“Nếu Trung Quốc thực sự xây dựng những phi trường hoạt động được và các cơ sở khác trên các hòn đảo mà họ mới tạo dựng nên, thì họ có thể tăng cường cho những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của họ.”
Sự việc Trung Cộng đang vội vàng và hăng hái xây dựng một loạt những kiến trúc trên các bãi cạn đang bị tranh chấp ở Biển Đông đang tạo báo động trên toàn vùng Thái Bình Dương và ở chính thủ đô Washington của Hoa Kỳ, lo ngại là Bắc Kinh đang dùng xi măng cốt sắt để hỗ trợ cho đòi hỏi đầy tranh cãi của họ về chủ quyền trên một vùng rộng lớn của một trong những hải lộ chính của thế giới.
Những hình ảnh mới
Những hình ảnh mới từ vệ tinh cho thấy Trung Cộng đang nhanh chóng nới rộng các đảo nhân tạo mà họ đang xây trên mặt của những bãi cạn ở Biển Đông.
Mới nhất, the IHS Jane's, trước kia là Jane's Defence vốn là một công ty nghiên cứu quân sự, cho thấy nạo vét và lấn biển trong năm qua tại Bãi Tư Nghĩa, thuộc quần đảo Trường Sa, đã tạo nên một hòn đảo rộng 90,000 yard vuông với hai bến đậu cho tàu bè, một sân bay cho trực thăng và điều có vẻ là một cơ sở có vẻ là một đài chống hỏa tiễn và cơ sở radar.
Hình ảnh vệ tinh chụp được hôm tháng 3 năm ngoái cho thấy chỉ mới có một cái nền xây trên mặt bãi vào lúc thủy triều lên. Một tấm hình khác cũng ở khu vực này, chụp hôm tháng 1, cho thấy một hòn đảo có người ở với những dự án xây dựng đang nhanh chóng hiện hình.
Theo Jane's, những hòn đảo nhân tạo cũng đã mọc lên nhanh chóng ở Đá Gaven, Đá Gạc Ma, Đá Chữ Thập, vốn đều là những bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc kinh đã chiếm đóng.
Theo website mang tên Asia Maritime Transparency Initiative (Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu), một cơ quan nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Thuật và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS) trên Đá Gaven mà tiếng Việt gọi là Đá Ga-ven, Bắc Kinh đã xây dựng một căn cứ và cho đồn trú lính ở đó từ năm 2003. Nay thì cơ sở này gồm một bến đậu lớn nơi tầu có thể cập bến, nhiều ổ súng và các đài radar và truyền thông. Công cuộc xây dựng bắt đầu từ 30 tháng 3 năm 2014 và được xác nhận vào tháng 8 năm 2014. Nay một hòn đảo nhân tạo mới có diện tích 300x250 m, như vậy là tổng cộng 114,000 mét vuông đất mớc đã được xây dựng lên. Những kiến trúc mới ở Bãi Gaven hầu như hoàn toàn giống ở Đá Tư Nghĩa (tên quốc tế là Hughes Reef), cũng gồm một kiến trúc hình vuông có vẻ như là một tháp phòng không.
Ở Bãi Gạc-ma, vốn là một bãi ngầm rộng 7.2 km2 đã bị Trung Cộng chiếm từ tay quân đội Hà Nội, thì cho đến năm 2014, kiến trúc nhân tạo duy nhất là một bệ nhỏ chức một cơ sở thông tin, trại lính và một bến đậu. Bệ này nay được bao vây bởi một hòn đảo với diện tích 100,000 mét vuông. Đã có những tin đồn là Bắc Kinh muốn xây dựng một phi đạo trên hòn đá này, nhưng một số chuyên gia lý luận là nó quá nhỏ để có một ảnh hưởng chiết thuật đáng kể.
Bãi Chữ Thập nay đã là một căn cứ với 200 binh sĩ có khả năng radar và theo dõi kiểm soát vùng xung quanh. Các hoạt động lấn biển bắt đầu vào tháng 8 năm 2014, nhưng các họat động quanh bãi san hô này đã bắt đầu ba tháng trước đó. Trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 11 năm ngoái, những tàu nạo vét Trung Cộng đã tạo nên một miếng đất chiếm toàn thể bãi cạn trước đó với khỏang chiều dài là 3,000 m và chiều rộng từ 200 đến 300 m. Hình ảnh từ vệ tinh của Digital Globe cho thấy là kế hoạch lấn biển của Trung Cộng đã gia tăng khu vực của Đá Chữ Thập gấp 11 lần, và làm cho nó rộng ra từ .08 đến .96 cây số vuông. Đá Chữ thập nay có thể là lớn gấp ba lần Đảo Ba Bình, vốn là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa do Đài Loạn kiểm soát. Các nhà phân tích tin là Trung Cộng có thể đang xây dựng một phi đạo trên Đá Chữ Thập.
Tạo quan ngại
Những hoạt động xây dựng này là chương mới nhất trong cuộc tranh chấp kéo dài về Biển Đông vốn đã đưa Trung Cộng đối đầu với hầu hết các nước láng giềng có hải phận lân cận và đưa Bắc Kinh trực tiếp đối đầu với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mục đích của việc Bắc Kinh lấn chiếm vùng này, theo tạp chí Foreign Policy, có thể là để củng cố việc tranh dành quyền lợi trong vùng biển giàu có, đầy tài nguyên ngư hải sản và chưa kể nguồn lợi dầu khí; nhưng đồng thời cũng là để tăng cường khả năng chế ngự quân sự trong một khu vực vốn bị Hoa Kỳ và các đồng minh chế ngự.
Trung Hoa thực sự chỉ mới dành Biển Đông trên nguyên tắc từ khi cuộc chiến Quốc Cộng chấm dứt hồi cuối thập niên 1940, khi Bắc Kinh và Dân Quốc ở Đài Loan đều dành chủ quyền trên một tấm bản đồ do Quốc Dân Đảng Trung Hoa vẽ ra, nhưng Bắc Kinh đã tăng cường việc dành chủ quyền trong những năm gần đây dưới thời Chủ Tịch Tập Cận Bình. Những hành động gây hấn như việc đưa một giàn khoan khổng lồ cùng với nhiều chục tàu hộ vệ vào vùng biển của Việt Nam hồi năm ngoái, tạo nên nhiều tháng chơi trò ú tim. Đồng thời các tàu của Trung Cộng thường xuyên gây sự với tàu đánh cá của các quốc gia khác.
Nay việc xây dựng vội vàng trên các bãi đá ngầm đang làm cho các quốc gia láng giềng của Trung Cộng lo ngại, kể cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Philippines tuyên bố tuần này là Philippines “quan ngại nghiêm trọng” về các hoạt động của Trung Cộng.
Vấn đề là liệu Trung Cộng có quyền, như họ nói, chiếm hầu như toàn thể Biển Đông, hay là liệu những cố gắng kiến trúc vội vàng ở những nơi đang tranh chấp này sẽ đi đến kết quả là qua mặt luật pháp quốc tế và thay đổi bộ mặt địa lý chính trị của một vùng đang đầy bất ổn. Manila đã kiện Trung Cộng trước một tòa trọng tài quốc tế về một số những bãi cạn tranh chấp, nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện. Thay vì vậy họ tìm cách bắt nạt các quốc gia láng giềng với cần trục và tàu nạo vét. Bắc Kinh đã từ chối không cho phép cuộc tranh chấp về Biển Đông được đưa vào nghị trình của hội nghị sắp tới đây của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN).
Giáo Sư James Holmes, giáo sư về chiến thuật của Học Viện Quốc Phòng Hoa Kỳ, được Foreign Policy dẫn lời nói, “Nếu Trung Quốc thực sự xây dựng những phi trường hoạt động được và các cơ sở khác trên các hòn đảo mà họ mới tạo dựng nên, thì họ có thể tăng cường cho những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của họ.”
Việc xây dựng này đã làm một số người lo ngại ở Washington và ở Tokyo sợ là Bắc Kinh có thể cho đồn trú không hải quân ngay giữa những hải lộ thương mại quan trọng nơi là mỗi năm chứng kiến mậu dịch lên đến 5 ngàn tỷ đô la di chuyển qua.
Các viên chức Hoa Kỳ ngày càng tập trung vào tiềm năng đe dọa của sự hiện diện tiệm tiến này của Trung Cộng trong vùng. Mới tuần này, tư lệnh của Hạm Đội 7 tuyên bố là ông đang tính chuyện đặt chiến hạm Hoa Kỳ ở Úc, để tăng cường cho nhiều chiến hạm mới sẽ được bố trí ở Singapore bắt đầu từ năm 2017.
Một viên chức của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ẩn danh, đã cho biết là việc xây dựng của Trung Cộng trên các bãi đá này “đang tạo lo ngại trong vùng về ẩn ý của Trung Quốc trong quan ngại là họ sẽ quân sự hóa các căn cứ trên các địa hình đang bị tranh cãi ở Biển Đông.”
Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thúc đẩy quốc gia của ông từ bỏ chính sách chủ hòa của thời Hậu Đệ nhị thế chiến và theo đuổi một vai trò can thiệp quân sự hơn, một phần lớn bởi chính sách gây hấn của Trung Cộng trên toàn vùng Tây Thái Bình Dương. Trước đây trong tháng này, Nhật Bản nói họ đang tính chuyện nới rộng các cuộc đi tuần trên biển ở Biển Đông.
Và điều đó nhấn mạnh cho thấy nguy cơ của những hành động khiêu khích này của Trung Cộng: Họ đang làm các quốc gia trên toàn Á Châu bực tức và lo ngại, mà nhiều trong những quốc gia này trong những năm gần đây đã từ từ tiến lại vào quỹ đạo của Bắc Kinh vì tăng trưởng kinh tế khổng lồ của Trung Cộng.
Ngoài những cố gắng tăng cường quân sự của Nhật Bản, Philippines, Malaysia và Việt Nam đều gia tăng ngân sách quốc phòng, đặc biệt là các chiến hạm để đối phó với một hạm đội ngày càng lớn của Trung Cộng. Các xưởng đóng tàu Indonesia đang lần đầu tiên chuẩn bị nhận đơn đặt hàng của một khách hàng ngoại quốc. Đó là lệnh đặt hàng của hải quân Philippines. Úc đang tăng cường thêm nữa liên hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và Nhật Bản và tăng cường thêm tàu ngầm và những hàng không mẫu hạm nhí cho hạm đội của họ. Các nhà phân tích chiến thuật nay nói đến nhu cầu cho Hoa Kỳ và Nhật bản tăng cường khả năng quân sự trên những hòn đảo ngoài khơi bờ biển Trung Cộng để giới hạn đe dọa này.
Vậy tại sao Bắc Kinh làm vậy? Theo Giáo Sư M. Taylor Fravel, chuyên gia về chính sách hàng hải của viện đại học Massachusetts Institute of Technology, thì việc Bắc Kinh biến những đảo san hô thành căn cứ hải quân và phi đạo có thể giúp đe dọa láng giềng qua việc giúp cho các lực lượng tuần duyên và hải giám của họ hoạt động xa các hải cảng của Bắc Kinh hơn. Việc này có thể mở màn cho việc lập lại cuộc chiến bằng súng bắn vòi rồng giữa các chiến hạm Trung Cộng và Hà Nội quanh giàn khoan như mùa hè năm rồi. Việc này lại càng có triển vọng xảy ra hơn nữa khi hôm tháng này Bắc kinh nói là đã tìm thấy một mỏ khí đốt “lớn” ở Biển Đông.
Nhưng ông Frazel cũng khẳng định là những tiền đồn này không giúp cho Trung Quốc đủ khả năng để xây dựng một vùng Nhận diện phòng không ADIZ trong khu vực này vì những đài radar đặt quá thấp và thiếu phi cảng đủ lớn gần đó. Ngược lại ông chỉ ra là những tiền đồn này sẽ là những mục tiêu đứng nguyên cho các đối thủ nếu chiến tranh xảy ra. Ông Fravel chỉ ra là những tiền đồn này rất dễ bị tấn công vì thiếu khả năng phòng vệ.
Điều quan trọng hơn nữa, theo Foreign Policy, là việc biến những bãi ngầm này thành những “hộp cát nhân tạo” chẳng thay đổi bao nhiêu tình hình về phương diện pháp lý. Hầu hết các luật gia quốc tế đồng ý là thay đổi những địa hình thiên nhiên không tăng cường thêm khả năng pháp lý. Điều này quan trọng vì bãi cạn và đá ngầm không có khả năng được coi là lãnh thổ cho chủ nhân của nó như là một đảo thực sự.
Tuy nhiên việc xây dựng này hiện đã tạo nên một thực tế khó khăn trên thực tế, ngay cả khi Washington đề nghị theo đuổi giải pháp ngoại giao và Philippines chờ ngày ra tòa. Điều đáng ngại, theo Giáo Sư Holmes là, “Nếu những quốc gia này không bảo vệ thành công được chủ quyền của họ thì họ sẽ làm gì? Và nếu họ không làm được gì cả, thì theo thời gian sự thực ở hiện trường sẽ củng cố thói quen quốc tế, hay cả luật pháp quốc tế nữa.Việc đó sẽ làm Bắc Kinh hài lòng lắm.”