main billboard

“sau hơn 9 tháng khởi động, chương trình ‘Nhịp Cầu Hoàng Sa’ đã thu hút hơn 600 lượt đóng góp với số tiền lên đến hơn 2.2 tỷ đồng Việt Nam, trong đó, hơn 1/3 đến từ các cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài.”


WESTMINSTER, California (NV) – “Năm 2013 khi từ Mỹ trở về nước, tôi nghĩ mình cần phải làm những nhịp cầu, mà Hoàng Sa là nơi trước nhất, và đó là cũng chiến trường duy nhất mà trước ngày 30 Tháng Tư, 1975 người Việt Nam không bắn vào người Việt Nam. Từ chỗ Hoàng Sa ấy, chúng tôi muốn bắt một nhịp cầu để cho người Việt ở hai đầu có thể nối lại với nhau. Con đường ấy rất khó khăn và chặng đường ấy sẽ rất dài, nhưng phải có một ai đó bắt đầu. Tôi nghĩ tất cả chúng ta ở đây đang bắt đầu làm công việc đi trên chiếc cầu ấy.”

Nhà báo, blogger Huy Đức, tác giả tập sách “Bên Thắng Cuộc,” nói như một lời tự sự trong đêm nhạc gây quỹ “Nhịp Cầu Hoàng Sa” diễn ra vào tối Thứ Bảy, 27 Tháng Chín, tại hội trường Việt Báo, Westminster, trong không khí đầy sự thân mật và sẻ chia những thâm tình.

nhipcau hoangsa 1Ca sĩ Lê Uyên với nhạc phẩm "Hãy ngồi xuống đây" của Lê Uyên Phương trong đêm nhạc "Nhịp Cầu Hoàng Sa". (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

***

“Hoàng Sa là chiến trường trong đó người Việt không bắn vào người Việt” và đêm nhạc này, người Việt ngồi cùng với người Việt, không có lằn ranh bên này và bên kia, giọng Nam và giọng Bắc, trong nước hay ngoài nước. Có Nhã Ca-Trần Dạ Từ, Kiều Chinh, Ngô Nhân Dụng, Bùi Bảo Trúc, trung úy VNCH Nguyễn Ngọc Bạch,… và cũng có blogger Huy Đức, blogger Đoan Trang. Tất cả ngồi bên nhau, trong cùng tâm tình hướng về một dải đất quê hương, cùng tri ân những người con đất Việt ngã xuống để bảo vệ biển đảo cha ông để lại từ ngàn đời.

Người trong nước tìm cách bồi đáp cho thân nhân còn lại của 74 người lính VNCH bảo vệ Hoàng Sa ngày nào. Và người ngoài nước, trong những chi phiếu gửi về đã không quên ghi dòng chữ “Đóng góp cho Nhịp Cầu Hoàng Sa và Nhịp Cầu Gạc Ma.” Gạc Ma là nơi 64 bộ đội Việt Nam bị Trung Quốc tràn sang tàn sát trong trận chiến Trường Sa năm 1988.

Theo blogger Huy Đức, “chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa bắt đầu từ 17 Tháng Giêng, hiện nay nhận được sự đóng góp chủ yếu từ trong nước. Chúng tôi nói với nhau rằng chúng tôi không xét ‘lý lịch’ của những đồng tiền đóng góp cho Hoàng Sa. Tuy nhiên, có một điều thú vị là có rất nhiều khoản tiền được đóng góp từ miền Bắc. Nghĩa là có sự đóng góp của những nhân vật rất nổi tiếng ở miền Bắc cũng như những sĩ quan cao cấp ở miền Nam.”

nhipcau hoangsa 2Tình tự những người con mang cùng dòng máu, từng được sinh ra và lớn lên trên dải đất hình chữ S và cùng chung một kẻ thù ngoại bang, trong đêm nhạc “Nhịp Cầu Hoàng Sa” cứ trở nên dịu vợi, bàng bạc những nỗi niềm, những tâm tư. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Đêm nhạc mở đầu bằng những câu thơ trong “Trường Sa Hành” của tác giả Tô Thùy Yên, qua giọng đọc của nhà bình luận Ngô Nhân Dụng như lôi kéo người nghe quay về một thời khắc hùng tráng nhưng đau thương:

“Ai hét trong lòng ta mỗi lúc

Như người bị bức tử canh khuya

Xé toang từng mảng đời tê điếng

Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.”

Tình tự những người con mang cùng giòng máu, từng được sinh ra và lớn lên trên dải đất hình chữ S và cùng chung một kẻ thù ngoại bang, trong đêm nhạc “Nhịp Cầu Hoàng Sa” cứ trở nên dịu vợi, bàng bạc những nỗi niềm, những tâm tư được đưa đẩy bởi giọng hát của Thương Linh, của Phạm Hà, của Mộng Thủy, qua những “Ca Dao Mẹ,” “Ru Con,” “Tình Hoài Hương,” “Màu Thời Gian,” “Nương Chiều”… cùng “one man band” Hoàng Công Luận “tung hoànH” khi violin, khi guitar, lúc piano, hay keyboard

Đặc biệt, ca sĩ Lê Uyên, cũng vẫn cách trang điểm sắc sảo, vẫn giọng nói khàn đục đầy ma lực khi giới thiệu các ca khúc, đã mang đến cho người tham dự những giây phút tuyệt vời với "Hãy Ngồi Xuống Đây," "Chiều Trên Phá Tam Giang," "Ở Đây, Thôi Ở Đây Đành," "Kỷ Vật Cho Em," "Tình Khúc Cho Em"…

Đêm nhạc càng trở nên nhiều ý nghĩa hơn khi “Dải Khăn Sô Cho Huế” bản tiếng Anh của nhà văn Nhã Ca, khi bức tranh “Bao La” của họa sĩ Ann Phong và mô hình hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 của hải quân trung úy Nguyễn Ngọc Bạch được mang ra đấu giá ủng hộ cho chương trình.

Ông Bạch cho biết “phải thức đêm ròng rã suốt một tháng để hoàn tất mô hình hộ tống hạm HQ-10 mang tặng cho 'Nhịp Cầu Hoàng Sa' theo lời gợi ý của một thành viên trong ban tổ chức đêm nhạc.” Mô hình chiếc HQ-10 này được Dược Sĩ Vũ Duy Hiển tại Orange County mua với giá $1,250 trong đêm nhạc.

nhipcau hoangsa 3Mô hình Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Với họa sĩ Ann Phong thì, “Một hôm đi vô thư viện của Mỹ nhìn vào quả địa cầu thấy Việt Nam, thấy Hoàng Sa, tự dưng thấy lòng mình chùng xuống, thấy đất nước mình bao la quá! Thế là nó cho mình cảm xúc, thế là về vẽ tranh, trước nhất là vẽ cho mình…”

Bức tranh “Bao La” đó được nữ họa sĩ mang tặng cho “Nhịp Cầu Hoàng Sa” và một vị khách từ phương xa, ngay trong đêm nhạc, đã đặt mua với giá $1,600.

Toàn bộ chi phí thu được từ đêm nhạc hơn $11,000 ban tổ chức tặng hết cho chương trình “Nhịp Cầu Hoàng Sa.”

Theo nhà báo Huy Đức, “sau hơn 9 tháng khởi động, chương trình ‘Nhịp Cầu Hoàng Sa’ đã thu hút hơn 600 lượt đóng góp với số tiền lên đến hơn 2.2 tỷ đồng Việt Nam, trong đó, hơn 1/3 đến từ các cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài.”

Đêm nhạc “Nhịp Cầu Hoàng Sa” do nhóm thân hữu Hòa Bình, Quỳnh Trang, Olivia Trang, Janine Trang, Trần Triết và Đinh Quang Anh Thái phối hợp tổ chức, cùng sự đóng góp tình nguyện” của các ca sĩ Lê Uyên, Thương Linh, Mộng Thủy, Phạm Hà, Trần Chí Phúc và nhạc sĩ Hoàng Công Luận.