main billboard

Câu chuyện về những hệ lụy của tình người, của thân phận và bẽ bàng sau ngày Họ gọi là "Giải Phóng"

 


Truyện ngắn:
Nỗi đau bẽ bàng


Thường ngày Chủ nhật, sau khi đi Chùa về, chị Hoàng lại ghé nhà tôi chơi. Gia đình chị qua Mỹ theo diện HO với chồng là một cựu Đại úy Chiến tranh Chính trị bị “học tập cải tạo” trên mười ba năm trời và sáu đứa con, không một đứa nào có một ngày đến trường. Chị là một người Tàu chính gốc, sinh đẻ ở Cần thơ, cựu nữ sinh Trung học Gia Long Sài Gòn, tính tình vui vẻ, linh hoạt và nét đẹp thuở xuân thời còn vương vấn.
Tôi mới quen chỉ trong vòng vài ba năm lại đây thôi. Chúng tôi, phận đàn bà với nhau, cũng chồng là “Ngụy quân” bị án tập trung cải tạo, thường trao đổi chuyện đời, chuyện đạo, hơi hợp ý nhau. Những năm tháng cơ cầu không chồng, tay trắng không quen gió cát phong trần, nuôi bầy con nheo nhóc, một xã hội “đổi đời” mà “nước mắt còn nhiều hơn nước trong bốn bể”, trùng trùng oan khiên, chị tưởng chừng không chống chọi nổi.
Chùa đã cho chị sự sống. Sự sống của chị cũng là sự sống của các con chị và cả chồng chị nữa. Cho nên, với ai không biết, với chị thì, niềm tin vào chư Phật thì thiêng liêng vô cùng là tự nhiên. Bây giờ, một Phật tử thuần thành tại gia, chị luôn giữ hạnh “từ bi”, cứ bảo: “từ là đem an vui hạnh phúc đến cho tha nhân, bi là làm vơi đi những phiền lụy, khổ sầu của kẻ khác. Bởi mình đã chịu đựng biết bao nhiêu nỗi đau khổ lắm rồi nên hết sức thông cảm, thương tình người phải cảnh gian truân…”.
Hôm qua, buồn buồn thằng con trai lớn, chị ngồi tâm sự nỗi đau bẽ bàng của đời mình mà nhiều lần không cầm được những giòng nước mắt. Tôi lắng nghe, không một lời mà se sắt cả lòng.

oOo

Năm 1967, tôi vừa tròn mười bảy tuổi, đang học lớp Đệ tam, gặp chồng tôi lúc bấy giờ là Thiếu úy tại nhà một người bạn học cùng trường Gia long. Từ quen nhau đó, chúng tôi phải lòng với nhau. Ổng với tôi cùng tuổi Dần con cọp. Ổng Mậu Dần còn tôi Canh Dần, hơn nhau mười hai tuổi. Người ta thường nói: “Canh cô Mậu quả”, nhưng may mắn, chúng tôi không có “cô” mà cũng chẳng có “quả” gì cả. Ðã bốn chục năm ròng rã rồi còn gì. Ổng lùn, đen, không đẹp trai vào đâu cả, lại còn lầm lầm lì lì, không “chiến tranh chính trị” chút nào hết, quê người xóm Búng, Lái Thiêu. Quanh tụi tui thời bấy giờ, bọn con trai học trò thư sinh nhõng nhẽo thường bu quanh, nhí nhô, lắm chuyện. Ổng ít nói, phong trần, tôi mê. Tôi không hoa khôi với ai cả, chỉ được tiếng là “dễ thương”. Bạn học của tôi thường chê đùa: “Chồng mầy giống Thạch Sanh Lý Thông quá trời”. Trời ơi, giống gì mà, một lần cả hai người dữ vậy, hoặc Thạch Sanh hay Lý Thông thôi chứ, phải không chị. Thạch Sanh xấu người mà tốt bụng. Lý Thông xấu bụng mà tốt người, Có ý nào tụi nó muốn nói ổng vừa xấu người mà còn xấu cả bụng nữa không!? Chắc không. Những lần như vậy, tôi chỉ biết mắng lại: “đồ quỷ sứ”. Danh từ mà thời đó, bọn “ô mai” chúng tôi thường kháu nhau.nsinhgialongps4
Chúng tôi thường về miệt vườn quê ổng chọc phá mấy cây bòn bon, chôm chôm, bách bộ đại lộ Nguyễn Huệ nhìn người ta giàu có, nhởn nhơ vào tiệm chè Hiển Khánh bên hông rạp Casino Dakao và vòng vòng gì cũng vào Ciné Văn Hoa trên đường Trần quang Khải, gần xóm Chùa, nơi ổng tạm trú. Thời gian quen nhau ngắn ngủi mà nhiều kỷ niệm. Chúng tôi đã thực sự yêu nhau lắm và đồng ý xin cha mẹ hai bên cho lấy nhau. Ba má tôi không thích tôi lấy người Việt Nam làm chồng và cho rằng, tôi cũng còn trẻ lắm. Mà tôi “còn trẻ lắm” thật, nếu không muốn nói là quá ngây thơ. Ai đời, đã có chồng rồi đó, mà còn nhảy dây, nhảy cò cò với mấy con bạn hàng xóm mới quen.
Ba má chồng tôi lại muốn con trai trưởng của mình bấy giờ lấy vợ, có con là quá vừa lắm rồi, sợ trễ đi. Ba má tôi, cô, chú, bác tôi gốc gác người Quảng Đông… dặn rằng, khi hỏi “Con có thương cậu Minh nầy không, con hãy trả lời là “không”, để từ chối đám hỏi người ta nghen”. Tôi không cách chọn lựa nào khác hơn, trả lời “dạ”. Cả nhà yên tâm. Tôi cả đêm lẩn thẩn không sao ngủ được, thương ổng quá, tội nghiệp ổng quá. Và sáng hôm sau, người ta tới “hỏi”, tôi không trả lời “không”, tôi trả lời, “con thương ảnh”. Một trận đòn nặng roi ba tôi đánh để đời “một đứa con bất hiếu”, vừa láo, vừa không biết nghe lời.
Một đám cưới sau đó vài tháng vào ngày cận Tết. Tôi nghỉ học theo bước chân lính của chồng, nay Chi khu nầy, mai Chi khu kia khắp tỉnh Gia Định, sống bềnh bồng tháng năm hạnh phúc. Ba má chồng lo lắng, mong có đứa cháu nội ẵm bồng. Ðã lấy nhau ba năm trời còn gì. Thằng Mong ra đời năm tôi tròn hai mươi. Chị thấy không, cái tên của nó đã nói lên sự chờ đợi, ao ước bên chồng tôi có một đứa cháu nội biết chừng nào. Nội nó, các chú nó, các cô nó và ngay ổng cũng đã lớn tuổi rồi, thương thằng Mong vô cùng. Nhờ con, tôi cũng được thương lây. Rồi các đứa sau, năm một lần lượt ra đời: thằng Chiến, con Hoa, con Hồng, thằng Thịnh. Ðông con, tôi không theo ổng đây đó nữa, về nhà ba má ruột ở Ngã Sáu Chợ Lớn, gần trường Trung học Chu văn An.

Năm 1974, ổng lên Ðại úy, làm Ðại đội trưởng Chiến tranh Chính trị Tiểu khu, chúng tôi dọn về căn nhà mới mua ở Bà Chiểu. Nói là căn nhà cho nó oai một chút, chứ nhỏ chút xíu chút xiu à, nằm hun hút trong xóm lao động. Ðại uý Chiến tranh Chính trị - chị biết đó - với thêm một vợ năm con, lương đâu mà nhà cao cửa rộng. Nói cho chị biết, ổng rất thương các em của ổng lắm. Hai đứa em trai đi lính, ổng lo về làm văn phòng ở Bình Chánh và Gò Vấp, không một ngày bắn súng. Người ta ngoài mặt trận, chết không kịp chôn. Ba cô gái, một tay ổng “dựng vợ gả chồng” cho, đứa nào cũng ăn nên làm ra.
Từ những năm 1972 trở về sau nầy, Việt cộng đã vi phạm hiệp định Paris, cuộc chiến trở nên khốc liệt, nhiều con bạn tôi khóc chồng tử trận, trở nên góa bụa đang còn tuổi thanh xuân. Một đứa nghe tin đậu Tú tài I cùng một lần với tin chồng chết. Hai đứa lấy nhau chưa qua được một tuần lễ. Một đứa khác mới nhận được thư chồng buổi sáng, nói: “Anh sẽ về ăn đầy tháng của đứa con trai đầu lòng của anh...”, chiều đã nghe tin hy sinh vì tổ quốc, xác không tìm ra.

Rồi tháng 4 năm 1975, khắp nước loạn ly. Vợ chồng chúng tôi lo quẩn, dắt mấy đứa con chạy lòng vòng, khi thì về Chợ Lớn, lúc thì xuống Lái Thiêu, hết đường rồi trở lại nhà đóng cửa im ỉm, buồn thúi ruột. Người ta ơi ới tứ tung, xuống Bạch Đằng, lên tòa Ðại sứ Mỹ…tìm đường trốn bọn quỷ đỏ Bắc Việt. Chồng tôi đơn giản rằng: “Thống nhất, hòa bình rồi, chắc không đến nỗi nào. Ai đi đâu thì đi, mình ở lại”. Chị thấy không, ổng Chiến tranh Chính trị đánh Việt cộng mà không biết gì Việt cộng hết trơn hết trọi. Chúng tôi ở lại với nơm nớp bao nỗi âu lo sợ sệt. Mấy cậu lính của ổng cho hay “nhiều người của bên mình ở Bình Dương bị thủ tiêu nhiều lắm Ðại úy à”. “Biết vậy hay vậy chớ làm gì bậy giờ!?”, ổng trả lời. Và như chị đã thấy đó, Ủy ban Quân quản kêu gọi trình diện và sau đó bắt “đi học tập cải tạo?” Oan khiên thống khổ bắt đầu dồn dập đến. Chị nghĩ coi, tôi lúc bấy giờ mới hai mươi lăm tuổi, chưa từng lăn lộn với đời mà ôm năm đứa con, đứa lớn nhất mới năm tuổi và đứa nhỏ nhất chưa thôi nôi vào buổi nổi trôi của đất nước, khổ biết chừng nào!? Làm sao sống đây!?

Ngày 28 tháng 6 năm 1975, ổng trình diện “học tập cải tạo” tại nhà giòng Don Bosco Gò vấp. Nghĩ rằng mười ngày là về thôi, ai ngờ ổng đi miết hơn mười ba năm trời từ Nam ra Bắc. Nỗi đắng cay trời hành đất đọa giáng lên đầu lên cổ mẹ con tôi chân yếu tay mềm trong một xã hội ngược ngạo, đảo điên, không tình người. Bọn “Cách mạng” cướp của ban ngày cùng những tên “băng đỏ giờ thứ 25” hốt mẹ con tui “đi kinh tế mới” Lê văn Hai, lấy căn nhà của tôi lập cơ sở Phường đội. Không tiền, không nhà, bầy con năm đứa, không biết gì và không có gì để làm ra tiền, làm sao mà sống!? Ðâu đâu cũng bọn bộ đội, công an, dân thường... ngoài Bắc tràn vào Nam hôi của, cướp cạn đem ra quê quán Cộng sản nghèo nàn của họ bên kia cầu Hiền Lương làm của gia bảo. Làm nghèo đồng bào các tỉnh Quảng Trị trở vào Nam bằng cách đổi tiền ăn giựt 500 đồng tiền có giá trị của Việt Nam Cộng Hòa đổi lấy 1 đồng tiền rác rưởi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người ta chỉ đổi được có 300 đồng, còn lại biết là bao nhiêu, bọn “cháu ngoan bác Hồ” giành cho mình độc quyền đổi làm giàu.
Nay nghe con bạn, vợ anh Ðại úy khóa 1 Chiến tranh Chính trị, uống thuốc độc tự tử với hai con ở Phú Lâm. Mai nghe con bạn giàu có hồi nào ở ngã Bảy, kế trường Trung học Tư thục Phan Sào Nam, bây giờ nhà bị “đánh tư sản mại bản”, điên điên khùng khùng, lang thang đầu đường xó chợ, miệng cứ lảm nhảm chửi bâng quơ. Nó là con nhỏ đẹp vô cùng của trường, có mỹ danh là Tây Thi. Tôi như người mất hồn, rã rời, tuồng như không còn sự sống nữa. Bồng bế năm con, tôi bỏ “vùng kinh tế mới”, về nhà ba má ruột ở Chợ Lớn. Không có “hộ khẩu”, mình trở thành dân lậu, trốn chui, trốn nhủi bọn “Công an Khu vực” và ông bà “Tổ trưởng Dân phố”. “Chế độ tem phiếu” bỏ đói, bỏ rét người ta, một mẹ năm con không mua được thức ăn, vải vóc, đồ dùng. Người ta nói đúng, “tiến về nội, thoái về ngoại”.
Các chú thím, các cô dượng của những đứa con tôi bắt đầu trở mặt quay lưng một cách tàn nhẫn. Ngay bà mẹ chồng, mới thuở nào con con cháu cháu, bây giờ gặp mặt cũng muốn xua đuổi, hỏi có đau lắm không?. Không lẽ ngồi than trời thở đất hoài mà sống được. Kiếm cớ sanh nhai chớ. Có lúc tôi bán xôi, bán chè hè phố. Có khi tôi bán khoai lang luộc, bắp nướng bên hông trường Tiểu học cho mấy em nhỏ lớp hai, lớp ba. Có ngày thông suốt. Có ngày bị rượt đuổi và cũng có ngày bị bắt vào Ủy ban Nhân dân Phường ngồi nghe chửi cả buổi, lại phải trả tiền phạt. Lòng đau như cắt! Làm đầu tắt mặt tối đến chết cũng không đủ ăn, không đủ mặc cho mấy đứa con từng ngày lây lất lớn lên. Mình mỗi ngày một còm cõi, hom hem, luộm thuộm, dơ dáy… mà nước mắt cứ chảy dài. Năm đứa nhỏ ngày một rách nát thêm, trơ xương, bụi đời… Tiền không đủ nuôi con bữa cháo bữa rau lấy đâu đi học đi hành.
Các con tôi không có một chữ dính túi, chịu dốt đến bây giờ, thấy mà tội nghiệp. Nghĩ các cô chú tụi nó lúc đó biết “mánh mung”, đang ăn nên làm ra, túng quá, mẹ con tôi mon men đến, tính mượn ít tiền làm vốn xoay sở. Không đứa nào tiếp. Không đứa nào cho mượn. Mẹ con tôi đứng ngoài hàng rào không dám vào vì nhà tụi nó giàu rồi, đứa nào đứa nấy cũng có nuôi một, hai con chó dữ như để đe dọa những người nghèo xác nghèo xơ như mẹ con tôi không được vào. Tụi nó khinh khỉnh nhìn. Tụi nó hậm hực trề môi trề lưởi. Tụi nó “nguýt” dài chửi chó mắng mèo. Mặc kệ mẹ con tôi đang run cầm cập! Bà nội không quyền hạn gì, trơ trơ cái tình cảm vô tâm với con dâu và các cháu của mình mà mới ngày nào đây vuốt ve, thương yêu vô vàn.
Thời trước tháng 4 năm 1975, ngày “đơm tháng quẩy” bên ổng, vợ chồng tôi lo. Sau ngày ổng đi “học tập cải tạo”, mẹ con tôi nhớ ngày giỗ, dắt díu nhau đến cúng ông bà cô bác, mà cũng hy vọng cho các con được bữa ăn ấm bụng, dù là một “bữa ăn thí cô hồn”, cũng không có. Có ai dòm ngó gì mình đâu, còn lấm la lấm lét rình rập coi mình có ăn cắp ăn trộm gì không. Lén lén lút lút thắp ba cây nhang, sáu mẹ con ôm bụng đói meo rưng rưng nước mắt lủi thủi ra về mà tiệc tùng đang ăn uống hả hê và bên tai, tôi còn nghe các cô chú nó nói theo, “đồ thứ ăn mày”. Ổng đi tù đã bốn năm, năm năm, sáu năm…. vẫn chưa về. Mẹ con tôi ngày càng bần cùng, tơi tả. Cũng may, ba má tôi, các em trai tôi, các em gái tôi đã cám cảnh cơ hàn của gia đình tôi, mà hết lòng đùm bọc, mẹ con tôi mới còn sống qua ngày.
Nghèo đói, bương chải, dãi dầu mưa nắng, xơ xác, kiệt sức…tôi bị ngất xỉu nhiều lần ngoài đường ngoài sá. Có người biết đưa về nhà. Có khi người ta không biết mình là ai, đưa vào bệnh viện. Có lần họ đưa tôi vào nhà thương điên. Không trách gì họ, mình cũng thấy mình có khác gì con mẹ điên đâu! Nhìn những đứa con èo uột lớn dần chưa được bữa ăn no, ốm tong ốm teo, không có một manh áo quần lành lặn mà thương. Nghe các con nói “mẹ ơi, con đói quá” mà nát tan cả ruột gan, biết làm sao bây giờ? Người ta coi mình như kẻ phung cùi. Người ta khinh mình như thể bọn ăn mày lăn lóc giữa đường chợ búa. Thét rồi, mình cũng cảm thấy mình như đang mắc tội, sợ hết mọi người, không dám nhìn ai, lầm lũi. Biết rồi câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa đi học, “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử. Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi… Ở thế mới hay người bạc ác, sang thì tìm đến, khó tìm lui” nhưng vẫn thấy, trời ơi phũ phàng quá, đoạn trường quá!
Tôi kiệt quệ. Tôi mỏi mòn. Tôi hết sức. Tôi có ý nghĩ tự tử… Gia đình ba má tôi và bà con chòm xóm khuyên tôi, dắt tôi vào tịnh tâm trong Liên Hoa Ni tự với quý sư Bà, sư Cô một thời gian. “Tất cả các cháu để đó, các cậu các dì lo cho”. Ba má tôi nói như vậy. Vào Chùa, ngày ngày làm công quả, nghe giáo lý, tụng kinh kệ, lâm râm cầu nguyện, tôi cảm thấy thân tâm an lạc vô cùng. Tôi mạnh dạn hẳn lên. Tôi sáng suốt hẳn ra. Bốn tháng sau, tôi về với các con. Trong thời gian nầy, bên nội tụi nó, chẳng ai đếm xỉa đến các con của tôi sống chết ra sao! Ðã có người cám cảnh, cho tôi mượn tiền làm vốn, chỉ cho tôi cách thức làm bánh kẹo, giới thiệu cho tôi người để bỏ mối, để bán dạo… Có phải ơn Tam bảo đã gia hộ rồi đây không? Ngày qua ngày, cơ hội sáng sủa hơn, tôi vững tin là mình có thể đứng vững được.

hangrong150708e

Cô Ba, em kế của chồng tôi bấy giờ đã giàu lắm rồi, bắt đứa con gái lớn của tôi lên coi phụ cửa hàng tạp hóa. “Thôi kệ, không trả tiền cũng được. Bớt được đứa nào hay đứa nấy, đỡ một miệng ăn”. Tôi nghĩ như vậy. Một hôm về nhà, con gái tôi khóc bù lu bù loa rằng: “Cô Ba sợ con ăn cắp, trước khi về, đè con xuống, lục toàn thân không sót một chỗ nào. Con lớn rồi má ạ, đâu còn con nít nữa, sao cô làm gì kỳ vậy? Mai con không đi làm nữa đâu”. Tôi ứa nước mắt. Mình nghèo, người ta có quyền khinh bỉ? Không phải ai xa lạ, chính những người bà con ruột thịt, những người bà con ruột thịt nầy đã từng được mình nuôi dưỡng, ban ơn…
Nhiều khi tôi giận trách chồng một cách vô lý rằng “Ông ở tù gì mà ở tù lâu dữ vậy, người ta Ðông Tây Nam Bắc về hết trơn, ông không chịu về. Về đây mà coi, các em của ông đối xử với mẹ con tôi như thế nầy đây nè!”. Nghĩ lại, thấy cũng vô lý, thấy cũng tội nghiệp cho ổng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại mà”. Rồi nghĩ tới con bạn học rất thân cùng lớp cùng trường Gia Long hồi nào đó mà giận hết sức, mà cũng thương và thấy tôi nghiệp nó vô cùng. Nhà chúng tôi ở gần nhau, đến trường, tôi thường đèo nó trên chiếc Veo Solex đen bóng của mình bên cạnh các chị em đủ loại xe “Honda dame” xanh, đỏ, tím, hồng. Ngồi trên chiếc Velo Solex có vẻ kênh kiệu mà có chút gì quý phái đó, chúng tôi biết bao nhiêu chuyện tình thời học trò được nói cho nhau nghe, buồn vui biết bao kỷ niệm. Ai đời, nhờ nó mượn giùm mình năm trăm đồng thì, nó đưa cho mình bốn trăm bảy mươi lăm đồng, thậm chí nhờ nó mua bốn ổ bánh mì thì, nó cũng lấy đi một ổ, gọi là công. Con nhỏ nầy hồi đó rộng rãi lắm chớ, tế nhị lắm chớ và cũng biết điều lắm chớ. “Cách mạng” vào, rêu rao “đổi đời” làm sao mà, đổi đời nó như vậy đó?
Mẹ con tôi chịu khó chịu khổ, nhín ăn nhín mặc, dành dụm một ít tiền, quyết kỳ nầy ra thăm ổng ở trại giam Ba sao Nam Hà. Tôi lãnh “quà thăm nuôi” của vài bà bạn gởi cho chồng. Họ đã trả công bằng cách chia sớt “quà thăm nuôi” hay chịu phụ phí di chuyển cho. Các cô chú nó chỉ biết tìm tòi, tọc mạch những sơ suất của mình mà dè bĩu, lõ mắt ếch dằn mặt: “Ăn còn không có ăn, mặc còn không có mặc, bày đặt thăm với nuôi”. “Ðừng trách mẹ con em nhé. Em chỉ muốn ra gặp anh mà thôi”. Tôi thì thầm trong lòng mà nỗi buồn mang mang…

Những người vợ “tù cải tạo” lặn lội thân cò ngược xuôi khắp nẻo đèo heo hút gió hết nước Việt Nam nuôi chồng. Không may, có người bị hãm hiếp, có người bị cướp của, bị giết chết, có người bị tai nạn thương tật… tôi nghe kể cũng có mà thấy tận mắt cũng có. Thảm thiết vô cùng. Chúng tôi, đêm gặp nhau sau hơn tám năm xa cách, biết bao nhiêu chuyện phải kể, biết bao nhiêu chuyện để nói, biết bao chuyện dặn dò và cũng biết bao nhiêu chuyện phải làm. Có biết đâu, từ đó tôi có bầu thằng Bé. Người ta dị nghị. Người ta chê cười rằng, “cái bà đó lấy trai”. Gia đình bên ổng nhìn thẳng vào mặt tôi chửi đổng, “đồ thứ làm đĩ”. Tôi chẳng thèm để ý gì cả. Tôi cũng không còn hơi sức đâu mà lo ba cái chuyện “dị nghị” bá láp. Chị cũng biết cho, cái bản mặt của tôi lúc bấy giờ, có cho cũng không ai thèm thứ tả tơi, bần tiện, người không ra người, ngợm không ra ngợm, nói gì “lấy trai”, “làm đĩ”.
Ngày tôi đau đẻ, những người bạn là vợ của những “người học tập cải tạo”, đồng cảnh, đồng cảm, dìu tôi đi sinh, an ủi, giúp đỡ tôi nhiều lắm, đến bây giờ tôi cũng không bao giờ quên được ân sâu nghĩa nặng đó của các chỉ. Bên chồng tôi ơ hờ, cốt đứa bé ra để có cớ mà xoi mói, nguyền rủa… Tội nghiệp thằng Bé, giòng máu của ba mà bên nội coi như cứt. Ðến năm 1988, hơn mười ba năm ròng ổng mới được thả về. Má chồng chẳng mừng. Các chú thím, các cô dượng cũng chẳng mừng. Nhà ai nấy lo, đèn ai nấy sáng. Ổng buồn. Ổng khóc. Lúc đi, tôi mới hăm lăm, bây giờ đã băm tám, tàn tạ như “bà xèng”. Mấy đứa con cũng đã mười tám, mười bảy, mười sáu… mà nhỏ nhoi đèo đẹt, rõ ràng ràng là đói ăn, thiếu mặc.
Thôi thì, cha ngồi bán giấy số, con trai đạp xích lô, con gái bán hàng rong, mẹ lòng vòng xoay xở, cũng đỡ hơn thời ổng trong tù. Năm 1990, chạy vạy tiền bạc làm giấy tờ đi HO. Cực đã, nghĩ đến mấy đứa em trai, mấy đứa em gái, ổng đến nài nỉ mượn tiền, dẫu sao trong nhà vẫn hơn ngoài ngõ. Chị nghĩ coi, chúng nó trả lời giống nhau như một, “Đi đâu, đi ăn cướp chớ đi Mỹ, đừng hòng lường gạt”. Tôi thì, quá quen giọng điệu “mất dạy”, “phản Trụ, đầu Châu” của tụi nó lắm rồi. Ổng thì không ngờ tụi nó phản phúc đến như vậy. Tội cho ổng, chết điếng, không nói được một lời, lững thững đi về như hồn ma bóng quế. Ðêm bên ngọn đèn dầu leo lét, ổng ngồi ôm đầu mà nước mắt chảy hai hàng. Tôi phải khóc theo. Các con tôi cũng phải khóc theo.Thảm cảnh như nhà đang có tang chế, ma chay...
Chưa nói cái khó khăn làm giấy tờ đi HO. Cái “Giấy ra trại” khi về trình diện, bọn Việt cộng đã tịch thu rồi. “Hộ khẩu” ổng ở một nơi bên nội, thằng Mong ở một chỗ của chủ cho mướn xe xích lô và mẹ con tôi lại không chung cùng, đang cư ngụ bên ngoại. Ngày tháng thằng Bé đẻ ra lúc ổng còn ở trong tù nằm chình ình nơi Giấy khai sanh... Cái mớ bòng bong đan chằng đan chịt không biết đường mà mở. Hết sức khó khăn nhưng ơn Trời, Phật gia hộ, năm 1993 với HO 17, toàn thể gia đình tôi cũng qua đây hết trơn. Ổng đi làm, tôi đi làm, mấy đứa lớn vốn thất học ở Việt Nam, lỡ thầy lỡ bạn cũng bắt tay đi làm. Thằng Bé chín tuổi vào Tiểu học. Gia đình không còn lo nghèo đói gì nữa, chỉ lo trả nợ tiền mượn trước khi đi và trả nợ ơn nghĩa người ta giúp mình thời hoạn nạn.
Rồi những cái thơ, rồi rất nhiều lời nhắn của bà nội, của các em ổng ngọt xớt, quỵ lụy xin xỏ tiền bạc riết, đến nỗi tôi rùng mình, mường tường như họ đang réo gọi oan hồn tôi dậy để đòi nợ truyền kiếp. Tụi nhỏ nhất định “không cho một cắc”, bị ba nó chửi, “đồ cháu bất nghĩa”. Tôi không tán đồng thái độ của các con tôi, cũng không như ý của ổng cho tụi nó là “đồ cháu bất nghĩa”. Con tôi có đứa nào nợ nần với ai bên anh em ổng đâu mà bất nghĩa vói bất nhân!? Chúng tôi thì khác, có gì đi nữa cũng là anh chị cả, mang tiếng ở bên Mỹ mà, “thôi cho tụi nó ít tiền” bỏ thêm vào túi bạc tham lam của tụi nó, cho tụi nó im tiếng, cho tụi nó vui, cho tụi nó bớt đời phản phúc… mà khỏi chửi như tát nước vào mặt mình “đồ thứ ăn mày”, “đồ thứ làm đĩ”, “con mẹ điên”,”bọn lường gạt”.
Chị thấy chưa, chỉ có tiền mới thay lòng đổi dạ con người mau nhất? Rồi qua đến đây, chưa kịp ăn bù những hồi đói meo thì, bị tim mạch, bị cholesterol, bị tiểu đường, bị cao huyết áp, bị đường ruột… không biết ở đầu ùn ùn dồn hết bệnh cho mình phải cử ăn, nhịn ăn, ăn kiêng, ăn khem… Thật là bi quan yếm thế!. Chị thấy đó, những năm 1978, 1979... gạo làm gì có mà ăn. Thứ “bo bo” Ấn Độ cho Việt Nam để nuôi ngựa, nuôi trâu mà cũng không đủ tròm trèm cái bụng nữa là. Khoai mì, củ không có tiền mua, phải ăn lá chứa nhiều độc tố HCN chết người. Cũng may, tôi quen ăn chay trường cả bốn tháng trời trong Chùa rồi, cho nên cũng không đến nỗi nào. Việc gia đình tưởng được yên ổn trong lòng, ai ngờ…

Chị thấy đó, hết long đong lận đận đời cùng túng khốn nạn ngày xưa rồi đến ưu phiền nỗi bất hạnh những đứa con chẳng xúc cảm tình cha mẹ nuôi dưỡng nó mà chịu mười mấy năm trời đau thương thời ở Việt Nam. Biết rằng, ở nước Mỹ nầy, không gia đình nào mà không có những nỗi buồn riệng, nhưng sao tôi thấy phần mình đáng than thân trách phận quá. Thằng lớn lạng quạng, có vợ có con ở Việt Nam rồi mà không chịu bảo lãnh qua, về lại bển cưới một con đàn bà lang chạ, già hơn nó nhiều tuổi, đã rước qua còn phải hầu hạ. Thằng kế tiếp theo bước chân anh, không lo làm lo ăn gì ráo, qua qua lại lại miệt dưới Sóc Trăng, tưởng gì hơn, lại cưới một con “gái ôm” đen đúa Kampuchia qua Mỹ cũng để được vợ sai khiến mà thôi. Hai đứa con gái, một lấy Mỹ đen, một lấy Mỹ trắng, cực lực làm mà nuôi thân lười biếng hai thằng ngoại quốc. Vợ chồng tụi nó sai, tụi nó chạy như bay. Mình sai, tụi nó ù lì, trả lời “con không rảnh”.
Làm được bao nhiêu tiền, con cũng như dâu rể, rủ nhau vào Casino hay cá độ football sạch sành sanh, không nghĩ thời khố rách áo ôm, “thiếu đường đi ăn mày” nhiều lần tưởng chết đói. Ổng chán nản quá, đi làm về chỉ quanh quẩn trong nhà, “ra ngoài mắc cỡ thêm”, ổng thường nói như vậy. Hồi nãy vào đây, chị thấy tôi buồn buồn muốn khóc là vì, tôi bảo thằng Mong “Má đang ở Chùa Quan Âm, chở má về được không?". Nó trả lời, “Con phải chở vợ con đi chơi nhà bạn nó bên North, không chở được”. Chị thấy không, khổ với con suốt đời mà không nhờ được đứa nào hết trơn chị ơi! Cần những gì, tôi kêu những đứa dâu, kêu những đứa rể bảo lại, tụi nó làm ngay... Con tôi, tụi nó chỉ biết làm theo vợ, làm theo chồng thôi, không biết làm theo cha mẹ.
Rất may thấm nhuần phần nào trong giáo lý đạo Phật từ nhiều chục năm nay, tôi cũng nghiệm ra được “Tứ diệu đế” là, có “sự có mặt của các khổ đau”, có “những nguyên nhân gây ra các khổ đau”, có “cách chấm dứt những nguyên nhân gây ra các khổ đau” và có “con đường thực hiện việc chấm dứt những nguyên nhân gây ra các khổ đau”, con đường “Bát chánh đạo”- : “Chánh tri kiến”, “Chánh tư duy”, “Chánh ngữ”, “Chánh nghiệp”, “Chánh mạng”, “Chánh tinh tấn”, “Chánh niệm” và “Chánh định”. Nương ơn Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng, tôi mới phần nào giữ được an bình trong tâm hồn từ những vùi dập chết đi sống lại nầy đến những vùi dập chết đi sống lại kia. Nếu không, tôi chẳng biết mình bây giờ còn hay chết ra làm sao, dù “Tứ diệu đế”, “ Bát chánh đạo” thì không phải hạng người khập khiễng như tôi dễ dàng đi qua một đoạn. Cám ơn chị đã lắng nghe. Thôi, chút nữa chị chở tôi về vậy.”

Chị giải bày tâm sự y hệt một nữ tu đang thuyết pháp giáo lý Phật môn, khiến ai nghe cũng ngậm ngùi thương cảm, chán đời thế tục!

Phải rồi, “một bà mẹ nuôi được năm bảy đứa con, chứ năm bảy đứa con có nuôi nổi một bà mẹ bao giờ”. Tôi nói với chỉ như vậy và an ủi, “Thôi, mình trót mang “cái nghiệp” như vậy phải chịu như vậy rồi chị ơi, có suy nghĩ cho nhiều cũng thế à. Chị ngồi chơi, chút nữa tôi đưa về. Tôi chỉ có ba đứa mà cũng mệt, huống gì. Qua đây, đứa mười tuổi, đứa bảy tuổi, đứa nhỏ năm tuổi, lúc nào cũng quấn quít bên cha mẹ nhõng nhẽo. Bây giờ, đứa đã hăm lăm, đứa đã hăm hai, đứa cũng hai mươi, suốt ngày ở trường học, ở sở làm, ở các mall mua sắm, ở các party vui chơi với bạn bè Việt, Mỹ, Tây, Tàu, Mễ… hết thì giờ ở nhà với ba má, nói chi nhờ với vả.. Nghe bầy con xí xô xí xào tiếng Mỹ mà điên cái đầu và đau cả lòng. Mình thì “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi...”.
Con thì cứ “What’s up!”, “Go-ahead...”, “What are you talking about?”... Một nhà hai thái cực. Buồn lắm! Mình nói tiếng Việt, chúng nghe không hết. Chúng nói tiếng Mỹ, mình nghe không ra. Ngày giỗ ông bà, mình với mình trong nhà, không có một đứa mất thì giờ thắp cây nhang van vái tưởng niệm… Vợ chồng già âm thầm cúng kiếng không có một đứa hụ hợ vì, đang hớn hở dầm tuyết mừng “Merry Christmas”, “Happy New year” của người ta. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Ðông bất kể, khuya lắc khuya lơ cũng chưa chịu về, có khi đi cả ngày nầy qua ngày kia không cần nói cho cha mẹ hay. Ðiện thoại cầm tay, mua thứ mắc tiền cho sang để gọi nhau kháu chuyện, không phải để gọi mình hay để nghe mình gọi cấp cứu. Bạn gọi thì nhanh tay lẹ chân bắt nghe ngay, dù có đang ngủ say cũng thức dậy. Mình gọi đến hụt hơi, chúng có thèm bắt đâu? Khi mình cần mấy đứa nó giúp thì, chúng đùn qua đùn lại. Ít khi có được bữa cơm gia đình có cha, có mẹ, có con… ngồi lại với nhau ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Áo quần, son phấn, giày dép, bóp xách, mũ nón… mua để đầy nhà như đống rác.
Kể chuyện Việt Nam, chúng nói “xa quá ba má ơi”. Nói về đạo lý ông bà, chúng bảo “xưa rồi ba má ạ”. Nghĩ đông con, mua nhà lớn thênh thang nhiều phòng cho tụi nó ở, nhưng từng đứa một từng đứa một xách gói ra đi để nhìn tới nhìn lui, thường trực vẫn hai ông bà già ngồi coi phim bộ. Biết bao nỗi âu lo, buồn phiền, hai vợ chồng già trên sáu mươi, hằng ngày bó gối nhìn nhau tư lự, chắc chắn một ngày nào mình chết, các con đang vui chơi ở đâu đó không hề hay biết đến. Nỗi buồn cứ đằng đẵng, dẫu có khác với chị thì, cũng là nỗi buồn dằng dặc, mỏi mòn, héo hắt… xói tận tâm can.
Thôi thì, mình nghĩ lại mình một chút mà sống. Nghĩ quẩn nghĩ quơ theo tụi nó hoài chỉ chuốc đau buồn, chết sớm mà thôi, có thay đổi được gì cho cam. Bọn mình, vợ “ngụy quân ngụy quyền” phải khổ vì một thời chồng là “tù cải tạo” và mẹ gia đình HO qua Mỹ, bây giờ phải đau vì con, những đứa con thiếu bàn tay dìu dắt của người cha đã mất trên một chục năm trời lao lý của “thiên đường cộng sản.!?” Thôi, đó cũng là sự an bài của số phận, ráng chịu đựng mà sống tháng ngày vui heo hút với chồng, với con như nỗi oan khiên một đời… rồi cũng qua đi hết kiếp.

Chị Hoàng hai giòng lệ chảy dài, vói lấy miếng “napkin” trên bàn lau mặt. Tôi thấy cay cay đôi mắt. Tôi cũng đang khóc…Ngoài trời, bông tuyết bắt đầu rơi nhiều trong cái lạnh tê tái của mùa Ðông mới bắt đầu.

Nguyễn thừa Bình