main billboard

“Nếu coi ca hát là một phương tiện, công cụ trong sinh hoạt đoàn thể thanh thiếu niên để từ đó hun đúc tinh thần tự giác, lòng yêu quê hương dân tộc, sự tôn trọng thầy cô, bạn bè thì bắt buộc người phụ trách phải hướng dẫn, phải dạy, phải giải thích cho các em hiểu. Mình hát cho các em hát theo. Phải làm được điều đó.”


WESTMINSTER, California (NV) - Ngày Du Ca Việt Nam 2014 được tổ chức một cách khá công phu và “dài hơi” tại nhà thờ LDS (Church Of Jesus Christ Of Latter Day Saints) ở Westminster từ 2 giờ trưa đến 9 giờ tối hôm Thứ Bảy đã thực sự thể hiện được sự trăn trở, ưu tư cũng như lòng nhiệt thành của nhiều người đối với phong trào Du Ca Việt Nam.

Ngày Du Ca 2014 được ban tổ chức chia làm hai phần: phần đầu, từ 2 giờ trưa đến 5 giờ chiều là phần “sinh hoạt cộng đồng,” phần hai, từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối là phần thảo luận về những vấn đề có liên quan đến phong trào ca hát trong sinh hoạt tập thể hiện nay.

ngayduca 2014 1Nhóm Du Ca Nam-Bắc California hát lại những bài Du Ca một thời tại Ngày Du Ca 2014. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nếu phần đầu thu hút, tạo nên sự sôi động, phấn chấn cho người tham dự bằng việc vừa lắng nghe các nhóm Du Ca Nam-Bắc California hát lại những bài Du Ca vang tiếng một thời, vừa cùng hòa điệu, tất cả cùng hát cùng vỗ tay theo tiếng guitar thùng - nhạc cụ không thể thiếu của Du Ca - thì ở phần thứ hai, người tham gia lại bị cuốn vào việc góp ý kiến, nêu những suy tư, băn khoăn của mình về việc làm thế nào để khơi dậy phong trào ca hát trong sinh hoạt đoàn thể thanh thiếu niên và hướng đi tới của Du Ca là gì.

Do mục đích và hình thức tổ chức Ngày Du Ca 2014 có khác những năm trước nên thành phần tham dự cũng đa dạng hơn, đặc biệt là sự có mặt rất đông của các liên đoàn Hướng Ðạo, các trung tâm Việt ngữ, các gia đình Phật tử, đại diện các học khu...

Trong phần thảo luận về đề tài “Ca hát trong sinh hoạt đoàn thể thanh thiếu niên,” Trưởng Trần Chí Hồng Tiên, thuộc Liên Ðoàn Hướng Ðạo Văn Lang, cho rằng: “Nếu coi ca hát là một phương tiện, công cụ trong sinh hoạt đoàn thể thanh thiếu niên để từ đó hun đúc tinh thần tự giác, lòng yêu quê hương dân tộc, sự tôn trọng thầy cô, bạn bè thì bắt buộc người phụ trách phải hướng dẫn, phải dạy, phải giải thích cho các em hiểu. Mình hát cho các em hát theo. Phải làm được điều đó.”

Ông Ðinh Hồng Phong, 82 tuổi, từng là một trưởng Hướng Ðạo, hiện ở Huntington Beach, đề nghị: “Muốn các em yêu mến, nghe được, hát được những bài hát sinh hoạt thì phải đặt trọng tâm cho các trưởng và các nhà giáo phải có một số vốn về các bài hát ngắn chỉ từ hai đến bốn câu để hướng dẫn cho các em từ các lớp Việt Ngữ.”

ngayduca 2014 2Sôi nổi phát biểu, thảo luận về đề tài “Ca hát trong sinh hoạt đoàn thể thanh thiếu niên” và “Hướng đi tới của Du Ca” tại Ngày Du Ca 2014. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cũng trong đề tài này, nhạc sĩ Hoàng Việt Khanh ở Fullerton nêu ra một hướng đi: “Thầy cô giáo và các trưởng không thể lo hết phần dạy nhạc cho các em mà nên phân các toán Du Ca đến từng trung tâm để hướng dẫn dạy cho các em hát. Ðiều đó sẽ giúp cho Du Ca có cơ hội đến với nhiều người hơn. Kế nữa là vấn đề ngôn ngữ, nên có những bài hát mới phù hợp với ngôn ngữ của các em, do những em trẻ viết và chính họ sẽ là người cầm đàn hướng dẫn, dạy các em nhỏ hát.”

Theo cô Phạm Ðỗ Thiên Hương, thành viên ban tổ chức, cũng là một trưởng Hướng Ðạo, thì để tạo nên không khí ca hát sôi động trong sinh hoạt đoàn thể thanh thiếu niên “cần nhất là sự kiên tâm kiên nhẫn, bền bỉ.”

Cô Thiên Hương cũng đồng ý với giải pháp: để giúp cho các đơn vị thiếu nhân sự trong việc hướng dẫn các em ca hát, nhóm Du Ca Nam California sẵn sàng đến các nơi này để tập hát, để huấn luyện.

Trong đề tài “Hướng đi tới của Du Ca,” cô Bội Phương, một giáo viên có sáu năm dạy Việt Ngữ, nêu tâm tư về việc “nhất thiết phải làm cho phong trào Du Ca sống lại.”

Cũng trong tình cảm này, cô Nga Châu, giáo viên Việt Ngữ của Trung Tâm Hồng Bàng, bày tỏ: “Du ca hun đúc tinh thần dân tộc, đi sâu vào lòng người khiến trỗi dậy trong mỗi người tinh thần yêu nước bất khuất. Vậy thì phải làm sao để truyền được tiếng nói đó đi vào lòng thế hệ sau? Nếu được, trong mỗi trung tâm văn hóa Việt Ngữ nên có một hoặc hai thầy cô tham gia vào nhóm Du Ca Việt Nam để từ đó họ mang Du Ca vào lớp học dạy lại cho các em học sinh.”



Trưởng Phạm Ðỗ Thiên Hương ưu tư: “Dù Du Ca hiện nay vẫn sống nhưng chỉ một năm một lần, họp mặt lại để nhớ lại một thời vậy thì rồi Du Ca sẽ đi về đâu?”

Ông Cửu Long, một trưởng hướng đạo cũng cùng suy nghĩ đó, “Thay vì mỗi năm một lần họp mặt Du Ca, và chỉ có 20 đoàn viên Du Ca trong phong trào thì nên mở rộng hơn để có thêm nhân sự để phát triển mạnh hơn. Các thành viên Du Ca cũng nên chia thành nhiều nhóm để đến tham gia sinh hoạt, hướng dẫn hát Du Ca tại các đơn vị một tháng một lần.”

Một người tham dự phát biểu: “Tôi không phải là dân Du Ca, chỉ là cựu học sinh trường La San Taberd, nhưng tôi vô đây nghe hát hò mà muốn 'lên máu' nãy giờ vì hay quá! Tôi đề nghị mỗi ba tháng tổ chức một lần như thế này đi, rất là hay!”

Tiếng vỗ tay vang lên sau lời phát biểu thẳng thắn nhưng chân tình này.

Rõ ràng, Du Ca, phong trào ca hát một thời của học sinh, thanh niên miền Nam Việt Nam, những tưởng chỉ còn là ký ức, là hoài niệm trong lòng một thế hệ, vậy mà nó vẫn thôi thúc được những người có lòng có tâm trăn trở, kỳ vọng về một ngày Du Ca sẽ lại vang vang khắp nơi.