Hoài niệm về tấm lòng yêu thương của cha mẹ nhân mùa Vu Lan.
Năm gần tròn mười sáu tuổi, tôi phải lên tỉnh học. Tá túc trong nhà người bạn của mẹ tôi, thỉnh thoảng cuối tuần mới về thăm nhà. Từ nhà tôi lên tỉnh chỉ cách mười mấy cây số, nhưng xe đò không có nhiều, chỉ chạy những chuyến phục vụ cho khách buôn bán từ dưới quê lên tỉnh. Việc lưu thông không tiện lợi mấy, nên tôi cũng ít về thăm nhà. Vã lại, mẹ tôi thường dặn nếu nhà mình không có việc gì cần, thì con cứ ở lại trên ấy để học, chứ đừng nên về nhiều mà tốn kém, cũng như mất thì giờ vô ích. Nghe vậy tôi cũng yên tâm, rồi đâm ra làm biếng về nhà. Lâu lâu hơi nhơ nhớ, mới đón xe đò về thăm mà thôi. Ngoài giờ học, tôi hay giúp dì Thảo những việc lặt vặt trong nhà, mặc dù dì không cho tôi làm, nhưng tôi cũng cố nài nỉ dì để cho vui lòng mẹ tôi. Hoàn cảnh gia đình dì Thảo, tôi chỉ nghe mẹ tôi kể lại đơn sơ. Nghe đâu dì chỉ có một đứa con trai, đến tuổi phải đi lính nhưng không may bị chết trận, trước khi dượng Thảo lâm trọng bệnh và qua đời. Từ đó dì sống cô độc trong căn nhà nhỏ, có vườn cây ăn trái và vài thửa ruộng trước nhà. Vì nhà nằm ngoại ô thị trấn, nên có vẻ hiu quạnh. Những buổi chiều, nhìn mông ra ngoài kia cánh đồng thấy những làn khói trắng tỏa lên từ mấy nóc nhà tranh. Từng sợi khói vương vấn như còn lưu luyến hơi ấm của bếp chiều, chầm chậm lan tỏa gợi lên một cảm giác buồn man mác. Những lúc ấy tôi thấy hình như tâm hồn cô đơn của dì Thảo như cố gói ghém, vo tròn lại đừng để cho thoát ra ngoài vòng cương tỏa; qua sự chịu đựng và kiên nhẫn chờ đợi một tương lai sắp cạn niềm mong ước. Mà hoài niệm thì vẫn đầy ắp trong tâm như cố níu kéo, cất giữ một kỷ vật với hy vọng sẽ chở che, đùm bọc cho tháng ngày phù phiếm nầy không bị rơi rụng xuống vực sâu trầm cảm.
Thỉnh thoảng thấy dì hơi đăm chiêu, chắc là dì có nhiều tâm sự, nhưng dì không muốn kể cho tôi nghe những kỷ niệm nào trong đời mình. Cũng có thể dì sợ làm vẫn đục một tâm hồn son trẻ, khiến tôi phải cuốn trôi theo dì, và như vậy có thể làm cho dì không được vui. Những lúc ấy, tôi hay đến hỏi thăm dì những chuyện không đâu, để may ra giúp dì quên đi những giây phút sầu muộn. Giúp dì quên đi một dỉ vãng mà tôi nghĩ nó đã đeo đuổi theo dì như hình với bóng. Một dỉ vãng mà dì chưa lần kể cho tôi nghe, nhưng qua nỗi niềm che dấu, tôi nghĩ chắc chắn đời dì đã có nhiều mất mát và tôi đoán rằng, nếu nhắc lại sẽ làm cho dì thêm nát lòng…
Tuy vậy, dì Thảo cũng không phải là mẫu người quá bi lụy. Khi vui, dì cũng kể cho tôi nghe vài mẩu chuyện thời con gái của dì cũng sôi nổi, cũng lâm ly với nhiều tình tiết. Tuy không lắm thơ nhiều mộng, nhưng cũng có những kỷ niệm của dì khiến tôi bâng khuâng. Trong đời, ai lại không có một thời làm con gái ? Sau câu chuyện, dì thường khen tôi đẹp, hiền ngoan và học giỏi, tôi sung sướng đến phát ngượng. Nhiều lúc dì hay cười chế nhạo tôi, những lúc ấy tôi thấy dì như trẻ lại trông thật duyên dáng và dễ thương vô cùng. Dì cũng còn kể cho tôi nghe: Mẹ tôi và dì khi xưa là bạn học cùng trường, hai người thân nhau lắm. Nhưng đến ngày mẹ tôi đi lấy chồng thì phải về quê, lâu lâu mới gặp nhau trong những lần mẹ tôi lên tỉnh. Thế hệ của dì và mẹ tôi không có nhiều hạnh phúc, vì sinh ra trong thời buổi loạn ly, giặc giã khắp nơi phải dắt díu nhau chạy loạn. Nhiều khi không biết chạy đi đâu cho an toàn, dừng lại đâu cho yên ổn. Nhà cửa ruộng vườn thì hoang tàn, con người có cảm tưởng như đang sống bơ vơ nơi đất lạ, không có một chỗ để về, không có một nơi để nương náu.
Nhưng nghĩ lại, mẹ tôi cũng còn may mắn hơn dì nhiều. Gia đình chúng tôi tuy nghèo, nhưng cũng có con có cháu. Còn dì thì mới nửa tuổi đời mà phải sống cảnh cô đơn chiếc bóng! Gần dì miết, rồi tôi cũng lây cái thói quen của dì, một người cứ luôn sống giữa hai trạng thái nửa vui nửa buồn ! Khi vui thì dì cười nói huyên thuyên, hay khen tôi duyên dáng, khen tôi giỏi dang, khen tôi đủ thứ… Những lúc buồn thì dì thường ngồi đăm chiêu nhìn ra cánh đồng bát ngát, nơi ấy hình như đang ẩn hiện hình bóng của người thân yêu đã một thời đem đến cho dì nguồn hạnh phúc.
Có lần trong câu chuyện, dì ngồi thở ra như tiếc nuối một điều gì, rồi dì nói bâng quơ nhưng có vẻ ngậm ngùi: “Giá như con dì còn sống…!” Rồi nước mắt của dì dàn dụa, khuôn mặt của dì dàu dàu khiến tôi cũng chạnh niềm trắc ẩn. Tôi không biết lấy lời nào để an ủi dì, vì tôi chưa đủ lớn khôn để cảm thông tâm sự của dì. Vã lại tôi cũng chưa được biết gì nhiều về thảm trạng đã đưa đến những bất hạnh cho chồng con của dì… Những lúc ấy, dì thường đưa mắt nhìn xa xôi, như đang sống lại một quãng đời nào đó của dì. Hình như con người, ai cũng muốn chắt chiu một chút kỷ niệm trong đời. Nhất là những chuổi ngày của tuổi thơ. Để làm hành trang cho mai sau, để làm hương hoa cho cuộc đời. Vì đôi lúc cảm thấy tâm hồn quá trống vắng, như người mẹ có con thơ chẳng hạn, những lúc phải thức theo con nửa khuya về sáng, không sao tìm lại giấc ngủ được, thì cũng cần nương tựa với một cái gì, để mong cho thời gian qua mau, mong sự trống vắng được lấp đầy. Tuy chỉ là ảo tưởng, nhưng mấy ai đủ can đảm để vứt bỏ những ảo tưởng, khi lòng họ quá cô đơn ? Hình như những lúc ấy, dì đang quay về nương náu với kỷ niệm !
Mùa hè năm ấy, tôi được nghỉ học và chuẩn bị về quê. Còn gì sung sướng đối với tuổi học trò trong những ngày nghỉ hè ! Được về quê vui chơi thỏa thích, sống với tuổi vô tư trọn vẹn, không bận tâm đến việc sách vở, trường lớp. Và cũng còn gì lưu luyến bằng những buổi chia tay nầy, tuy không phải là biệt ly, nhưng cũng có nhiều ngậm ngùi và thương nhớ bâng khuâng. Nhớ bạn, nhớ thầy, nhớ những giờ phút bên nhau, dầu không phải là người thân thuộc, nhưng có cảm tưởng còn hơn thế nữa! Những trạng thái tuy trái ngược nhau, song hình như đang bù đắp cho kỷ niệm của tuổi thơ. Riêng tôi, thì lại còn một chút buồn riêng. Tôi cứ nghĩ là khi vắng tôi, chắc dì Thảo sẽ cô đơn thêm cũng như dì sẽ buồn nhiều lắm, khi một mình sống trong cảnh quạnh hiu chiếc bóng nầy ! Khi không, tôi nhảy vào khuấy động cuộc sống của dì, làm thôi xao những trầm lắng đã quen, những suy tư còn đọng để rồi bây giờ dì phải trở về với nỗi buồn đã cũ! Vì thời gian sống với dì, tôi thấy dì rất thương mến tôi và quyến luyến không ít ! Sự hiện diện của tôi trong nhà dì Thảo, đôi khi cũng đem đến cho dì một chút an ủi nào đó, theo tôi nghĩ. Ngược lại, tôi cũng học được ở dì một vài đức tính quý báu của người đàn bà: nhẫn nhục, chịu đựng, an phận và tìm quên …!
Về đến nhà, thì nghe chị tôi cho biết mẹ bị bệnh sốt thương hàn, bệnh xá ở quận không đủ thuốc men, nên phải đưa mẹ lên bệnh viện tỉnh để điều trị. Tuy vậy, nhưng được biết bệnh tình của mẹ không đến nỗi gì, tôi cũng hơi yên tâm. Lúc ở trên tỉnh, tôi không được biết là mẹ tôi đi nằm bệnh viện, vì hệ thống liên lạc thời đó cũng còn khó khăn ! Tôi chuẩn bị ngày hôm sau sẽ lên bệnh viện để thăm mẹ, tiện thể tôi ghé báo cho dì Thảo biết tin luôn thể. Thật ra thì chẳng có chuẩn bị gì, chỉ trước khi đi tôi ra vườn hái dăm quả cam, vài trái quýt để làm quà cho mẹ tôi mà thôi, vì ở quê đâu có gì hơn ngoài cây trái vườn nhà ! Nhưng tôi nghĩ rằng, đây có thể là món quà sẽ làm mẹ tôi cảm động !
Tôi được một cô y tá dẫn đến phòng mẹ, thấy tôi đến mẹ tôi mừng đến chảy nước mắt, rồi hỏi tôi huyên thuyên, nào chuyện học hành, nào sức khỏe của dì Thảo… Thấy mẹ tôi hơi gầy và xanh xao, nhưng bà lại an ủi tôi rằng mẹ đã đỡ nhiều rồi, bác sĩ nói hy vọng tuần sau sẽ xuất viện được rồi. Mẹ tôi dẫn tôi ra vườn sau của bệnh viện, nơi đây thật yên tỉnh, có sân cỏ, có ghế đá, có lối đi che mát bóng cây để cho bệnh nhân đi dạo …
Ngồi xuống một băng ghế đá, tôi moi trong túi xách lấy mấy trái cam bốc vỏ đưa cho mẹ tôi. Mẹ tôi đón lấy rồi dịu dàng, con ăn với mẹ cho vui. Vừa ăn cam, mẹ tôi kể cho tôi nghe một câu chuyện, mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ ràng từng chi tiết nhỏ. Có lẽ câu chuyện quá thương tâm, đến nỗi khi nghe xong tôi rất xúc động. Câu chuyện ấy, theo mẹ tôi nếu xẩy ra trong thời điểm nầy thì không có gì để kể lại cả, nhưng lại xẩy ra cách đây mười mấy năm rồi, thời bấy giờ phần thì quê nhà loạn lạc, gia đình nghèo khó, thiếu thốn đủ thứ, túng quẫn trăm bề …
Lời kể chuyện của mẹ tôi như mơ hồ, như thổn thức chợt dừng lại giữa câu chuyện, như không muốn đi đến đoạn kết… Ngừng một lát, mẹ tôi kể tiếp: Cách đây mười mấy năm rồi, cũng vào một mùa hè như năm nay, không dưng cha con bị bệnh. Mới đầu thì bị tháo dạ một đôi lần, rồi ít ngày sau đó chuyển sang kiết lỵ, mà thời ấy đâu có thuốc men gì, chỉ lấy lá cây, nửa thì uống, nửa thì xông hơi … Thế mà có nhiều người uống lá cây cũng lành bệnh, nhưng cha con thì ngược lại không thuyên giảm chút nào. Cứ kéo dài từ ngày nầy qua ngày khác, ban đầu mẹ lấy gạo nấu cháo thật nhuyển, bỏ vào chút muối thì cha con ăn được vài chén. Đến vài tuần sau cha con không còn muốn ăn nữa, chỉ gạn nước cháo để uống cầm hơi mà thôi. Bệnh tình kéo dài đến cả tháng trời, cha con gầy đến nỗi chỉ còn da bộc xương, chân tay lạnh ngắt, không buồn cựa quậy, hai mắt lờ đờ như mất hết thần lực. Người yếu hẵn đi, thỉnh thoảng cha con đòi uống nước, nhưng chỉ uống vài ngụm nhỏ rồi đôi mắt nhắm lại và lạc vào giấc ngủ… Những lúc đó thì mẹ chỉ biết cầu Trời khẩn Phật cho cha con mau qua trọng bệnh, chứ mẹ cũng chẳng biết làm sao hơn thế nữa. Vì mẹ đã chạy chữa đủ hết cả rồi, ai vẽ cho uống gì mẹ cũng kiếm cho cha con uống cả, nhưng chẳng những thuyên giảm mà càng ngày lại càng trầm trọng thêm hơn !
Thế rồi vào một buổi tối nọ, trong khi cha con thức dậy sau một giấc ngủ chiều, cha con kêu đói bụng. Mẹ hâm cháo lại cho cha con, nhưng ông chỉ ăn được vài muổng rồi bảo đắng miệng quá, nuốt không vô ! Mẹ hỏi cha con muốn ăn gì, để ngày mai mẹ đi chợ mua về cho cha con, ông chỉ lắc đầu ! Đôi mắt riu ríu, rồi lại lạc tiếp vào giấc ngủ miên man. Thấy khuôn mặt của cha con hốc hác, xanh xám như một cái xác không hồn mà lòng mẹ nghe quặn thắt. Chợt cha con lại thức giấc và như nhớ ra một điều gì, nên cố gắng thì thào với mẹ nếu có đi chợ thì mua cho cha con một chiếc bánh ú, loại bánh gói bằng nếp với nhưng đậu xanh như bánh chưng, nhưng nhỏ hơn và xếp thành ba góc. Mẹ thật phân vân không biết cha con đã gần cả tháng không ăn uống gì cả, người thì yếu xuống thấy rõ, không biết ăn bánh nếp vào có sao không?
Băn khoăn, thắc mắc nhưng nghĩ lại thấy cha con thèm một chiếc bánh, loại bánh mà lúc còn trẻ, cha con thường thích ăn lắm. Cứ mỗi dịp tết, dù trong nhà có thiếu thốn đến đâu, nhưng mẹ vẫn để dành cả thúng nếp, đậu gói bánh chưng, bánh tét cho cha con để dành ăn cả tháng, ăn mấy cũng không ngán cả. Bây giờ, cha con lại nhắc nhở lại một thứ mà mình rất thích, chẳng lẽ mẹ làm ngơ sao đành ? Vã lại, mẹ cũng nghĩ trong lúc đang còn bệnh, mà có triệu chứng thèm ăn một cái gì, thì có lẽ bệnh đã có phần thuyên giảm. Nghĩ vậy, nên sáng hôm sau mẹ ra chợ mua cho cha con một cặp bánh, nhưng chỉ ngắt cho cha con từng muỗng nhỏ để ăn thử thôi. Thấy cha con ăn được chút ít, mẹ cũng cảm thấy mừng, nhưng vẫn còn lo là bụng đói lâu ngày, không biết ăn bánh nếp vào có sao không? Mẹ cứ nghĩ quẫn, nếu cha con có mệnh hệ gì thì mẹ không biết làm sao đây ?!
Nhưng Trời Phật cũng thương đứa khó ! Sau khi ăn xong chiếc bánh, uống xong ly nước cha con ngủ một giấc cho đến chiều, khi thức dậy cha con la khát nước … Rồi đến ngày hôm sau, hôm sau nữa cha con ăn được nửa chén, rồi đến một chén cháo và dần dần cha con bình phục…!
Mẹ tôi ngừng kể. Tôi thấy đôi mắt của mẹ tôi như nở một nụ cười, làm rưng rưng hai giọt lệ đang lăn tròn xuống má. Miệng thì thầm như lặp lại câu nói ban nảy: Nếu cha con có mệnh hệ nào, thì chắc là mẹ …
Tôi kính cẩn cúi xuống, nửa như muốn dấu bớt cảm xúc của mình, nửa như muốn dành cho mẹ tôi tận hưởng giây phút hạnh phúc thật trọn vẹn, thật tràn đầy. Sự may mắn đã đến với cha mẹ tôi, trong giây phút ngỡ như tuyệt vọng ! Lòng băn khoăn, niềm trắc ẩn của mẹ tôi, như đang chứa đựng một nguồn yêu thương rộng lớn, dạt dào. Tình thương của mẹ đã dành cho cha tôi từ những ngày tôi mới mở mắt chào đời! Tuy không thấy, nhưng qua câu chuyện tôi hình dung tình thương ấy thật tràn đầy và bao la như biển trời…
Chợt tôi ngước nhìn lên bóng mát sum suê của hàng phượng. Những giọt nắng yếu ớt như còn lưu luyến hình bóng của ngày. Chiều xuống thật nhẹ, thật êm như đang du hồn về một cỏi bình yên nào. Trên cao, tàn lá xanh mướt điểm một vài bông hoa màu đỏ hồng, đang lung linh trước gió, chao lượn như từng gợn sống nhấp nhô ẩn hiện, nhưng êm đềm như khuôn mặt của mẹ tôi đang rưng rưng hai giọt lệ mừng !.