Tập hồi ức như một khúc phim với nhiều lo âu, khổ cực...của người sĩ quan trẻ chưa đủ kinh nghiệm chiến trường.
Hồi Ức: Thoát Chết Trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972
Tôi được thuyên chuyển về đại đội 101 Cảnh sát dã chiến (CSDC) Quảng Trị vào giữa năm 1969. Sau trận tổng công kích tết Mậu Thân (1968), các cơ sở hạ tầng Cộng Sản tại địa phương đã bị tan nát gần hết, chúng phải giảm hoạt động để lo củng cố lại thế lực. Nhờ vậy tỉnh địa đầu giới tuyến nghèo nàn khốn khổ này cũng bớt bị chúng quấy phá được một thời gian.
Bước sang năm 1972 thì tình hình an ninh của tỉnh Quảng Trị lên cơn sốt trở lại. Đầu tiên Việt Cộng (VC) trở lại khuấy rối, khủng bố nhiều nơi. Đạn pháo của VC thỉnh thoảng lại rót xuống bất cứ nơi nào trong tỉnh, không phân biệt khu vực quân sự hay khu vực dân cư. Sự việc này đã làm dân chúng hoảng lên, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Nhưng đó mới chỉ là những đòn hăm he, thăm dò.
Tới cuối tháng 3/72 VC chính thức mở màn tấn công vào các tuyến phòng thủ của quân lực VNCH ở biên giới. Trước áp lực của Cộng quân, đầu tháng 4/72, chính quyền các quận, xã ở bốn quận phía bắc Quảng Trị gồm Đông Hà, Gio Linh, Hướng Hóa, Cam Lộ phải lần lượt di tản về thị xã. Dân chúng ở bốn quận trên cũng tự động lũ lượt theo chân chính quyền kéo về thị xã làm cho tình hình an ninh toàn tỉnh càng thêm phức tạp.
Thiếu tá Vũ Văn Phòng, chỉ huy trưởng BCH/CSQG Quảng Trị đã huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát chìm nổi dưới quyền, ngày đêm phối hợp với các đơn vị bạn, lo việc bảo vệ an ninh thị xã và ba quận còn lại.
Lúc bấy giờ tôi đang làm đại đội phó, dưới quyền đại úy đại đội trưởng Trần Cháu. Sẵn quân số 4 trung đội CSDC tăng phái cho các BCH/CSQG các quận phía bắc đã rút về thị xã, thiếu tá Vũ Văn Phòng chỉ thị cho đại đội đưa một bộ phận quân số đó ra trấn giữ những cao ốc dọc bờ sông Thạch Hãn trong phạm vi thị xã. Tôi được giao trách nhiệm chỉ huy kiểm soát bộ phận này.
Từ khi phục vụ trong lực lượng CSDC, tôi đã tham gia nhiều cuộc hành quân, thường là hành quân cảnh sát. Thỉnh thoảng mới có những cuộc hành quân lùng kiếm những cơ sở VC. Các cuộc hành quân này đều ở tầm cỡ nhỏ bé, lại nhờ được cơ quan tình báo cho tin chính xác nên chúng tôi thường đạt kết quả tốt. Hồi được đưa về tăng cường các BCH/CSQG quận, đêm đóng ở các chi khu như Cam Lộ, Mai Lĩnh, Gio Linh đơn vị tôi đều được giao việc phòng thủ một mặt của chi khu nhưng chưa lần nào bị địch tấn công. Vì thế bản thân tôi chưa có mấy kinh nghiệm thực tế về chiến trường.
Nay tận mắt chứng kiến cảnh cả chính quyền lẫn dân chúng từ bốn quận miền Bắc ùn ùn đổ về thị xã tôi rất hoang mang, lo sợ. Một số gia đình có đủ phương tiện đã không ngừng lại ở thị xã mà đi tuốt vào Huế hoặc Đà Nẵng. Tình hình xem ra đã quá căng thẳng. Các đơn vị an ninh sở tại rất vất vả trong việc giữ trật tự và đề phòng VC xâm nhập. VC cũng đã bắt đầu pháo kích lai rai vào thị xã. Mỗi lần nghe tiếng đại bác của địch nổ ruột tôi cứ như bung bung lên.
Tuy chiến trường phía Bắc Quảng Trị đã thật sự nổ lớn nhưng trục lộ giao thông Huế - Quảng Trị vẫn còn tương đối an toàn. Dân Quảng Trị vẫn lần lượt di chuyển vào Huế. Lúc bấy giờ tôi cứ nghĩ họ ra đi chỉ vì mục đích tránh xa vùng lửa đạn chứ không hề nghĩ chính quyền VNCH lại để Quảng Trị lọt vào tay VC. Tuy trong lòng rất lo nhưng tôi vẫn luôn gắng làm mặt tỉnh. Hằng ngày tôi rất siêng lui tới các chốt đóng quân trong phạm vi trách nhiệm để kiểm soát nhân sự, kiểm soát việc phòng thủ đồng thời để trấn an anh em.
Rồi một buổi tối nghe tiếng súng ở phía bắc có vẻ dữ dội hơn. Tôi đang lo âu thì anh Vân truyền tin chạy thình thịch từ trên lầu xuống gọi tôi:
-Này, ôn lên mà coi. Đánh nhau quá ác liệt!
Tôi vội chạy lên lầu thì thấy bà chủ nhà cùng vài anh lính của tôi đang chăm chú nhìn ra phương Bắc qua cửa sổ. Một cảnh tượng khủng khiếp đang diễn ra rõ mồn một trước mắt tôi. Từng ánh chớp rất lớn loé lên chiếu sáng cả một vùng. Sau mỗi ánh chớp loé lên bốn năm giây lại nghe một tiếng nổ như xé trời. Chắc không phải là đạn đại bác mà là loại bom mìn cỡ lớn hơn! Trái này chưa dứt trái khác lại trỗi lên. Chứng kiến tận mắt cảnh này niềm tin sắt đá Quảng Trị không thể mất của tôi đã bị lung lay mạnh. Tôi gọi về đại đội mấy lần hỏi có gì thay đổi không nhưng lần nào cũng nghe trả lời cứ yên vị đợi lệnh. Rõ ràng là những tình huống xấu đã sẵn sàng xảy ra. Đêm đó tôi cứ bồn chồn lo nghĩ về những ngày sắp tới. Tuy nằm yên lặng ở nền nhà nhưng lúc anh em thay đổi phiên gác tôi đều biết cả. Gần như tôi cứ chong mắt mà đợi sáng. Lúc gần sáng tôi mới chợp mắt được một lát thì anh Vân truyền tin đánh thức tôi:
-Đêm rồi đánh nhau quá dữ mà chưa nghe tin tức ra sao cả. Cơm chín rồi, có thịt heo kho nữa. Ôn dậy ăn ba miếng kẻo có chuyện bất ngờ lại đói.
-Đại đội có cho lệnh lạc chi không?
-Lệnh cứ ở tại chỗ đợi lệnh vậy thôi!
Vệ sinh cá nhân xong tôi ăn qua loa vài miếng rồi lại dẫn vài anh em lội đi kiểm tra các chốt đóng quân. Tôi gắng thuyết phục anh em để họ yên tâm và chăm lo phận sự hơn. Tuy có lệnh cấm trại 100% nhưng tới chỗ nào tôi cũng thấy thiếu vắng một hai người. Một số lính CSDC ở đây là dân địa phương, nhà cửa không xa. Trong tình thế nghiêm trọng này không ai khỏi bồn chồn lo lắng nên họ có thể chuồn về để thăm chừng gia đình. Tôi biết vậy nên làm ngơ không hạch hỏi.
Buổi sáng ấy tiếng súng ở phía Bắc có vẻ như thưa thớt hơn. Nhưng lúc gần trưa thì đại bác của VC lác đác rót vào thị xã. Sau đó nhịp độ pháo càng lúc càng tăng. Tôi bảo truyền tin liên lạc với đại đội để hỏi thăm tình hình nhưng chẳng nghe được lệnh gì mới ngoài lệnh cứ nằm yên tại chỗ. Quanh dãy cao ốc tôi trấn giữ chưa bị trúng quả pháo nào nhưng những tiếng nổ chát chúa gần gần đã làm anh em mất tinh thần. Rồi hai anh trưởng toán đóng ở các cao ốc đến tìm tôi, một anh lo lắng nói:
-Mình ở đây hơi khuất ôn ơi, ôn phải liên lạc liên tục với đại đội chứ biết đâu khi gấp quá đại đội rút mà quên báo cho mình biết thì nguy lắm!
Anh thứ hai nói tiếp:
-Dám lắm chứ sao không. Chuyện chi cũng có thể xảy ra hết phải không ôn?
Tôi phải gượng cười trả lời:
-Mấy cậu lo xa quá. Máy mình mở liên tục mà. Làm sao ông Cháu lại quên tụi mình được chứ?
Quả tình thời gian đó chúng tôi mở máy liên lạc cả ngày lẫn đêm. Những tin tức loan trên máy cũng như việc điều động công tác trong đại đội phần lớn chúng tôi đều nghe được cả. Vả lại chúng tôi đóng cách ban chỉ huy đại đội chẳng xa nên tôi không sợ bị bỏ rơi. Nhưng một trong hai anh lại nói nhỏ:
-Ôn coi chừng chứ tình hình khó lắm rồi. Toán của em hồi sáng thằng Bảo xin về thăm chừng gia đình một chút tới chừ chưa thấy trở lại. Cho người tới gọi ở nhà nó thì thấy nhà vắng hoe. Có thể nó đưa gia đình vô Huế rồi. Hôm qua nó nói với em gia đình nó muốn vô Huế nhưng một tay vợ nó ôm hai đứa con dại lúng túng chưa đi được. Em xin báo để tùy ôn quyết định.
Tôi lúng túng chưa biết tính sao. Chính tôi đã dặn nhỏ các trưởng toán nên du di cho mấy anh em ở gần nhà một chút. Trong trường hợp sống chết kề nhau này, nếu mình tỏ ra nghiêm khắc quá thật không hay. Nếu lỡ để gia đình người ta gặp chuyện không may mình sẽ ân hận suốt đời. Tôi nói:
-Thôi, để đó đã. Mai nó không trở lại hãy hay.
Thấy tôi tỏ vẻ dễ dãi, anh kia lại tiếp:
-Toán tôi cũng có hai thằng theo đưa gia đình vô Huế rồi.
Tôi nghe hơi bực mình nên nói lớn:
-Đã loạn đến nước này rồi sao?
Anh ta không còn úp mở nữa:
-Thông cảm đi ôn! Mấy ngày nay người ta chạy dữ quá ai thấy mà không nóng ruột? Gia đình ôn ở Huế đỡ lo chứ tụi tôi chừ đứa nào ruột cũng bấn như tương ôn ơi!
Lời nói quá thật tình của anh ta làm tôi cũng não ruột lây. Lúc bấy giờ vợ tôi mới 24 tuổi, tôi cũng có hai đứa con trai nhỏ, một mới lên ba, một chỉ được ba tháng. Chắc hẳn vợ tôi cũng đang nóng ruột chờ tin tôi. Nếu như chiến trận xảy ra tại Huế chắc gì tôi còn đủ bình tĩnh để liên miên đi kiểm soát các chốt quân như bây giờ? Nghĩ thế nên tôi phải cố tìm lời để trấn an anh em:
-Thấy dữ dằn vậy chứ không đến nỗi nào đâu! Quá lắm cũng như vụ Mậu Thân ở Huế là cùng. Từ trước tới nay chính phủ mình có bao giờ bỏ tỉnh nào quận nào đâu? Trước sau ông Thiệu cũng đưa viện binh ra tiếp viện thôi!
Tôi định bảo họ trở về chốt của mình thì anh Vân truyền tin ra nói nhỏ với tôi:
-Lạ quá ôn ơi! Sao nãy giờ liên lạc với đại đội không được mà liên lạc với tổng đài cũng không nghe chi hết! Không lẽ Bộ chỉ huy tỉnh và đại đội rút cả rồi?
Tôi bảo Vân đưa máy cho tôi gọi thử. Quả thật không còn liên lạc với ai được nữa. Hai anh toán trưởng đang đứng gần cũng đoán ngay có chuyện quan trọng liền dồn dập hỏi:
-Mất liên lạc rồi ôn? Bây giờ tính sao?
-Hay là mình rút về BCH/ĐĐ xem sao?
Tôi còn dật dờ thì Vân truyền tin nói:
-Họ chạy hết rồi mà bắt mình giữ mấy chỗ này sao ôn?
Tôi không còn biết tính sao nữa, bèn thuận theo:
-Thôi cho anh em rút về đại đội, nhưng di chuyển chậm chậm thôi. Tôi với Vân phải về trước xem đại đội còn ở đó không đã. Nếu còn tôi sẽ làm hiệu, anh em phải lo trở lại vị trí cũ ngay kẻo bị khiển trách đấy.
Nói xong tôi choàng ba lô vào vai cùng với Vân bước nhanh về phía BCH/ĐĐ. So với các chốt khác, chốt tôi gần với BCH/ĐĐ hơn cả nên tôi về đến nơi sớm nhất. Hỡi ơi, ở đó tuyệt nhiên không còn một bóng người! Hóa ra đại đội đã rút đi thật! Thôi rồi, bây giờ biết di chuyển đi đâu và di chuyển bằng cách nào? Tất nhiên là chỉ có con đường hướng về Huế nhưng đường lúc này còn đi được không? Trước kia lâu lâu vẫn có lần VC chận xe đò huống là lúc này? Mấy hôm rồi phần lớn dân chúng ai có chút phương tiện đều đã di tản vào Huế cả, giờ chắc tìm xe khó lắm. Tôi sợ hãi, bối rối tột độ nhưng vẫn cố gắng làm ra vẻ bình tĩnh đợi anh em. Lát sau anh em tựu về, nhân số hơn bốn chục giờ còn không tới một tiểu đội. Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Tụi nó đâu hết mà chỉ có chừng này?
Một anh trả lời:
-Nghe tin đại đội đã rút tụi nó sợ quá chạy về lo cho gia đình hết rồi ôn ơi!
Câu nói này làm tôi càng hoảng thêm. Đại đội này hầu hết là dân địa phương cả. Chỉ có một số cấp chỉ huy là người Huế nhưng bây giờ họ đã đi cả rồi. Ngay trong đám CSDC còn lại này cũng chỉ một mình tôi là dân Huế. Nếu sa vào bước đường cùng, họ còn có thể được thân thích hoặc những người quen biết che chở, còn tôi biết dựa vào đâu? Nghĩ tới điều này tôi rụng rời cả chân tay!
Tôi đang bối rối thì một thuộc viên nói:
-Bây giờ trời đã quá chiều vô Huế cũng không kịp mà đêm hôm tá túc chỗ lạ cũng nguy hiểm, hay ở lại đây sáng mai tính tiếp được không ôn?
Ở lại đây đêm nay ư? Đây gần BCH/CSQG tỉnh Quảng Trị, nơi có thể cất chứa nhiều loại hồ sơ quan trọng, là mục tiêu nhắm vào của địch và cũng có thể bị bên mình dội bom để tiêu hủy số hồ sơ chưa chuyển đi kịp! Không thể! Phải đi khỏi chỗ này gấp. Lên quốc lộ 1 (QL1) may ra còn gặp xe cộ hay các đơn vị khác để cùng đi với họ chứ ở lại đây thì chỉ còn chờ bị bắt hoặc bị dội bom thôi! Nghĩ vậy nên tôi ra lệnh:
-Bây giờ còn bao nhiêu đi bấy nhiêu. Đi hàng dọc hướng về QL1.
Khi chúng tôi vừa đi ngang cổng BCH/CSQG Quảng Trị thì một nhân viên cảnh sát sắc phục áo mũ đàng hoàng chạy ra đón lại kêu:
-Thiếu úy, thiếu úy còn đây à? Thấy thiếu úy em mừng quá!
Tôi ngừng lại hỏi:
-Không phải bộ chỉ huy tỉnh rút cả rồi sao?
-Em không biết. Em mới ra thay phiên trực coi nhà tạm giam. Người cùng trực với em cũng không thấy đâu. Người vừa bàn giao cho em biết Thiếu tá chỉ huy trưởng vừa đi họp ở tiểu khu về mới vừa ở đây. Ông chửi ầm lên nói sẽ trị tội đại đội CSDC vì chưa có lệnh đã bỏ chạy.
-Thế bây giờ Thiếu tá ở đâu?
-Em cũng không biết nữa.
Một thuộc viên của tôi giục:
-Thôi mình cứ đi thiếu úy ơi!
Anh cảnh sát sắc phục hoảng hốt hỏi:
-Bây giờ thiếu úy đi đâu? Thiếu úy ơi, đám nghi phạm ở phòng tạm giam đang đập phá rầm rầm bây giờ làm sao đây thiếu úy?
Trời ơi, nhè lúc này mà hỏi tôi điều ấy! Anh ta đâu biết tôi còn bấn ruột hơn anh ta bội phần. Thị xã Quảng Trị lúc này coi như đã bỏ ngõ. Đám anh em đang theo tôi đều là người địa phương cả. Trường hợp gặp nguy biến họ còn có thể nương tựa vào gia đình, họ hàng, xóm giềng… Riêng tôi lại là người xứ khác, một thân trơ trọi, biết tính sao đây? Tôi cảm thấy cái chết đã lơ lửng trên đầu! Phải chạy gấp về phía QL1 mới hi vọng tìm được đường sống. Tôi ngượng nghịu nói:
-Người ta đi cả rồi chúng tôi cũng phải đi thôi. Nhiệm vụ của anh quan trọng lắm, anh phải tự quyết định chứ tôi không dám có ý kiến đâu!
Anh cảnh sát sắc phục tỏ vẻ tuyệt vọng:
-Thế này em cũng đành liều bỏ về nhà thôi!
Tôi cũng muốn anh ta làm như vậy vì trong tình thế này anh ta đâu có thể làm khác hơn được.
Đoạn đường để tới QL1 tuy rất ngắn và trời vẫn còn khá sớm nhưng nó có vẻ hoang vắng đến rùng rợn. Nhà cửa hai bên đường vẫn nguyên vị nhưng mọi sinh hoạt như đã ngừng hẳn. Ngoài chúng tôi ra tuyệt nhiên không còn thấp thoáng một bóng người nào khác. Sự hoang vắng ngột ngạt đó đã khiến tôi rùng mình nhiều lần. Tôi phải luôn nhắc nhở anh em cẩn thận quan sát vì biết đâu lại chẳng gặp bọn VC xuất hiện bất ngờ…
Càng đến gần QL1 lòng tôi càng hoang mang dao động. Sao chiến trường đang sôi sục vậy mà đoạn đường này lại hoàn toàn im vắng? QL1, trục lộ huyết mạch để tăng viện, để tải thương cho Sư đoàn 3 bộ binh cùng các đơn vị quân sự khác ở mặt bắc Quảng Trị đã bị cắt rồi ư? Nếu quả vậy thì chúng tôi đã trở thành những con cá nằm trong lờ rồi! Có nên tiếp tục lên QL1 không? Tôi đang bối rối thì Tâm, một thuộc viên của tôi nói:
-Như thế này chắc QL1 đã bị khóa rồi, mình đi theo QL1 sẽ bị dính chấu ngay. Tụi tôi ở đây đều có nhà cửa có thể về nhà rồi liệu sau chứ ôn bây giờ làm sao vô Huế được? Hay mình trở lui? Ôn cứ tạm về nhà tôi ẩn náu rồi tính sau được không?
Đề nghị này xem ra cũng có lý. Không ngờ tôi lại lâm đường cùng mau chóng thế này! Trong lúc tôi đang tuyệt vọng bỗng một anh khác kêu lên:
-Có xe kìa, có xe kìa!
-Coi chừng xe Việt Cộng đó! - một anh khác nói.
-Việt Cộng gì! Xe dân sự sờ sờ không thấy sao!
Tôi mừng quá. Quả thật một chiếc xe dân sự đang chạy về phía Nam. Xe chạy rất chậm vì người đeo đầy nhóc, khó tìm chỗ để bám víu thêm. Nhưng bây giờ chúng tôi yên tâm hơn để cuốc bộ dọc theo QL1, đi được đoạn nào hay đoạn nấy!
Qua được một đoạn lại có một chiếc xe dân sự khác chạy qua nhưng tình trạng cũng chẳng khác chi chiếc xe trước. Tôi nhìn theo lắc đầu thất vọng. Một thuộc viên nói:
-Nếu đi một mình em đã nhảy lên chiếc xe ấy rồi. Đi bộ thế này bao giờ mới tới Huế được ôn? Em nghĩ bây giờ gặp xe nào mình cũng đón đại, thấy xe rộng cứ nhảy lên, đi được người nào hay người nấy ôn ơi. Vô Huế rồi trình diện đại đội cũng được thôi. Đại đội bỏ rơi mình chứ đâu phải mình bỏ ngũ mà sợ!
Nghe cũng có lý. Phải đón cho được xe mà đi chứ đi thế này thì bao giờ mới vô tới Huế? Nhưng lúc này làm gì có xe trống? Trời đã sắp tối, chúng tôi chỉ là một toán lính quen hoạt động ở thành phố, ít đụng chạm với chiến trường thực tế. Di chuyển ban đêm mà không liên lạc được với các đơn vị bạn cũng dễ chết lắm. Đêm nằm dọc đường nếu không gặp địch cũng gặp bạn rồi ngộ nhận bắn nhau lại càng đau! Nghĩ đến điều này tôi thấy ớn lạnh. Tôi hơi hối hận đã không nghe lời đề nghị về nhà Tâm tạm ẩn náu. Thế nào cũng có lúc quân đội VNCH tiến ra giải tỏa áp lực của Cộng quân chứ?
Lòng tôi đang rối như tơ vò thì lại một chiếc xe khác trờ tới. Đám đàn em của tôi chận lại. Chiếc xe này chỉ có thể ngồi ở cabin nhưng đã có người ngồi chật ních. Thân xe chỉ là một sàn gỗ không có thành để vịn tựa gì cả nhưng cũng có hai người đứng vịn vào cabin. Sàn xe thì chở đồ gì đó đậy kín vải nylon xanh có dây ràng rịt kỹ lắm. Người tài xế khoát tay nói:
-Hết chỗ rồi, đằng sau không có chỗ vịn, các ông không đi được đâu!
Một thuộc viên của tôi nói:
-Thêm vài người nữa không được à?
Người tài xế nói:
-Nếu đứng được sau đó thì cứ lên!
Hai người đang đứng trên xe đều tỏ vẻ khó chịu nói:
-Hết chỗ vịn rồi, chỉ có thể thêm một người nữa thôi! Ai lên thì lên đại đi cho rồi.
Đám thuộc viên của tôi nhao nhao nói:
-Rứa thì ôn lên đó đi. Tụi tôi sẽ đón xe khác đi cũng được.
Trong lúc bối rối tôi đã trở thành bị động. Tôi quàng súng vào vai, dợm leo lên xe. Một người đang ở trên vói tay kéo tôi, mấy anh em CSDC thì đỡ người tôi đẩy lên. Tôi cám ơn nhưng hai người này không nói gì. Thấy họ có vẻ bực mình tôi bèn giả lả hỏi họ vài câu cho bớt căng nhưng cả hai đều giả lơ. Cứ tưởng xe sẽ chạy thẳng vào Huế ai ngờ mới đi được chừng một cây số thì xe phải chậm lại rồi phải ngừng vì kẹt đường. Bấy giờ tôi mới nhận rõ phía trước là cả một dãy xe nối tiếp nhau dài xa tít cùng với vô số người đang gánh gồng đi bộ…
Hai người đứng trên xe nói với nhau:
-Thôi, mình xuống đi bộ quách, chịu không nổi.
-Phải rồi, hôi quá, tôi cũng chịu không nổi.
Rồi cả hai cùng nhảy xuống. Nghe họ nói hôi quá chịu không nổi tôi mới để ý và cảm nhận ở đâu đây mùi hôi khó chịu thật. Thế là tôi cũng nhảy xuống, đưa tay chào cám ơn chủ xe rồi bước theo chân hai người kia. Khi đã theo kịp họ, tôi hỏi:
-Mùi hôi trên xe là mùi gì hai anh biết không?
Một anh đáp:
-Anh đứng bên mấy cái xác chết vậy mà không biết à? Khi xe chạy còn đỡ hôi, mỗi lần xe ngừng là mỗi lần khổ sở hai lỗ mũi!
Hóa ra là vậy! Hèn chi khi chúng tôi đón xe lại hai anh này nhăn nhó tỏ vẻ rất khó chịu. Cũng lúc đó tôi nhận ra mình đang bị trịt mũi, khó thở. Có lẽ vì tôi ốm yếu lại quá mệt mỏi sau nhiều ngày ăn uống thất thường và mất ngủ nên mới bị vậy. Nhưng cũng nhờ trịt mũi nên khi đứng trên xe tôi ít khó chịu vì mùi hôi.
Tôi chưa rõ nguyên nhân đã gây nên sự trở ngại lưu thông. Có thể đường đã bị VC đào hầm hay đắp mô lắm. Trong khi dòng xe cộ di chuyển bị trở ngại, có một số người trên các xe rời chỗ xuống đi bộ vì không chịu nổi sự gò bó khi xe quá đầy. Dòng người đi bộ đó ngoài dân chúng ra còn có một số lính tráng, trong số đó có vài anh tôi quen biết đang phục vụ ở các chi khu trong tỉnh. Họ cũng gặp trường hợp tương tự như tôi. Thấm thoắt trời đã gần tối. Trong khi tôi vừa đi vừa nói chuyện với anh bạn thiếu úy địa phương quân thì một viên trung úy gọi chúng tôi mà nói:
-Mình mang súng lè kè thế này đêm hôm lẫn lộn với dân chúng sao tiện? Trong tình trạng hổ lốn này tin ai được? Chết lãng nhách với tụi nó lúc nào không hay đấy! Bây giờ đừng phân biệt địa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát gì cả, phải tập trung lại với nhau, lựa chỗ nào thuận lợi để nghỉ qua đêm. Phải chia nhau canh gác cẩn thận để giữ mạng đã rồi ngày mai tính tiếp phải không các bạn?
Nghe viên trung úy nói có lý, chúng tôi đồng ý ngay. Thế là chúng tôi chia nhau tìm những quân nhân quen biết để thông báo đề nghị ấy. Không mấy chốc chúng tôi đã gom tụ được mười mấy người. Chúng tôi bèn kiếm một ngôi nhà vắng chủ gần QL1 tương đối thuận lợi để tạm nghỉ. Một phần nhờ nỗi lo đã giảm bớt, một phần vì quá mệt mỏi, đêm ấy tôi đã tìm được một giấc ngủ khá ngon lành cho tới khi bị đánh thức kêu thay phiên gác. Sau phiên gác của tôi, dù trời vẫn chưa sáng, khó có ai ngủ thêm được vì tiếng động cơ, tiếng người càng lúc càng huyên náo. Mọi người lại chuẩn bị để tiếp tục lên đường.
Trời vừa sáng thì nhóm lính hỗn hợp chúng tôi cũng rã đám. Ai nấy đều nôn nóng tìm bạn bè, đồng đội của mình để cùng tìm phương tiện di chuyển tiếp. Nhưng rồi mọi người đều hỡi ôi khi biết cuộc hành trình của mình đang gặp trở ngại lớn. Vài chiếc xe các loại đã bị VC bắn cháy lật nằm chắn đường. Tiếng súng nhỏ, súng lớn vẫn vang lên từng đợt phía trước. VC đang cố gắng cản bước đồng bào di tản. Dòng lưu thông đầy ắp, hỗn loạn vẫn tiếp tục ứ đọng. Lúc bấy giờ tôi mới thật sự để ý đến những cảnh não lòng xảy ra ở hiện trường. Nơi này người đàn ông bị thương nằm rên rỉ, nơi kia người đàn bà ôm con dại ốm kiệt sức khóc não nuột. Còn có cả xác chết do xe lật đè lên nằm dưới gầm xe chưa kéo ra được… Lúc đó người nào cũng mệt mỏi hết, ai lo thân nấy, ngoại trừ những kẻ thiết cốt với nhau, khó ai có thể giúp ai được. Trong tình cảnh đó, mọi người chỉ còn nước đợi các đơn vị quân đội VNCH đến giải tỏa thôi!
Cả đoàn người di tản dài hàng mấy cây số bị mắc kẹt cứ dùng dằng không tiến tới được. Cái đuôi của dòng người di tản mỗi lúc một dài ra. Khốn nỗi bọn VC lại lai rai rót từng trái pháo vào giữa dòng người càng gây thêm cảnh chết chóc, náo loạn. Khi chúng bắn từ phía núi ra, khi bắn từ phía đồng bằng vào. Ai nấy đều chỉ còn biết nhờ trời che chở chứ chẳng biết đâu mà tránh nữa. Thêm một nỗi khổ nữa là sức nóng của mùa hè hành hạ. Mặt trời mới lên vài cây sào đã thấy chói chang khó chịu. Nhiều người phải vất vả tìm những nơi có gì che đỡ nắng để núp tạm. Tình trạng thiếu nước uống cũng bắt đầu gây khốn cho nhiều người. Tới đâu cũng nghe tiếng rên tiếng khóc, tiếng kêu khổ. Đến một đoạn, tôi nghe một giọng rên rỉ gọi:
-Anh CSDC ơi, có nước cho tôi xin một hớp!
Quay lại tôi thấy một quân nhân nằm bên lề đường. Bàn chân trái của anh còn mang giày, bàn chân phải bị tiện mất lòi cả xương chỉ còn phần trên mắt cá trở lại. Máu loang thâm cả đám cát dưới chân anh. Anh vừa chỉ xuống chân vừa thều thào:
-Tôi dẫm phải mìn râu chôn dưới cát. Khát quá!
Tôi lắc cái bi đông và hơi hoảng khi biết mình cũng chẳng còn bao nhiêu nước. Tôi rót một nắp để đổ vào miệng anh ta. Vừa định rót nắp nước thứ hai bỗng nghe một tiếng nổ đinh tai rồi một đám cháy khói đen bốc lên ngùn ngụt. Một chiếc xe thiết giáp chở hồ sơ đậu gần đó bị một viên đạn pháo lọt vào bên trong nổ tung và bốc cháy. Mọi người hoảng sợ chạy tán loạn. Tôi cũng bỏ chạy luôn và không còn biết số phận của anh thương binh kia ra sao nữa. Cũng từ lúc đó tôi bắt đầu dè xẻn nước uống. Giờ này mà hết nước thì chịu chết chứ kiếm đâu ra? Cứ chờ đến khi khát quá chịu không nổi tôi mới dám nhắp một ngụm nhỏ. Thế nhưng vì trời nắng gắt quá nên bi đông nước ít oi của tôi cũng đến lúc cạn. Trong lúc tôi đang lo lắng bỗng thấy mấy chiếc trực thăng xuất hiện bắn phá một số mục tiêu nào đó ở phía đồng bằng. Cùng lúc đó lại có mấy chiếc thiết giáp lù lù xuất hiện cũng vừa bắn vừa tiến về hướng ấy. Mọi người mừng rỡ reo lên:
-Sắp giải tỏa rồi bà con ơi! Sắp giải tỏa rồi!
-Sống rồi bà con ơi!
-Máy bay xuất hiện, thiết giáp mở đường rồi sợ gì nữa mà không đi bà con ơi!
Mặc dầu tiếng súng lớn, súng nhỏ vẫn tiếp tục nổ nhiều nơi nhưng toàn bộ dòng di tản đã rộn rã hẳn lên. Những người di tản bộ lại nôn nả tiến về phía trước. Đám xe cộ di chuyển chậm chạp hơn nhiều vì gặp quá nhiều chướng ngại vật. Tới được non nửa cây số tôi thấy mười mấy xác VC được sắp song song nhau một dãy gần lề đường. Nghe đâu chúng mới bị lính thiết giáp VNCH tiêu diệt và lôi ra để đó. Nhiều người vừa đi vừa ngoái nhìn những xác VC tức giận nguyền rủa:
-Đáng kiếp! Chính bọn ác ôn này đã bắn cản đường mấy bữa nay đây! Bây giờ bắn phá, đặt mìn, pháo kích nữa đi!
Quãng đường QL1 từ Quảng Trị tới Mỹ Chánh lúc ấy gần như chỉ có một chiều vô Huế. Lúc ấy bi đông nước của tôi đã thật sự không còn một giọt. Cổ tôi đã khô và tiếng nói của tôi đã bắt đầu khản. Bởi thế nên tôi cố bước thật nhanh với hi vọng sẽ gặp một nhà nào đó gần đường để xin một ít. Đang cắm đầu bước tôi bỗng nghe tiếng người gọi giật:
-Thiếu úy, phía trước VC vẫn còn pháo kích và bắn thượng liên rát lắm không qua được đâu! Thiếu úy đi gấp làm gì?
Tôi quay nhìn lại. Người hỏi tôi là Tuấn, một nhân viên cảnh sát đặc biệt phục vụ ở BCH/CSQG Mai Lĩnh. Tôi quen biết Tuấn vài năm trước, hồi đơn vị tôi đóng ở quận này. Anh đang ngồi nghỉ bên đường với một thanh niên. Cả hai đều mặc thường phục. Gặp được người quen tôi mừng lắm, hỏi ngay:
-Tuấn còn nước uống không?
Nghe giọng tôi khào khào Tuấn biết ngay tôi đã khát lắm. Tuấn lấy bình đông rót nước ra nắp đưa cho tôi và nói:
-Đây là thằng Hân bạn tôi, nghĩa quân ở quận Mai Lĩnh. Nước tôi cũng đã hết nhưng may gặp Hân nó mới chia cho được một ít đây.
Tôi vừa gật đầu chào Hân vừa nhắp nước. Chỉ ba nắp nước đã làm tôi cảm thấy khỏe lại nhiều. Hân cũng rót một ít nước vào bình đông của tôi. Tôi chưa kịp mở lời cám ơn thì một quả pháo nổ long trời vang lên không xa chỗ chúng tôi mấy. Mảnh đạn và cát đá bay rào rào. Chúng tôi hoảng hốt chạy dạt lui một đoạn. Hân nói:
-Giờ biết chỗ nào mà tránh đây? Ngồi nghỉ tạm cho khỏe được phút nào hay phút đó thiếu úy ơi! Tình hình gây quá, khi nãy thấy máy bay, xe thiết giáp của mình xuất hiện bắn phá tơi bời một lúc tưởng đã dẹp được chúng, không ngờ giờ chúng lại tiếp tục pháo kích, bắn chận như cũ mà lực lượng mình không thấy đâu nữa!
Tôi chỉ biết thở dài:
-Cũng may cho tôi. Nếu Tuấn không gọi tôi ngừng lại uống nước có thể tôi đã lọt vào tầm sát hại của quả pháo mới nổ đó!
Chỉ ít phút sau lại một tiếng nổ vang lên phía đằng sau. Quả đạn rơi khá xa chỗ chúng tôi ngồi nên tôi chỉ thấy cát bụi tung lên một đám lớn, không biết thiệt hại thế nào. Tuấn lại nói:
-Mình như lọt vào trong rọ của chúng rồi. Tới không được mà lui cũng không xong. Chốc chốc chúng pháo cho một quả lại chết mất năm ba mạng. Pháo đầu này chạy tới đầu kia, pháo đầu kia chạy lại đầu này, chạy lui chạy tới cũng không thoát ra khỏi cái rọ. Nếu không có lực lượng nào giải tỏa cho kịp chắc mình lần lượt chết hết tại đây thôi! Không phải chỉ chết vì đạn mà chết khô chết khát nữa!
Nghe Tuấn nói tôi càng nản thêm. Đúng là không chết vì đạn cũng chết khô chết khát. Như vừa rồi chỉ mới thiếu nước mới một lúc tôi đã lạc giọng, tình trạng đó kéo dài thêm vài tiếng nữa tôi sẽ ra sao? Đó là chưa nói đêm nay chúng có thể mò ra chỗ này nữa, biết tránh đi đâu? Tôi lại thở dài:
-Chẳng lẽ giờ mình cứ ở đây mà đợi chết?
Tuấn buồn rầu nói:
-Bị kẹt ở đây chắc chết. Vài tiếng nữa nếu không có dấu hiệu quân đội mình giải tỏa thì mình phải tự lo thôi!
Tôi hỏi Tuấn:
-Theo Tuấn mình tự lo bằng cách nào?
-Phải liều! Mình đi ra phía đồng bằng, tìm đường về quận Hải Lăng. Hi vọng quận Hải Lăng chưa mất. Cùng lắm mình cứ men theo đồng ruộng mà đi thế nào cũng vô Huế được.
-Tuấn biết đường không? Lỡ lạc càng khốn.
-Có biết sơ sơ. Trước đây tôi cũng có làm việc ở Hải Lăng một thời gian. Nhưng muốn đi ôn phải vứt súng và mặc đồ thường mới được. Giấy tờ quan trọng phải hủy hết phòng rủi ro bị bắt. Chỉ cần giữ cái thẻ căn cước dân sự là đủ.
Tuấn nói có lý. Cứ loanh quanh luẩn quẩn ở đây chỉ nội cái vụ khát nước cũng đủ chết rồi. Nhưng thoát ra đằng nào đây? Làm sao khỏi gặp VC chận?
-Nội hôm nay nếu không thoát khỏi nơi đây thì coi như hết đường sống! Nhất định phải tìm cách thoát thân thôi. Nhưng theo ý Tuấn nên thoát ngã nào, lúc nào để giảm thiểu rủi ro đây?
-Phải liều năm chết năm sống ôn ơi. Giờ này mà không quyết định được thì chết là cái chắc. Theo tôi đi ngay bây giờ hi vọng khỏi gặp chúng.
Không hiểu ý của Tuấn, tôi hỏi lại:
-Tại sao đi bây giờ lại hi vọng thoát?
-Theo tôi nghĩ, giờ này chắc là lực lượng chính qui của VC ở đây chưa có bao nhiêu. Chúng đang lo tập trung đánh các căn cứ quân sự chứ đâu rảnh mà tới đây? Bọn chận đường này chắc chỉ là bọn du kích địa phương thôi. Và chúng cũng lo tập trung chận phía trước chứ không nghĩ tới việc mình thoát qua lối này đâu!
Nghe Tuấn nói có lý, tôi tán thành ngay:
-Có lý lắm. Phải đi lúc này thôi. Càng chần chờ càng thêm kẹt. Nhưng tôi không có đồ civil, anh nào có cho tôi mượn một bộ mặc đỡ?
Hân sốt sắng nói:
-Có ngay. Nhưng đồ hơi xấu nghe ôn!
Tuấn cười méo mó giục Hân:
-Còn xấu với tốt, lấy đưa cho ôn liền đi! Mình còn phải lo dọt nữa chứ!
Hân lục đồ. Thấy son cơm mang theo còn một ít với mấy miếng thịt gà kho, Hân lấy muỗng đũa ra nói:
-Người ăn một miếng cho nó rảnh đã này.
Ba chúng tôi chia nhau ăn vội cho xong. Ăn xong, tôi dốc bi đông nước của mình uống sạch rồi quăng luôn không dám giữ vì nó không phải là đồ dùng dân sự.
Nhận bộ áo quần của Hân xong, tôi nhìn quanh tìm một chỗ thuận tiện để thay. Nhưng khó quá, nơi nào cũng có bóng người. Hết người đi cầu lại đến người tìm chỗ tiểu tiện, liên miên không dứt. Những việc khác tôi không ngại nhưng cảm thấy quá xấu hổ khi phải cởi bỏ bộ đồ CSDC đang mặc để lánh nạn trước mắt người khác. Một nỗi khó khăn nữa là tôi chưa biết giải quyết thế nào về hai cây súng. Vũ khí của tôi vốn chỉ có một cây rouleau nhưng khi rút đi tôi đã lấy thêm cây M16 của một thuộc viên chuồn về nhà. Nếu quăng bậy lỡ kẻ xấu lượm được làm ẩu lại càng khốn! Thấy thái độ lúng túng của tôi, Tuấn giục:
-Cứ thay đại đi ôn ơi. Ở đây có ai còn chú ý việc của ai đâu mà ngại?
-Nhưng còn hai cây súng?
-Đưa cây rouleau tôi vùi xuống cát cho. Còn cây M16 ôn đưa thằng Hân nó tọng mẹ vô một nòng cát rồi quăng vào bụi cây. Dù ai lấy họ cũng chưa sử dụng được liền đâu! Ôn lo thay đồ rồi thủ tiêu hết những giấy tờ không cần thiết đi, chỉ chừa một thẻ căn cước là đủ. Đồ đạc cũng bỏ hết, mau mau lên ôn ơi!
Chưa bao giờ tôi thấy mình vụng về, kém cỏi thảm hại đến thế. Gần như tôi chỉ biết làm theo lời Tuấn chỉ bảo. Ba lô quân trang, vật dụng vứt bỏ hết, giấy tờ cũng tiêu hủy hết, chỉ giữ cái bóp trong đó có một thẻ căn cước và chừng một ngàn bạc. Thế rồi chúng tôi rời QL1, hướng về phía quận lỵ Hải Lăng mà tiến.
Nhưng vừa khởi sự tôi đã gặp trở ngại. Lâu nay quen mang giày tất, giờ bỗng đi chân không, nó khó chịu quá. Từ một viên sỏi nhỏ, một mẩu củi mục đến ngọn cỏ gai đều có thể làm tôi đau thót cả người. Tuy vậy tôi vẫn phải cố bậm môi bám theo gót Tuấn và Hân. Không lâu sau đó tôi lại gặp thêm một trở ngại khác: vụ mặc nính cái quần của Hân. Để đề phòng gặp VC, tôi đã vứt cái thắt lưng nhà binh của mình. Khi mặc chiếc quần của Hân tôi chỉ gài nút. Ban đầu nó cũng tạm vừa với vòng bụng của mình nhưng sau đó càng đi nó càng lơi ra. Cuối cùng tôi buộc phải dùng một tay để giữ cho nó khỏi tuột. Những trở ngại đó làm cho tôi vốn đã chậm chạp lại càng chậm hơn. Thấy Tuấn và Hân phải dừng lại để đợi tôi nhiều lần tôi càng áy náy. Vì vậy, tôi chỉ còn biết cố theo kịp chân bạn chứ chẳng còn tâm trí để ý đến nẻo ngang lối dọc chung quanh. Đi được bao lâu, đã đến địa phương nào tôi cũng chẳng biết. Trong lúc cắm đầu bước tôi dẫm lên cái gì đó đau điếng như bị vật nhọn đâm. Tôi phải ngừng để xem bàn chân bị gì. Nhưng chưa kịp xem chân tôi đã nghe tiếng người quát:
-Đứng lại! Đưa tay lên! Hàng sống chống chết! Hàng sống chống chết!
Trời ơi! Đúng là gặp VC rồi! Tôi hoảng hồn quên cả đau, chạy lui một đoạn rồi lủi vào một đám ruộng lúa vừa chín, co nép người lại im thin thít. Tôi nghe tiếng nói lớn:
-Bọn lính ngụy cải trang đó, bắt hết đi!
Hóa ra mình vừa đi qua mấy đám ruộng mà không biết gì hết. Nỗi sợ hãi có thể rơi vào tay giặc đã làm tôi quên cả sự khó chịu khi phải nằm xuống mặt đất bùn nhớp nháp và hơi nóng hừng hực của ruộng lúa buổi xế trưa giữa mùa hè đứng gió. Không biết khi lủi vào đám lúa tôi có làm thân lúa ngã có thể gây dấu vết khiến bọn VC nghi ngờ mà tìm kiếm không? Tim tôi cứ đập loạn xạ nghe thình thịch thình thịch có lúc tưởng như đó là tiếng chân người đang rảo quanh. Nằm im như vậy một lúc khá lâu tôi mới dám trở mình. Tôi dè dặt từng động tác để khỏi làm những bông lúa lay động. Khoảng nửa giờ sau, khi cảm thấy đã yên ắng thật sự, tôi lần tới bờ ruộng ngồi nghỉ giây lát cho thoải mái. Liền đó một câu hỏi khó khăn đến với tôi: bây giờ chỉ còn một thân lẻ loi thế này biết làm sao đây? Chắc hẳn tôi không thể nào gặp Tuấn và Hân nữa. Nếu hai người đó không bị bắt họ cũng đã chạy xa rồi. Tôi cố nhớ lại bài “mưu sinh thoát hiểm” học ở quân trường trước kia xem nên làm gì giữa lúc này nhưng không hiểu sao cái đầu tôi cứ như rỗng tuếch ra. Cùng lúc một cảm giác mệt mỏi rã rời đến với tôi thật nhanh. Tôi lại nằm ngửa xuống bờ ruộng để nghỉ. Dù rất thèm một miếng nước mát nhưng tôi lại đổ lười chưa muốn đi tìm. Trong phút chốc, tôi đã ngủ thiếp đi một lúc không biết được bao lâu. Rồi một tiếng nổ lớn ở phía QL1 đã đưa tôi trở về thực tế: Phải đi kiếm nước uống ngay để đủ sức tiếp tục chạy trốn! Tôi nghĩ khu vực này có nhiều ruộng tất nhiên phải gần sông gần hói, kiếm nước chắc không khó. Nhưng đi được mấy bước tôi giật mình thấy đôi chân mình rã rời nhếch chẳng muốn lên. Cái cảm giác bụng đói cồn cào cũng chợt ập đến khiến tôi sực nhớ hôm nay tôi chỉ có ăn ké của Hân chừng nửa chén cơm nhỏ. Tôi đâm hoảng tự hỏi biết đâu rồi mình chẳng gục xuống dọc đường vì đói khát? Nghĩ đến đó tôi lại gắng bươn bả tiến bước. Phải kiếm cho được một chút gì lót lòng trước khi quá trễ! Cũng may vừa đi một đoạn tôi đã gặp được một thửa đất trồng đậu xanh vừa chín lác đác. Tôi mừng rỡ sà ngay vào đám đậu hái những trái già vừa lột vừa nhai. Đậu xanh vừa già hạt còn mềm, còn nhiều chất nước, hơi hăng một tí nhưng dễ nhai. Bữa ăn tuy không được ngon miệng nhưng không đến nỗi vô ích. Nhai một hồi tôi thấy mình đã có phần lại sức. Vậy là tạm đủ, giờ phải lo đi tìm nước uống. Đi thêm một đoạn nữa, tôi mừng rỡ thấy một ngôi nhà tranh hiện ra, cách lối đi chỉ chừng một trăm mét. Tôi liền bước vào để xin nước. Nhưng vào đến nơi tôi ngạc nhiên thấy đó chỉ là một ngôi nhà trống. Giường phản không thấy, lu ghè không thấy, bếp núc cũng không thấy luôn. Giữa nhà chỉ có vỏn vẹn một cái lồng tre úp nhốt một con vịt! Không gặp được chủ tôi lại phải vội vàng bỏ đi. Đi hết lối đi nhỏ ấy tôi gặp một con đường đất rộng khoảng năm thước, một bên đường có trồng tre thành dãy. Nhìn kỹ tôi mới biết con đường này chạy dọc theo bờ một con sông. Thế là tôi yên tâm: dù đi ngược hay đi xuôi thế nào cũng tìm được lối xuống sông lấy nước! Quả đúng như vậy, tôi chỉ mới đi một đoạn ngắn đã thấy ngay một cái bến có thể lấy nước. Bến có xây bậc đá để lên xuống đàng hoàng, nước rất trong. Tôi mừng rỡ bước xuống bậc đá thấp nhất, cúi xuống vục nước uống một hơi thật đã rồi rửa mặt mày, rửa chân tay. Sau khi uống thêm mấy ngụm nước trừ hao, tôi bắt đầu định hướng để đi. Dù chẳng biết đó là sông nào và nó đã chảy đi đâu nhưng tôi chẳng lo lắm. Tôi đang ở phía đồng bằng, cứ việc ngược dòng mà đi thế nào cũng gặp lại QL1. Nhưng tôi vừa bước lên bờ bỗng nghe một tiếng quát lớn:
-Ê, thằng kia!
Tôi giật mình quay lại. Một anh cảnh sát sắc phục và một anh thủy quân lục chiến đang hướng về phía tôi:
-Tới đây! VC nó đánh khắp nơi sao mày ở đây? Trốn lính phải không?
Tôi nghĩ thầm vậy là Hải Lăng còn yên. Gặp cảnh sát và TQLC thì khỏe quá rồi! Đang hí hửng tiến lại gần họ tôi bỗng giật nẩy mình khi thấy cả hai anh này đều mang dép râu. Thế là xui tận mạng rồi!
-Mày là lính gì? Làm việc ở đâu?
-Dạ, tôi làm giáo viên dạy học.
Một tên chĩa thẳng súng vào người bắt tôi đứng yên đưa tay lên. Tên thứ hai tiến lại lục soát người tôi. Y lôi cái bóp duy nhất trong túi tôi ra. Tôi hơi yên chí vì trong bóp của tôi chỉ còn vỏn vẹn một cái thẻ căn cước dân sự. Nhưng rồi tên lục soát bỗng mừng rỡ kêu lớn:
-Trói nó lại ngay, bắt được thằng ngụy đại ác ôn đây rồi!
Một tên mặc đồ thường ở đâu đó bỗng nhảy ra, tay cầm một sợi dây dù, hợp cùng hai tên kia trói hai tay tôi ra sau lưng. Tôi chưa hiểu được chuyện gì xảy ra thì tên mặc đồ TQLC cầm tờ giấy lục được trăng ra nói:
-Nghe này! Nay cử thiếu úy NVT giữ chức vụ Trưởng Ban CSDC thay thế đại úy Trần Cháu được cử giữ nhiệm vụ khác. Giấy tờ thế này mà mày bảo làm giáo viên! Hết đường chối cãi chưa?
Thì ra đó là cái sự vụ lệnh tạm của tôi in loại giấy pelure rất mỏng do đại úy Võ Huyến xử lý thường vụ Chỉ huy trưởng CSQG Quảng Trị ký. Cất trong bóp lâu ngày nó tự động co dúm nằm lọt vào một góc nên khi lục giấy tờ để thủ tiêu tôi đã bỏ sót. Hết đường chối cãi thật! Tôi bị dẫn vào một lối nhỏ, đến một ngôi nhà tranh. Trong nhà có kê một bộ phản gỗ ở gian giữa. Hai gian bên chỉ có một ít đồ đạt. Một gã đàn ông đứng tuổi đang nằm trên phản ngồi nhổm dậy hỏi:
-Mới bắt được tên nào hả?
-Một tên thiếu úy trưởng ban CSDC ngụy.
Gã đàn ông quay sang hỏi tôi:
-Trưởng ban CSDC là cái gì mày?
Kinh nghiệm từ trước tới nay, những người quốc gia đã bị VC bắt chẳng mấy ai còn sống được để trở về. Tôi nghĩ số phận mình coi như đã được quyết định. Sợ nói quanh co cũng vô ích mà thêm mệt, tôi nói thật:
-Điều hành các trung đội CSDC trong tỉnh. Tôi coi như đại đội phó, phụ tá cho chủ sự phòng Hành Quân kiêm đại đội trưởng đại đội CSDC!
Có lẽ gã này chỉ hỏi cho có hỏi nên liền đó gã quay sang nói với đồng bọn:
-Trói thằng này vào cột nhà rồi ăn uống để còn đi công tác.
Chúng kéo tôi ngồi dựa vào một cột nhà rồi buộc phần dây dù còn lại vào cột. Tôi phải ngồi dựa cột nhà với tư thế hai tay trói sau lưng thật khó chịu. Sau đó tôi thấy một người đàn bà bưng một cái nồi khá lớn để lên bộ phản rồi đi. Một tên mặc đồ bộ đội, đội mũ tai bèo xách đến một ấm nước. Nồi mở nắp ra, mùi thịt gà và rau răm bốc lên ngào ngạt. Cả bọn sáu tên cùng nhau lấy chén muỗng vừa múc ăn vừa tán dóc về những chiến thắng của chúng. Ăn uống xong chúng để mọi thứ tại chỗ. Gã đàn ông đứng tuổi kêu tên mặc đồ bộ đội lại dặn:
-Bây giờ mày ở lại đây giữ thằng này. Mày nên nhớ là sĩ quan ngụy toàn là bọn giỏi võ, tay không đánh chết người như không. Giờ tạm mở dây cho nó đi tiểu đi cầu chi rồi trói vào cột nhà như cũ.
Tên này mở dây, gã bảo tôi tướt mấy mảnh lá chuối khô để lau đít rồi dẫn tới gần một cái cầu tiêu lộ thiên và nói:
-Vào đó ngồi tiêu tiểu đi! Rục rịch chạy trốn là tôi bắn ngay!
Tôi đi vệ sinh xong gã bộ đội cho tôi uống một chén nước lá rồi trói lại như cũ. Trước khi đi, gã đứng tuổi lại dặn tên bộ đội giữ tôi:
-Chú mày đừng có quên bọn sĩ quan ngụy toàn là bọn võ giỏi tay không đánh chết người đó! Nó kêu buồn tiêu buồn tiểu chi mặc nó, nó có ỉa ra đó cũng mặc, nhất định không được mở dây!
Tôi hơi tức cười vì tấm thân gầy guộc ốm yếu của mình cũng làm bọn VC e sợ đến thế. Thực tế tôi chỉ là kẻ trói gà không chặt. Hồi còn ở quân trường, vì bản chất yếu đuối, lười nhác, tôi đã trốn tránh hầu hết những buổi huấn luyện võ thuật. Gã bộ đội này mặt mũi còn non choẹt nhưng thân xác gã lại rất to lớn, cường tráng. Chỉ nhìn qua gã là bao nhiêu ý nghĩ trốn thoát của tôi bị tắt ngúm hết. Có lẽ gã mới từ miền Bắc vào vì trên chiếc mũ tai bèo của gã có thêu 4 chữ “Trường Sơn nhớ mãi”. Sau một hồi im lặng gã hỏi tôi:
-Sĩ quan ngụy thường phải học võ bao lâu?
Tôi trả lời qua quít:
-Sĩ quan các trường quân sự chính qui như Võ bị Đà Lạt, Thủ Đức nghe nói học võ nhiều nhưng thời gian bao lâu tôi không rõ. Còn lực lượng bán quân sự như cảnh sát chúng tôi chỉ học sơ sài thôi.
-Tôi biết anh giấu mà!
Gã này có vẻ hiền thiệt, gã chỉ nói vậy rồi tiếp tục im lặng. Khi trời đã tối, gã đánh diêm thắp lên một ngọn đèn bỏng vặn ngọn lửa không sáng lắm. Tôi vẫn ngồi dựa cột nhà chờ định mệnh phán quyết. Nghĩ mình đã cầm chắc cái chết, tôi chẳng còn sợ sệt nữa. Tôi chỉ thấy ray rứt trong lòng khi nghĩ tới gia đình. Cha mẹ tôi đã khá già. Vợ tôi chỉ mới 24 tuổi một mình ôm hai đứa con dại. Rồi đây liệu nàng có xoay xở nuôi con nổi không? Tôi rất ân hận vì ngày thường tôi không hề biết tằn tiện chắt chiu tiền bạc để giúp gia đình. Ăn thì ít nhưng tiêu phá vô ích lại nhiều. Rất ít khi tôi đem đồng lương về cho vợ. Bây giờ tôi đã bị bắt, không chết cũng tù đày viễn xứ. Gánh nặng gia đình từ đây đổ hết lên vai vợ tôi. Nghĩ đến điều đó tôi bấn cả lòng. Tôi vốn ít nước mắt và trong trường hợp này tôi chẳng muốn khóc chút nào. Thế mà nước mắt sống của tôi cứ tuôn ra! Điều này đã làm tôi bối rối. Tôi sợ bọn VC tưởng lầm tôi run sợ, tiếc mạng sống! Tôi muốn giữ tư cách của một người có chút khí tiết, coi nhẹ cái chết!
Tôi đang suy nghĩ miên man thì một tên bộ đội khác bước vào. Tên này nói với gã canh giữ tôi:
-Lệnh thủ trưởng, vì vấn đề an ninh, tôi giúp đồng chí đưa ngay thằng ngụy này đến một địa điểm khác. Đồng chí mở dây ra dẫn nó theo tôi.
Gã giữ tôi lặng lẽ mở đoạn dây buộc ở cột nhà rồi cầm lấy đầu dây, bảo tôi đứng dậy. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: dám chúng đem mình đi giết lắm. Cũng được, tốt thôi, đỡ lo nghĩ. Đêm có trăng, không khí mát mẻ dễ chịu. Tên mới đến đi trước dẫn đường. Gã bảo tôi đi theo tên kia nhưng phải giữ một khoảng cách. Gã vẫn cầm đầu dây đi sau tôi. Chúng dẫn tôi đi loanh quanh qua nhiều lối, tôi cứ việc lặng lẽ đi. Cuối cùng chúng dừng lại trước một ngôi nhà khác. Trong nhà này cũng thấy thắp một ngọn đèn leo lét. Tên kia quay lại hỏi tôi có cần đi tiêu đi tiểu gì không. Tôi hơi lạ lùng tự hỏi tại sao từ chiều tới giờ cũng khá lâu mà mình chẳng thấy đói và cũng chẳng buồn tiêu buồn tiểu gì cả. Tuy vậy, tôi vẫn xin đi tiểu một chút cho chắc. Vào nhà xong, tên bộ đội mới đến nói với tôi:
-Chúng tôi vẫn trói anh nhưng nới dây để anh có thể nằm ngủ đêm nay. Anh đã bị bắt vào đây rồi không thể nào chạy thoát được đâu. Nếu lộn xộn là anh tự chuốc khổ vào thân thôi, đừng có trách!
Đã biết thân phận mình, tôi trả lời xuôi:
-Tôi nghe rõ.
Gã bộ đội giữ tôi lại buộc đầu dây đang cầm vào một cột nhà như trước nhưng nới một đoạn để tôi có thể nằm được. Tôi hơi mừng, thế này cũng đỡ khổ hơn nhiều. Mình còn có thể trở qua trở lại để giảm bớt được phần nào sự khó chịu. Vì đã quá mệt mỏi, khi hai gã bộ đội lại chiếc giường gần đó ngồi nói chuyện với nhau thì tôi nằm xuống. Đôi mắt tôi lại nhoè nhoẹt nước mắt sống. Một lát sau có một người đàn bà bưng đến một nồi chè. Bà vặn lớn ngọn đèn rồi bày chén bát múc ra. Lúc ấy tôi mới biết ở đầu kia căn nhà cũng có một chiếc giường và có hai tên nằm ngủ. Chúng được kêu dậy để cùng ăn. Vừa ăn chúng vừa huênh hoang tán phét về những chiến thắng thần thánh của chúng. Còn tôi, có lẽ vì quá mệt mỏi, tôi đã chợp mắt được một lúc.
Khi thức giấc, tôi thấy một tên bộ đội nằm ngủ ngay dưới chân tôi, một bàn tay gã để lên cổ chân tôi. Có lẽ gã nằm đó để canh chừng tôi. Tôi lại trở người cho đỡ khó chịu rồi cố nhắm mắt để ngủ nhưng không sao ngủ được nữa. Nước mắt sống của tôi lại trào ra liên tục. Rồi những hình ảnh của quá khứ cứ lần lượt thay nhau diễn lại trong trí óc tôi.
Lâu lâu tôi lại nghe vài loạt súng nhỏ nổ. Nghe tiếng súng càng gần lòng tôi càng mừng. Khoảng một giờ khuya tôi lại nghe mấy tiếng súng đại bác 105 ly có lẽ từ Phong Điền bắn đi. Tôi tự nhiên cảm nhận từ những tiếng súng ấy có một chút gì thân yêu đối với mình. Tôi hi vọng đó là sự lên tiếng của thần giải thoát. Nếu có một quả rơi vào căn nhà nơi tôi đang bị giữ để tôi và những kẻ thù của tôi cùng bị banh xác thì hay biết mấy!
Nhưng rồi tiếng đại bác lại ngưng. Nước mắt sống của tôi vẫn tiếp tục tiết ra nhòe nhoẹt. Tôi lại nằm gặm nhấm những hình ảnh đã xảy ra trong quá khứ của mình.
Trời chưa sáng hẳn cả nhà đã rộn ràng lên: bọn họ tập trung ăn uống rồi phân chia nhau đi công tác. Trong nhà chỉ còn lại gã bộ đội canh giữ tôi và gã đầu bếp dọn dẹp chén bát. Gã bộ đội lên đạn sẵn rồi dẫn tôi đi vệ sinh. Sau đó gã đầu bếp đưa cho tôi một chén cơm với một ít ruốt. Tôi ăn uống xong thì gã bộ đội trói tôi lại và buộc vào cột nhà như trước, cũng nới một đoạn dây để tôi có thể nằm. Gã đầu bếp để một cái radio trên giường, mở đài Hà Nội thật lớn. Trước đây thỉnh thoảng tôi cũng có nghe đài Hà Nội nhưng thường mở rất nhỏ và chỉ quan tâm về tin tức lạ chứ không để ý đến âm thanh. Nay đài được mở toang hoác nghe chói tai nhức óc quá. Nhất là có một giọng nữ, khi lem lẻm, khi chì chiết, khi hừng hực hận thù khiến tôi phát rùng mình.
Rồi gã đàn ông đứng tuổi cũng xuất hiện. Gã ngồi chò hỏ cạnh cái radio và nói:
-Muốn nghe đem ra ngoài vặn nhỏ mà nghe. Để đây tao làm việc với thằng thiếu úy ni. Thằng kia, mày ngồi dậy đi!
Tôi ngồi dậy dựa lưng vào cột nhà. Gã đầu bếp đến tắt cái radio. Gã đứng tuổi bắt đầu nói:
-Này, mày có phải người VN không? Mỹ là thằng đế quốc đầu sỏ xâm lược VN, chiếm đất cướp của, bắn giết người VN, cách mạng lãnh đạo nhân dân vùng dậy chống Mỹ để cứu nước, cứu đồng bào, tao không hiểu sao mày lại cam tâm theo Mỹ cầm súng chống lại cách mạng?
Tôi chậm rãi đáp:
-Tôi sống ở miền Nam, tới tuổi trưởng thành, chính phủ kêu gọi làm nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, không đi lính này cũng phải đi lính khác, tôi đâu dám chống lại? Còn cách mạng tôi chưa hề gặp làm sao tôi biết được mà theo?
-Mày đừng ngoan cố! Cách mạng ở nơi nào chẳng có mà mày nói không gặp? Trong chính quyền của thằng Thiệu thiếu gì người của cách mạng! Ngay trong đồn của mày cũng có cách mạng, cho nên trước nay mày đã làm gì cách mạng đều biết rõ cả. Khi cách mạng hỏi điều gì mà mày cố ý nói sai để chối tội tức là mày tự rước lấy bản án tử đó. Tao nói để mày biết trước mà lo thân!
Gã ngưng một lát rồi lại tiếp:
-Mày biết thằng Thiệu là ai không mà tận tụy phục vụ cho hắn? Hắn chỉ là một tên trung úy bát-ti-dăng của thực dân Pháp nay lại tiếp tục làm tay sai cho Mỹ thôi! Nếu biết điều mày phải lo lập công với cách mạng để chuộc tội. Tao sẽ cho mày một cơ hội, mày chịu làm không?
Tôi hỏi lại cho có hỏi:
-Thế bây giờ ông muốn tôi làm gì?
-Tao bảo làm gì mày làm nấy là đủ. Làm được việc cách mạng sẽ thả mày về với gia đình. Trước hết mày vẽ sơ đồ Ty cảnh sát Quảng Trị cho tao. Vẽ càng rõ ràng càng tốt. Vẽ đúng là mày thành thật, vẽ sai là mày cố tình dối trá. Đây là dịp để chứng tỏ mức độ giác ngộ của mày trong việc lập công chuộc tội. Mày làm được chứ?
Một dấu hỏi hiện lên trong đầu óc tôi: BCH/CSQG Quảng Trị đã bỏ ngõ từ mấy hôm, gã cần sơ đồ để làm gì nữa? Chẳng lẽ gã muốn đo mức độ thành thật của tôi như gã nói? Thật ra tôi cũng chỉ biết bộ chỉ huy CSQG Quảng Trị một cách sơ sài. Nếu vẽ sai, nó nói đánh lừa nó hành hạ thêm khổ thân, tôi từ chối:
-Tôi là CSDC đóng xa ty cảnh sát, ít khi vào ty nên không rõ bên trong, dù muốn vẽ cũng không vẽ được!
-Mày nói dối! Tao không tin được!
-Thưa ông, tôi không biết rõ làm sao vẽ?
-Tao biết mày tìm cớ để từ chối mà! Nhưng thôi, khỏi cần mày vẽ. Tao đã có sẵn bản sơ đồ ty cảnh sát đây, giờ mày hãy xác nhận lại tao coi.
Gã bước xuống móc túi lấy một tờ giấy mở ra lại gần để trước mặt tôi. Đây là một bản sơ đồ vẽ tay với mấy chữ nguệch ngoạc sai chính tả ghi bên trên: “Ty cảnh sát quản trị”. Trong sơ đồ có ghi phòng trưởng ty, phòng phó ty, phòng xử lý thường vụ, phòng hành chánh, khu tạm giam v.v… Dù không nhớ rõ trong ty có những phòng nào và vị trí các phòng đúng sai ra sao nhưng tôi tin chắc người vẽ sơ đồ này chỉ là một tay gà mờ vẽ theo lối phỏng đoán. BCH/CSQG Quảng Trị làm gì có “phòng xử lý thường vụ”? Trước đây, khi thiếu tá BK Khôi chỉ huy trưởng (danh cũ: Trưởng Ty) bị bãi chức, đại úy Võ Huyến chỉ huy phó được cử xử lý thường vụ chỉ huy trưởng một thời gian khá lâu. Có lẽ vì thấy các giấy tờ đại úy Võ Huyến đều ký XLTV chỉ huy trưởng nên người vẽ sơ đồ đoán chừng trong ty cảnh sát có một phòng xử lý thường vụ! Trên sơ đồ, người vẽ lại ghi toàn danh xưng cũ nay không còn dùng nữa chứng tỏ sơ đồ này không phải mới vẽ. Tôi đang lúng túng chưa biết nói thế nào thì gã đứng tuổi chỉ tay vào một chỗ trong sơ đồ dịu giọng nói:
-Mày ráng nhớ đi! Có phải phòng xử lý thường vụ ở đây không?
Tôi ngạc nhiên lắm. Mạng sống của tôi đang nằm trong tay gã, sao gã xử nhũn với tôi? Sao gã quan tâm đến cái sơ đồ này đến thế? Gã đang toan tính thực hiện một âm mưu gì ở BCH/CSQG Quảng Trị chăng? Thái độ này cũng cho thấy gã chưa biết BCH/CSQG Quảng Trị đã bỏ ngõ mấy ngày rồi! Tôi sực nhớ ra từ khi bị bắt đến giờ chúng chưa hề hỏi tôi trước đây đóng ở đâu và vì sao đến đây để bị bắt. Xem ra tánh tình gã này cũng bộp chộp! Nhưng mặc kệ gã, mình đã nói không biết thì cứ không biết luôn cho khỏe. Tôi nhũn nhặn trả lời:
-Thưa ông, đại đội tôi đóng xa ty cảnh sát Quảng Trị. Đại đội chỉ có nhiệm vụ yểm trợ khi ty mở các cuộc hành quân thôi. Tôi ít khi vào ty nên không rõ mấy về việc bố trí các phòng bên trong như thế nào. Tôi không dám đoán mò sợ sai lầm lại mang tội với cách mạng.
Gã đứng tuổi lộ vẻ thất vọng cầm tờ sơ đồ vừa bỏ đi ra ngoài vừa hăm he:
-Rõ ràng là mày không chịu hợp tác với cách mạng, mày liệu hồn!
Thấy gã đi hơi lâu không trở vào tôi lại nằm xuống. Bỗng tôi nghe tiếng nói chuyện trước cửa:
-Đơn vị đã tan rã sao không lo đầu hàng?
-Còn lâu mới đầu hàng! Nếu tụi tôi không bị hết đạn chưa chắc các ông đã làm gì được!
Tôi ngồi bật dậy. Câu trả lời ngang ngang của người nào đó làm lòng tôi phấn chấn lên một chút. Tôi thấy gã đứng tuổi bước vào, theo sau là một tù binh do một tên bộ đội áp giải. Đó là một người mặc đồ bộ binh VNCH áo bỏ ngoài quần hai bên cổ áo còn nguyên một bông mai đen, không đội mũ, đi chân không. Gã đứng tuổi chỉ vào một cột nhà bảo tên bộ đội:
-Buộc nó vào đây! Để hai thằng thiếu úy giữ hai cột nhà cho cân!
Tôi hơi tức cười nhìn sang người bạn đồng cảnh. Anh cũng đang nhìn tôi, chúng tôi cùng kín đáo gật nhẹ đầu chào nhau. Anh cũng bị trói cắp cánh nhưng bằng dây điện thoại. Khi tên bộ đội buộc đầu dây trói anh vào cột nhà xong thì bọn họ, thêm cả mấy tên mới tới, tập trung lại ăn uống. Khi cả bọn đã ăn xong gã đứng tuổi nói:
-Còn cơm cho hai thằng này mỗi thằng một chén. Xong đứa nào muốn đi vệ sinh cho nó đi để rồi tao còn phải làm việc với chúng nó.
Khi trong nhà chỉ còn hai tên canh giữ chúng tôi, gã đứng tuổi lại nhảy lên giường ngồi rồi bắt đầu lên lớp:
-Chúng bây là sĩ quan ngụy, là những thằng có học, tại sao chúng bây không phân biệt được đâu chính đâu tà mà lại làm tay sai cho bọn xâm lược Mỹ cầm súng bắn giết đồng bào ruột thịt của mình? Chúng bây trả lời tao coi?
Tôi muốn yên thân nên chỉ ngồi im. Nhưng người bạn tù của tôi không chịu nhịn, anh nói lớn:
-Chúng tôi cầm súng để bảo vệ đồng bào chứ bắn giết đồng bào bao giờ đâu? Còn Mỹ là đồng minh của VNCH cũng như Liên Sô Trung Quốc là đồng minh của các ông vậy, các ông cho chúng tôi là tay sai của Mỹ thì các ông có phải là tay sai của Liên Sô và Trung Quốc không?
Gã đứng tuổi nổi giận chỉ mặt anh mà nạt:
-Mày là thứ vong bản ăn phải bã của đế quốc rồi! Mày đã bị chúng biến thành con ác quỉ! Đã bị bắt mà vẫn còn ngoan cố, mày sẽ phải trả cái giá cho sự ngoan cố này!
Anh thiếu úy bộ binh không chịu kém:
-Tôi không ngoan cố mà tôi chỉ nói sự thật!
Gã đứng tuổi hét:
-Câm cái miệng chó mày lại!
Vừa lúc đó có một tên bộ đội áp giải đến một anh bộ binh khác. Anh này cũng không mũ không giày, trên tay áo có phù hiệu hồng thập tự. Gã đứng tuổi hỏi:
-Thằng này cấp bậc gì?
Anh lính chưa đáp thì tên bộ đội áp giải nói:
-Nó khai là y tá!
-Y tá mà cao lớn trắng trẻo nhỉ? Buộc nó vào chân giường kia. Được rồi, để đây cho hai đồng chí này. Đồng chí cứ tiếp tục lo công việc bên ngoài đi.
Anh lính khai là y tá cũng bị trói cắp cánh sau lưng bằng dây điện thoại, đầu dây bị buộc vào một chân giường. Anh ngồi hơi dựa lưng vào góc giường, nét mặt trông buồn rười rượi. Tôi nhìn anh nhiều lần nhưng hình như anh cố tránh nhìn lại tôi, cứ cúi mặt hay quay về hướng khác. Có lẽ gã đứng tuổi cũng cụt hứng khi gặp phải sự phản ứng của anh thiếu úy bộ binh nên không tiếp tục lên lớp nữa. Gã mở radio nghe một hồi rồi đi ra ngoài. Tôi định nằm xuống cho đỡ mỏi nhưng thấy anh thiếu úy bộ binh vẫn ngồi tỉnh, tôi đâm ngượng, không nằm nữa. Thái độ ngang tàng của anh ấy làm tôi nể trọng. Tôi không muốn để anh ấy phải buồn vì có một người cùng phe tỏ ra quá bạc nhược.
Để vượt thoát tâm trạng bi quan mà mình đang mắc phải, tôi cố tập trung trí óc để ôn lại thời gian phục vụ trong ngành CSDC mình đã làm được những gì.
Vốn tính chân chất, nhút nhát, đầu óc không được nhạy bén, rất hiếm khi tôi nẩy sinh được một sáng kiến đáng kể. Tôi tự biết mình không bao giờ trở thành một cấp chỉ huy giỏi được! Tôi chỉ được cái tính cần cù, nhẫn nại, luôn cố gắng làm tròn những trách nhiệm được giao phó. Với những việc ngang tầm tay, tôi là một người thừa hành khá tốt. Tôi đã từng tham dự nhiều cuộc hành quân cảnh sát, yểm trợ các cuộc hành quân thanh lọc, giữ an ninh khu vực hay cơ sở, hành quân giải tán các cuộc biểu tình gây rối công cộng v.v… gần như lần nào công việc cũng trôi tròn. Trong đó có hai lần đơn vị tôi đã thành công đặc biệt nhờ trời cho:
Một lần chi CSQG Mai Lĩnh (có trung đội CSDC của tôi) phối hợp cùng chi khu Mai Lĩnh hành quân lùng tìm bọn VC tại một địa điểm thuộc làng Thượng Xá vì có tin chúng hay phát xuất từ địa điểm này. Chúng tôi dùng cả gậy nhọn để xăm tìm hầm bí mật. Nhưng tìm mất cả buổi vẫn không có kết quả. Khi lục soát ngôi nhà cuối cùng chúng tôi thấy có cái một chuồng heo nhưng không có heo. Chủ nhà cho biết họ vừa bán con heo chưa bao lâu. Trong chuồng có lót rơm và lá các loại để ủ phân. Cái máng cho heo ăn bằng gỗ khá lớn. Một người xăm hầm đã dùng gậy đẩy cái máng xoay ngang nhưng không thấy gì. Vì trời đã trưa ai cũng đói bụng nên mọi người chỉ xăm qua loa cho xong việc. Thế rồi mọi người í ới kêu nhau rút lui. Khi ấy một anh CSDC thuộc trung đội tôi chợt thấy một tổ chim cu làm trên một cành cây gần chuồng heo, cái tổ chỉ lót lưa thưa mấy cọng rác lộ rõ hai cái trứng trắng hếu. Anh CSDC liền quay lại trèo lên lấy. Khi bước xuống tình cờ anh thấy cái máng heo vừa bị hất xoay ngang tự động xoay trở lại vị trí cũ. Anh kinh ngạc kêu mọi người quay lại. Thì ra cái máng heo ấy là vật ngụy trang để che một cửa hầm bí mật. Kết thúc cuộc hành quân: ba chú VC bị tóm.
Một lần hành quân thanh lọc ở xã Nhân Biều bên bờ bắc sông Thạch Hãn, chúng tôi chọn một ngôi nhà có sân rộng làm nơi tập trung những người có vấn đề về đó để thẩm vấn và đả thông. Ngôi nhà này nằm trong một thửa vườn rộng trồng nhiều cây ăn trái. Tôi cắt ba thuộc viên ở lại đó để canh giữ những người được gom về. Trong khi chưa có người giải về, hai anh CSDC giao súng cho anh thứ ba giữ rồi dắt nhau ra vườn sau tìm ổi. Ai ngờ sau vườn ấy lại có ba anh VC đi công tác đâu cả đêm về mệt mắc ba chiếc võng ngủ say như chết. Hai anh CSDC tay không đang xồng xộc đi tới sực thấy ba tên VC nằm chình ình trước mắt hoảng quá kêu lên “VC! VC!”. Ba anh VC nghe tiếng hét bất ngờ choàng thức thấy bóng mấy anh lính rằn ri cũng hồn phi phách tán phóng chạy như điên! Lần ấy chúng tôi tịch thu được 3 cây súng AK, ba cái võng, một tấm bản đồ và một ống nhòm…
Nhớ tới những thắng lợi này tôi bất giác bật lên tiếng cười tự chế nhạo:
-Chó ngáp phải ruồi!
Không ngờ lúc ấy gã đứng tuổi đi đâu vừa về, gã bước đến sừng sộ hỏi tôi:
-Mày nói cái gì chó ngáp phải ruồi?
Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía tôi làm tôi lúng túng chưa biết trả lời sao cho hợp lý thì gã đứng tuổi lại tiếp:
-Mày phải liệu mà giữ cái mồm!
Liền đó, gã quay sang nói với hai tên bộ đội:
-Các đồng chí chuẩn bị sẵn sàng để dẫn giải mấy thằng ngụy này đi Gio Cam! Tôi nhắc các đồng chí, đừng bao giờ quên rằng bọn sĩ quan ngụy đã được đế quốc Mỹ đào tạo thành những con ác quỉ! Thằng nào cũng có thể tay không đánh chết người cả. Các đồng chí phải thật cẩn thận mới được! Thằng nào lạng quạng phải tiêu diệt ngay!
Vừa khi ấy bên ngoài lại có tiếng nói chuyện ồn ào. Mấy tên bộ đội dẫn vào thêm hai tù binh nữa. Cả hai đều mặc đồ SĐ 3 không giày không mũ, cũng trói cắp cánh bằng dây điện thoại. Chúng không buộc hai anh này vào cột nhà hay chân giường như bọn tôi mà để họ ngồi tự do giữa nền nhà.
Mấy phút sau tên đầu bếp mang cơm nước đến. Chúng lại tụ họp ăn uống. Ăn xong, chúng mở dây trói cho bọn tôi, bảo ngồi lại một hàng và phát mỗi người một chén cơm với một quệt ruốt. Chúng tôi còn dật dờ nhìn nhau thì gã đứng tuổi bước đến, giọng hơi hài hước nói:
-Các anh ăn đi kẻo đi hơi xa đó. Muốn làm chuyện lớn chuyện nhỏ chi cũng phải lo ăn để giữ sức khỏe đã chứ!
Từ hôm gặp gã, tôi chỉ nghe gã này gọi bọn tù chúng tôi là mày hay chúng mày. Đây là lần đầu gã gọi chúng tôi là các anh. Trong khi chúng tôi ăn, gã vẫn tiếp tục nói chuyện:
-Các anh là những kẻ đã lầm đường, gây nên tội lớn với tổ quốc. Lẽ ra cách mạng phải xử tử các anh mới xứng. Tuy thế, vì tình dân tộc, thể hiện chính sách khoan hồng, cách mạng đã mở cho các anh một con đường sống. Cách mạng sẽ đưa các anh đến một nơi an toàn để giáo dục các anh trở thành những con người tốt, giúp các anh có cơ hội lập công chuộc tội. Các anh sẽ được học tập vài tuần hay vài tháng lâu mau tùy trình độ giác ngộ của các anh. Học tập xong các anh có thể được đưa đi phục vụ ở một lãnh vực khác. Trường hợp đặc biệt, các anh có thể được đưa trở lại hoạt động ngay chính đơn vị gốc của các anh không chừng…
Tôi hơi ngạc nhiên về câu chót của gã. Có lẽ các tù binh khác cũng vậy. Hình như hiểu được điều đó, gã lại tiếp:
-Tôi nói thiệt đó! Anh nào tình nguyện trở về hoạt động cho cách mạng tại đơn vị gốc của mình, chỉ cần chịu một hai điều kiện ràng buộc, cách mạng sẽ thu xếp thỏa mãn cho ngay. Chuyện đó trước sau các anh cũng sẽ biết thôi. Tôi chỉ mong và chúc các anh sớm giác ngộ, cải tà qui chánh, gắng học tập thật tốt để phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc thoát ách nô lệ của đế quốc Mỹ. Một điều tôi lưu ý các anh, chốc nữa đây, cách mạng sẽ đưa các anh đến khu an toàn Gio Cam tức Gio Linh Cam Lộ chắc các anh đã biết. Trên đường đi, vì điều kiện an ninh, cách mạng vẫn phải trói các anh lại. Các anh phải tuyệt đối tuân lệnh các chiến sĩ áp giải. Anh nào tự ý rời xa hàng ngũ ba thước sẽ bị bắn hạ ngay! Kỷ luật cách mạng là vậy! Nếu lơ mơ phạm phải các anh sẽ không còn cơ hội để hối hận đâu! Tôi nhắc lại, anh nào tự ý rời xa các chiến sĩ áp giải ba thước sẽ bị bắn hạ ngay! Phải nhớ kỹ điều đó!
Rồi gã quay sang nói gì đó với mấy tên bộ đội. Sau khi dẫn tôi đi vệ sinh xong, tên bộ đội giữ tôi đưa cho tôi một bộ quân phục mang phù hiệu SĐ 3 bảo tôi thay. Cũng may cái quần tôi nhận gài nút bụng cũng vừa khớp tầm bụng của tôi. Sau đó năm chúng tôi bị trói cắp cánh lại như cũ. Toán bộ đội cũng chuẩn bị ba lô, súng đạn để lên đường.
Chừng nửa tiếng trước khi mặt trời lặn, gã đứng tuổi bảo một tên bộ đội cho tập họp cả toán bộ đội lẫn toán tù binh trước sân nhà. Tên này nói với chúng tôi:
-Hôm nay chúng tôi có nhiệm vụ đưa các anh đến vùng an toàn Gio Cam. Mong các anh triệt để tuân thủ kỷ luật để tránh những vấn đề rắc rối xảy ra dọc đường. Trường hợp gặp địch, chúng tôi sẽ chiến đấu để tiêu diệt chúng. Trong khi đó các anh tuyệt đối không được chộn rộn. Các anh phải nhớ bộ đội cụ Hồ là bộ đội bách chiến bách thắng. Anh nào tự ý rời xa chúng tôi ba thước chúng tôi sẽ bắn hạ ngay! Đừng dại dột mưu toan đào thoát mà rước họa vào thân!
Thế rồi chúng chia ba tên đi trước, bọn tù chúng tôi đi giữa, bốn tên khác đi đoạn hậu. Đoàn người đã lần lượt đi qua nhiều bờ ruộng trên một cánh đồng vàng rực lúa chín. Gần tối thì đoàn người gặp một con sông nhỏ. Chúng tôi được dẫn đi men theo bờ con sông này. Đêm ấy có trăng. Đi một hồi tôi thấy một toán người nào đó lố nhố xuất hiện trước mặt. Họ đi ngược lại với đoàn áp giải tù binh. Dưới ánh trăng tôi chỉ thấy những bóng người mà không nhìn ra họ là ai. Thình lình tên bộ đội đi đầu hỏi lớn:
-Các đồng chí ở đơn vị nào đó?
Lập tức có tiếng trả lời:
-Đồng chí cái Đ.M. bây à?
Tiếp theo lời chửi thề ấy là những loạt súng nổ vang. Mấy tên bộ đội áp giải chúng tôi hoảng quá bỏ cả tù binh, nhảy xuống sông bì bõm lội ra giữa giòng, ơi ới gọi nhau. Theo phản ứng tự nhiên tôi cũng lăn xuống mép sông vịn cỏ nằm đó để tránh đạn. Toán lính VNCH bắn theo mấy loạt nữa rồi rút đi. Đợi một hồi khá lâu không nghe động tĩnh gì nữa tôi lần mò lên bờ. Thấy chung quanh vẫn hoàn toàn im vắng tôi bèn chun vào một đám lúa để núp và bắt đầu lần tay tìm cách mở dây trói. Tôi lần các ngón của cả hai tay đẩy qua đẩy lại các mối dây. Sợi dây dù còn ướt có vẻ như được dãn ra phần nào. Tôi rút mạnh tay phải một cái cầu may! Trời ơi, không ngờ nó tuột ra được! Tôi mừng quá vội mở đầu dây còn buộc ở cổ tay trái rồi ném nó đi một cách sảng khoái! Thế là thoát!
Bây giờ tới việc tìm đường vào Huế! Đi QL1 đương nhiên tôi không dám. Phải tránh luôn cả những nơi có nhà cửa dân chúng! Đi giữa cánh đồng lúa là tốt nhất! Nhưng cánh đồng này hoàn toàn xa lạ làm sao để đi cho đúng với ý mình? Cứ đi ngược hướng mà bọn VC đã dẫn tôi đi hồi chiều tất nhiên phải đến lãnh thổ Thừa Thiên. Nghĩ thế rồi tôi cứ băng ruộng mà đi. Hình như bản năng sinh tồn đã khiến cho người tôi khỏe hơn. Tôi vừa đi vừa chạy không dám nghỉ.
Trong cuộc trốn chạy này tôi không hề gặp một bóng người nhưng lại gặp rất nhiều trâu chạy lạc. Đã mấy lần tôi muốn rụng tim vì tiếng động bất ngờ do những con trâu chạy lạc gây nên. Hễ thấy bóng người là chúng hoảng hốt phóng như điên. Có lẽ chúng sợ bị bắn. Tôi cũng gặp vài con sông nhỏ và khá nhiều mương, hói. Tuy không giỏi bơi lội nhưng nhờ mùa hè nước cạn nên những sông hói này chẳng gây trở ngại nào đáng kể cho tôi. Bộ đồ tôi mặc cứ ướt nhẹp hết rồi lại khô dần nhiều đợt. Thấy đâu có bóng dáng nhà cửa tôi lại tránh xa ra tìm lối khác. Vì sợ bị bắt lại, vì muốn sớm thoát khỏi khu vực nguy hiểm, tôi đã quên cả đói khát, quên cả mệt mỏi, cứ gắng sức đi miết. Đi cái đã, đến địa điểm địa phương nào tôi cũng không biết nữa.
Tới khi gặp một khoảnh ruộng gò hơi trống trải tôi bỗng đâm ra ngại ngùng. Tôi linh cảm hình như phía trước có điều gì nguy hiểm. Thối lui mươi bước, tôi tìm một chỗ thấp kín đáo hơn và ngồi xuống để nghe ngóng. Nhưng tôi chẳng nghe được gì. Lúc ấy tôi mới sực nhớ tới bốn người bạn tù bị áp giải đi Gio Cam một lượt với tôi. Có thể có người đã chết hoặc bị thương trong cuộc tao ngộ chiến hi hữu dọc đường. Có thể có người đã được toán lính VNCH cứu thoát. Cũng có thể có người đã trốn được vào ruộng lúa như tôi nhưng chắc chắn họ không dễ dàng gì tự mở được dây trói vì họ đều bị trói bằng dây điện thoại. Bây giờ số phận họ ra sao? Tôi cũng hơi tức cười nhớ tới lời của tên chỉ huy toán VC nói lúc khởi hành “bộ đội cụ Hồ là bộ đội bách chiến bách thắng”, thế mà vừa chạm mặt với toán lính VNCH, chúng đã vội bỏ cả tù binh để chạy thoát thân. Thấy chỗ mình đang ngồi cũng khô ráo, tôi định ngã lưng giây lát cho thoải mái. Không ngờ vừa nằm xuống tôi đã ngủ quên và cũng chẳng biết đã ngủ được bao lâu.
Khi chợt tỉnh giấc, tôi giật mình thấy cả đoàn người dài dằng dặc đang lũ lượt đi bộ về phía Nam. QL1 đây rồi chắc? Trời vẫn còn nhá nhem tối. Tôi chỉ thấy họ qua những bóng đen chứ không nhận ra họ thuộc loại người nào, quốc gia hay VC. Tôi run lắm nhưng vẫn nằm im không dám nhúc nhích. Thình lình một anh trong đoàn người ấy thụt một trái đạn chiếu sáng lên trời. Liền đó có một tiếng ai đó chưởi:
-Đ.M. thằng nào cà chớn muốn kêu VC pháo kích hả?
Nghe được câu chưởi ấy tôi mừng rơn lên. Quả đúng là phe ta rồi! Sống rồi! Thấy khoảng cách từ QL1 tới chỗ tôi nằm không xa mấy, tôi phấn chấn đứng dậy đưa hai tay lên đầu vừa bước ra vừa kêu lớn:
-Xin đừng bắn, lính chạy lạc! Xin đừng bắn, lính chạy lạc!
Có lẽ vì thấy tôi chỉ một thân một mình, hai tay lại đưa lên đầu nên đoàn người vẫn tiếp tục đi. Khi đến gần tôi nhận ra đoàn lữ hành toàn là các sắc lính VNCH. Một viên đại úy Biệt động quân hỏi tôi:
-Anh là lính Sư đoàn 3?
-Thưa không, tôi là thiếu úy CSDC, đại đội phó đại đội 101/CSDC Quảng Trị.
-Thế tại sao anh mặc đồ Sư đoàn 3?
-Tôi bị VC bắt và chúng bắt tôi phải mặc đồ này. Chúng đang áp giải 5 người tù chúng tôi đi Gio Cam thì may gặp lính mình chận đánh dọc đường nên tôi thoát được.
Viên đại úy gọi một viên chuẩn úy đến dặn:
-Anh cho người coi chừng ông này!
Thế là tôi đi theo toán Biệt động quân ấy. Đi qua đồn Mỹ Chánh thì trời bắt đầu sáng. Mọi người vẫn tiếp tục đi. Khi tới quận lỵ Phong Điền, tôi thấy nhiều lính tráng đang đứng ở sân quận nhìn ra. Bất ngờ tôi thấy Trâm, một người bạn của tôi đang làm trưởng toán Thám sát tỉnh ở quận Phong Điền cũng đứng ở đó. Tôi mừng rỡ gọi lớn:
-Trâm ơi, Trâm ơi!
Trâm vui mừng chạy ra đón tôi. Thấy tôi quen với Trâm viên chuẩn úy Biệt động quân bèn để tôi ở lại với Trâm rồi tiếp tục cuộc hành trình. Tôi kể sơ qua về vụ bị bắt cho Trâm nghe. Rồi Trâm đem cơm ra hai đứa cùng ăn. Sau đó Trâm nhờ một anh bạn lái chiếc xe truck chở tôi thẳng vào đại đội 102/CSDC Thừa Thiên Huế. Tôi được đưa vào gặp đại úy ĐĐT Trần Văn Tý. Lúc ấy ông Tý đang nói chuyện với một cấp chỉ huy của đơn vị Thám sát tỉnh Thừa Thiên. Tôi kể sơ sự việc tôi vừa gặp phải cho hai ông nghe. Sau đó đại úy Tý kêu người lấy cho tôi hai bộ đồ CSDC và cho tài xế chở tôi về nhà tôi cách đó bốn cây số.
Khi bước chân vào nhà, tôi ngạc nhiên thấy nhà cửa vắng hoe. Mẹ tôi đang ngủ. Đứa con trai mới 3 tháng tuổi của tôi đang nằm cất tiếng ọ ẹ trong nôi. Tôi chạy lại bồng con lên. Mẹ tôi chợt thức vui mừng kêu lên:
-Mi về rồi đó à? Mấy ngày ni cả nhà lo bấn ruột đi. Ai cũng tưởng mi gặp chuyện chi rồi. May phước. Rứa mi không gặp con Trang (vợ tôi) à?
Tôi hỏi lại:
-Rứa Trang đi mô rồi mạ?
-Hắn nóng ruột nên ngày mô hắn cũng lên An Cựu chờ mi và hỏi thăm tin của mi đó mà. Thấy ai làm việc ngoài nớ cũng lần lượt vô hết mà mi cứ biệt tích biệt tăm ai không lo được?
Rồi mấy người hàng xóm sang thăm tôi. Khi tôi đang nói chuyện với họ thì vợ tôi dắt thằng con trai 3 tuổi của tôi về. Vừa thấy mặt tôi nàng liền ngồi phịch xuống trước hiên nhà khóc nức nở một hồi. Sau đó có thêm mấy người hàng xóm khác sang nữa. Ai cũng vui vẻ chúc mừng tôi từ cõi chết trở về an toàn. Có người cho rằng lần này mà tôi đã thoát được tức là mạng tôi còn lớn lắm, khỏi cần lo nữa.
Mấy ngày sau tôi trở về trình diện đơn vị cũ lúc ấy đang tạm đóng ở Hòa Khánh, Đà Nẵng. Tôi đã trình bày rõ việc tôi đã bị VC bắt với BCH/CSQG Quảng Trị. Hai ba hôm sau đó, đại úy Lưu Phát, đại diện cho BCH/CSQG Quảng Trị đi họp ở Tòa Thị chính Đà Nẵng về đưa cho tôi một bì thư vừa cười vừa nói:
-Này, thư của mi. Chính ông Phó Thị trưởng Đà Nẵng trao đó.
Mở bao thư xem tôi mới biết đó là văn thư của một cơ quan an ninh quân sự (lâu rồi tôi không còn nhớ rõ cơ quan nào) gởi giới chức thẩm quyền BCH/CSQG Quảng Trị yêu cầu cho tôi đến gặp họ có việc cần thiết. Mới lướt qua văn thư nỗi buồn chán và uất nghẹn đã ập vào đầu óc tôi như một cơn gió. Dòng chữ “Trích yếu: v/v thiếu úy NVT bị VC bắt tha về” như một mũi kim đâm vào tim tôi. Bị bắt tha về? Mấy chữ này không chỉ xúc phạm đến thể diện mà còn có thể gây ảnh hưởng nguy hại cho lý lịch an ninh cá nhân của tôi nữa! Sao phũ phàng ngang ngược đến thế này được? Tôi nói với anh Phát:
-Tại sao người ta lại vu cho tôi bị VC bắt tha về? Tôi mới thoát chết chưa hoàn hồn giờ lại vu oan cho tôi thế này tôi làm sao chịu nổi. Thôi, họ muốn làm chi họ làm, tôi không biết.
Anh Phát (tôi là bạn học của Lưu Khánh Vân, em ruột anh Phát) trấn an tôi:
-Không sao đâu. Họ chưa hiểu sự việc nên nói vậy thôi. Bây giờ họ mời thì mình cứ đi cái đã. Cả BCH/CSQG Quảng Trị ai cũng hiểu mi, đâu cần phải lo! Sáng mai mi cứ có mặt ở đây tao cho người chở đi. Nhớ đừng để sai hẹn.
Thật tình tôi chẳng sợ chi chuyện đó mà chỉ bực tức thôi. Tôi bỏ tờ văn thư vào túi, không thèm đọc lại nữa.
Sáng hôm sau tôi được chở đến cơ quan mời tôi. Cơ quan nào chỉ có người tài xế biết chứ tôi cũng không biết. Lúc ấy đầu óc tôi khá căng thẳng. Tôi cố tự trấn an, gắng giữ vững tinh thần để đối phó với những câu hỏi hiểm hóc có thể được người ta đặt ra.
-Mời thiếu úy vào gặp đại tá.
Tôi hơi bị khớp khi nghe anh lính cho biết tôi sẽ gặp ông đại tá. Chuyện quan trọng đến thế này ư? Theo chân anh lính bước vào phòng, tôi thấy ông đại tá đang xem xấp giấy gì đó đặt trước mặt. Tôi đưa tay chào, ông gật đầu và chỉ tay vào cái ghế đối diện ông:
-Ngồi đó đi, mừng cho thiếu úy vừa thoát hiểm.
Nghe giọng ông không có gì gay gắt tôi hơi yên tâm. Ông bắt đầu nhỏ nhẹ hỏi tôi về những gì tôi đã gặp, đã thấy, đã biết từ khi rời tỉnh lị Quảng Trị đến khi thoát nạn. Tôi lần lượt trả lời những câu hỏi của ông một cách thành thật. Suốt buổi nói chuyện ông đại tá không một lời nhắc đến việc “tôi bị VC bắt tha về”. Rõ ràng là ông chỉ muốn tìm hiểu về tình hình Quảng Trị thôi. Tới khi ông cầm cái can đứng dậy bước đến chỉ vào một tấm bản đồ trận liệt treo bên vách bảo tôi xác định những vị trí mà tôi đã trải qua thì tôi thật sự lúng túng. Tôi không phải là người địa phương, cũng không giỏi về bản đồ, nhiều lúc phải trơ mặt thằng ngố ra. Biết không khai thác được gì ở tôi nữa, ông đại tá nói:
-Cám ơn em, bây giờ em về được rồi.
Tôi thấy lòng thư thới hẳn khi chào giã từ ông đại tá. Anh tài xế thấy nét mặt tôi không bí sị như lúc đi bèn hỏi:
-Không có chi rắc rối chứ thiếu úy?
Tôi kể sơ cuộc nói chuyện cho anh ta nghe rồi kết luận:
-Tổ cha cái anh thảo văn thư nào đó nghèo chữ nghĩa mà lại thích cường điệu gây chuyện hiểu lầm chết người như chơi. Nó làm tôi bực bội, mất ngủ suốt một đêm! Nếu tôi mà lỡ hứa hẹn chi với bọn VC, khi đọc được cái văn thư ấy ắt tôi phải lo đào ngũ mất!
Ngô Viết Trọng