main billboard

Cả bà nữ phát ngôn viên của Hội đồng Giao Dịch với Lục địa của Đài Loan là Wu Mei-hung và ngoại trưởng David Lin cho biết Đài Loan không hợp tác gì với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp.


ĐÀI BẮC (NV) .- Chính quyền đảo quốc Đài Loan không hợp tác với nhà cầm quyền tại Bắc Kinh trong vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông với Việt Nam.

dailoan khongtheo tcCờ Đài Loan và tấm giấy nói không sử dụng người Trung Quốc tại một cơ sở ở Bình Dương. (Hình: GDVN)

Một phát ngôn viên của Hội đồng Giao Dịch với Lục Địa của chính quyền Đài Loan xác nhận hôm Thứ Năm với báo giới rằng Đài Loan không hợp tác với nhà cầm quyền Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông với Việt Nam. Trước đó, phát ngôn viên Ma Xiaoguang của cơ quan vừa kể cho hay, Bắc Kinh đề nghị hai bên hợp tác để đối phó với Việt Nam.

Những gì xảy ra trên Biển Đông những năm qua dẫn đến ngày nay bắt nguồn từ một bản đồ phác họa chủ quyền Trung quốc theo 9 đoạn hình “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% khu vực có dưới thời Tưởng Giới Thạch năm 1949 khi ông này chưa phải dẫn quân chạy từ Hoa Lục qua Đài Loan trước sự tấn công của quân Cộng sản của Mao Trạch Đông. Sau khi làm chủ được Hoa Lục, những kẻ cầm đầu chế độ Cộng sản tại Bắc Kinh tiếp tục chủ trương này trong khi Đài Loan cũng vẫn giữ quan điểm tương tự.

Theo đó, Bắc Kinh mới kêu gọi Đài Loan hợp tác để tăng sức mạnh cho các đòi hỏi chủ quyền ngang ngược không một nước nào trong khu vực chấp nhận. Lợi dụng sự tương đồng trong quan điểm, Tân Hoa Xã dẫn ý kiến của ông Ma Xiaoquang nói rằng “Bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích chung của Trung hoa là bổn phận của người của cả hai bên”.

Tuy nhiên,  phản ứng của Đài Loan là bác bỏ sự lôi kéo của Bắc Kinh. Cả bà nữ phát ngôn viên của Hội đồng Giao Dịch với Lục địa của Đài Loan là Wu Mei-hung và ngoại trưởng David Lin cho biết Đài Loan không hợp tác gì với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp. Bà Wu Mei-hung cho hay Đài Loan không thấy khả năng hợp tác với Hoa Lục về tranh chấp Biển Đông và nhấn mạnh rằng điều này vốn là lập trường của Đài Loan từ trước tới giờ.

Đài Loan thích hợp hơn trong cách giải quyết tranh chấp theo đường lối tương tự như chủ trương của chủ tịch Mã Anh Cửu đối phó với vấn đề biển Hoa Đông. Theo kế sách này, tất cả các bên tranh chấp gồm cả Hoa Lục, Đài Loan và Nhật Bản cùng hợp tác khai thác tiềm năng dầu khí của khu vực quần đảo Điếu Ngư mà Nhật gọi là Senkaku trong khi mỗi bên đều vẫn giữ quan điểm chủ quyền lãnh thổ của mình.

Trong chiều hướng đó, hồi năm 2013, Đài Loan và Nhật Bản đã ký một hiệp ước về ngư nghiệp, nhờ vậy các tàu đánh cá thương mại của Đài Loan tiếp cận được vùng biển Senkaku mà không bị rắc rối với chính phủ Nhật Bản.

Điều này ám chỉ có thể Đài Loan muốn tiến đến những thỏa hiệp tương tự với các nước đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, vùng biển này lại là nơi tranh chấp giữa nhiều quốc gia chứ không phải chỉ có hai bên nên đạt được một thỏa hiệp cũng khó khăn gấp bội.

Đài Loan hiếm khi có những xung đột chủ quyền nghiêm trọng với các nước khác, đặc biệt là với Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa ngoài những lời phản đối qua lại. Tuy cũng tuyên bố chủ quyền cả quần đảo Hoàng Sa nhưng trên thực tế, Đài Loan không có gì tranh chấp. Mọi chuyện diễn ra tại đây đều giữa Việt Nam và Hoa Lục.

Mấy ngày qua, xảy ra các vụ biểu tình bạo động tại Việt Nam, hàng trăm cơ sở sản xuất kỹ nghệ của Đài Loan đã bị nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Hàng trăm người Đài Loan đã hối hả bỏ chạy cả bằng đường bộ lẫn đường hàng không vì sợ nguy tới tính mạng khi người dân bầy tỏ sự phẫn nộ đối với hành động Trung Quốc mang dàn khoan HD981 tới tìm dầu khí trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tin tức chính thức của nhà nước CSVN chỉ nhìn nhận có một người chết nhưng hãng thông tấn Reuters thuật theo lời kể của một bác sĩ tại bệnh viện Hà Tĩnh thì có tới 5 người Việt Nam và 16 người Trung quốc thiệt mạng khi hàng ngàn người dân địa phương tràn vào tấn công nhà máy luyện thép Formosa, vốn đầu tư Đài Loam, đang xây dựng dở dang tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh ngày 14/5/2014.

Tại Bình Dương, tất cả các cơ sở vốn đầu tư Đài Loan vội vã dán lá cờ Đài Loan ở hàng rào phía trước cùng với những lời giải thích phân biệt họ với nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc tại Hoa Lục và còn nói ủng hộ lập trường của người Việt Nam. (TN)