gia tăng sự xâm nhập mở ra nhiều trận đánh lớn. Tuy nhập ngũ vào lúc tình hình chính trị bất ổn định và tình hình quân sự leo thang với những cuộc đánh lớn, nhưng hầu hết anh em trong khóa 18 không có một ai là mất tinh thần, bỏ khóa học,” ông nói tiếp.

Ông Hạnh nói thêm: “Tất cả đều có chung một suy nghĩ là tình hình chính trị rồi phải ổn định khi mà lực lượng quân sự vẫn vững chắc. Chúng tôi đã là lính thì chỉ có một con đường hướng tới là cương quyết bảo vệ miền Nam trước sự xâm nhập gia tăng phá hoại lấn chiếm của CSBV và Việt Cộng. Gặp gỡ nhau sau 50 năm ra trường phục vụ đất nước và dân tộc, chúng tôi nhắc đến những ngày cũ để cùng nhau xác định rằng, cũng như ngày cũ, nay đất nước đang còn bị Cộng Sản thống trị, nhưng rồi ra chúng sẽ phải tan rã như những xáo trộn chính trị ngày nào.”

Trong ý hướng như thế nên nội dung cuộc hội ngộ sẽ có chương trình kể lại vui buồn trong cuộc chiến trên khắp bốn vùng chiến thuật, kể lại những tủi cực trong hàng chục năm ngục tù cải tạo, điểm lại trong khóa ai còn ai mất.

Cựu SVSQ Nguyễn Hữu hạnh cũng cho biết: “Trong lần hội ngộ này, chúng tôi sẽ tiến hành lập ban xã hội của khóa, mặc dù đã có trước đó, nhưng chưa chính thức hoạt động để gây quỹ cứu trợ anh em cựu SVSQ khóa 18 còn trong nước.”

Ðã qua năm lần hội ngộ mà lần nào số anh em cựu SVSQ khóa 18 Thủ Ðức ở Nam California cũng kéo nhau đến tham dự khá đông, nên ban tổ chức đang tính đến chuyện sẽ mở một cuộc hội ngộ cựu SVSQ khóa 18 trên toàn thế giới về thủ đô tị nạn Little Saigon họp mặt một lần.

Cũng theo ban tổ chức cho biết thì lần hội ngộ này, ban tổ chức sẽ phát hành một đặc san ghi những tâm tình của những người trai một thế hệ chiến tranh.

Thủ Ðức là một trong hai quân trường lớn của VNCH, được thành lập khi Pháp phải công nhận Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền với cựu hoàng Bảo Ðại làm quốc trưởng. Những khóa đầu tiên, người Pháp còn giúp đỡ trong việc huấn luyện, tổ chức nhưng từ khóa 6 khi nền Ðệ Nhất I Cộng Hòa được thành lập, quân trường Thủ Ðức có tên là Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức phụ trách huấn luyện nhiều quân binh chủng trong quân lực của VNCH.

Các khóa học cứ nối chân nhau thực hiện cho đến năm 1968, sau vụ Cộng Sản vi phạm hưu chiến mở cuộc tấn công vào gần khắp 40 tỉnh thị miền Nam thì chính phủ ban lệnh tổng động viên và Thủ Ðức phải huấn luyện cấp tốc các sĩ quan để cung ứng cho chiến trường bảo vệ miền Nam. Nên từ 1968, quân trường Thủ Ðức đã có các khóa 68/1, 68/2, 68/3....69/1, 69/2...70/1, 70/2... cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Trong sinh hoạt cộng đồng tại miền Nam California cũng như các nơi có đông người Việt tị nạn sinh sống, hàng năm đều có những buổi hội ngộ kỷ niệm gặp gỡ nhau của các cựu SVSQ Thủ Ðức thuộc các khóa khác nhau.