"Không riêng gì mình ế ẩm đâu, mọi người đều bán ế ẩm hơn mọi năm, hàng trái cây thua lỗ. Như vậy, nửa quí sau của năm nay không được bình yên cho mấy, hắc khí hơi nhiều, tình hình kinh tế còn tiếp tục tuột dốc.”
ÐÀ NẴNG (NV) - Chợ Hàn, Ðà Nẵng, giữa thành phố vốn rất nổi tiếng miền Trung bởi có nhiều chiếc cầu vừa đẹp lại vừa tai tiếng và một bãi biển dài thoai thoải cát vàng cũng có rất nhiều người Trung Quốc “mê mẩn vẻ đẹp nơi đây” nên đã thuê 50 năm để mở sòng bạc và xây dựng khu nghỉ mát.
Tuy họ không gọi đây là bờ biển Trung Quốc nhưng người dân đã thành quen miệng cái tên “China beach.” Chợ Hàn có bán lá Mồng Năm, số lượng cũng nhiều hơn so với các chợ quê.
Lá Mồng Năm không đắt hàng như mọi năm, từ sáng tới trưa chỉ bán được mấy ký. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Chị Thư, một cư dân Ðà Nẵng, bán vé số đã hơn 10 năm nay, tranh thủ ngày Mồng Năm đi bán lá để kiếm thêm chút tiền, kể với chúng tôi: “Em đi hái lá từ sáng tinh mơ ngày Mồng Một, đi lúc 5h sáng, đến 11h trưa thì về, lên tận trên đỉnh Bàn Cờ giữa núi Sơn Trà kia mới có lá.”
“Lá Mồng Năm có nhiều loại, nhưng chủ yếu là cây ngũ gia bì, cây bầu đường và cây bạch quả, nếu là tam vị, còn ngũ vị thì có thêm rễ cỏ tranh và cây hoa trinh nữ. Thường thì người lao động chỉ dùng tam vị thôi, người khá một chút thì ngũ vị, còn dân nhà giàu họ mua cửu vị, có thêm nhiều loại lá khác. Trên thực tế thì giá thành của tam vị, cửu vị hay ngũ vị đều bằng nhau, chỉ có thói quen dùng là khác.”
“Em vẫn thích loại tam vị của dân nhà nghèo dùng nhất, có bầu đường ngọt lịm, có ngũ gia bì vị hơi nhẫn và ấm, có cây bạch quả vị the the, cả ba thứ này trộn đều với nhau, tỉ lệ bằng nhau sẽ cho ra bát nước rất thơm, mát gan, bổ thận mà không sợ tác dụng phụ. Chứ ngũ vị và cửu vị thì em không tự tin cho mấy vì có khi nhiều thứ lá trộn lại nó sẽ cho ra vị thuốc không tốt thậm chí là độc hại mà mình không biết được.”
“Nhưng giới nhà giàu họ ưa mua như vậy gọi là lấy hên, lấy sinh khí thôi chứ họ chẳng có xài đâu. Nhiều khi đi đường, thấy những người mua lá của mình tháng trước mang lá đi đổ sọt rác, mình buồn lắm. Vì tuy bán kiếm lãi, kiếm tiền nhưng mình luôn yêu từng lá cây, ngọn cỏ kia. Mỗi khi hái, mình thắp hương xin thần núi, thần rừng trước, sau đó chọn những thứ cần hái mà không bị hư hại đến cây...”
Một người hái lá cây Mồng Năm khác tên Thủy, cho biết thêm:
“Không phải ai cũng hái lá theo kiểu giống như tụi em đâu. Có nhiều người vặt sạch, miễn có lá để phơi, không cần suy nghĩ đến cái cây đâu!”
“Thường hái kỹ thì ít lá và lá cũng không được đẹp vì thiếu những cành nhánh sung mãn nên không có phần thân cây chặt nhỏ khi bán. Tụi em bán thường ế khách hơn mấy người khác một chút nhưng ngồi lâu rồi cũng bán hết. Mỗi ngày Mồng Năm nếu trúng thì kiếm được cả triệu đồng chứ không ít đâu!”
Người nghèo thích lá Mồng Năm tam vị vì bát nước rất thơm, mát gan, bổ thận... (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
“Thì hái lá xong, về rửa cho sạch, xong rồi lặt những lá khô, lá có sâu, sau đó chặt nhỏ rồi phơi cho khô, mùa này nắng nóng nên chỉ cần phơi hai nắng là khô, nếu kỹ thì phơi ba nắng, sau đó mang ra chợ bán. Mỗi ký năm chục ngàn đồng.”
“Lá Mồng Năm dành cho người sau khi sinh uống là tốt nhất, bởi ngày Mồng Năm là ngày Hạ Chí, ngày ánh sáng đẹp nhất trong năm, khí dương tích tụ trong lá cây từ Mồng Một, đến Mồng Năm, giữa trưa, mang ra phơi để lấy khí trời. Phụ nữ sau khi sinh, uống nước lá sẽ không bị đau bụng về lâu về dài, tránh chứng sản hậu...”
“Thường thì khi đi hái lá Mồng Năm, nếu biết, người ta tranh thủ xem thiên cơ, khí vận của năm. Và trong quá trình bán cũng vậy. Mọi năm, khí vận khá tốt nhưng năm nay, mới 5h sáng ngày Mồng Một mây đen đã u ám đỉnh núi, mặc dù buổi trưa nắng gắt, nóng nực. Lá cây cũng xơ xác hơn mọi năm...”
“Và ngồi cả ngày ngoài chợ mà bán chỉ được có hai trăm ngàn đồng, tương đương với bốn ký lá. Không riêng gì mình ế ẩm đâu, mọi người đều bán ế ẩm hơn mọi năm, hàng trái cây thua lỗ. Như vậy, nửa quí sau của năm nay không được bình yên cho mấy, hắc khí hơi nhiều, tình hình kinh tế còn tiếp tục tuột dốc.”
“Chuyện đi hái lá Mồng Năm, nếu đúng lệ thì người hái lá phải biết coi thiên văn một chút, cái này nghề gia truyền, từ thời cụ Hải Thượng Lãng Ông để lại, ông tổ của lá Mồng Năm chính là cụ Hải Thượng Lãng Ông, cụ nói rằng phương Nam của mình nhiều thuốc, tại sao phải dựa vào thuốc của phương Bắc (Trung Hoa)? Hái lá Mồng Năm cũng là khẳng định rằng thuốc Nam chữa cho người Nam, không cần đến thuốc Bắc. Thế nhưng năm nay, tình thế có vẻ thay đổi nhiều, khí tiết cũng nóng nực và u ám, khó nói.”
Khi chúng tôi hỏi chị Thủy về cái điều mà chị nói là “tình thế thay đổi nhiều,” nhờ chị giải thích thêm, chị chỉ lắc đầu, cười buồn, bảo rằng: “Các anh chị đừng đánh đố hoặc vờ vịt thêm nữa, như vậy khó thân tình được lắm. Chắc là anh chị thừa hiểu cái giàn khoan kia nó đang làm gì chứ? Nó đã khoan đến thủng cả mấy cái lá Mồng Năm rồi kia mà!”
Chúng tôi tạm biệt chị Thủy, tạm biết chợ Hàn, Ðà Nẵng. Chị đã nói đúng, Mồng Năm này nghe u ám, nặng nề và mọi chuyện đã thay đổi quá nhiều!