main billboard

“Ngay từ đầu, nghị hội nhắm đóng góp vào sự thăng tiến của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở xứ này và việc dân chủ hóa Việt Nam ở quê nhà. Chúng tôi gọi đó là hai vế trong sứ mạng của nghị hội, tương tự như con người ta đi thì phải có hai chân thì mới vững.”


FALLS CHURCH, Virginia - Ðược tổ chức vào một cuối tuần có nhiều sinh hoạt chen chúc nhau, đại hội lần thứ 28 của Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa kỳ vẫn lấy được sự chú ý của một số người trong cộng đồng nhờ những đề tài nóng bỏng do một số diễn giả nổi bật trình bày.

Ðó là những diễn giả như cựu Ðại Sứ Bùi Diễm, Luật Sư Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ mới ở nhà tù Cộng Sản ra và sang Mỹ gần đây, Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, chưa kể là những tên tuổi mới như ông Nguyễn Ngọc Phúc hay anh Huân Võ, một người trẻ mới 30 tuổi đầu.

daihoi nghihoiMột góc Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ, được tổ chức ở Falls Church, Virginia trong hai ngày 13 và 14 tháng 9. (Hình: Tâm Việt cung cấp)

Trả lời câu hỏi của ký giả Nguyễn Thành Công của đài SBTN Washington, ông Nguyễn Ngọc Bích, chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hợp Trung Ương Nghị Hội, cho biết là nghị hội đã có mặt trong cộng đồng Việt Nam ở Hoa kỳ từ tháng 8 năm 1986 và tới nay là đã sinh hoạt đều đặn được 29 năm. Ðể được nghe tiếng nói của đồng hương trên khắp nước, cứ mỗi năm nghị hội họp ở miền Ðông thì năm sau lại họp ở miền Tây hay một địa điểm nào khác. Chẳng hạn, năm ngoái nghị hội đã họp đại hội ở Cali (Coastline Community College, Westminster, CA) nên năm nay lại trở về miền Ðông và họp ở Falls Church, Virginia.

Bàn vào mục đích của nghị hội, ông Bích nói, “Ngay từ đầu, nghị hội nhắm đóng góp vào sự thăng tiến của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở xứ này và việc dân chủ hóa Việt Nam ở quê nhà. Chúng tôi gọi đó là hai vế trong sứ mạng của nghị hội, tương tự như con người ta đi thì phải có hai chân thì mới vững.”

Ðược phóng viên Lâm Kim Thu của đài VietTV hỏi, đại hội năm nay nhắm đạt được những gì, ông Bích cho hay, “Như mọi năm, chúng tôi nhân dịp này trình bày về những công việc nghị hội đang hoàn tất, những khó khăn cũng như thành tựu, để chia sẻ với cộng đồng và mong lấy được sự ủng hộ rộng rãi. Ngoài ra, nghị hội cũng dự phóng vào tương lai một vài cách nhìn thiết thực về những vấn đề sôi bỏng trong thời sự nước nhà, như vấn đề Biển Ðông, vấn đề bang giao Mỹ Việt, vấn đề lao động, vấn đề nhân quyền...”

Hai cái nhìn vào vấn đề bang giao Mỹ Việt

Sáng Thứ Bảy, 13 tháng 9, hai diễn giả thu hút sự chú ý của mọi người là ông cựu Ðại Sứ Bùi Diễm, năm nay đã 93 nhưng vẫn còn rất minh mẫn, trình bày về chính sách ngoại giao của Mỹ dưới trào Obama, được đánh dấu bởi sự do dự, thiếu nhất quán nên nói một đằng nhưng khi cần hành động thì lại làm khác đi. Tuy nhiên, vì Trung Quốc đang trỗi dậy và muốn trở thành một cường quốc trên biển nên ông Obama từ năm 2010 đã phải đưa ra chính sách “quay gót về Á đông” để ngăn ngừa những bước đi quá đà của Bắc Kinh.

Bài nói chuyện của Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ Sau đó cũng được mọi người đón nhận với nhiều thiện cảm khi ông cho thấy là, xuất thân từ một gia đình “công thần” của chế độ, ông đã đi tới nhận định là chủ nghĩa Cộng Sản là xấu xa và nhất định phải dẹp bỏ thì may ra đất nước mới có thể “thoát Trung” và đi chơi với Mỹ để lấy lại cân bằng trước hiểm họa Bắc thuộc đang lù lù hiển hiện trước mặt. Ông cho rằng người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã có những giai đoạn nội chiến trong lịch sử (12 sứ quân sau bị Ðinh Bộ Lĩnh dẹp, Trịnh Nguyễn phân tranh, Tây sơn đánh nhau với nhà Nguyễn, rồi thời chia đôi đất nước Sau Genève) nhưng dân tộc thì lúc nào cũng một lòng chống ngoại xâm, nhất là kẻ thù truyền kiếp như Trung Quốc, đặc biệt khi ta đứng trước âm mưu Ðại Hán. Vì thế nên ông khẳng định là ta phải đi với Mỹ như “một mệnh lệnh của lịch sử” thì mới hòng thoát được hiểm họa Bắc thuộc trong lúc này.

Vietnam Film Club, một đường hướng mới của nghị hội

Cũng trong Sáng ngày Thứ Bảy, ngoài phần trình bày về các con số thống kê liên quan đến cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ (được mô tả như là một phác họa bằng con số về sức mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt), còn có phần trình bày về Vietnam Film Club, Câu Lạc Bộ Làm Phim Tài Liệu Việt Nam, do ông Chu Lynh, chuyên gia và giám đốc kỹ thuật của VFC. Ông cho biết VFC được thành lập vào tháng 9, 2009 nhân một đại hội cũng của nghị hội, tuy nhiên VFC vẫn là một tổ chức độc lập song có được nghị hội yểm trợ dưới nhiều hình thức. Nhờ sự cộng tác tốt đẹp này mà VFC đã thực hiện được một số phim rất nổi tiếng như phim Hồn Việt (với phiên bản tiếng Anh mang tên The Soul of Vietnam) nói về lịch sử và chỗ đứng của quốc kỳ và quốc ca Việt Nam trong lòng người. Ngoài ra, theo sự tiết lộ của diễn giả, VFC đang thực hiện hai bộ phim, một mang tên Cộng Sản trên đất Việt (mà một số chương đã được đưa lên Youtube) và một bộ tạm có tên là hiểm họa Bắc thuộc làm chung với một tổ chức của người Việt ở tận bên Úc. Ðể cho thấy sức mạnh của phim ảnh, ông Chu Lynh chia sẻ: Youtube phỏng vấn nhà báo Bùi Tín, tuy mới đưa lên Youtube cách đây 2 tháng đã thu hút gần 100 nghìn người vào coi, với khoảng 50% là từ Việt Nam ở cỡ tuổi 24 35, khoảng 1/4 là từ Mỹ nhưng đa phần là người lớn tuổi, trên 50, còn 1/4 còn lại đến từ các quốc gia khác trong đó có Ðức, Pháp, Anh, Ý...

Những đề tài trong ngày thứ nhì

Ngày thứ hai của đại hội, Chủ Nhật, 14 tháng 9, cho thấy hướng đi gần đây của nghị hội. Giải thích về chuyện này, ông Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ với anh Nguyễn Thành Công và anh Phúc Nguyễn của Truyền Hình Việt Nam HTÐ: “Vì bàn tay không thể che nổi mặt trời nên từ sớm, nghị hội đã nhận ra mình hay một tổ chức lớn hơn nghị hội nhiều cũng chưa chắc đã làm được hết những điều mình muốn. Và, thế giới ngày nay là một thế giới chuyên hóa nên chúng ta phải đi vào chuyên môn, chứ không thể đại khái được. Vietnam Film Club là một ví dụ điển hình của nghị hội làm việc với một tổ chức có chuyên môn.” Cũng vì lý do đó mà:

 Về mặt nhân quyền, chẳng hạn, nếu nghị hội trong quá khứ đã cộng tác với Hội Gia đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam của Bà Khúc Minh Thơ để có chương trình H.O., với Boat People S.O.S. trong những chương trình như LAVAS hay ROVR, thì những năm gần đây nghị hội làm việc chặt chẽ với Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (trụ sở ở Nam Cali) để tiếp tay trong việc dịch bản báo cáo hàng năm của MLNQ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng như trong việc tuyển chọn các ứng viên lãnh giải Nhân Quyền của mạng lưới, thậm chí có năm còn đảm trách luôn cả việc tổ chức lễ phát giải Nhân Quyền. Năm ngoái, bản báo cáo tiếng Anh của Mạng Lưới Nhân Quyền đã được vinh dự trang nhà của chính phủ Anh dùng làm bản để tham chiếu về vấn đề nhân quyền Việt Nam.

 Sang lãnh vực lao động, diễn giả Nguyễn Ngọc Phúc, một thành viên của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam, cho biết nghị hội đã cộng tác với UBBV từ khi ủy ban này được thành lập vào tháng 10, 2006 ở Vác Sa Va, Ba Lan. Từ đó, người của nghị hội đã tham gia đại hội lần 2 của ủy ban ở Kuala Lumpur vào tháng 12, 2009 cũng như Ðại Hội Thành Lập Lao Ðộng Việt ở Bangkok, Thái Lan, vào tháng 1 năm nay. Giờ đây, nghị hội là “fiscal agent” cho UBBV, nghĩa là nơi nhận tiền ủng hộ cho UBBV và Lao Ðộng Việt ở Hoa kỳ. Mục đích của UBBV là nhằm khuyến khích việc thành lập công đoàn độc lập ở trong nước, một việc làm công khai phối hợp với những nhà tranh đấu cho quyền lợi của công nhân ở quê nhà.

 Về mặt kiểm kê dân số, nghị hội cũng đã cộng tác với Nhà Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ (U.S. Census Bureau) qua ba kỳ kiểm kê chính thức 1990, 2000 và 2010. Vì vậy mà nghị hội được Nhà Kiểm Kê Dân Số Hoa kỳ chỉ định là một CIC, tức Census Information Center (Trung Tâm Thông Tin Về Dân Số), dành cho người Mỹ gốc Việt.

 Nhưng đáng kể nhất có lẽ là nỗ lực của nghị hội, từ năm 1999, tổ chức hàng năm một khóa huấn luyện tuổi trẻ mang tên VAYLC (tắt cho Vietnamese American Youth Leadership Conference), thường vào đầu Hè, nhằm giới thiệu tuổi trẻ ở trên đất Mỹ đến với các cơ quan công quyền của Hoa Kỳ như Tòa Bạch Ốc, Bộ Giáo Dục, Bộ Ngoại Giao, Quốc Hội, và năm nay cả Tòa Thị Sảnh ở D.C. Anh Huân Võ, một tham dự viên trong chương trình VAYLC năm nay đã tỏ ra vừa chân thật vừa thuyết phục khi anh kể lại kinh nghiệm rất phong phú của anh Sau khi tham dự khóa huấn luyện năm nay. Anh bảo, “Không thể ngờ được, khi một người trẻ được vào Bộ Ngoại Giao đặt những câu hỏi về Biển Ðông, chẳng hạn, mình cảm thấy lớn hơn hẳn và có trách nhiệm hơn đối với quê hương, đất nước.”

Hai phần trình bày về Biển Ðông

Diễn giả được trông chờ khá nhiều để nói về Biển Ðông và những tranh chấp với Trung Cộng là Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư đại học George Mason và học giả thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS, Center for Strategic International Studies), một “think tank” nổi tiếng của Mỹ trong lúc này. Ông không chỉ dự những hội nghị quốc tế ở Mỹ và trên thế giới, ông lại cũng còn tham gia trong một số hội nghị quốc tế về Biển Ðông ở quê nhà nên hiểu rõ lập trường của các phía. Theo ông, Trung Quốc đang theo đuổi ba chiêu về mặt này:

Một là “salami tactics,” tức chiến thuật cứ xẻo từng miếng khi có cơ hội.

Hai là cứ dấn nhưng không để xảy ra chiến tranh với Mỹ. Vì lý do này nên Hà Nội nên chơi với Mỹ để còn có ít nhiều thế cân bằng.

Ba là đi đến chiến tranh nhưng nếu chuyện này xảy ra thì chắc chắn Hà Nội thua vì Bắc Kinh có ưu thế trên biển so với VNCS.

Ðó là lý do tại Sao Hà Nội cứ dập dình, không quyết định được.

Cuối cùng là phần trình bày của ông Nguyễn Ngọc Bích về “giải pháp VNCH” nhằm tranh đấu cho chủ quyền của Việt Nam trên biển đảo của ta, tức Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ông Bích, chỉ có VNCH là có cơ sở pháp lý rõ ràng nhất, dựa trên công pháp quốc tế (từ Hội Nghị San Francisco 1951 đến Hội Nghị Genève 1954 đến Hội Nghị “Hòa Bình” Paris 1973 và Ðịnh Ước Quốc Tế về Hiệp Ðịnh Paris đảm bảo việc thực thi hiệp định này, một hiệp định có 12 quốc gia ký vào với sự chứng kiến của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim). Chỉ có trở về những hiệp định này là ta có đủ cơ sở pháp lý để đòi lại chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thế không có nghĩa là Trung Cộng sẽ trả lại ta những đảo họ đã chiếm, nhưng ít nhất ta có những văn kiện quốc tế không thể chối cãi để đòi lại chủ quyền của ta, đặt cơ sở cho khi nào ta có đủ sức mạnh để đòi lại thực thụ.