Để được gửi ra ngoại quốc làm thuê, mỗi người phải đóng cho nhà cầm quyền CSVN từ 4,000 đến 4,500 Mỹ kim, chưa kể hàng ngàn đô la phải trả cho các công ty xuất cảng lao động của Việt Nam (hầu hết núp bóng các bộ, ngành của nhà cầm quyền các cấp). Tính ra ít ai nợ dưới mức hàng chục ngàn đô la.
WASHINGTON (NV) .- Đó là kết quả cuộc khảo sát kéo dài trong hai năm, do Verité – một tổ chức quốc tế khảo sát và công bố. Cuộc khảo sát này do Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ.
Nhiều công nhân ngoại quốc, trong đó có người Việt đến làm thuê tại Mã Lai bị cưỡng bức lao động. (Hình: VnExpress)
Verité cho biết, cưỡng bức lao động là tình trạng phổ biến tại các nhà máy sản xuất đồ điện tử của Mã Lai. Nhiều công nhân từ: Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Nepal, Phillippines, Việt Nam đến Mã Lai làm thuê bị giữ hộ chiếu và bị buộc làm thêm giờ để trả những khoản nợ do từng phải nộp phí môi giới tuyển dụng quá cao và bất hợp pháp.
Hiện có khoảng 200,000 công nhân ngoại quốc được các nhà máy sản xuất đồ điện tử của Mã Lai thuê làm việc. Khoảng một phần ba số này bị cưỡng bức lao động. Công nhân Việt Nam hiện là nhóm dẫn đầu về tình trạng bị cưỡng bức lao động (khoảng 40%). Theo Verité, công nhân Việt Nam phải trả phí môi giới tuyển dụng cao nhất (trung bình là 1,028 Mỹ kim/người) nhưng lại bị trả lương thấp nhất (chỉ khoảng 308 Mỹ kim/người/tháng).
Trước các thông tin vừa kể, ông Tống Hải Nam, Cục phó Cục Quản lý Lao động ngoài nước của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội CSVN, hứa với báo giới: Sẽ gấp rút nghiên cứu kết quả khảo sát của Verité để… báo cáo.
Verité không phải là tổ chức quốc tế đầu tiên cảnh báo về tình trạng người Việt bị các công ty môi giới lao động bóc lột từ trong nước và bị chủ ngoại quốc bóc lột tiếp khi ra ngoại quốc làm thuê. Sự bóc lột tàn tệ này khởi đầu từ chính sách của chế độ Hà Nội.
Hồi cuối năm ngoái, đã từng xảy ra sự kiện hàng trăm người Việt đang làm thuê tại Đài Loan kéo đến Văn phòng Kinh tế Văn hóa của Việt Nam tại Đài Bắc để phản đối một nghị định có liên quan đến họ. Theo đó, người Việt nào đi làm thuê ở nước ngoài mà bỏ việc tại nơi công ty xuất cảng lao động của Việt Nam gửi họ tới để làm thuê thì sẽ bị phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.
Lúc ấy, một linh mục người Việt tên là Nguyễn Văn Hùng, cư trú tại Đài Loan, trước nay vẫn thường hỗ trợ những người Việt đi làm thuê tại Đài Loan, cho biết, lý do những người Việt đi làm thuê tại Đài Loan biểu tình, phản đối nghị định vừa kể vì họ nhận ra rằng, chế độ Hà Nội chỉ quan tâm tới tiền, chứ không bận tâm đến việc nơi làm thuê đối xử với những người phải đi làm thuê thế nào, môi trường làm việc cũng như chuyện ăn ở tại đó của những người phải đi làm thuê ra sao (?).
Linh mục Hùng giải thích thêm là người Việt đi làm thuê tại Đài Loan thường bỏ việc tại nơi mà họ được công ty xuất cảng lao động Việt Nam gửi tới, bởi lương tại những nơi đó luôn thấp hơn mức lương phổ biến tại Đài Loan. Chưa kể tất cả đều mắc các khoản nợ rất lớn.
Để được gửi ra ngoại quốc làm thuê, mỗi người phải đóng cho nhà cầm quyền CSVN từ 4,000 đến 4,500 Mỹ kim, chưa kể hàng ngàn đô la phải trả cho các công ty xuất cảng lao động của Việt Nam (hầu hết núp bóng các bộ, ngành của nhà cầm quyền các cấp). Tính ra ít ai nợ dưới mức hàng chục ngàn đô la.
Năm ngoái có hàng loạt cáo buộc nhà cầm quyền CSVN dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp đến nạn buôn người. Đề cập đến tệ nạn buôn người tại Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế xem việc chế độ Hà Nội dung dưỡng cho các công ty chuyên xuất cảng lao động, bóp nặn tiền bạc, bóc lột người Việt đi làm thuê ở nước ngoài là buôn người.
Hồi tháng 5 năm 2013, một tờ báo điện tử có tên là American Thinker, chuyên giới thiệu những bài bình luận về các vấn đề được xem là quan trọng với Hoa Kỳ, đăng một bài viết của Michael Benge, lên án nhà cầm quyền CSVN chủ trương buôn người.
Trong bài viết có tựa là “Communist Vietnam - Human Trafficker Extraordinaire”, ông Benge cho biết, trong khi Bộ Công an CSVN loan báo, từ 2004 đến 2009, có 2,935 người Việt Nam trở thành nạn nhân của nạn buôn người thì các tổ chức quốc tế cho rằng, số người Việt là nạn nhân của tệ nạn buôn người từ năm 1990 đến nay phải trên 400,000 người.
Ông Benge tin rằng, số liệu của các tổ chức quốc tế dù lớn nhưng chưa đầy đủ vì chưa tính tới hàng chục ngàn vụ lạm dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất cảng lao động.
Michael Benge đưa ra một số dẫn chứng về việc nhà cầm quyền CSVN chuyên buôn người qua hoạt động của các công ty xuất cảng lao động. Các công ty này thường có nguồn gốc phức tạp, thường xuyên lừa gạt người nghèo bằng những hợp đồng hấp dẫn (lương cao, điều kiện làm việc lý tưởng).
Có những người nghèo phải trả tới 10,000 USD cho cái gọi là phí nộp đơn. Vì nghèo, họ được khuyến khích thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng thanh toán các loại chi phí. Khi ra đến nước ngoài, họ bị thu hộ chiếu, bị ép ký những hợp đồng khác hẳn những gì đã được hứa hẹn, phải làm việc nhiều hơn, điều kiện làm việc tồi tệ hơn, chưa kể hàng tháng còn phải nộp một khoản nhất định cho công ty xuất cảng lao động…
Kết quả, người nghèo đi làm thuê ở nước ngoài ngập trong nợ, lệ thuộc vì nợ, gia đình của họ tại Việt Nam thì mất hết tài sản. Có những dấu hiệu đủ rõ ràng để kết luận, các công ty xuất cảng lao động đã liên kết với các ngân hàng và các viên chức cầm quyền.
Đầu năm nay, Walk Free – một tổ chức quốc tế chuyên tranh đấu cho nhân quyền công bố “Chỉ số tình trạng Nô lệ 2013”. Theo kết quả khảo sát – phân tích - xếp hạng của Walk Free về “tình trạng Nô lệ 2013” thì Việt Nam xếp thứ 64/162 trên bình diện toàn cầu. Còn xét riêng khu vực châu Á, Việt Nam xếp thứ 9. Nếu xếp theo tổng số nô lệ, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới.
Con số nô lệ tại Việt Nam được Walk Free ước đoán nằm trong khoảng từ 240 ngàn đến 260 ngàn. Walk Free nhận định, tình trạng người Việt bị cưỡng ép lao động phổ biến cả ở bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam.
Trước đây, chuyện lừa gạt, cưỡng ép làm việc và dùng nhiều biện pháp khác nhau để cầm giữ người lao động, cột chặt họ với giới chủ chỉ xảy ra với những người Việt đi làm thuê ở nước ngoài và những người Việt là nạn nhân của nạn buôn người. Nay, điều đó đang xảy ra trên khắp Việt Nam. (G.Đ)