main billboard

Tôi tin chắc chắn sẽ ảnh hưởng, nhưng mức độ thế nào thì chưa rõ. Ðiều mọi người đều thấy là ông Jeb Bush của đảng Cộng Hòa đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng chuyện bà Clinton sử dụng email cá nhân và không nộp cho chính phủ sau khi rời nhiệm sở là điều chứng tỏ “thiếu minh bạch.”



LTS: Trong những ngày gần đây, chuyện sôi nổi nhất trong chính trường Hoa Kỳ - đến mức đã có người gọi là 'xì căng đan' - là chuyện trong suốt thời gian làm ngoại trưởng, bà Hillary Clinton sử dụng email cá nhân chứ không phải của chính phủ. Ðể giúp quý độc giả biết rõ những gì đã và đang xảy ra, nhật báo Người Việt có cuộc trao đổi với đặc phái viên Nguyễn Văn Khanh đang làm việc tại Washington, DC, về đề tài được dự đoán sẽ ảnh hưởng tới quyết định tranh cử tổng thống của nhân vật được xem là đang dẫn đầu cuộc đua tiến về Tòa Bạch Ốc năm 2016.

hillary clinton 1
Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

Người Việt (NV): Ðầu tiên, xin anh tóm lược chuyện gì xảy ra?

Nguyễn Văn Khanh: Chuyện đang được nói tới là chuyện bà Hillary Clinton sử dụng email cá nhân trong tất cả những cuộc trao đổi thư từ qua lại, thay vì phải sử dụng email của Bộ Ngoại Giao, tức là email nằm trong hệ thống của chính phủ liên bang Hoa Kỳ.

Tin này được nhật báo The New York Times tiết lộ hôm Thứ Ba tuần này (mùng 3 Tháng Ba) và sau đó nhân viên đang làm việc trong ban tham mưu của bà lên tiếng xác nhận, nhưng họ cũng nói rất rõ là bà cựu ngoại trưởng không vi phạm luật lệ mà Bộ Ngoại Giao đặt ra. Không chỉ nói điều đó, dàn tham mưu của bà Clinton đang lựa những email mang nội dung trực tiếp liên quan đến cộng việc để nộp lại cho Bộ Ngoại Giao, nói là họ chỉ giữ lại những email mang tính cá nhân.

NV: Có phải là các viên chức chính quyền - kể cả bà Clinton - đều có email của chính phủ, nhưng bà Clinton không sử dụng?

Nguyễn Văn Khanh: Thoạt đầu ai cũng tưởng như thế, nghĩ rằng tất cả nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang đều có email của chính phủ, nhưng tờ The New York Times cho hay với trường hợp của bà Clinton thì không. Tờ báo cho biết bà Clinton không có email của Bộ Ngoại Giao (chấm dứt bằng chữ state.gov) mà chỉ có email riêng. Khác biệt giữa hai loại email này là tất cả email chính phủ đều tự động được giữ lại và sử dụng làm tài liệu khi cần thiết, còn email cá nhân thì người làm chủ sẽ giữ, chính phủ không biết tới.

NV: Anh có ghi nhận được chi tiết nào về email cá nhân của bà Clinton không?

Nguyễn Văn Khanh: Thưa có. Ðến giờ tin tức cho thấy một tuần lễ trước ngày nhậm chức ngoại trưởng, bà Clinton cho đặt ngay trong nhà của bà ở New York một “server” để nhận và gửi email. Nhật báo The Washington Post cho hay hệ thống email cá nhân của bà Clinton là clintonemail.com, nhưng chưa rõ ngoài email này, bà còn có địa chỉ email nào khác hay không, chẳng hạn như gmail, yahoo...

NV: Khi dùng email cá nhân cho công việc của chính phủ, bà Clinton có vi phạm luật lệ liên bang hay không?

Nguyễn Văn Khanh: Ðến giờ câu hỏi này vẫn là câu hỏi chưa thể trả lời vì chưa thấy ai nói tới những lỗi mà bà Clinton đã phạm phải. Mọi người đang phân tích luật lệ, trước khi nói bà đã phạm những lỗi nào. Xin được nói thêm là chính phủ liên bang Hoa Kỳ áp dụng luật Lưu Trữ Hồ Sơ (Federal Records Act) và tất cả những email của chính phủ đều được lưu trữ trong công khố, còn email cá nhân như trường hợp của bà Clinton thì chính bà là người giữ, vì được lưu lại trong “server” riêng của bà.

Tôi cũng được biết là với các viên chức giữ vai trò quan trọng trong chính phủ, họ có một hệ thống email riêng, được gọi là “hệ thống liên lạc mật,” chẳng hạn như khi liên lạc với tổng thống, với bộ trưởng Quốc Phòng, với người điều hành Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia,... bà Clinton sử dụng hệ thống trao đổi thư nội bộ này, khi cần liên lạc với các tòa đại sứ, các quốc gia, bà lại sử dụng một hệ thống khác nữa, thường được gọi là “diplomatic cable.” Theo lời phát ngôn viên Nick Merrill của bà Clinton thì bà “làm rất đúng nguyên tắc,” ý muốn nói là những chuyện quan trọng bà sử dụng hệ thống trao đổi tin tức nội bộ, còn email cá nhân chỉ được bà sử dụng cho những chuyện không mang tính quốc gia, đại sự.

NV: Có phải bà Clitnon là vị ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên sử dụng email cá nhân để giải quyết công việc không?

Nguyễn Văn Khanh: Theo ông phát ngôn viên Merrill thì trước bà Clinton, các vị ngoại trưởng khác đã làm điều này, tức là đã có người sử dụng email cá nhân, nhưng ông không nói rõ những vị ngoại trưởng đó là ai, cũng không cho biết những người đó sử dụng cả email của Bộ Ngoại Giao và email cá nhân, hay chỉ sử dụng email riêng như bà Clinton đã làm.

Trích dẫn lời một viên chức của Bộ Ngoại Giao nhưng không nêu tên, đài truyền hình ABC cho hay ba vị tiền nhiệm của bà Clinton “mỗi người sử dụng email một khác,” chẳng hạn như bà Condoleeza Rice “chỉ sử dụng email của Bộ Ngoại Giao,” ông Colin Powell “sử dụng email của bộ cho công việc của chính phủ, email cá nhân cho những việc mang tính cá nhân,” còn bà Madeleine Albright thì “không hề sử dụng email.”

NV: Tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại Giao về chuyện này như thế nào?

Nguyễn Văn Khanh: Theo bà phát ngôn viên Jen Psaki, Bộ Ngoại Giao đang lưu trữ rất nhiều tài liệu liên quan đến bà Clinton và công việc bà đã làm, trong đó có cả những email trao đổi nội bộ và “diplomatic cable,” nhưng bà Psaki không cho biết bộ có giữ những email bà Clinton sử dụng qua hộp thư email cá nhân hay không.

Một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại Giao là bà Marie Harf thì nói là “không có quy định nào cấm cản sử dụng email cá nhân” để giải quyết công việc của chính phủ, miễn là “cuối cùng tất cả những email đó đều được lưu trữ lại trong công khố.” Nhưng bà Marie Harf không dám chắc là bà Clitnon đã nộp cho công khố tất cả những email cá nhân mà bà đã dùng để giải quyết công việc chính phủ hay chưa.

NV: Chắc anh cũng biết thời đại này là thời đại “tin tặc” (hacker) hay tấn công. Liệu hệ thống email cá nhân của bà Clintin có bị tấn công không?

Nguyễn Văn Khanh: Ðây cũng là câu hỏi chưa được trả lời. Chúng ta chưa biết mức độ an ninh của hệ thống email cá nhân của bà cựu ngoại trưởng Mỹ như thế nào, đã bị tin tặc tấn công lần nào hay chưa, hoặc có an toàn như hệ thống của chính phủ không. Tôi còn nhớ chính bà phát ngôn viên Harf cũng không trả lời được câu hỏi này, chỉ nói với cánh nhà báo là “quý vị nên hỏi thẳng bà Clinton.”

NV: Chuyện này ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu cử 2016?

Nguyễn Văn Khanh: Tôi tin chắc chắn sẽ ảnh hưởng, nhưng mức độ thế nào thì chưa rõ. Ðiều mọi người đều thấy là ông Jeb Bush của đảng Cộng Hòa đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng chuyện bà Clinton sử dụng email cá nhân và không nộp cho chính phủ sau khi rời nhiệm sở là điều chứng tỏ “thiếu minh bạch.”

Cũng có một vài đồn đãi cho rằng chuyện đang gây ồn ào sẽ đẩy bà Clitnon tới chỗ sẽ phải tuyên bố tranh cử tổng thống sớm hơn, để dư luận không chú ý tới chuyện email, mà sẽ dồn chú ý vào chuyện bà hơn ai, thua ai, hơn điểm nào, thua điểm nào, có thắng cử được hay không... Tôi xin nhắc lại đó chỉ là đồn đãi.

Nhưng điều không thể chối cãi được là bất cứ điều gì bà Clinton làm đều có người khen, kẻ chê, người ủng hộ, kẻ chống đối, và càng gần đến năm 2016 chuyện này càng rõ rệt hơn. Tôi còn nhớ có lần nói chuyện với một nhà quan sát bầu cử, ông bảo với tôi là với trường hợp của bà Clinton, “nước Mỹ có sẵn một tập thể cử tri ủng hộ bà làm tổng thống, những cũng có sẵn một lực lượng cho rằng bà Clinton là người không thể tin tưởng được, họ luôn luôn nghĩ là bà ta giấu diếm một điều gì đó.”

NV: Cảm ơn anh Khanh.