Theo hoa tiêu Nguyễn Ngọc Thành, Phi Ðoàn 243 Mãnh Sư với các phi vụ yểm trợ cho các đơn vị bạn, phần nhiều là Sư Ðoàn 22 Bộ Binh và các đơn vị địa phương quân của tỉnh Bình Ðịnh (Qui Nhơn) trong các cuộc hành quân lớn nhỏ khắp Vùng II Chiến Thuật.
SANTA ANA, California (NV) - “Ðây là lần thứ bảy, đại gia đình Mãnh Sư và Nhân Ái của chúng tôi gặp nhau trên xứ sở tạm dung này. Mỗi lần gặp nhau là mỗi lần gợi lại cho chúng tôi bao nhiêu kỷ niệm của một thời cùng nhau chiến đấu bảo vệ quê hương, và những tình cảm thân thương 'chia ngọt sẻ bùi' trong những ngày đồn trú tại phi trường Phù Cát.”
Ông Nguyễn Hồng Tuyền (trái) tặng hoa cho những góa phụ, vợ của những cố hoa tiêu Mãnh Sư. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ðó là lời nói của ông Lê Văn Nải, điều hợp chương trình của Ðêm Mãnh Sư và Nhân Ái kỳ 7 vào tối Chủ Nhật, 20 Tháng Bảy, tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana.
Theo hoa tiêu Nguyễn Ngọc Thành, Phi Ðoàn 243 Mãnh Sư với các phi vụ yểm trợ cho các đơn vị bạn, phần nhiều là Sư Ðoàn 22 Bộ Binh và các đơn vị địa phương quân của tỉnh Bình Ðịnh (Qui Nhơn) trong các cuộc hành quân lớn nhỏ khắp Vùng II Chiến Thuật.
Song song đó, Phi Ðội 259A Nhân Ái sát cánh với Mãnh Sư, trong nhiệm vụ tải thương tại chiến trường. Trách nhiệm của Nhân Ái là bằng mọi giá đêm cũng như ngày di tản càng nhanh càng tốt tất cả các thương binh, tử sĩ khắp các chiến trường thuộc Vùng II Chiến Thuật, từ trong rừng sâu, núi cao hay ngoài biển cả về nơi an toàn để chữa trị hoặc mai táng nếu là tử sĩ.
Hai phi đoàn này đã ngang dọc khắp nơi trên vùng trời Phù Cát như: Tam Quan, Ðề Ðức, Bồng Sơn, Phù Cũ, Phù Mỹ, An Sơn, mật khu An Lão, Vĩnh Thạnh,... là những địa danh rải rác khắp Vùng II Chiến Thuật, không nơi nào không có các bóng dáng của những cánh chim mong manh, nhỏ bé của Phi Ðoàn 243 và Phi Ðội 259A.
Những niềm vui hay những nỗi buồn cùng những kỷ niệm oai hùng của cuộc đời bay bổng đó, vẫn còn mãi mãi trong tận cùng nỗi nhớ của anh em Mãnh Sư và Nhân Ái, và hoài bão nhỏ nhoi của các anh trong những lần đại hội như những cánh chim đơn độc đang từ khắp bốn phương trời bay về tổ ấm.
Và mỗi lần gặp nhau như đêm nay, là mỗi lần các anh nhớ về quá khứ để cùng nhau kể hoài, kể hoài không bao giờ dứt.
Ông Nải chia sẻ: “Chúng tôi vẫn biết, các vị niên trưởng, quý quan khách và thân hữu cũng đồng cảm và cùng chia sẻ với anh chị em của chúng tôi qua những câu chuyện vui buồn hay những kỷ niệm một thời oai hùng ở những địa danh mà ít có ai muốn đến, vì cứ tưởng rằng, anh em chúng tôi bị đưa về nơi đèo heo hút gió. Nhưng khi đã đến nơi rồi thì sẽ không muốn rời đi, vì nơi đó, đã gắn bó keo sơn những tình cảm của anh em chiến hữu Mãnh Sư và Nhân Ái đã sinh sống bên nhau trong từng cư xá như anh em ruột thịt.”
Ông nói tiếp: “Và nơi đây, với nhiệm vụ bảo quốc an dân, chúng tôi đã cùng với những phi đoàn bạn bay hàng ngàn phi vụ để bảo vệ vùng trời của Vùng II Chiến Thuật. Và nhất là cùng quân dân tỉnh Bình Ðịnh kiên cường chiến đấu để bảo toàn lãnh thổ và căn cứ Không Quân Phù Cát thân yêu cho đến ngày quốc nạn.”
Hoa tiêu Thi Quang Vinh, điều hợp nghi thức lễ khai mạc và phút mặc niệm.
Các Mãnh Sư 243 trong nghi thức chào quốc kỳ Việt Mỹ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Sau đó, hoa tiêu Hoàng Thạch Ðỉnh, trưởng ban tổ chức, phát biểu: “Buổi họp mặt đêm nay, đúng ra cũng tổ chức như những lần hội ngộ trước, nghĩa là cũng rầm rộ. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh đất nước của chúng ta hiện thời có những biến động về chính trị có thể đưa đến tình trạng mất nước, làm cho chúng ta không được vui.”
“Và tôi mong rằng, trong đêm nay, quý niên trưởng, quý quan khách cùng các anh em Mãnh Sư và Nhân Ái, chúng ta nên đoàn kết lại để cho mọi người thấy rằng, chúng ta là người Việt, chúng ta phải giữ gìn nước Việt. Và chúng tôi là những người quân nhân đã không được hy sinh cho tổ quốc thì còn lại bao nhiêu người, chúng tôi vẫn tiếp tục hy sinh cho tổ quốc Việt Nam,” ông Ðỉnh cho biết thêm.
Tiếp theo là tiết mục điểm danh gia đình Mãnh Sư và Nhân Ái đến tham dự.
Ban tổ chức thân mời những cựu chiến sĩ hoa tiêu Mãnh Sư và Nhân Ái cùng quý hiền thê từng đôi bước lên sân khấu. Sau đó, họ đồng ca bài Không Quân Hành Khúc.
Ông Huỳnh Văn Bông, cựu phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 243 Mãnh Sư, lên phát biểu.
Ông cho biết, cũng nhờ vào những buổi họp này, anh em mới có dịp biết được tình trạng một nửa gia đình Mãnh Sư và Nhân Ái hiện còn ở Việt Nam. Họ là những cơ khí phi hành, xạ thủ phi hành đã cùng chiến đấu chung với những anh em hoa tiêu mà ngày 30 Tháng Tư, 1975, họ không đủ điều kiện để đi định cư ở những nước ngoài.
Và ngày nay, cuộc sống của họ rất là cực khổ và thiếu thốn. Nhưng các anh em không quên họ. Nhờ sự đóng góp của các Mãnh Sư và Nhân Ái, và thủ quỹ của phi đoàn đều gởi về họ một ít hiện kim vào những ngày lễ Tết gọi là tình đồng đội mà gia đình của Mãnh Sư và Nhân Ái cố gìn giữ cho đến ngày hôm nay.
Ðồng ca bài Không Quân Hành Khúc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Từ các miền của đất nước Hoa Kỳ, chúng ta gom về đây để gặp lại nhau trong đêm nay là để anh em vui mừng sống lại thời gian còn trai trẻ của ngày nào năm xưa, và chúng ta may mắn còn sống sót trong cuộc chiến khốc liệt mà mọi người đều biết, trực thăng là một loại phi cơ đối mặt với nhiều nguy hiểm nhất trong chiến trường lúc bấy giờ,” ông cho biết.
Ông nói thêm: “Lần họp mặt này, tôi xin trân quý những tình cảm tốt đẹp qua sự hiện diện của các anh chị, vừa là bạn cũ, vừa là bạn đồng môn và thâm tình của các anh chị em tại căn cứ Phù Cát đã dành cho tôi trong đêm nay. Khi gặp lại các anh em, tôi có cảm giác như được trẻ lại ở tuổi ba mươi. Tinh thần vui vẻ đối với tôi đó là cái giá rất quý mà tôi cố tìm đến một lần nữa.”
Ông Nguyễn Hồng Tuyền, cựu chỉ huy trưởng căn cứ Không Quân Phù Cát, chia sẻ với mọi người về khoảng thời gian ông trong quân ngũ. Tuy tuổi đời của ông đã ngoài 80, nhưng tinh thần bất khuất dành cho chính nghĩa quốc gia không bao giờ già, nhất là tinh thần thương yêu đồng đội.
Ông đã rơi lệ khi giới thiệu những hiền thê của của các cố hoa tiêu Mãnh Sư: Nguyễn Văn Hải (Hải Sẹo), Nguyễn Hữu Nghề, Trần Thanh Tòng, đã hy sinh tại chiến trường hoặc đã nằm xuống ở xứ lạ quê người, nhưng đã hơn mấy mươi năm, những góa phụ vẫn ở vậy nuôi con khôn lớn và đã thành danh nơi xứ lạ quê người.
Trong đoạn đường dài, họ đã thay chồng nuôi con khi đất nước còn trong dầu sôi lửa bỏng.
Ðến khi miền Nam bị thất thủ, họ lại lăn lộn với cuộc sống khó khăn để nuôi dưỡng đàn con nhỏ dại.
Trước mặt mọi người, những góa phụ đã rơi lệ khi nghe nhắc đến những chiến công của chồng mình, và trong hội trường cũng có nhiều người đang khóc vì thương tiếc đồng đội, cảm phục sự hy sinh của những góa phụ của các cố hoa tiêu Mãnh Sư.