main billboard

Con cá ngừ (Yellow Fin Tuna) to khoảng 15 kg, giẫy giụa mạnh đập người lên sàn kêu bành bạch, máu ứa ra loang đỏ một khoảng tàu. Nhìn đồng hồ mới hơn 7 giờ sáng!

Bài liên quan
    Đi câu cá 'Sportfishing' nơi lãnh hải Mỹ - Mexico (kỳ 1)  

WESTMINSTER (NV) - Chợp mắt được vài giờ đồng hồ đã có tiếng viên thuyền trưởng vang vang trên loa: “Chào bà con, bây giờ là 5:30AM sáng, chúng ta đang ở ngoài khơi, mọi người dậy ngay để còn chuẩn bị cho một ngày câu cá bận rộn trước mặt.”

cauca sportfishing 71“5:45 sáng rồi, dậy chuẩn bị cần câu đi!” (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Chẳng đợi giục lần nữa, mọi người ngồi bật dậy, mò mẫm tìm đồ nghề, ra khỏi giường làm vệ sinh buổi sáng, chuẩn bị một ngày “sportfishing.”

Thuyền chao mạnh, chúng tôi vừa đi vừa bám vào thang leo lên để khỏi choáng. Ôi sao đi câu khổ thế này!

Nhưng vừa leo được lên boong là thấy dễ chịu ngay. Gió biển lồng lộng như thổi bay đi những nỗi choáng váng, di hại từ mùi xăng khiến mọi người vật vờ trong đêm.

Biển đẹp quá. Mênh mông và xanh ngút ngàn, tứ phía chẳng thấy đâu là bờ. Chợt nhớ mấy câu hát quen thuộc:




Ra sông,
Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
Biết đời viển vông, biết ta hãi hùng
Ra khơi,
Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới...

Dù đó chỉ là niềm tin hôm nay mình sẽ... câu được cá.

cauca sportfishing 72Con mồi này tươi, hy vọng sẽ bắt được con cá lớn. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Trời chưa sáng hẳn, nhưng trên boong, đèn pha của tàu chiếu sáng choang mọi ngóc ngách. Nhiều tay đi câu dậy sớm đã sẵn sàng cần câu trong tay, hay đang xem xét lại bộ máy quay, chuẩn bị “chiến đấu.”

Nhiều người đang đứng sát vào hai chiếc bể dài và hẹp ở hai bên bồn chứa cá mồi, tay cầm móc câu, mắt đăm đăm nhìn những chú cá con đang bơi lội lăng quăng, không biết nỗi nguy hiểm đang chờ chực.

“Trận đánh” đầu tiên

Như đọc được ý nghĩ mọi người, viên thuyền trưởng lên tiếng nhắc nhở: “Mọi người sẵn sàng, nhưng chưa móc mồi ngay nhé! Chúng ta không muốn hết mồi trước khi gặp đám cá lớn. Có lẽ khoảng 15, 20 phút nữa sẽ có một luồng cá.”

Rồi ra lệnh: “Một người chuẩn bị ‘chumming,’ còn một người khác lên đây phụ tôi xem ống nhòm coi!”

Một chàng thủy thủ trẻ thoăn thoắt trèo ngay lên ngồi vào chiếc ghế quan sát cao ngất ngưởng trên tàu, hai mắt dán vào chiếc ống nhòm lớn đeo ở cổ.

Thế ra, trách nhiệm của thuyền trưởng không chỉ là đưa người đi câu ra khơi, tìm luồng cá, mà còn phải điều khiển cả đám thủy thủ lẫn người câu từng bước một để câu được số cá tối đa cho phép, không khác vị tướng cầm quân ra trận.

“Chumming!” Thuyền trưởng chợt la lớn.

cauca sportfishing 73Một thủy thủ dùng sào móc cá bị cắn câu đưa lên tàu. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Một thủy thủ nhảy phóc lên nóc bồn cá mồi, dùng vợt vớt cá lên, ném ra tứ phía. Những con chim lớn từ nãy giờ bay theo tàu, giờ đã sà xuống gần mặt nước. Cùng lúc đó, những tay đi câu chuyên nghiệp vội vàng móc mồi vào, chuẩn bị ném cần xuống nước.

Còn những người tay mơ thì vẫn đang ngơ ngác đứng nhìn cảnh tượng đột nhiên trở nên linh hoạt hẳn lên.

“Bà con sẵn sàng, chúng ta đã đến gần một đàn cá rất lớn. Nhớ là phải nhìn dây của mình, đừng để rối dây người khác, mất thì giờ gỡ rối là vuột mất đàn cá.” Lại có tiếng thuyền trưởng nhắn nhủ.

Nhưng tiếng ông chưa dứt thì đã có người la lớn: “Color, ở đây có color!”

Thoáng một cái đã thấy một thủy thủ ở gần đó cầm hào móc ngay được con cá to lên tàu.

Con cá ngừ (Yellow Fin Tuna) to khoảng 15 kg, giẫy giụa mạnh đập người lên sàn kêu bành bạch, máu ứa ra loang đỏ một khoảng tàu. Nhìn đồng hồ mới hơn 7 giờ sáng!

Cầm dao đâm vào đầu thêm vài cái nữa cho cá hết giẫy giụa, hỏi người câu cá: “Số ông là số mấy?” người thủy thủ kéo một miếng giấy nhựa có đúng số người câu bấm hai ba lần vào mang con cá, thẩy nó xuống hầm giữ cá, rồi đánh một gạch vào miếng bảng nhựa để đếm.

cauca sportfishing 74Hệ thống đánh số cá của tàu New Lo-An. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

“Ở đây có Color!”

“Ở đây cũng có.”

“Ðây nữa, lẹ lên giùm, nặng quá!”

“Chờ chút đi, tôi chỉ có hai tay hai chân thôi!” Bị giục quá, một thủy thủ gắt lên.

“Ê, coi chừng rối dây này, mang cần qua bên kia!” Một người la lớn.

Ðến giờ thì quang cảnh hỗn độn không thể tả, người bận rộn móc mồi, quăng câu, người gồng hết sức mình để quay máy, cố kéo những con cá nặng có khi cả 2, 3 chục ký vào gần tàu, nhiều người bị rối dây vào với nhau, vừa cố gỡ vừa lầu bầu ca cẩm.

Có người quay căng quá dây đứt phựt, la lớn: “Trời ơi mất toi con cá lớn của tôi rồi!”

“Làm ơn nhìn dây của mình và đi theo cá, đừng làm vướng dây của người khác nha bà con!” Các thủy thủ luôn miệng nhắc.

Thủy thủ đoàn người nào người nấy quần quật, hết chạy từ bên nay qua bên kia tàu giúp người câu móc cá lên, đánh số, thả cá xuống hầm, rồi lại chạy qua bên kia giúp người khác gỡ dây. Khi có đám dây rối quá không gỡ nổi, họ lấy kìm cắt hết dây, chỉ chừa lại dây của cần câu nào có cá.

Sau khoảng 30 phút căng thẳng như vậy, tình hình từ từ dịu lại, rồi cuộc chiến lắng hẳn xuống khi thuyền trưởng ra lệnh: “Rút cần câu lên, cá hết đớp mồi rồi, để dành mồi đi chỗ khác, chúng ta sẽ cố đụng trần Yellow Fin Tuna sớm, rồi đi tìm câu Blue Fin Tuna.”

cauca sportfishing 75“Ủa, con cá của tôi đâu rồi?” (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Mọi người rút cần lên. Sàn tàu giờ đây chỗ nào cũng đỏ thẫm màu máu, cá nằm ngổn ngang chưa kịp đánh số. Tổng kết trận chạm trán đầu tiên, “quân ta” thu hoạch được hơn 30 chú Yellow Fin Tuna lớn.

“Ngư dân” Nguyễn Thế Cường, lúc này đã câu được 3 con, tỏ ra lạc quan:

“Ðiệu này tàu mình đụng trần sớm, ai không câu được cũng có cá mang về nha!”

“Ngư dân” Phong Võ, câu được hai con, trầm ngâm: “Chưa chắc đâu!”

Hai cậu trông rất trẻ tuổi lúc xếp hàng chúng tôi tưởng là người Philippines, nãy giờ câu được khá nhiều cá, ở đâu chạy đến làm quen: “Mấy cô chú người Việt Nam?”

“Ðúng rồi! Ồ tưởng tụi em người Philippines.”

“Tại tụi cháu đen quá!” Cậu bé xưng tên Tý, họ Lê, cười dễ dãi.

“Cháu cũng người Việt Nam nè, cô câu được mấy con rồi?” Cậu bé xưng tên là Jojo Phạm hỏi chúng tôi.

“Chưa đi câu bao giờ! Sáng giờ xem mọi người chụp hình quay phim thôi, chưa dám đụng vào cần câu đâu!”

Tý Lê hứa: “Ðừng lo, chút cháu sẽ câu dính cá rồi cho cô tập quay máy kéo cá lên...”

Cuộc chiến vãn rồi, mọi người lúc này mới có tâm trí hỏi thăm nhau hay rủ nhau vào galley (phòng ăn) tìm ly cà phê nóng, ly trà, hay gọi thức ăn sáng.

Thuyền vượt sóng được một lúc, thuyền trưởng lại lên tiếng: “Mọi người chuẩn bị trolling. Tôi sẽ kêu 4 số một lượt. Số người nào được kêu là phải đứng canh cây troll của mình!”

Trời ơi, sao nhiều từ chuyên môn quá vậy, làm sao học kịp, nào là chumming, trolling, color, rồi còn đụng trần nữa. Tìm ai giải thích cho mình bây giờ.

Còn nữa, tại sao có người câu được rất nhiều cá, người chỉ được 1, 2 con, cũng có người không câu được con nào? Tại mồi, tại cần câu, máy quay hay tại người câu?

Vận hành của con tàu

Từ xưa, khi chưa có máy tầm ngư, bất cứ ai ra khơi đánh cá, điều đầu tiên phải học là bốn chữ: “Xem chim, tìm cá.” Giờ đây, dù đã có máy tầm ngư, cũng không thể không học cách tìm chim, vì một radar tầm ngư tốt có thể giúp thuyền trưởng tìm thấy một đàn chim cách khoảng một phần tư dặm, và một radar tầm ngư tuyệt hảo có thể tìm ra chim trước đó 6 dặm. Chim có thể hiện rõ trên màn hình, nhưng không máy tầm ngư nào, dù tốt đến đâu, có thể cho mình thấy rõ dạng cá.

Nhưng xem chim tìm cá như thế nào?

Thuyền trưởng của tàu New Lo-An, một thủy thủ mới 32 tuổi nhưng đã làm việc hơn 9 năm trong ngành Sportfishing, giải thích: “Thường khi dưới mặt biển có một đàn cá đang di chuyển, thì trên không bao giờ cũng có một con chim đầu đàn bay trước, ngay theo sau đàn cá, vì thế cần phải đưa tàu đến 250 feet của con chim đầu đàn này, rồi tùy trường hợp, ra lệnh cho thủy thủ đoàn phải ‘chum’ hay phải ‘troll.’”

(còn tiếp)