... việc thành lập một Trung Tâm Văn Hóa Petrus Ký ai cũng cho là một điều nên làm và phải làm vì Petrus Trương Vĩnh Ký là người có quá nhiều công lao cho nền văn học Việt Nam, một người khởi đầu phát huy chữ Quốc Ngữ sau khi được “La tinh hóa” cách viết.
WESTMINSTER (NV) - Vào chiều 21 Tháng Chín, đại hội thành lập Trung Tâm Văn Hóa Petrus Ký sẽ được tổ chức tại Phòng Sinh Hoạt nhật báo Việt Báo. Ðứng ra vận động tổ chức cơ sở văn hóa này là bà Phạm thị Thiên Hương, cựu giáo sư trung học Petrus Ký, từ Pháp sang.
Tượng Petrus Ký được dựng tại Thủ Ðô Sài Gòn trước 1975.
Theo thư mời được phổ biến trên Việt Báo, Giáo Sư Thiên Hương trân trọng mời các vị nam nữ giáo sư, nam nữ cựu học sinh thuộc nhiều trường như Petrus Ký, Gia Long, Võ Trường Toản, Chu Văn An, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Trãi, Trưng Vương và các trường trong Hội Liên Trường ở Nam California, cố gắng đến cho thật đông để cùng hoạch định một chương trình thành lập Trung Tâm Văn Hóa Petrus Ký.
Theo Giáo Sư Dương Ngọc Sum trong Ban Cố Vấn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký, đây là nguyện ước của Giáo Sư Phạm Thị Thiên Hương sau khi tham khảo ý kiến với một số cựu giáo sư và cựu học sinh Petrus Ký qua những lần về California thăm gia đình. Giáo Sư Sum rất ca ngợi ý tưởng tốt đẹp này nhưng vấn đề thực hiện, giáo sư cũng như nhiều cựu học sinh Petrus Ký đều thấy là sẽ có nhiều khó khăn, nan giải nhất là về vấn đề tài chính.
Vẫn theo Giáo Sư Dương Ngọc Sum thì dự định của cựu Giáo Sư Phạm Thị Liên Hương sẽ thành lập một thư viện, một trung tâm giáo dục và một chương trình in sách, phát hành sách. Chương trình nếu được thực hiện sẽ khá quy mô mà một người hay một tổ chức nhỏ khó mà đạt được. Giáo Sư Sum cho biết các cựu giáo sư và cựu học sinh Petrus Ký đã nhiều lần bàn soạn đến việc này thì đều không giải quyết được vấn đề tài chánh và nhân sự. Thành lập một thư viện thì phải có nơi chốn tương đối khang trang, có người trông nom quản thủ, điều hành và duy trì. Tất cả đòi hỏi những chi phí lớn vượt ngoài khả năng của một hội ái hữu như Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký.
Cựu Giáo Sư Thiên Hương có gợi ý là sẽ mở một Trung Tâm Giáo Dục để có tiền phụ trợ cho thư viện, nhưng theo Giáo Sư Sum thì hiện nay các Trung Tâm Giáo Dục đã mở từ nhiều năm nay, ít nơi có khả quan về tài chánh nên trông cậy vào việc thu lợi nhuận cho thư viện là điều không thực tế. Ngoài ra việc in sách, phát hành sách cũng không thành công được cả về tinh thần lẫn vật chất vì thông tin điện tử trên mạng hiện nay đã thay thế sách báo hữu hiệu hơn khiến người đọc càng ngày càng thưa thớt.
Nhưng việc thành lập một Trung Tâm Văn Hóa Petrus Ký ai cũng cho là một điều nên làm và phải làm vì Petrus Trương Vĩnh Ký là người có quá nhiều công lao cho nền văn học Việt Nam, một người khởi đầu phát huy chữ Quốc Ngữ sau khi được “La tinh hóa” cách viết.
Rất nhiều sách báo về văn học đã nhắc đến công ơn của Petrus Trương Vĩnh Ký cho nền văn học nước nhà, cho chữ quốc ngữ mà nay đã trở thành một thứ chữ của người Việt có đủ khả năng diễn đạt tư tưởng con người trong mọi lãnh vực từ văn chương triết học cho đến những kiến thức cập nhật nhất.
Petrus Trương Vĩnh Ký, từ cuối thế kỷ thứ 19 đã được các học giả phương Tây liệt vào là một trong 18 danh nhân thế giới. Công lao của ông là phát huy nền văn học chữ quốc ngữ, một loại chữ mới. Dễ học, phổ thông thay thế chữ Hán Nôm. Công trình trước tác của ông về nhiều lãnh vực giúp mở mang dân trí vào lúc mà đất nước bị “bế quan tỏa cảng” của các vua cuối đời nhà Nguyễn.
Petrus Trương Vĩnh Ký sinh tại Vĩnh Long, mất năm 1898. Ông tinh thông Pháp văn, Hán văn và gần 27 thứ tiếng và văn tự trên thế giới, từng được theo các vị giáo sĩ người Pháp, Tây Ba Nha trong nhiều công việc học thuật, liên lạc giữa các chính phủ Pháp, Tây Ban Nha và Triều Ðình Việt Nam. Ông từng được Triều Ðình Huế sung vào Cơ Mật Viện khi được người Pháp tiến cử, từng được nhà cầm quyền Pháp bổ nhiệm vào dạy tại các trường Thông Ngôn của Pháp rồi trường Cai Trị (College des Stagières).
Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu thứ trưởng Giáo Dục VNCH nhận định về Petrus Ký, “Nói đến Petrus Trương Vĩnh Ký là phải nói đến vai trò Khai Ðường Mở Lối của ông trên các địa hạt sau đây, dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Nôm và chữ Hán trong việc biên khảo, trước tác, viết câu văn xuôi thay lối văn biền ngẩu của các nhà nho, xây dựng nền học thuật mới tổng hợp văn hóa Á Ðông và văn minh Tây phương thay thế cho nền học thuật cũ của Nho gia.”
Hầu hết các tác giả của các cuốn sách nhận định, phê bình văn học đều đưa ra nhận xét chung rằng, “Sự nghiệp văn chương của Petrus Ký đã được tiếp nối và phát triển từ Nam ra Bắc với các tờ báo Ðông Dương và Nam Phong để sau đó mở ra một giai đoạn văn học rực rỡ với công trình của Tự Lực Văn Ðoàn.” (N.H.)